Lời hứa dang dở của nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới
Viện Huyết thanh Ấn Độ từng thề bảo vệ đất nước khỏi Covid-19 và cung cấp vaccine cho người nghèo trên toàn thế giới để chống lại đại dịch.
Adar Poonawalla, 40 tuổi, người đứng đầu Viện Huyết thanh Ấn Độ (ISI), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, từng cam kết đóng vai trò hàng đầu trong nỗ lực tiêm chủng chống Covid-19. Đế chế của ông đã ký các thỏa thuận trị giá hàng trăm triệu USD để sản xuất và xuất khẩu vaccine sang các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.
Nhưng những lời hứa hẹn đó đã sụp đổ. ISI không thể cung cấp vaccine như cam kết, khi Ấn Độ đang bị nhấn chìm trong làn sóng Covid-19. Điều này khiến các quốc gia và nhóm viện trợ khác phải chạy đua tìm kiếm nguồn hàng khan hiếm ở nơi khác.
Poonawalla cũng thừa nhận một mình Viện Huyết thanh không đủ khả năng giải quyết sớm vấn đề của Ấn Độ và giảm bớt gánh nặng tiêm chủng cho những nước nghèo trên thế giới. Ông cho biết sản xuất vaccine yêu cầu đầu tư lớn và cũng phải chấp nhận các rủi ro.
“Vấn đề là không ai dám chấp nhận các rủi ro như tôi đã làm từ sớm. Tôi ước những người khác dám làm như vậy”, ông nói.
Adar Poonawalla, giám đốc điều hành Viện Huyết thanh của Ấn Độ. Ảnh: NYTimes.
Tình thế khó khăn hiện tại của Poonawalla cũng chính là những gì mà Viện Huyết thanh và chính phủ Ấn Độ phải đối mặt. Vào tháng 1, khi Ấn Độ khởi động chương trình tiêm chủng và bắt đầu xuất khẩu vaccine, Thủ tướng Narendra Modi cam kết vaccine của họ sẽ “cứu nhân loại”. Nhưng thảm kịch đang diễn ra ở Ấn Độ cho thấy, ngay cả với nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới cũng không thể tự cứu mình.
Triển vọng tiêm chủng dài hạn của Ấn Độ có thể được cải thiện sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tuần trước ủng hộ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine, giúp các nhà máy Ấn Độ có thể tăng sản xuất. Tuy nhiên, điều đó không giúp ích gì cho cuộc khủng hoảng hiện tại, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 246.000 người.
ISI từng giành được sự ủng hộ của Thủ tướng Modi vì nó phù hợp với câu chuyện Ấn Độ tự lực, sẵn sàng sánh ngang với các cường quốc lớn trên thế giới mà Thủ tướng theo đuổi. Tuy nhiên, khi Ấn Độ và Viện Huyết thanh đều lâm vào cảnh khó khăn, nhiều người hoài nghi về tham vọng này.
Video đang HOT
“Năng lực của chúng tôi cực kỳ kém”, Manoj Joshi, thành viên của Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên (ORF) ở New Delhi, nói. “Chúng tôi là một nước nghèo. Tôi hy vọng hệ thống của chúng tôi có thể khiêm tốn hơn”.
Poonawalla đã tiếp quản ISI cách đây 10 năm từ bố, ông Cyrus, một tỷ phú vaccine. Trước cuộc khủng hoảng, ông được truyền thông Ấn Độ ca ngợi như một tấm gương của tầng lớp doanh nhân trẻ.
Năm ngoái, ISI ký thỏa thuận với AstraZeneca để sản xuất một tỷ liều vaccine, gọi là Covishield ở Ấn Độ. Viện cũng nhận khoản tài trợ hơn 300 triệu USD từ Quỹ Gates để đảm bảo cung ứng 200 triệu liều Covishield và một loại vaccine khác đang được phát triển cho Liên minh Gavi, đối tác giám sát Covax, chương trình phân phối vaccine cho các nước nghèo do WHO bảo trợ.
Trong giai đoạn giữa tháng 1 và tháng 3, ISI cam kết bán khoảng 1,1 tỷ liều vaccine trong những tháng tới. Nhưng cho đến thời điểm Ấn Độ dừng phần lớn hoạt động xuất khẩu vaccine hồi cuối tháng 3, ISI mới cung cấp được 60 triệu triều, một nửa trong đó cho Gavi. Gavi tuần trước phải ký thỏa thuận với Novavax, công ty vaccine của Mỹ, để giải quyết nguồn cung vaccine.
Nepal, quốc gia láng giềng của Ấn Độ, trước đó phải thay đổi luật mua bán để thanh toán trước 80% cho ISI, tương đương 6,4 triệu USD, để mua hai triệu liều Covishield. ISI đã chuyển cho Nepal một triệu liều đầu tiên, nhưng đề nghị trả lại tiền cho một triệu liều còn lại. Nepal đã từ chối nhận lại tiền, với hy vọng có thể nhận thêm được vaccine để ứng phó với thảm họa đang lan nhanh từ Ấn Độ.
“Tôi thấy buồn vì chúng tôi không thể tiếp tục giúp đỡ họ, nhưng đừng quên ưu tiên đầu tiên của tôi là quốc gia, nơi đã cho tôi mọi thứ. Rốt cuộc tôi vẫn là một người Ấn Độ. Tôi có thể là một công ty Ấn Độ toàn cầu, nhưng thực tế chúng tôi là người Ấn Độ. Chúng tôi cần lo cho chính mình, như cách Mỹ hay châu Âu đã làm”, Poonawalla nói.
Nhưng ISI cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của chính Ấn Độ.
Kế hoạch của ISI là phân chia vaccine theo tỷ lệ 50-50 giữa Ấn Độ và phần còn lại của thế giới, bằng cách trực tiếp xuất khẩu hoặc thông qua Covax. Hiện tại, ISI đóng góp 90% nguồn cung của Ấn Độ nhưng vẫn không đủ đáp ứng như cầu. Chưa đến 3% dân số Ấn Độ được tiêm chủng đầy đủ và nhiều bang đã rơi vào tình trạng cạn vaccine.
ISI đã không thể hoàn thành các cam kết của mình. Mùa thu năm ngoái, Poonawalla nói rằng trong năm nay, ISI sẽ cung cấp 100 triệu liều mỗi tháng, trong đó khoảng 40% là xuất khẩu. Nhưng sau vụ hỏa hoạn tại một cơ sở sản xuất, công suất của ISI chỉ duy trì ở mức 72 triệu liều mỗi tháng. Tuy nhiên, ông cho biết chính phủ đã tài trợ hơn 200 triệu USD để giúp công ty đạt mục tiêu này vào mùa hè năm nay.
Công nhân Viện Huyết thanh Ấn Độ đóng gói vaccine hồi tháng 1. Ảnh: NYTimes.
Hồi tháng 4, Poonawalla kêu gọi Tổng thống Biden bỏ lệnh cấm vận với nguyên liệu thô sản xuất vaccine. Mỹ sau đó cho biết họ sẽ gửi nguyên liệu thô tới Viện Huyết thanh để tăng sản lượng vaccine, nhưng Poonawalla cho biết lô hàng đó vẫn chưa tới.
Poonawalla cũng bị chỉ trích vì tính mức giá khác nhau với các lô vaccine cho chính phủ, các bang và bệnh viện tư nhân. Hai tuần trước, ISI cho biết sẽ để giá 5 USD/ liều cho các bang, cao hơn 3 USD so với các lô hàng bán cho chính phủ.
Tuần trước, sau khi vấp nhiều chỉ trích, Poonawalla đã hạ giá xuống 4 USD/liều. Tuy nhiên, nhiều người đã chỉ ra rằng trong một cuộc phỏng vấn, Poonawalla tuyên bố đang thu về lợi nhuận dù với mức giá bán cho chính phủ. Người đứng đầu ISI giải thích họ bán giá thấp hơn cho chính phủ vì lượng đặt hàng lớn hơn.
“Mọi người không hiểu. Họ chỉ nhìn vào một vài thứ đơn lẻ và lên án bạn, mà không nhận ra rằng trên thế giới mặt hàng này được bán với giá 20 USD mỗi liều nhưng chúng tôi chỉ cung cấp nó với giá 5-6 USD ở Ấn Độ”, ông nói.
Poonawalla chia sẻ ông đã nhận được rất nhiều lời phàn nàn, thậm chí đe dọa. Công ty ông tháng trước đã phải yêu cầu chính phủ Ấn Độ cung cấp thêm lực lượng an ninh. Chính phủ hai tuần trước đồng ý bố trí 4-5 nhân viên an ninh vũ trang cho Poonawalla.
Trong một cuộc phỏng vấn với Times of London tuần trước, ông kể đã nhận được nhiều cuộc gọi liên tục, hung hăng yêu cầu cung cấp vaccine ngay lập tức từ các chính trị gia và một số “những người quyền lực nhất Ấn Độ”. “Đe dọa là đã nói giảm rồi”, ông nói.
Nhưng trong cuộc phỏng vấn với NYTimes sau đó, ông bác bỏ những mối đe dọa trong khi văn phòng của ông từ chối cung cấp thông tin chi tiết. Ông cũng bác bỏ thông tin phải rời Ấn Độ tới Anh vì những lời đe dọa đáng ngại như thông tin của Times of London. Ông nói đó chỉ là một chuyến công tác kết hợp thăm con đang du học ở Anh.
Người dân ngồi chờ tiêm vaccine Covid-19 tại một bệnh viện ở New Delhi tuần trước. Ảnh: AFP.
ISI đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Anh, với khoản đầu tư nghiên cứu và phát triển lên tới 335 triệu USD, nhằm tài trợ cho các thử nghiệm lâm sàng, xây dựng văn phòng bán hàng và có thể xây dựng nhà máy sản xuất, theo văn phòng của ông Poonawalla.
“Chúng tôi đang chịu áp lực rất lớn từ chính quyền bang, thủ hiến, công chúng, bạn bè và tất cả họ đều muốn vaccine. Và tôi chỉ đang cố gắng phân phối nó một cách công bằng nhất có thể”, ông Poonawalla nói.
WHO chỉ trích sự bất công trong phân phối vaccine ngừa COVID-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ trích tình trạng gia tăng khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo xét về số lượng vaccine đã sử dụng, đồng thời gọi tình trạng bất công trong hoạt động tiêm chủng hiện nay "gây phẫn nộ trên khía cạnh đạo đức".
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 5/10/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong cuộc họp báo ngày 22/3, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết khác biệt về lượng vaccine ngừa COVID-19 tiêm chủng tại các nước giàu và nghèo gia tăng từng ngày và ngày càng trở nên phi lý khi nhiều nước giàu tiêm vaccine cho những người trẻ tuổi ít nguy cơ mắc biến chứng nặng, trong khi nhiều người dễ bị tổn thương ở các nước nghèo không có vaccine để tiêm chủng.
Người đứng đầu WHO cho đây là sự bất công cần giải quyết quyết để đảm bảo phân phối vaccine được đồng đều trên toàn thế giới. Ông nhấn mạnh sự bất công bằng trong phân phối vaccine không chỉ là vấn đề về mặt đạo đức, mà là hành động tự hại mình về mặt kinh tế và dịch tễ học. WHO từng nhấn mạnh đại dịch toàn cầu chỉ có thể hoàn toàn bị triệt tiêu khi các nước phối hợp trong phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng vaccine. Ông Tedros nêu rõ virus lây lan càng nhiều, sẽ có thêm nhiều biến thể xuất hiện, dẫn tới tới khả năng chúng sẽ "qua mặt" vaccine đã được bào chế và phát triển.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Amazonas, Brazil. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Theo số liệu tổng hợp của AFP, hơn 455 triệu liều vaccine đã được sử dụng để tiêm chủng tại 162 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. 56% trong số đó đã được tiêm chủng tại các nước có thu nhập cao chỉ chiếm 16% dân số toàn cầu, trong khi chỉ có 0,1% được tiêm chủng tại 29 nước có thu nhập thấp nhất thế giới vốn tập trung 9% dân số thế giới.
Tính đến thời điểm hiện tại, WHO đã phân phối hơn 31 triệu liều vaccine cho 57 nước và vùng lãnh thổ thông qua chương trình phân phối vaccine cho các nước có thu nhập thấp và trung bình COVAX. Mục tiêu của COVAX là cung cấp đủ vaccine tiêm chủng cho 27% dân số của 92 nước và vùng lãnh thổ vào cuối năm 2021. Ông Tedros cảnh báo nhân loại sẽ còn bị mắc kẹt trong nhiều năm nếu dịch bệnh COVID-19 chưa chấm dứt.
Vaccine COVID-19 qua đường uống sớm bắt đầu được thử nghiệm trên người Loại vaccine ngừa COVID-19 bào chế dưới dạng viên thuốc uống và sử dụng tại nhà có thể sẽ bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng trong tương lai gần. Vaccine dạng viên thuốc qua đường uống sẽ sớm thử nghiệm lâm sàng. Ảnh minh họa: Reuters Theo kênh truyền hình RT, loại vaccine tiên phong này có tên gọi là Oravax do...