Lôi kéo các nước trước phán quyết Biển Đông, Trung Quốc có thể ‘gậy ông đập lưng ông’
Các chuyên gia luật Việt Nam dự đoán Trung Quốc sẽ phải hứng chịu nhiều hậu quả tiêu cực khi lôi kéo các nước khác bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về vụ kiện “đường lưỡi bò”.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sánh, Pháp luật và Phát triển. Ảnh: Thanh Phong.
Phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về “đường lưỡi bò” Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông được nhiều chuyên gia Việt Nam và quốc tế coi là sự kiện mang tính bước ngoặt đối với tình hình khu vực.
Trao đổi với VnExpress, Tiến sĩ luật Nguyễn Toàn Thắng, Phó Viện trưởng Viện Luật so sánh, Đại học luật Hà Nội, nhận định PCA sẽ ra phán quyết có lợi cho Philippines.
Theo ông Thắng, hai nội dung quan trọng nhất là phán quyết của PCA về “đường lưỡi bò” và các cấu trúc trong quần đảo Trường Sa. Ông cho rằng Philippines đã rất khôn ngoan khi không kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền, bởi vụ kiện như vậy tại cơ quan tài phán quốc tế cần sự chấp nhận thẩm quyền của cả hai bên tranh chấp.
Hơn nữa, tranh chấp chủ quyền nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Công ước Luật biển năm 1982 ( UNCLOS). Philippines chỉ yêu cầu Tòa trọng tài giải quyết những vấn đề liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS, trong đó có việc xác định quy chế pháp lý của các cấu trúc tại quần đảo Trường Sa để quyết định xem chúng là đảo, đá hay bãi cạn nửa chìm nửa nổi, cũng như các hành vi vi phạm UNCLOS của Trung Quốc.
Bác bỏ lập luận mơ hồ
“Trong lịch sử, chưa có một cơ quan tài phán quốc tế nào được yêu cầu phân biệt cụ thể giữa đảo và đá. Phán quyết của PCA về điểm này sẽ có đóng góp rất lớn về mặt học thuật cũng như pháp lý, ảnh hưởng tới tuyên bố của các bên liên quan trên Biển Đông”, ông Thắng nói.
Theo đó, PCA ra phán quyết xác định quy chế pháp lý các cấu trúc đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm ở Biển Đông thuộc nhóm nào thì nó sẽ có vùng biển rộng bao nhiêu hải lý xung quanh theo quy định của UNCLOS. Đây cũng là căn cứ để cộng đồng quốc tế có thể xác định được có hay không các vùng biển chồng lấn ở Biển Đông.
“Điều này cũng là cơ sở để các bên đề cập tới khái niệm ‘khai thác chung’, chỉ có thể khai thác chung ở vùng chồng lấn chứ không thể ‘vào nhà người khác’ để khai thác”, ông nhận định.
Video đang HOT
Tiến sĩ luật Hoàng Ngọc Giao, Viên trương Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật & Phát triển (PLD Vietnam) cũng nhất trí rằng việc kiện Trung Quốc ra PCA là bước đi khôn khéo của Philippines, nhằm bác bỏ những lập luận mơ hồ của Trung Quốc về cái gọi là “quyền lịch sử” dựa trên “đường lưỡi bò” do nước này tự vẽ ra.
“Nếu Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của PCA, Philippines hoàn toàn có thể đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tất nhiên, với tư cách là thành viên thường trực, Trung Quốc có thể bỏ phiếu chống lại việc Hội đồng Bảo an ra tuyên bố hay có biện pháp cụ thể buộc nước này thực thi phán quyết của PCA. Nhưng vấn đề chính là Trung Quốc sẽ rất mất mặt nếu sự việc xảy ra”, ông Giao nói.
Điều quan trọng hơn, dư luận thế giới sẽ hiểu sự thật ở Biển Đông không giống như những gì bộ máy tuyên truyền khổng lồ của Trung Quốc đang rêu rao. Thế giới sẽ thấy Trung Quốc đang đứng ngoài luật pháp quốc tế chứ không chỉ là vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một vài nước trong ASEAN.
Ông Thắng cho rằng chính việc Trung Quốc với tư cách là nước ký vào UNCLOS nhưng từ chối tham gia trong khi luôn yêu sách chủ quyền trên Biển Đông cho thấy thế yếu của họ. Trung Quốc cố gắng lập luận theo hướng vụ kiện của Philippines liên quan đến chủ quyền nên PCA không có thẩm quyền. Họ cũng lợi dụng tuyên bố ngoại lệ trong UNCLOS, cho phép một bên từ chối tham gia.
Tuy nhiên, đây chính là thắng lợi của Philippines và cũng là của các nước muốn dùng biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Phản tác dụng
Trung Quốc bồi đắp, cải tạo đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS.
Hai chuyên gia luật đều cho rằng việc Trung Quốc lôi kéo các nước khác trên thế giới ủng hộ lập trường Biển Đông của họ “không nói lên gì nhiều”, thậm chí có thể gây tác dụng ngược.
Theo ông Giao, phán quyết của PCA sẽ khiến một số quốc gia bị Trung Quốc lôi kéo phải “tính lại chính sách ngoại giao” của mình.
“Phán quyết của PCA sẽ đề cập tới việc xác định các thực thể tại Trường Sa là đảo, đá, hay bãi cạn. Trung Quốc sẽ khó lòng ngang ngược, chà đạp luật pháp quốc tế như hiện tại”, ông Giao nói.
“Tôi không ngạc nhiên khi thấy một vài nước bị Trung Quốc lôi kéo, ra tuyên bố theo hướng có lợi cho Trung Quốc bởi họ bị phụ thuộc về kinh tế. Nhưng một khi PCA ra phán quyết, chắc chắn họ sẽ phải nghĩ lại khi chơi với một anh bạn thích dùng luật rừng hơn luật pháp”.
Ông Giao cho biết, ngay cả khi được một số quốc gia riêng lẻ ủng hộ, Trung Quốc vẫn không thể chối bỏ nghĩa vụ thi hành luật pháp quốc tế, vốn được ghi rõ trong UNCLOS rằng các quốc gia thành viên phải tuân thủ phán quyết của toà quốc tế.
Ông Giao lấy ví dụ trong vụ Nicaragua kiện Mỹ ra Tòa Công lý quốc tế năm 1984 – 1986 vì hành vi chi tiền viện trợ cho phiến quân Contras nhằm lật đổ chính phủ, gài mìn trong vùng biển và cảng biển Nicaragua. Trong vụ này, Tòa ra phán quyết xác định Mỹ đã vi phạm nguyên tắc không sử dụng vũ lực, yêu cầu Mỹ phải bồi thường 370,2 triệu USD cho Nicargua. Ban đầu, Mỹ từ chối thi hành bản án. Nicaragua đã đưa vụ việc ra Liên Hợp Quốc để khiếu nại, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhiều nước, dù Mỹ là thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an. Cuối cùng, dưới sức ép của dư luận trong nước và quốc tế, Mỹ phải trả cho Nicaragua 500 triệu USD dưới hình thức viện trợ kinh tế.
“Đây là ví dụ cụ thể cho thấy một siêu cường cũng không thể đứng ngoài luật pháp, Trung Quốc sẽ phải thực thi phán quyết nếu còn muốn rêu rao về ‘trỗi dậy hòa bình’. Họ sẽ bị thế giới cô lập nếu chống lại phán quyết của PCA”, ông Giao nói.
Văn Việt
Theo VNE
Trung Quốc tức giận vì PCA sắp ra phán quyết về Biển Đông
Trung Quốc tiếp tục cho rằng tòa trọng tài quốc tế không đủ thẩm quyền xét xử vụ kiện của Philippines, tuyên bố không chấp nhận cách giải quyết từ bên thứ ba.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi. Ảnh: Xinhua.
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) hôm qua thông báo sẽ ra phán quyết vào ngày 12/7 về vụ kiện của Philippines đối với "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc đưa ra nhằm chiếm gần như toàn bộ diện tích Biển Đông.
"Một lần nữa, tôi nhấn mạnh tòa trọng tài không có thẩm quyền xét xử vụ kiện và vấn đề liên quan. Tòa không nên tổ chức điều trần hoặc ra phán quyết", Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết trong thông báo dài phát đi sau đó. "Philippines đơn phương đệ đơn kiện là trái luật pháp quốc tế".
Theo ông Hồng, về vấn đề lãnh thổ và bất đồng liên quan các đường trên biển, Trung Quốc "không chấp nhận cách giải quyết từ bên thứ ba, không chấp nhận mọi nghị quyết ép buộc Trung Quốc".
Tại Manila, thư ký truyền thông tổng thống Philippines Herminio Coloma Jr. nói nước này "chờ đợi một phán quyết công bằng, góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Anna Richey-Allen tái khẳng định Mỹ ủng hộ PCA. "Chúng tôi ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp" ở Biển Đông, bao gồm sử dụng cơ chế pháp lý quốc tế như tòa trọng tài, bà nói.
Hãng thông tấn quốc gia Trung Quốc Xinhua cảnh báo vụ kiện làm tranh chấp thêm tồi tệ. Theo đó, Manila đã "không nhận ra một tòa án như vậy chỉ khiến gia tăng rắc rối" ở Biển Đông và điều này không có lợi cho các bên liên quan. Vụ kiện "có nguy cơ làm phức tạp vấn đề do nó khiến các bên liên quan tưởng rằng họ có thể thu lợi từ việc đơn phương tạo ra hỗn loạn".
Trung Quốc đòi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông dựa trên "đường lưỡi bò", còn gọi là "đường 9 đoạn", mà nước này tự vẽ ra, đi sát vào vùng biển của các quốc gia láng giềng. Philippines cho rằng tuyên bố của Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và khiến Manila bị hạn chế khai thác tài nguyên và đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế.
Giới chức Mỹ lo ngại Trung Quốc phản ứng trước phán quyết, dự đoán bất lợi cho Bắc Kinh, bằng cách lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông như từng làm ở biển Hoa Đông năm 2013 và tăng cường xây dựng, củng cố các đảo nhân tạo.
Ngoài áp lực ngoại giao, Mỹ sẽ phản ứng trước hành động như vậy bằng cách tăng cường tuần tra tự do đi lại và hỗ trợ quốc phòng cho những nước Đông Nam Á.
Trung Quốc cáo buộc Mỹ "phóng đại" vấn đề và hồi tháng 5 cảnh báo sẽ "bật lại chỉ trích từ cộng đồng quốc tế". Tuy nhiên, Bắc Kinh đều tránh đưa ra thông tin về cách họ sẽ phản ứng với phán quyết từ PCA.
Như Tâm
Theo VNE
Trung Quốc khó chịu vì Nhật chờ đợi phán quyết vụ kiện 'đường lưỡi bò' Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản không "thổi phồng" vấn đề Biển Đông trước khi PCA ra phán quyết về vụ kiện "đường lưỡi bò". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi. Ảnh: FMPRC "Một số người từ phía Nhật Bản đã thổi bùng ngọn lửa căng thẳng và cố tình khiêu khích đối đầu giữa các nước trong khu...