Lợi nhuận ngân hàng chỗ cao chỗ thấp
Khác với diễn biến 3-4 năm gần đây, lợi nhuận quý I của các ngân hàng đang có diễn biến trái ngược khi nhiều nhà băng sụt giảm lợi nhuận, nhưng có nơi lại tăng trưởng mạnh
Kết quả kinh doanh quý I/2020 đánh dấu quý hoạt động đầu tiên của ngành ngân hàng trước tác động của dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 1 đến nay. Tuy những tác động từ dịch bệnh chưa thể lượng hóa thành con số cụ thể nhưng tại một số nhà băng xu hướng tăng trưởng lợi nhuận trong 3-4 năm gần nhất đã bị phá vỡ.
“Gãy” xu hướng tăng trưởng lợi nhuận
Báo cáo tài chính 4 năm liền trước của Vietcombank đều ghi nhận đà tăng trưởng lợi nhuận quý I (giai đoạn 2016-2019) với tốc độ bình quân 43%/năm.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng của ngân hàng có lợi nhuận cao nhất Việt Nam này đã chính thức “gãy” trong quý I năm nay, khi lãi trước thuế tại đây đã giảm 11%.
Báo cáo tài chính mới được Vietcombank công bố cho thấy hàng loạt chỉ tiêu tài chính và kinh doanh của ngân hàng đã tăng chậm lại, thậm chí là sụt giảm.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần (nguồn thu chính của ngân hàng) 3 tháng đầu năm nay chỉ tăng gần 6,3% so với cùng kỳ, đạt 9.034 tỷ đồng. Trong khi đó, số tăng năm trước lên tới 37%.
Các mảng kinh doanh khác tại nhà băng này cũng ghi nhận mức tăng trưởng chậm hơn quý I/2019 như hoạt động dịch vụ tăng 5%; ngoại hối tăng 19%; hoạt động khác giảm 11%; thậm chí mua bán chứng khoán lỗ 54 tỷ đồng quý vừa qua…
Các chỉ tiêu này gộp lại giúp tổng thu nhập hoạt động 90 ngày đầu năm nay của Vietcombank đạt hơn 12.200 tỷ, tăng 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí hoạt động đã tăng 12% khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 5.333 tỷ, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài các chỉ tiêu kinh doanh, tổng tài sản của nhà băng này cũng đã giảm 6,4% trong quý I, hiện ở mức 1,14 triệu tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do giảm mạnh gửi tiền tại các TCTD khác từ 190.000 tỷ xuống hơn 124.000 tỷ.
Một số ngân hàng đã bị “gãy” đà tăng trưởng lợi nhuận quý I trong năm nay.
Báo cáo tài chính mới công bố của Sacombank cũng cho kết quả tương tự khi lợi nhuận trước thuế tại đây đã giảm 7% (sau 3 năm tăng liên tục).
Theo đó, số thu kỳ này của Sacombank đạt 988 tỷ, giảm hơn 70 tỷ so với cùng kỳ năm trước.
Video đang HOT
Nguyên nhân chính dẫn tới đà suy giảm lợi nhuận tại đây do khoản từ hoạt động khác (chủ yếu đến từ việc xử lý, thu hồi nợ xấu) giảm từ hơn 300 tỷ kỳ trước xuống hơn 70 tỷ đồng kỳ này. Ngoài ra, chi phí hoạt động của ngân hàng cũng tăng 21% trong khi tổng thu nhập chỉ tăng gần 10% đã ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả lợi nhuận cuối cùng.
Ngược lại, thị trường vẫn ghi nhận một số ngân hàng với kết quả lợi nhuận tăng vọt 2 đến 3 chữ số so với cùng kỳ năm trước.
Như trường hợp của VietBank, dù tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến thu nhập lãi giảm nhưng lợi nhuận của ngân hàng vẫn tăng gấp đôi nhờ hoạt động mua bán chứng khoán, đạt 230 tỷ đồng.
Cũng trong quý I vừa qua, VPBank thu về tới 2.911 tỷ tiền lãi trước thuế, tăng 63% so với cùng kỳ và là con số lợi nhuận quý I cao nhất từ trước đến nay của ngân hàng.
Thậm chí, lợi nhuận tại riêng ngân hàng mẹ VPBank đã tăng gấp đôi so với năm liền trước.
Dù kinh doanh khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, hàng loạt chỉ tiêu tại ngân hàng này vẫn ghi nhận tăng trưởng như thu nhập lãi thuần tăng 14%; lãi dịch vụ tăng 33%; chứng khoán kinh doanh tăng 860%; chứng khoán đầu tư tăng 200%…
Ngoài ra, lợi nhuận tăng vọt tại nhà băng này cũng đến từ việt cắt giảm chi phí hoạt động chính khi số phát sinh kỳ này chỉ tăng 10% trong khi tổng thu nhập tăng hơn 24%.
Tương tự, nhiều nhà băng khác cũng ghi nhận con số lợi nhuận tăng 2 chữ số như VIB tăng 33%, đạt 1.075 tỷ; TPBank tăng 18%, đạt 1.009 tỷ…
Tăng trưởng cho vay gặp khó
Diễn biến tăng trưởng lợi nhuận trái ngược nhưng xu hướng chung của các ngân hàng lớn trong quý I là việc tăng trưởng cho vay khách hàng giảm đáng kể so với số tăng cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng cho vay khách hàng tại hầu hết nhà băng đều giảm so với mức tăng cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Thiên Lý.
Như Vietcombank, tăng trưởng cho vay khách hàng của nhà băng này quý I/2019 so với cuối năm 2018 là hơn 41.000 tỷ đồng, tương đương 7%. Đến đầu năm nay, con số tăng trong cùng khoản thời gian là gần 19.800 tỷ, tương đương 3% so với cuối năm 2019.
Tương tự, tăng trưởng cho vay khách hàng của VPBank năm nay cũng mới đạt 3% quý I, trong khi cùng kỳ là 4%; tăng trưởng cho vay quý I năm nay của VIB là 4% (cùng kỳ 6%); TPBank tăng 5% quý này (cùng kỳ tăng 10%); Sacombank năm trước tăng trưởng 6% thì đến năm nay cũng chỉ tăng 3%…
Điều này cho thấy tăng trưởng cho vay khách hàng tại hầu hết nhà băng đều bị ảnh hưởng trong quý I do tác động từ dịch Covid-19 như báo cáo của cơ quan quản lý đã nêu trước đó.
Điều cũng ảnh hưởng đáng kể tới tăng trưởng thu nhập lãi thuần (tiền lãi chênh lệch từ cho vay và đi vay) của các ngân hàng.
Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong quý đầu tiên năm nay chỉ đạt 0,68%, trong khi cùng kỳ tăng 1,9%. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất của quý I trong vòng 6 năm qua.
Nó phản ánh tình trạng doanh nghiệp gần như không có nhu cầu vay vốn mới trong 3 tháng đầu năm do hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, nhiều công ty phải thu hẹp sản xuất.
Quang Thắng
Lợi nhuận ngân hàng dự báo chậm lại
Theo dự báo của SSI Research, với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát cuối quý II, mức tăng trưởng lợi nhuận năm nay của nhóm ngân hàng lớn tại Việt Nam sẽ thấp hơn nhiều.
Ngay từ tháng 2, khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu miễn giảm lãi suất cho những nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngân hàng đã sớm tham gia với nhiều gói tín dụng lớn có lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp.
Dù vậy, số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam tính đến ngày 20/3 đạt mức khiêm tốn 0,68%.
Chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng nhu cầu tín dụng yếu đi do các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ba ngân hàng bứt phá
Theo báo cáo phân tích về ngành ngân hàng của công ty chứng khoán SSI, đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2015-2019 (dao động từ 1,25% tới 2,81%).
Tăng trưởng tín dụng chậm được ghi nhận tại 3 ngân hàng thương mại quốc doanh Vietcombank, Vietinbank, BIDV và một số ngân hàng thương mại như MBBank và ACB.
"Điều này có thể xuất phát từ việc những ngân hàng này thận trọng hơn khi giải ngân mới nhằm hạn chế rủi ro tín dụng trong tương lai", SSI Research phân tích.
Trong bối cảnh đó, báo cáo cho biết 3 ngân hàng VPBank, HDBank và TPBank bứt phá so mặt bằng chung với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao. VPBank có mức tăng khoảng 4,8% và HDBank tăng 5% đến hết tháng 2. Với TPBank, tăng trưởng tín dụng đạt 9% đến tháng 3.
"Chúng tôi nhận thấy VPBank và TPBank đặc biệt tích cực trong việc mua trái phiếu doanh nghiệp. Đối với HDBank, mức tăng trưởng tín dụng khá cao nhờ các thỏa thuận cho vay với một số khách hàng doanh nghiệp đã được ký vào cuối 2019", báo cáo lý giải.
Đến nay, các ngân hàng đã tiếp tục công bố nhiều gói tín dụng mở rộng để đồng hành khách hàng vượt qua mùa dịch. Song song đó, Ngân hàng Nhà nước cũng hỗ trợ các nhà băng bằng việc giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động ngắn hạn, giảm phí giao dịch liên ngân hàng.
Trong bối cảnh cầu tín dụng yếu, Ngân hàng Nhà nước đã giao hạn mức tăng trưởng tín dụng đầu 2020 cho nhiều ngân hàng thấp hơn với mức phổ biến 2-3% so với cùng kỳ 2019.
"Việc này sẽ giúp hướng tín dụng vào những lĩnh vực an toàn hơn, tránh nguy cơ các ngân hàng đẩy cho vay vào các phân khúc rủi ro cao và giảm mức độ cạnh tranh về huy động tiền gửi, nhờ đó giảm lãi suất huy động và tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Việc giảm lãi suất đầu vào sẽ giúp phần nào bù đắp cho các ngân hàng khi phải hạ lãi suất đầu ra", VDSC đánh giá.
Với kịch bản dịch sẽ được kiểm soát trong quý II và hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục từ quý III, thời điểm bắt đầu mùa cao điểm cho vay, VDSC giả định Ngân hàng Nhà nước có thể nới thêm 2-3% hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong nửa cuối năm. Theo đó, tăng trưởng tín dụng của mỗi ngân hàng có thể thấp hơn 2-3% so với năm 2019.
Ảnh hưởng từ quý II
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam bắt đầu phức tạp từ tuần thứ hai của tháng 3. Do đó, SSI Research ước tính tác động của dịch đối với kết quả kinh doanh của hầu hết ngân hàng trong quý I không lớn ngoại trừ một số nhà băng chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trước để có thêm nguồn dự trữ trong tương lai.
Tuy nhiên, công ty này cho rằng trong quý II, thu nhập lãi, thu nhập từ phí, thu hồi nợ xấu sẽ sụt giảm khi các ngân hàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng thông qua cung cấp các gói lãi suất cho vay ưu đãi, cắt giảm chi phí giao dịch và thanh toán.
Các chuyên gia phân tích của SSI Research đưa ra kịch bản cơ sở khi dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý II, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng năm nay sẽ tăng trưởng ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
Nguồn: SSI Research. Đồ họa: Việt Đức.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank, Vietinbank, BIDV năm 2019 tăng trưởng lần lượt 26,6%, 75%, 13,3%. Nhưng với kịch bản dự báo của SSI, mức tăng trưởng năm nay của 3 ngân hàng quốc doanh có thể chỉ đạt 4,2%, 3,2%, 10,9% tương ứng.
Với 3 nhà băng còn lại cán mốc lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng năm qua là Techcombank, VPBank và MBBank, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 2020 có thể giảm còn 6,7%, 11%, 9,3%. Cùng kỳ 2019, con số tăng trưởng của 3 ngân hàng này lần lượt là 20,4%, 12,3% và 29,2%.
Việt Đức
Khách hàng cá nhân mong được giảm lãi vay Nhiều khách hàng cá nhân xin được hỗ trợ giảm lãi, giãn thời gian trả nợ trong khi lãnh đạo nhiều ngân hàng nhìn nhận không thể hỗ trợ tất cả mà phải xem xét, cân nhắc từng trường hợp Nhiều ngân hàng (NH) thương mại cho biết liên tục nhận được đơn đề nghị, cuộc gọi từ khách hàng cá nhân hỏi...