Lời nhắn da diết của người thân cảnh sát biển, kiểm ngư
“Cứ mỗi lần anh ấy được về phép là hai đứa nó cứ quấn lấy để đọc thơ, hát những bài được học trên lớp cho bố nghe. Còn khi anh đi công tác, mỗi lần gọi điện về, câu đầu tiên các cháu lại hỏi: Bố ơi, khi nào bố về với chúng con?” – chị Phạm Thị Trâm Anh, vợ của Thượng úy Hoàng Đình Trường, Trưởng ngành hàng hải tàu CSB-4033 tâm sự.
Phải vững vàng để động viên chồng
Không khó để chúng tôi tìm được căn nhà nhỏ của vợ chồng Thượng úy Hoàng Đình Trường (SN 1976), Trưởng ngành hàng hải tàu CSB-4033 tại số nhà 7B, ngõ 21, đường Nguyễn Công Trứ (TP Hà Tĩnh).
Chị Phạm Thị Trâm Anh (SN 1977, là giáo viên dạy Toán trường THPT Cẩm Bình) kể, dù đã xác định lấy chồng lính sẽ rất vất vả, chịu nhiều thiệt thòi nhưng chị cũng không khỏi chạnh lòng mỗi lúc con đau ốm, chỉ một thân một mình chị lo cho con.
Nhưng trên hết, chị vẫn tự hào có chồng là cảnh sát biển – những người làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thượng úy Hoàng Đình Trường bên con gái Hoàng Hà Linh trong một lần gia đình vào thăm anh.
Ngày 25/5, biết tin tàu CSB-4033 của bố vào bờ để tiếp lương thực, thuốc men, cháu Hoàng Đình Phúc và cháu Hoàng Hà Linh nhất quyết đòi mẹ đưa vào Đà Nẵng để gặp bố.
Dù bận công việc nhưng vì thương con nên chị xin nhà trường nghỉ ít hôm rồi đưa các cháu vào gặp bố.
“Mấy ngày hôm đó, hai đứa quấn lấy bố không rời nửa bước. Khi xa bố để về nhà, hai đứa nó không hề khóc, dù còn nhỏ nhưng dường như chúng cũng hiểu được công việc của bố, không muốn làm bố lo lắng”, chị Trâm Anh ngậm ngùi.
Video đang HOT
Khi chúng tôi hỏi: “Chị có lo lắng không khi chồng đang làm nhiệm vụ tại điểm nóng?”. Chị Trâm Anh bảo: “Lo thì cũng có lo nhưng phải vững vàng để động viên chồng chứ. Có như vậy, anh ấy mới yên tâm công tác được”.
Tại xóm Bắc Dinh (xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) bà Nguyễn Thị Tình – mẹ của trung úy Phạm Khả Đăng, thuyền phó tàu CSB-4033, đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư da giai đoạn cuối. Cha anh là ông Phạm Khả Thảo bị tai biến mạch máu não.
Vì thế nên chị Nguyễn Thị Mận (giáo viên mầm Non TP Đà Nẵng), vợ của trung úy Đăng, đã xin cơ quan tạm nghỉ việc về chăm sóc bố mẹ.
Khi tàu CSB-4033 về Đà Nẵng để sửa chữa hư hỏng do bị tàu Trung Quốc đâm lúc đang làm nhiệm vụ vào đầu tháng 4-2014, trung úy Đăng đã xin đơn vị về thăm.
Dù bệnh tật hiểm nghèo, phải chống chọi để giành giật sự sống, thế nhưng cha mẹ của trung úy Đăng đã động viên con sớm trở về đơn vị, làm nhiệm vụ.
“Trước khi đi, Đăng rất lo lắng cho sức khỏe của bố mẹ, tôi đã nói với cháu là ở nhà bố mẹ đã có vợ con và các em lo. Con cứ yên tâm mà công tác”, ông Phạm Khả Thảo tâm sự.
“Mẹ đừng lo, con đi bảo vệ Tổ quốc”
Những ngày này, bà Trần Thị Hòa (SN 1948, trú tại Làng Mới, xã Vượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) thường xuyên xem thời sự để nắm bắt tình hình trên biển Đông, nơi con bà, anh Đặng Sỹ Nguyên – kiểm ngư viên đang làm nhiệm vụ trên tàu KN 761/V3.
Khi chúng tôi tới, có nhiều người thân, hàng xóm đến chia sẻ, động viên bà Hòa khi biết anh Nguyên đang ngày đêm cùng các lực lượng khác kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
“Tôi chưa bỏ một bản tin thời sự nào phát về tình hình căng thẳng ở biển Đông. Là một người mẹ, khi con mình hằng ngày đối diện với nguy hiểm, tôi lo lắm.
Nhưng cháu cứ động viên tôi: Mẹ đừng lo, con đi bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền cho đất nước. Khi thực hiện nhiệm vụ ngoài biển thì thôi chứ vào bờ là cháu gọi điện về nhà ngay. Cách đây 1 tháng, tàu có vào Đà Nẵng nên cháu có tranh thủ gọi về. Nghe cháu khỏe mạnh, tôi mừng lắm”, bà Hòa cho biết.
Được biết, anh Đặng Sỹ Nguyên là con út trong gia đình có 3 anh em. Năm nay anh đã 31 tuổi nhưng chưa hề nghĩ tới chuyện lập gia đình.
Bố anh là ông Đặng Công Thành (SN 1947) mới mất cách đây khoảng 6 tháng vì ung thư dạ dày. Cuộc sống gia đình phụ thuộc vào 2 sào ruộng nên rất khó khăn.
“Cũng nhiều lần tôi có hỏi cháu chuyện lập gia đình nhưng nó bảo là công việc của nó thì đi suốt ngày, lấy vợ về lại khổ cho vợ. Và điều quan trọng nhất là thực hiện tốt nhiệm vụ của Tổ quốc giao phó”, bà Hòa nói.
Ở cùng xã với bà Hòa là nhà bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1970, trú tại xóm Đông Huề, xã Vượng Lộc, Can Lộc) – mẹ của chiến sĩ Võ Đình Trung (SN 1991), thuộc tàu CSB 4032.
Bà Nguyễn Thị Tuyết luôn tự hào về anh Võ Đình Trung- chiến sĩ tàu CSB 4032.
Bà Tuyết cho biết, mới đây, vào ngày 29/5, anh Trung đã được kết nạp Đảng ngay trên tàu.
Khi nhắc về người con trai của mình, bà Tuyết bộc bạch: “Vào ngày 16/5, Trung có gọi về nhà báo tin là tàu của mình bị tàu Trung Quốc đâm hư hỏng, phải vào Đà Nẵng sửa chữa. Khi nghe cháu nói vậy, gia đình rất lo lắng, thương cháu vô cùng.
Tôi chỉ biết động viên an ủi cháu cứ yên tâm công tác, mọi công việc ở nhà đều bình thường, cháu không phải lo lắng. Và cháu hứa sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được đơn vị giao. Tôi rất tự hào về cháu”.
Để các cán bộ, chiến sĩ CSB, kiểm ngư yên tâm trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, gia đình luôn là hậu phương vững chắc, luôn dõi theo bước chân của chồng, con mình làm nhiệm vụ…
Văn Đức
Theo_VietNamNet
Đã có phương án đối phó với giàn khoan Nam Hải 9
Tối qua 19.6, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho hay theo thông tin mà Cục Hải sự Trung Quốc công bố thì giàn khoan mới mà nước này đang kéo ra biển Đông sẽ hạ đặt tại thềm lục địa của Trung Quốc. Tọa độ dự kiến hạ đặt giàn khoan này là 17 độ 14,1 vĩ bắc, 109 độ 31 kinh đông trên biển Đông thuộc vùng biển đảo Nam Du Lâm trong thềm lục địa Trung Quốc khoảng 50 - 60 hải lý.
Ảnh minh họa
Vị trí này cách các đảo của Việt Nam là đảo Cồn Cỏ chừng 130 hải lý, đảo Lý Sơn khoảng 140 hải lý. "Đây là khu vực mà cách đây 5 năm, Trung Quốc đã đặt một vài giàn khoan vẫn hoạt động đến bây giờ. Hiện chúng tôi vẫn theo dõi sát sao tình hình và đã có những phương án dự liệu luôn sẵn sàng các kịch bản đối phó với nhiều tình huống có thể xảy ra", thiếu tướng Đạm cho hay.
Lãnh đạo Cảnh sát biển cũng cho biết thêm, giàn khoan Nam Hải 9 là loại giàn nửa chìm nửa nổi thuộc Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC). Giàn khoan này bắt đầu di chuyển từ tọa độ 17 độ 38 vĩ bắc, 110 độ 12,3 kinh đông đến vị trí mới từ ngày 18.6. Dự kiến, hôm nay 20.6 giàn khoan Nam Hải 9 sẽ đến vị trí dự kiến hạ đặt.
Theo TNO
GS Carl Thayer: Cần đưa vấn đề giàn khoan ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc Căng thẳng leo thang xoay quanh giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam cần được đưa ra bàn luận ở cấp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) và từ đó cộng đồng quốc tế có thể yêu cầu Bắc Kinh rút giàn khoan, theo Giáo sư Carl Thayer. Giáo sư Carl Thayer (phải)...