Lợi nhuận ngân hàng dự báo chậm lại
Theo dự báo của SSI Research, với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát cuối quý II, mức tăng trưởng lợi nhuận năm nay của nhóm ngân hàng lớn tại Việt Nam sẽ thấp hơn nhiều.
Ngay từ tháng 2, khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu miễn giảm lãi suất cho những nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngân hàng đã sớm tham gia với nhiều gói tín dụng lớn có lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp.
Dù vậy, số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam tính đến ngày 20/3 đạt mức khiêm tốn 0,68%.
Chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng nhu cầu tín dụng yếu đi do các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ba ngân hàng bứt phá
Theo báo cáo phân tích về ngành ngân hàng của công ty chứng khoán SSI, đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2015-2019 (dao động từ 1,25% tới 2,81%).
Tăng trưởng tín dụng chậm được ghi nhận tại 3 ngân hàng thương mại quốc doanh Vietcombank, Vietinbank, BIDV và một số ngân hàng thương mại như MBBank và ACB.
“Điều này có thể xuất phát từ việc những ngân hàng này thận trọng hơn khi giải ngân mới nhằm hạn chế rủi ro tín dụng trong tương lai”, SSI Research phân tích.
Trong bối cảnh đó, báo cáo cho biết 3 ngân hàng VPBank, HDBank và TPBank bứt phá so mặt bằng chung với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao. VPBank có mức tăng khoảng 4,8% và HDBank tăng 5% đến hết tháng 2. Với TPBank, tăng trưởng tín dụng đạt 9% đến tháng 3.
“Chúng tôi nhận thấy VPBank và TPBank đặc biệt tích cực trong việc mua trái phiếu doanh nghiệp. Đối với HDBank, mức tăng trưởng tín dụng khá cao nhờ các thỏa thuận cho vay với một số khách hàng doanh nghiệp đã được ký vào cuối 2019″, báo cáo lý giải.
Đến nay, các ngân hàng đã tiếp tục công bố nhiều gói tín dụng mở rộng để đồng hành khách hàng vượt qua mùa dịch. Song song đó, Ngân hàng Nhà nước cũng hỗ trợ các nhà băng bằng việc giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động ngắn hạn, giảm phí giao dịch liên ngân hàng.
Video đang HOT
Trong bối cảnh cầu tín dụng yếu, Ngân hàng Nhà nước đã giao hạn mức tăng trưởng tín dụng đầu 2020 cho nhiều ngân hàng thấp hơn với mức phổ biến 2-3% so với cùng kỳ 2019.
“Việc này sẽ giúp hướng tín dụng vào những lĩnh vực an toàn hơn, tránh nguy cơ các ngân hàng đẩy cho vay vào các phân khúc rủi ro cao và giảm mức độ cạnh tranh về huy động tiền gửi, nhờ đó giảm lãi suất huy động và tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Việc giảm lãi suất đầu vào sẽ giúp phần nào bù đắp cho các ngân hàng khi phải hạ lãi suất đầu ra”, VDSC đánh giá.
Với kịch bản dịch sẽ được kiểm soát trong quý II và hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục từ quý III, thời điểm bắt đầu mùa cao điểm cho vay, VDSC giả định Ngân hàng Nhà nước có thể nới thêm 2-3% hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong nửa cuối năm. Theo đó, tăng trưởng tín dụng của mỗi ngân hàng có thể thấp hơn 2-3% so với năm 2019.
Ảnh hưởng từ quý II
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam bắt đầu phức tạp từ tuần thứ hai của tháng 3. Do đó, SSI Research ước tính tác động của dịch đối với kết quả kinh doanh của hầu hết ngân hàng trong quý I không lớn ngoại trừ một số nhà băng chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trước để có thêm nguồn dự trữ trong tương lai.
Tuy nhiên, công ty này cho rằng trong quý II, thu nhập lãi, thu nhập từ phí, thu hồi nợ xấu sẽ sụt giảm khi các ngân hàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng thông qua cung cấp các gói lãi suất cho vay ưu đãi, cắt giảm chi phí giao dịch và thanh toán.
Các chuyên gia phân tích của SSI Research đưa ra kịch bản cơ sở khi dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý II, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng năm nay sẽ tăng trưởng ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
Nguồn: SSI Research. Đồ họa: Việt Đức.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank, Vietinbank, BIDV năm 2019 tăng trưởng lần lượt 26,6%, 75%, 13,3%. Nhưng với kịch bản dự báo của SSI, mức tăng trưởng năm nay của 3 ngân hàng quốc doanh có thể chỉ đạt 4,2%, 3,2%, 10,9% tương ứng.
Với 3 nhà băng còn lại cán mốc lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng năm qua là Techcombank, VPBank và MBBank, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 2020 có thể giảm còn 6,7%, 11%, 9,3%. Cùng kỳ 2019, con số tăng trưởng của 3 ngân hàng này lần lượt là 20,4%, 12,3% và 29,2%.
Việt Đức
Khách hàng cá nhân mong được giảm lãi vay
Nhiều khách hàng cá nhân xin được hỗ trợ giảm lãi, giãn thời gian trả nợ trong khi lãnh đạo nhiều ngân hàng nhìn nhận không thể hỗ trợ tất cả mà phải xem xét, cân nhắc từng trường hợp
Nhiều ngân hàng (NH) thương mại cho biết liên tục nhận được đơn đề nghị, cuộc gọi từ khách hàng cá nhân hỏi về việc miễn giảm lãi hoặc giãn nợ cho các khoản vay đến hạn thanh toán.
Thu nhập sa sút
Chị Nguyễn Thị Linh (quận 12, TP HCM) - nhân viên một công ty may - cho biết đang nợ NH 500 triệu đồng, mỗi tháng phải trả vốn và lãi khoảng 5 triệu đồng, thu nhập để trả nợ chủ yếu từ 3 phòng trọ cho thuê. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, 2 tháng qua khách thuê trả phòng để về quê tránh dịch khiến chị mất nguồn thu, nguy cơ không đủ tiền trả lãi vay theo từng tháng. "Nếu được giảm lãi suất, gia hạn nợ trong vòng 1 năm, sau khi dịch bệnh kết thúc, tôi có thể phục hồi thu nhập để trả nợ. Còn không tôi phải mượn tiền từ người thân để hằng tháng thanh toán cho NH" - chị Linh nói.
Nhiều năm trước, anh Lê Viết Trung (quận Tân Bình, TP HCM) vay NH 1,6 tỉ đồng mua nhà để ở, đến nay còn nợ 900 triệu đồng. Hằng tháng, vợ chồng anh tích lũy từ tiền lương, tiền làm thêm trả cho NH khoảng 10 triệu đồng (bao gồm gốc lẫn lãi). Từ khi có dịch bệnh, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn nên chủ doanh nghiệp (DN) giảm tiền lương, không bố trí việc làm thêm; thu nhập anh Trung giảm đáng kể, vợ chồng gói ghém tối đa vẫn không đủ tiền trả cho NH hằng tháng.
Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, rất nhiều người đã vay tiền NH để mua nhà, vay tiêu dùng để tự kinh doanh hoặc cho con cái học tập... nay gặp khó trong việc trả nợ đúng hạn. "Hiện mỗi tháng, chỉ tính riêng khoản vay mua nhà của 2 vợ chồng đã gần 12 triệu đồng, trong khi tôi buộc phải ở nhà trông con gần 2 tháng nay. Thu nhập của chồng tôi cũng giảm đáng kể. Tôi đã liên hệ NH xin giãn nợ hoặc giảm lãi vay để giảm bớt áp lực trả nợ thời điểm này" - chị Ngọc Khanh (ngụ quận Bình Thạnh) nêu rõ.
Những ngày này, nhiều NH cho biết đang lúng túng trước tình trạng khách hàng cá nhân ồ ạt nộp đơn hoặc điện thoại đề nghị hỗ trợ. Một số NH đã triệu tập các cán bộ chủ chốt họp trực tuyến để bàn thảo, đưa ra các phương án, điều kiện giảm lãi suất, gia hạn nợ cho khách hàng cá nhân.
Khách hàng cá nhân cũng mong được hỗ trợ từ các ngân hàng. Ảnh: TẤN THẠNH
Không hỗ trợ đại trà
Một lãnh đạo NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết rất nhiều cá nhân thông báo không đủ tiền tích lũy để trả góp vốn và lãi mỗi tháng, đặt NH vào thế tiến thoái lưỡng nan. Bởi lẽ, quá nhiều người vay gặp khó khăn, nếu NH không gia hạn nợ, giảm lãi suất thì khoản vay đó sẽ rơi vào nợ xấu. NH phải dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ này, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh doanh. Mặt khác, NH cũng rất khó thẩm định, đánh giá nhóm khách hàng cá nhân có phục hồi được thu nhập, bảo đảm khả năng thanh toán khoản vay sau khi dịch bệnh kết thúc. Vietcombank quyết định không hỗ trợ đại trà mà dự kiến sẽ hỗ trợ ngay cho cá nhân thuộc diện cách ly. Người vay chứng minh được giảm thu nhập sẽ được giảm lãi suất hoặc gia hạn trả nợ trong vòng 1 năm. "Nếu là người bị cách ly thì phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế. Cá nhân là viên chức, công chức, công nhân lao động phải có văn bản xác nhận giảm thu nhập từ chủ đơn vị sử dụng lao động. Còn người có nguồn thu từ dịch vụ (cho thuê nhà, phòng trọ...) hay mua bán nhỏ lẻ phải có văn bản chứng minh hoạt động kinh doanh của mình bị gián đoạn, doanh thu và thu nhập giảm" - lãnh đạo Vietcombank nói về điều kiện xem xét giãn nợ.
Một cán bộ chủ chốt của NH TMCP Tiên Phong (TPBank) cho hay phần lớn thu nhập của nhóm khách hàng cá nhân, đặc biệt là viên chức, công chức đều thông qua tài khoản nên việc xác định không khó.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho biết đã triển khai các hoạt động hỗ trợ khách hàng bằng các quy định, hướng dẫn cụ thể, trong đó quy định rõ về các đối tượng, điều kiện được hưởng hỗ trợ cũng như các hình thức hỗ trợ của NH với các khách hàng trên toàn quốc. TPBank xem xét giảm lãi vay với các khách hàng DN và cá nhân có khoản nợ hiện hữu với mức giảm 0,5%-1%/năm so với lãi suất trên hợp đồng, tổng dư nợ dự kiến được giảm lãi khoảng 30.000 tỉ đồng. Ngay trong tháng 3-2020, TPBank thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ cho gần 1.000 khách hàng với tổng dư nợ trên 3.000 tỉ đồng và sẽ tiếp tục triển khai việc này trong các tháng tới...
Tại NH Á Châu (ACB), ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc, thông tin từ ngày 18-3 đến nay, ACB đã tiếp nhận gần 400 khách hàng yêu cầu giảm lãi suất, gia hạn nợ với tổng số tiền 4.000 tỉ đồng. Riêng nhóm khách hàng ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp bởi dịch bệnh, ACB cung cấp gói tín dụng 5.000 tỉ đồng hỗ trợ người vay theo hướng không trả vốn và lãi trong năm đầu tiên để khách hàng có đủ thời gian khôi phục doanh thu, tích lũy thu nhập.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đang soạn thảo quy định nội bộ liên quan chính sách hỗ trợ cụ thể cho khách vay cá nhân. "Để có chính sách áp dụng đồng nhất cho cả hệ thống là không dễ, chúng tôi sẽ cân nhắc từng trường hợp khách hàng. Khách vay cá nhân thuộc rất nhiều ngành nghề khác nhau nên phải cân nhắc kỹ" - ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Sacombank, giải thích.
Hỗ trợ để kích cầu tiêu dùng
Theo chuyên gia tài chính - TS Đinh Thế Hiển, cá nhân đang vay NH thật sự rất khó khăn trong khi các chính sách hỗ trợ hiện nay mới tập trung nhiều vào DN mà chưa có hướng cụ thể hỗ trợ khách hàng cá nhân - đối tượng có tỉ trọng tín dụng ngày càng tăng trong tổng dư nợ nền kinh tế. Việc hỗ trợ DN là đúng nhưng cũng cần quan tâm đến cá nhân nhiều hơn.
"Trong những cuộc khủng hoảng kinh tế, việc kích cầu tiêu dùng rất quan trọng. Nhiều quốc gia đã hỗ trợ người dân bằng tiền mặt. Khi người tiêu dùng nhận được sự hỗ trợ sẽ mua sắm, giúp DN bán được hàng, tạo ra công ăn việc làm. Ở nước ta hiện giờ tâm lý lo ngại dịch đã tác động đến người tiêu dùng khiến họ hạn chế chi tiêu, nhất là những cá nhân đang vay NH càng phải tính toán tiết kiệm để có thể trả nợ. Do đó, các NH cần chủ động hơn trong việc thực hiện giảm, giãn nợ cho khách hàng 3-6 tháng để họ có thể an tâm, không quá áp lực trong việc trả nợ" - TS Đinh Thế Hiển đề xuất.
TS Bùi Quang Tín (Trường Đại học NH TP HCM) cũng cho rằng nhu cầu trước mắt của người đang nợ NH là nhanh chóng giảm chi phí vay. Ngành NH có thể ban hành quy định người vay chỉ cần kê khai thu nhập, doanh thu, tình hình hoạt động thực tế... là được giảm lãi suất, gia hạn nợ. Sau đó, khi hết dịch NH sẽ tiến hành kiểm tra. Nếu phát hiện khách gian lận, NH có thể đưa ra biện pháp chế tài, xử phạt; thậm chí pháp luật có thể điều chỉnh cho phép NH công khai danh tính khách hàng trục lợi chính sách hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19.
Cần điều chỉnh lại cách tính lãi vay
Một số chuyên gia tài chính phân tích: Do NH áp dụng lãi suất cho vay bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng cộng với biên độ 3%-4% nên nhiều người đã vay tiền mua nhà từ các năm trước hiện đang trả lãi suất rất cao (11%-12%/năm), có thể họ sẽ không gồng nổi chi phí này khi thu nhập giảm sút.
Gần đây, các NH chỉ giảm lãi suất tiền gửi đối với kỳ hạn dưới 6 tháng theo yêu cầu của NH Nhà nước. Riêng tiền gửi kỳ hạn 12,13 tháng luôn neo trên 8%/năm (chỉ áp dụng cho số tiền gửi từ 100 tỉ đồng hoặc 300 tỉ đồng trở lên). Các mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 18-36 tháng ở nhiều NH lại thấp hơn kỳ hạn 12 và 13 tháng. Đây là điểm chưa hợp lý, NH chưa sòng phẳng với người vay, bởi có bao nhiêu khách hàng gửi từ vài trăm tỉ đồng trở lên? Thực tế, một số NH muốn giữ lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 và 13 tháng ở mức cao nhằm dùng để tham chiếu tính lãi suất cho vay cao tương ứng, vì hiện mặt bằng lãi suất huy động vốn bình quân chỉ khoảng 6%-7%/năm.
Do đó, nhiều khách hàng đề nghị một phương án khác trong trường hợp NH thương mại khó giảm lãi, giãn nợ khoản vay cũ là giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng xuống tương ứng với các mức lãi suất trung dài hạn khác. Như vậy, lãi suất huy động tham chiếu để tính lãi vay cũng sẽ giảm khoảng 2 điểm % so với hiện tại, góp phần bớt áp lực chi phí trả nợ cho khách hàng.
THY THƠ - THÁI PHƯƠNG
Lãi suất ngân hàng tháng 3 biến động thế nào? Trong tháng 3, lãi suất tiền gửi và cho vay tại nhiều ngân hàng có sự sụt giảm nhẹ. Đầu tháng 3, nhiều ngân hàng đồng loạt điều chỉnh lãi suất với phần lớn là giảm. Có thể kể đến các ngân hàng đã giảm lãi suất gần đây như: Techcombank, VPBank, MBBank, ABBank, Ngân hàng Bản Việt... Bảng lãi suất vừa công...