Lợi nhuận ngân hàng co lại, khối nợ xấu tăng lên
Nợ xấu tại một số ngân hàng đã tăng trong quí 1/2020, nguyên nhân chính do tác động của dịch bệnh Covid-19. Dự báo, con số nợ xấu sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Nợ xấu tăng
Đến nay, đã có hơn 10 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 1/2020, đáng chú ý là nợ xấu có xu hướng gia tăng.
Báo cáo của Saigonbank cho thấy, nợ xấu nội bảng đã tăng tới 95% trong 3 tháng đầu năm, lên 377 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ngân hàng này tăng mạnh từ 1,96% lên 2,65%.
Tại Kienlongbank, nợ xấu bất ngờ tăng vọt từ 342 tỷ đồng lên 2.240 tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tính đến cuối tháng 3 lên tới 6,62% so với mức 1,02% cuối năm 2019.
Với Sacombank, nợ xấu nội bảng cuối tháng 3 là 6.046 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,94% lên 1,97%.
Còn tại Vietcombank, nợ xấu cuối tháng 3/2020 là 5.191 tỷ đồng, tăng 387 tỷ so với hồi đầu năm. Đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 0,79%. Ngoài ra, các ngân hàng khác có tỷ lệ nợ xấu tăng trong quý 1/2020 là BacABank tăng từ 0,69% lên 0,79%, SeABank từ 2,31% lên 2,34%, VIB tăng từ 1,96% lên 2,19%, tại TPBank, tính đến tỷ lệ nợ xấu là 1,87%
Nguy cơ nợ xấu tăng trong năm nay là điều đã được nhiều chuyên gia cảnh báo. Nguyên nhân chính là do dịch Covid 19 gây ra.
Hết quý 1/2020 có gần 20.000 DN tạm ngừng hoạt động, hàng chục nghìn DN đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, doanh thu giảm mạnh dẫn đến mất cân đối về tài chính, vì vậy không thể tất toán các khoản vay từ ngân hàng. Trong số này, rủi ro cao nhất là những khoản vay của các DN bất động sản, do thị trường đóng băng, đầu ra không có, tồn kho cao. Cùng với đó, nhiều DN gặp khó khăn, có những khoản vay dài, không được cơ cấu lại nợ, giãn nợ, dẫn đến nợ xấu.
Hơn nữa, dịch Covid 19 còn ảnh hưởng tới hàng triệu lao động. Nhiều người đã mất việc, tạm nghỉ ở nhà, thu nhập giảm, trong đó có khách hàng của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, mất khả năng trả nợ các khoản vay tiêu dùng.
Theo đánh giá ban đầu của Ngân hàng Nhà nước, có hơn 2 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiếm đến 23% tổng tín dụng của toàn hệ thống. Trong số đó, có những khoản vay trở thành nợ xấu.
Video đang HOT
Một lý do nữa là dư nợ tín dụng của các ngân hàng trong quý 1/2020 tăng trưởng chậm, vì vậy cũng khiến cho tỷ lệ nợ xấu tính trên tổng dư nợ tăng.
Nguy cơ vẫn tiềm tàng
Bản thân các ngân hàng cũng nhận định nợ xấu tăng. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho hay: Năm nay, DN xác định phải đối phó với suy giảm kinh doanh, thậm chí là phá sản. Nợ xấu tại ngân hàng theo đó cũng tăng cao hơn. Một số ngân hàng TMCP cho biết, hết quý 1/2020 có hàng chục nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, vì vậy nợ xấu có thể sẽ tăng 0,3% tới 1% trong năm nay.
Nhìn tổng thể, nợ xấu tại nhiều ngân hàng 3 tháng đầu năm có tăng lên, nhưng chưa phải là cao một phần nhờ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chưa chuyển nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, sang quý 2/2020 dự báo sẽ tăng cao hơn bởi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, việc làm của người lao động còn chịu ảnh hưởng tiêu cực kéo dài cả sau khi hết dịch. Do đó, nguy cơ khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, vẫn tiềm tàng.
Ngoài ra, vào giai đoạn 2014-2015, Công ty VAMC đã mua số lượng lớn nợ xấu từ các ngân hàng, với giá trị khoảng 200.000 tỷ đồng. Thời gian đáo hạn của trái phiếu VAMC là 5 năm, nghĩa là các trái phiếu này sẽ đáo hạn vào năm 2019 và 2020. Năm 2020 là thời điểm nhiều ngân hàng phải nhận lại những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC mà không xử lý được. Điều đó sẽ khiến tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng còn tăng.
Sau nhiều năm nỗ lực xử lý, nợ xấu của các ngân hàng đã có chiều hướng chuyển biến tích cực trong năm 2019. Kết thúc năm 2019, ngành ngân hàng đã đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống 1,89%. Nếu tính cả nợ xấu bán cho VAMC thì vào khoảng 4,5% và dự kiến sẽ đưa về dưới 3% vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, các nhận định cho rằng, việc đưa nợ xấu về mức dưới 3% vào năm nay sẽ khó thành hiện thực.
Trước tác động của dịch bệnh, ngành ngân hàng đã ngay lập tức vào cuộc hỗ trợ các DN, cá nhân. Đến nay, tổng gói tín dụng mà ngành hỗ trợ đã lên tới hơn 300.000 tỷ đồng. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, chính sách cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi vay đã góp phần giảm khó khăn cho khách hàng và giữ cho nợ xấu không bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, ngay cả khi tung “gói tín dụng khủng” hỗ trợ khách hàng, nợ xấu chắc chắn vẫn sẽ tăng.
Các dự báo cho thấy, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát trong quý 2, thì nợ xấu sẽ ở mức 3,7% vào cuối năm 2020 và có thể cao hơn, tùy thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế.
Để đối phó với tình trạng nợ xấu gia tăng, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, bên cạnh tập trung hỗ trợ để khách hàng không rơi vào nhóm nợ xấu, các ngân hàng phải chấp nhận giảm lợi nhuận, tăng trích lập dự phòng rủi ro. Đồng thời, phải siết chặt chất lượng tín dụng các khoản vay mới, tránh làm nợ xấu phát sinh thêm.
Trần Thủy
Lợi nhuận nhiều ngân hàng giảm mạnh trong quý I-2020
Giảm suất, tăng trưởng tín dụng thấp và tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng do nợ xấu tăng có thể làm lợi nhuận các ngân hàng giảm mạnh trong thời gian tới.
Nhiều ngân hàng giảm lợi nhuận
Tính đến hôm nay 22/4 đã có 11 ngân hàng thương mại công bố báo cáo tài chính quý I/2020, bao gồm: Vietcombank, Saigonbank, Kienlongbank, BacABank, VietBank, SeABank, Sacombank, TPBank, VIB,VPBank và ACB.
Trong đó, trái với bức tranh hồi cuối năm ngoái, đầu năm 2020, lợi nhuận nhiều ngân hàng sụt giảm so với cùng kỳ, nợ xấu tăng cao.
Theo khảo sát của phóng viên, đến thời điểm này có đến 5 trong số 10 ngân hàng giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2019 là: Saigonbank (-31%), Bac A Bank (-27%); Kienlongbank (-23%); Sacombank (-7%); Vietcombank (-11%).
Trong các ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận tăng thì VPBank đang giữ ngôi "quán quân" với mức lãi sau thuế 2.314 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ 2019. Cụ thể, thu nhập lãi thuần ngân hàng tăng 14%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 33%, lãi từ hoạt động khác cũng tăng hơn 59% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư tăng trưởng cao nhất mang về 739 tỷ đồng lãi thuần, trong khi quý I/2019 chỉ đạt hơn 171,5 tỷ đồng. Hoạt động ngoại hối cải thiện khi giảm lỗ từ 37 tỷ đồng xuống còn chưa tới 1 tỷ đồng.
Tiếp sau là VietBank với khoản lãi trước thuế 230 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 183 tỷ đồng, tăng 134%; tương tự SeABank cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 105%.
Tiếp theo là VIB là với lợi nhuận sau thuế hơn 860 tỷ đồng, tăng 33%; TPBank đạt 809 tỷ đồng, tăng 19%; ACB đạt 1.537 tỷ đồng, tăng 13%.
Trong khi ở chiều ngược lại, lợi nhuận của Vietcombank giảm 11%, còn 4.178 tỷ đồng sau thuế; Sacombank giảm gần 7%, xuống còn 785,7 tỷ đồng; Bac A Bank giảm 27%, còn 142,8 tỷ đồng.
Tại Kienlongbank lợi nhuận trước thuế cũng chỉ ở mức 57 tỷ đồng, giảm gần 23% so với cùng kỳ 2019, chủ yếu do trích lập dự phòng nợ xấu tăng cao.
Sau nhiều quý liên tục tăng trưởng dương thì nay nhiều ngân hàng đã phải giảm lợi nhuận trước ảnh hưởng của Covid-19
Cá biệt, tại Saigonbank, trong 3 tháng đầu năm ngân hàng này không tăng trưởng được cả huy động lẫn cho vay (giảm lần lượt 0,8% và gần 11% so với cùng kỳ), dẫn đến lợi nhuận quý I chỉ còn gần 44 tỷ đồng, giảm 34%.
Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối thì trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, Vietcombank, ACB, VIB, TPBank là các ngân hàng đang dẫn đầu về lợi nhuận.
Sẽ khó khăn hơn trong quý II
Một số chuyên gia cho biết, dịch bệnh đang dần được kiểm soát, tuy nhiên, đối với ngành ngân hàng, dự báo tác động sẽ có độ trễ hơn so với các ngành khác, do đó khó khăn của các ngân hàng sẽ rơi vào quý II.
Mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 10/4, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng chỉ còn 0,8%, giảm 0,5% so với thời điểm hết quý I/2020 (tính đến ngày 31/3 đạt 1,3%).
Trong khi đó, nợ xấu toàn hệ thống dự báo sẽ tăng lên khoảng 3,7 - 4,0%.
Trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán SSI dự báo trong quý II thu nhập lãi, thu nhập từ phí và thu hồi nợ xấu của các nhà bang sẽ giảm xuống khi các ngân hàng triển khai các gói lãi suất cho vay ưu đãi và giảm phí giao dịch và thanh toán cho doanh nghiệp, cá nhân.
Do đó, SSI điều chỉnh dự báo lợi nhuận trước thuế đối với 10 ngân hàng quy mô lớn được nghiên cứu với mức giảm 11,1% nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý II, và sẽ giảm tới 16,4% nếu dịch bệnh không được kiểm soát đến cuối năm 2020.
Trong khi đó, theo tính toán của TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện đào tạo và Nghiên cứu BIDV, thu nhập hoạt động của các tổ chức tín dụng năm 2020 dự báo sẽ giảm ít nhất là khoảng 30-34 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm 20-25% kế hoạch lợi nhuận ban đầu.
Những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến hoạt động của ngành ngân hàng năm nay gồm cả trực tiếp và gián tiếp.
Trong đó các tác động trực tiếp do thực hiện các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, gồm: giảm lãi suất 0,5-1,5% đối với dư nợ hiện hữu bị ảnh hưởng bởi đại dịch và cần cơ cấu lại (theo NHNN, khoảng 2 triệu tỷ đồng); giảm lãi suất từ 1-2,5%/năm đối với cho vay mới (tổng quy mô các gói tín dụng mà các TCTD cam kết cho vay mới lên đến hơn 600 nghìn tỷ đồng); cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và không tính lãi phạt, và miễn hoặc giảm phí chuyển tiền, thanh toán...
Những tác động trực tiếp trên, các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng tổng thu nhập của các tổ chức tín dụng năm 2020 sẽ giảm từ 17.722 đến 21.828 tỷ đồng.
Còn các yếu tố tác động gián tiếp do hoạt động kinh doanh khó khăn gồm việc giảm thu lãi do tăng trưởng tín dụng thấp và tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng do nợ xấu tăng. Các tác động này có thể làm giảm khoảng 12.268 tỷ đồng thu nhập của các ngân hàng.
Linh Nhật
Lợi nhuận quý I/2020 của SeABank tăng gấp đôi nhờ đâu? Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - SeABank vừa công bố BCTC hợp nhất quý I/2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 309 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa. Trong đó, mảng tín dụng mang về khoản lãi gần 640 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ trong khi lãi thuần hoạt...