Lời khuyên mùa Valentine: Dùng ứng dụng hẹn hò nhiều chỉ làm giảm khả năng tìm được “nửa kia”
Một nghiên cứu mới cho thấy dùng ứng dụng hẹn hò càng nhiều, chúng ta càng dễ dàng bỏ lỡ và chỉ lãng phí thời gian.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Telematics and Informatics tuyên bố các ứng dụng hẹn hò có thể gây hại nhiều hơn là có lợi trong quá trình tìm kiếm tình yêu của mọi người.
Các khảo sát từ Đại học Vienna (Áo) cho thấy việc sử dụng nhiều ứng dụng hẹn hò hơn và tiếp xúc với một lượng hồ sơ không cần thiết có thể dẫn đến cảm giác nghi ngờ bản thân rằng việc vuốt quá nhiều là “hành vi bắt buộc”. Họ kết luận: “Việc “quẹt” quá nhiều dường như rất bất lợi”.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 464 người trong độ tuổi từ 16 đến 25 để kiểm tra các kết quả không mong muốn tiềm ẩn khi sử dụng ứng dụng. Những người tham gia được khảo sát về tần suất sử dụng các ứng dụng hẹn hò, liệu họ có “quẹt quá nhiều” hay không và cách họ quyết định nên vuốt sang trái hay phải một người.
Những người tham gia cũng được hỏi về cảm giác của họ khi độc thân, liệu họ có so sánh mình với người khác và có bị choáng ngợp khi xem hồ sơ hẹn hò hay không, với những câu đồng ý/không đồng ý bao gồm: “Người khác nổi tiếng hơn tôi”, “Tôi cảm thấy lo lắng khi nghĩ về việc sẽ độc thân mãi mãi” và “Tôi cảm thấy rằng mình thấy rất nhiều đối tác tiềm năng trên các ứng dụng hẹn hò đến nỗi bị loạn, không thể xử lý thông tin”.
Tình nguyện viên cũng được hỏi về việc mình “quẹt phải” như thế nào, do ấn tượng đầu tiên hay đánh giá kỹ càng thông tin trên hồ sơ và theo tiêu chí của bản thân. Nhiều người dùng ứng dụng thừa nhận họ hiếm khi hẹn hò trực tiếp với những người mà họ tương hợp, hoặc thậm chí từ chối nhắn tin cho họ. Điều này khiến quá trình hẹn hò hoàn toàn trực tuyến và thiếu giao tiếp thực tế.
Báo cáo viết: “Những người lướt quá mức được báo cáo là bị choáng ngợp bởi số lượng đối tác dường như có sẵn dồi dào trên các ứng dụng hẹn hò hơn là những người lướt vừa phải. Việc “quẹt” quá nhiều phần lớn gây bất lợi, bất kể bạn chọn như thế nào”.
Video đang HOT
Tìm được một nửa phù hợp có thể nâng cao sự tự tin và khiến một người kỳ vọng về một mối quan hệ lâu dài trong tương lai. Thế nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng hẹn hò trực tuyến có thể gây nghiện vì những lần tương hợp mang lại cảm giác hài lòng như phần thưởng cho việc sử dụng thường xuyên, đồng thời sẽ “không dẫn đến sự từ chối rõ ràng”.
Các thuật toán trên ứng dụng hẹn hò có xu hướng ưu tiên những hồ sơ dành nhiều thời gian hơn cho ứng dụng.
“Phát hiện của chúng tôi cho thấy những người dùng ứng dụng hẹn hò thực sự quan tâm đến việc gặp mặt trực tiếp ai đó nên cố gắng hạn chế thao tác ‘quẹt’ và không bị phân tâm bởi những sự hài lòng tức thì”, Marina Thomas, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu cũng kết luận mọi người có xu hướng kén chọn hơn trên các ứng dụng hẹn hò vì họ có vô số tùy chọn, khiến họ có kỳ vọng cao hơn về việc lựa chọn đối tác: “Mọi người không ngừng tìm kiếm ngay khi họ đã tìm thấy một lựa chọn phù hợp, cố gắng tối đa hóa lựa chọn của mình”.
Về mặt lý thuyết, số lượng các lựa chọn tăng thêm áp lực vì nó làm tăng cơ hội tìm được một đối tượng ưng ý và khiến mọi người cảm thấy mình như một kẻ “thất bại” nếu không tìm được “ nửa kia” đích thực. “Những ứng dụng này được thiết kế để tăng cường kết nối của con người, nhưng vuốt quá nhiều chỉ khiến bạn dễ dàng bỏ lỡ hơn”, Thomas nói.
Valentine: Hãy xem vợ như tình nhân
Một chàng trai từng cầm cố xe đạp, cắm nồi cơm điện lấy tiền mua hoa hồng và sô-cô-la chỉ để thể hiện tình yêu với nàng nhưng đã 15 mùa Valentine đi qua từ lúc về chung một nhà, tôi chưa từng một lần tặng hoa cho vợ.
Tôi từng cầm cố xe đạp lấy tiền mua hoa hồng và sô-cô-la tặng người yêu 20 năm trước (Ảnh minh họa)
Chuyện 20 năm trước tôi cầm cố xe đạp, cắm luôn cả chiếc nồi cơm điện để mua hoa hồng và sô-cô-la tặng người yêu ngày Valentine đến giờ vẫn được bạn bè nhắc đến như một kịch bản lập trình trái tim chỉ có trong sách giáo khoa tình yêu. Quả là thời điểm đó tôi hết tiền thật nhưng vẫn có thể vay bạn bè để thể hiện với người mình yêu dấu.
Nhưng không, nhất định phải cắm xe để đi bộ đến phòng trọ của nàng tặng hoa hồng và sô-cô-la nhằm chứng minh: "anh hùng trường này cóc thằng nào bằng ta". Hành động có phần "Đông-ky- sốt" có tính "xi-nê" ấy cuối cùng cũng bị lộ nhưng nó càng làm cho nàng ngưỡng mộ tôi hơn. Còn gì tuyệt vời hơn khi biết rồi đây sẽ có người phải đi bộ, ngồi gặm mì tôm cả tháng chỉ để làm cho người mình yêu vui lòng.
Tình yêu của chúng tôi sau đó ngát thơm như hoa hồng và ngọt ngào như vị sô-cô-la vậy. Càng tuyệt vời hơn khi biết bao tình yêu sinh viên dang dở, đều trở thành một "phạm trù lịch sử" thì tình yêu của chúng tôi đã nở vàng hạnh phúc trăm năm.
Nhưng kể từ độ ấy, hoa hồng ngày càng ít xuất hiện trong ngôi nhà hạnh phúc, sô-cô-la chỉ còn phảng phất đâu đó trong một số hộp bánh, gói kẹo của con.
Valentine năm đầu tiên về chung một nhà, tôi không còn nhớ ấy là ngày lễ tình nhân. Cô tình nhân bé bỏng, đỏng đảnh đáng yêu ngày nào còn ngồi vắt vẻo sau xe đạp ríu ra ríu rít đòi quà, giờ là bà bầu chờ sinh bụng to như cái trống, chân đi chữ bát, miệng thở hổn hển, thi thoảng lại cáu kỉnh chuyện chưa có tiền mua bỉm cho con. Mùi sô-cô-la đã bị mùi của bỉm sữa đánh bật ra khỏi khung trời hạnh phúc năm xưa mỗi mùa Valentine.
Những năm sau đó, Valentine gần như không còn trong suy nghĩ của cả hai vợ chồng. Riêng với vợ tôi, tình nhân chẳng bằng tình thân. Tất cả những gì yêu thương nhất, cô ấy dành trọn cho gia đình nhỏ của mình. Vợ chồng bao nhiêu năm không còn là tình nhân của nhau theo đúng nghĩa. Sô-cô-la biến mất khỏi từ điển tình yêu của chúng tôi một cách thật tự nhiên.
Cũng có năm, thấy cảnh "người đi đi ngoài phố", tay trong tay dịp 14/2, tôi thấy lòng mình xao xuyến, chợt bấm máy gọi vợ ngỏ ý làm mấy thỏi sô-cô-la. Nhưng chưa kịp dứt lời thì cô ấy giãy nảy lên: "anh bị dở người à!". Nhớ hồi còn yêu nhau, xõa tóc vào vai tôi một chiều Valentine, nàng thủ thỉ: "Sau này dù khó khăn đến mấy, anh cũng phải nhớ tặng sô-cô-la cho em trong ngày 14/2 nhé". Giờ thì áo cơm đã đè cảm xúc. Cảm giác xao xuyến, thổn thức của con tim đã lên đoạn đầu đài từ bao giờ tôi không còn nhớ nữa!
Sau này, vào mỗi dịp Valentine, cô ấy luôn phải rào trước đón sau, rằng, cấm có bày vẽ, tốn tiền, mình còn non còn nước gì nữa đâu mà cần phải thể hiện. Vì thế, trên đường trở về nhà chiều 14/2, tôi chỉ có thể rẽ vào quán vịt nướng làm nguyên con mang về. Xem như con đường tình yêu đẹp đến mấy thì cũng phải đi qua dạ dày. Hoặc "lãng mạn" hơn một chút thì làm vài cân hoa quả kèm câu nói đùa: tặng quả nghĩa là cũng đã tặng hoa vì có loài quả nào trước khi có quả mà chẳng đơm hoa. Tựa như hôn nhân hạnh phúc là kết quả của một tình yêu đẹp vậy. Những lúc như thế, vợ tôi cười tíu tít, nụ cười hạnh phúc của một người làm vườn vừa thu hoạch mùa chứ không phải của một cô gái duyên dáng trên cánh đồng hoa.
Valentine năm nay, tôi ở nhà làm bánh mật, xem như đó là sô-cô-la của riêng mình (Ảnh minh họa)
Những năm gần đây, cuộc sống bớt khó khăn không còn phải so kè hộp sô-cô-la với con vịt nướng, bó hoa hồng với cân hoa quả. Đôi lúc tôi cũng muốn trở lại cảm giác tình nhân trong ngày Valentine. Nhưng rồi công việc và những đam mê mới cuốn tôi đi theo những chân trời không có mùa hoa. Vợ tôi vẫn vậy, cô ấy chẳng bao giờ đòi quà vào dịp lễ, kể cả lễ tình nhân nhưng tôi biết, hình như đã có những tiếng thở dài khe khẽ.
Tình yêu, đôi khi không phải chuyện đủ đầy kiểu tháng nộp hết lương, tuần nộp hết... thuế. Thiếu thốn một chút, thừa thãi một chút mới mang đến những cảm xúc mới lạ.
Tình yêu chẳng có công thức, mẫu số chung cho tất cả. Valentine năm nay tôi quyết định làm bánh ngọt tặng cô ấy và xem đấy là một thứ sô-cô-la của riêng mình. Như thế chẳng phải vừa làm chồng vừa làm tình nhân đó sao?
Đi du lịch bỗng dưng "va" trúng định mệnh cuộc đời Không ít người gặp "nửa kia" của mình sau những chuyến đi. Sang Hàn Quốc du lịch, cô gái "đốn tim" anh lập trình viên điển trai Khoảng 5 năm trước, Vy Hằng (24 tuổi) đi du lịch Hàn Quốc cùng mẹ. Trên chuyến bay về, mẹ con cô bị sắp xếp ghế ngồi tách đoàn và vô tình ngồi cạnh một chàng...