Lời hứa cuối không trọn vẹn của nữ bác sĩ chống Covid-19
Tháng trước, nằm cô độc trên giường bệnh viện, Madhvi Aya hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra với mình.
Từng là bác sĩ ở Ấn Độ, Aya nhập cư vào Mỹ, sau đó trở thành trợ lý bác sĩ tại Trung tâm Y tế Woodhull, một bệnh viện công ở Brooklyn, New York, nơi bà đã làm việc hơn 10 năm. Cũng tại đây, bà đã chứng kiến Covid-19 như cơn sóng thần ập tới làm chao đảo cả thành phố như thế nào.
Trong những ngày cuối cùng của ca trực, là người trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Y tế Woodhull, bà bị nhiễm virus.
Madhvi Aya (ngoài cùng bên trái) bên con gái và chồng. Ảnh: NYTimes.
Aya, 61 tuổi, nằm lẻ loi giữa bệnh viện. Chồng và con gái không thể tới thăm dù ở cách nơi bà điều trị không xa. Bà không còn được các đồng nghiệp quen thuộc an ủi, bởi Aya đã được chuyển tới một cơ sở điều trị khác gần nhà. Trong một dòng tin nhắn gửi cho gia đình, bà mô tả về những cơn đau ngực dữ dội khi gượng dậy rời khỏi giường.
“Bệnh tình của em không cải thiện theo cách nó phải như thế”, bà nhắn tin cho chồng vào ngày 23/3.
Cơ thể ngày càng yếu đi, những dòng tin nhắn của Aya cũng ngắn và thưa dần.
“Con nhớ mẹ”, Minnoli, con gái Aya, nhắn tin cho bà vào ngày 25/3. Cô khao khát được mẹ ôm vào lòng, được trèo lên giường nằm bên cạnh mẹ. “Đừng từ bỏ hy vọng mẹ nhé vì con cũng chưa từ bỏ. Con cần mẹ. Con cần mẹ trở về với con”.
“Mẹ yêu con”, Aya nhắn lại cho con gái Minnoli vào ngày hôm sau. “Mẹ sẽ trở về”.
Nhưng Aya đã không thể giữ lời hứa đó. Bà qua đời ngay sau đó.
Các nhân viên y tế trên tuyến đầu ở Mỹ phải đối diện với nguy cơ cao mắc nCoV và thực tế, hàng nghìn người đã nhiễm virus. Nhưng không rõ bao nhiêu người đã chết vì Covid-19 ở New York sau khi chăm sóc các bệnh nhân. Giới chức y tế gần như không công khai danh tính của những nhân viên này.
Aya ban đầu chỉ gặp những triệu chứng nhẹ và bà đã chủ động tự cách ly tại nhà. Nhưng bệnh nhanh chóng trở nặng và như bao người khác, Aya phải mòn mỏi chờ đợi để được chăm sóc rồi cuối cùng chết trong cô độc.
“Bà ấy luôn ở bên bất cứ lúc nào chúng tôi cần. Nhưng khi bà ấy ốm, chúng tôi lại không thể ở bên cạnh”, Raj, chồng Aya, nói.
Aya chuyển tới Mỹ đoàn tụ với chồng vào năm 1994. Chồng bà nhập cư vào Mỹ từ 10 năm trước và hai người gặp nhau trong một lần ông trở về Ấn Độ. Bà bắt đầu làm việc tại bệnh viện Woodhull từ năm 2008 và đã trở thành một trợ lý bác sĩ cấp cao. Theo lời đồng nghiệp, bà thường xuyên giúp đỡ các y bác sĩ trẻ tuổi bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm quý báu thời bà còn làm bác sĩ gây mê và nội khoa ở Ấn Độ.
“Đây thực sự là một mất mát lớn với tất cả chúng tôi”, bác sĩ Robert Chin, giám đốc khoa gây mê bệnh viện Woodhull, viết trong email nội bộ gửi đi ngày 1/4, kêu gọi quyên góp hỗ trợ gia đình Aya bởi bà là người tạo ra thu nhập chính cho cả nhà.
Như nhiều bệnh viện khác, Woodhull đã chuyển đổi một khoa thành khu chăm sóc đặc biệt tạm thời kể từ thời điểm Covid-19 bùng phát ở New York. Khi bệnh viện rơi vào cảnh thiếu máy thở, đồ bảo hộ cho y bác sĩ và các trang thiết bị khác, họ đã nhờ các trung tâm y tế liên kết giúp đỡ và chuyển bệnh nhân đi nơi khác.
Vào tuần Aya qua đời, chỉ riêng khoa cấp cứu bệnh viện Woodhull đã có 20 người phải dùng máy thở, bác sĩ Chin cho biết.
Một nhân viên khác của Woodhull, nhân viên X quang Thomas Soto, 59 tuổi, qua đời vì nhiễm nCoV tuần trước, 12 ngày sau khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên. Soto đã cống hiến hàng chục năm tại bệnh viện và chuẩn bị nghỉ hưu. “Lý do duy nhất khiến bố tôi quyết định làm thêm một năm là để nhận được toàn bộ lương hưu. Tôi đã mất ông vì điều đó”, Jonathan Soto, con trai cả của ông Thomas Soto, nói trong nước mắt.
Minnoli cho biết cảm xúc của cô đã chuyển từ buồn đau khôn xiết sang hoài nghi. Cô giận dữ với hệ thống y tế vì nghĩ rằng họ đã không bảo vệ những y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Đôi lúc, cô giận mẹ mình vì đã không trở về nhà.
“Tôi chỉ muốn ôm mẹ và nói với mẹ rằng mọi thứ rồi sẽ ổn thôi”, Minnoli chia sẻ.
Video đang HOT
Không thể xác định Aya lây nhiễm nCoV qua con đường nào. Hồi đầu tháng ba, thời điểm Aya chưa nhiễm bệnh, các nhân viên y tế tuyến đầu chưa được hướng dẫn đeo khẩu trang cho tất cả bệnh nhân, theo lời một nhân viên bệnh viện Woodhull. Sau đó, khi cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn, các bệnh viện mới nhận ra rằng những người đến vì các vấn đề sức khỏe không liên quan vẫn dương tính với nCoV và tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm cho nhân viên y tế.
Ngày 17/3, ban quản trị bệnh viện Woodhull khuyến cáo nhân viên khoa cấp cứu đeo khẩu trang cho tất cả các bệnh nhân. Một phát ngôn viên Tập đoàn Y khoa và Bệnh viện New York, đơn vị quản lý bệnh viện Woodhull, thông báo thiết bị bảo hộ luôn có sẵn cho nhân viên của họ.
Những ca làm việc tại bệnh viện thường xuyên vắt kiệt sức Aya. Chồng Aya lái xe đưa bà đi làm từ nhà của họ ở Floral Park vào khoảng 6h sáng và đón vợ sau khoảng 12 tiếng để bà có thể tranh thủ nghỉ ngơi trên xe.
“Chúng ta phải chăm sóc bệnh nhân trước tiên”, bà thường nói.
Aya bắt đầu ho vào ca làm việc ngày 12/3. Chồng bà chở bà tới Woodhull vào buổi tối ngày hôm sau để xét nghiệm nCoV. Cũng từ đây, họ cách ly với nhau, mỗi người ở một tầng. Bà không có bất kỳ bệnh lý nền nào.
Nhưng những cơn ho của Aya ngày càng nặng thêm và bà còn sốt. Chiều 18/3, chồng bà đưa bà tới Trung tâm Y tế Do Thái Long Island gần nhà. Từ đây, ông không gặp lại bà nữa.
Ngồi trong xe đợi, ông liên tục nhắn tin hỏi han tình hình của vợ. “Anh về đi, em đang đợi, em sẽ gọi lại”, Aya nhắn cho chồng.
4h47 sáng hôm sau, Aya nhắn cho chồng thông báo rằng bà vẫn chờ xếp giường. Khi Raj thức dậy, ông ngỏ ý muốn đem cà phê cho vợ. Bà từ chối. Bà bảo chồng rằng kết quả xét nghiệm nCoV vừa tới. Bà đã dương tính.
“Anh rất tiếc phải nghe điều này”, Raj nhắn lại.
Họ nói chuyện qua điện thoại và Aya bảo chồng hãy giúp bà chăm sóc mẹ và đón con từ trường về nhà.
Minnoli trong sân nhà ở Floral Park, New York. Ảnh: NYTimes.
Ngày hôm sau, Minnoli trở về từ trường đại học ở Buffalo, nơi cô đang theo học năm nhất. Cô tưởng mẹ mình chỉ bị viêm phổi và muốn trở về không báo trước để làm mẹ bất ngờ. Về đến nhà, Minnoli mới biết mẹ mình đã nhiễm nCoV.
“Tôi ngồi sụp xuống nền nhà, trái tim tan vỡ”, Minnoli kể.
Trong suốt tuần sau đó, Minnoli nhắn tin với mẹ. Tình trạng của bà tiếp tục xấu đi. Bác sĩ gọi cho chồng bà mỗi ngày. Tới cuối tuần, bà ngày càng khó thở.
Sáng 29/3, bác sĩ sẵn sàng cho bà dùng máy thở, nhưng bất ngờ xuất hiện một biến chứng nguy hiểm nên họ hỏi Raj liệu ông có muốn gặp vợ không bởi rất có thể đây sẽ là lần cuối. Ông sợ mình sẽ nhiễm virus và với căn bệnh tim có sẵn, ông khó lòng qua khỏi và phải bỏ Minnoli ở lại một mình.
Quyết định không gặp vợ vẫn khiến ông day dứt. Chiều hôm đó, bệnh viện gọi thông báo vợ ông đã qua đời.
Minnoli, cha cô và bà ngoại không thể ôm nhau bởi họ được yêu cầu đứng cách xa tối thiểu hai mét, dù họ sống cùng nhà. Họ cũng không thể tổ chức một đám tang tử tế khi không có có ai đến dự. Họ quyết định hỏa táng bà.
Dù mẹ đã qua đời, Minnoli vẫn nhắn tin tới số điện thoại của bà.
“Con nhớ mẹ”, cô viết trước khi lên giường đi ngủ vào đêm mẹ mất. Thức dậy vào sáng hôm sau, Minnoli viết: “Cảm ơn mẹ vì đã đến với con trong giấc mơ đêm qua”.
Trong những tuần sau khi Aya qua đời, Minnoli vẫn đắm chìm trong những tin nhắn giữa cô và mẹ.
“Chào mẹ. Trường đại học giờ đây trở nên căng thẳng hơn rất nhiều vì con phải học ở nhà”, cô nhắn cho mẹ ba ngày trước khi mẹ mất. “Điều tốt là con đã ở nhà nhưng con cần mẹ trở về với con. Con muốn cùng ăn tối với mẹ và con vẫn cầu nguyện cho mẹ. Con chưa bao giờ từ bỏ hy vọng”.
“Hãy tập trung”, Aya trả lời con.
“Con vẫn tập trung mà nhưng con muốn mẹ về nhà”, Minnoli đáp.
“Mẹ sẽ về sớm thôi”.
“Con yêu mẹ bằng cả trái tim này”.
“Mẹ yêu con”.
Đó là những dòng cuối cùng Aya viết cho con gái mình.
Vũ Hoàng
Những khoảnh khắc khó khăn nhất của y bác sĩ chống Covid-19 Mỹ
Điều khiến y bác sĩ ở một bệnh viện tại bang Maryland, Mỹ, đau lòng nhất là chứng kiến bệnh nhân Covid-19 qua đời không có người thân bên cạnh.
Sau khi hoàn thành ca làm việc dài hơn 12 tiếng, các y bác sĩ ở một bệnh viện tại bang Maryland chia sẻ về những điều khó khăn nhất trong cuộc chiến với Covid-19. Họ đều đồng ý rằng một trong những điều khó khăn nhất của công việc, hơn cả thời gian biểu dày đặc hay thích nghi khi được luân chuyển tới phòng ban mới, đó là chứng kiến nỗi đau của bệnh nhân và gia đình. Vì chính sách cấm thăm thân nhằm phòng ngừa lây nhiễm nCoV, các y bác sĩ phải chăm sóc cả thể chất lẫn tinh thần cho bệnh nhân thay gia đình họ.
"Một trong những khoảnh khắc đau đớn nhất là chứng kiến một thành viên trong gia đình của bệnh nhân nói lời từ biệt qua iPad. Bạn không thể gặp người thân rồi sau đó họ ra đi", y tá Tiffany Fare, 25 tuổi, kể.
"Nhóm của tôi thực sự rất tuyệt. Chúng tôi làm việc cùng nhau rất hiệu quả và thực sự sát cánh bên nhau trong cuộc khủng hoảng này", cô nói thêm. "Chúng tôi không thực sự quen biết nhau vì đến từ nhiều khoa trong bệnh viện, rồi hợp lại và làm việc như một nhóm. Đó là hành trình mà tôi nghĩ rằng đang mang lại cho mình hy vọng".
"Thời khắc khó khăn nhất trong ca làm việc là nhìn những bệnh nhân Covid-19 ra đi trong bất lực và không có người thân bên cạnh", Ernest Capadngan, 29 tuổi, chia sẻ.
Y tá Meghan Sheehan, 27 tuổi, cho biết cô lái xe về nhà hàng tối mà không bật radio và dùng quãng thời gian yên tĩnh này để nhớ về ca làm việc của mình các bệnh nhân. Khi về nhà, cô phải rất cố gắng để không bị ám ảnh bởi ngày hôm đó.
"Tôi đi tắm ngay, cố gắng ăn tối với gia đình và không nói gì về chuyện đó", cô nói. "Đêm đến chắc chắn là khoảng thời khó khăn nhất vì bạn liên tục nghĩ xem ngày hôm sau sẽ như thế nào".
"Tôi nghĩ điều khó khăn nhất là nỗi lo sợ đang thường trực bên trong tất cả chúng tôi", Sheehan chia sẻ thêm. "Có nhiều điều chưa lý giải được. Chúng tôi lo sợ về những gì sẽ diễn ra vào ngày mai, khoa cấp cứu tuần tới sẽ trông như thế nào khi chúng tôi đến. Chúng tôi cũng sợ mình có thể là những người nhiễm nCoV không có triệu chứng và đưa virus về cho gia đình, người thân. Chúng tôi rất sợ sẽ thiếu thốn trang thiết bị. Rõ ràng, có cả nỗi sợ phải đứng nhìn bệnh nhân mà không thể làm mọi thứ để cứu mạng họ".
Các nhân viên y tế không thể vi phạm quy tắc thăm thân, kể cả khi gia đình cầu xin trong tuyệt vọng. "Hôm nay tôi có một bệnh nhân ngã khỏi giường và tôi phải gọi cho vợ của anh ấy nói rằng cô không thể đến, dù cô ấy đã cầu xin được gặp chồng", y tá Tracey Wilson, 53 tuổi, nói.
Wilson cho hay các y bác sĩ đang đối mặt với rất nhiều những điều chưa rõ về Covid-19. "Và cùng với những điều chưa biết rõ đó là rất nhiều lo lắng, căng thẳng mà chúng tôi chưa từng gặp", bà nói.
Kimberly Bowers, 44 tuổi, y tá chăm sóc các bệnh nhân trong phòng hồi sức tích cực, nhớ đến khoảng khắc một cô gái trẻ tử vong và gia đình không thể ở bên. "Ngay lúc này, tôi nghĩ thật đau đớn và sợ hãi khi không biết chuyện gì sẽ đến tiếp theo".
Bell, 41 tuổi, thì cho hay cô cảm thấy việc chăm sóc các đồng nghiệp mắc bệnh là khó khăn nhất. "Thật đau lòng khi một nhân viên chăm sóc sức khoẻ, bởi người có nhiệm chăm sóc cho dân chúng nhưng lại bị bệnh", cô nói.
Các nhân viên y tế có rất ít thời gian nghỉ ngơi, dù họ đã cố gắng hỗ trợ lẫn nhau khi ai đó cần nghỉ. Cheryll Mack, y tá trong phòng cấp cứu, kể rằng mỗi ngày, cô cố gắng ra ngoài 15 phút để hít thở.
"Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi được hít chút không khí trong lành", y tá 46 tuổi nói. "Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến kế sinh nhai và cuộc sống của mọi người. Nó tạo ra một cuộc khủng hoảng và chết chóc nói chung. Vì thế tôi muốn kêu gọi không chỉ một cá nhân mà tất cả mọi người trên thế giới đồng lòng trong cuộc khủng hoảng này bởi không ai có thể tự mình chiến đấu".
Bác sĩ Laura Bontempo, 50 tuổi, đã quá quen với việc điều cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, lần này, bà biết rằng người mà mình đang điều trị thực sự là một mối nguy hiểm với chính bà.
"Đó là sự khác biệt chính ở đây. Không ai làm việc ở bệnh viện e ngại điều trị người bệnh. Chúng tôi chỉ muốn giữ an toàn cho cả nhân viên lẫn bệnh nhân", bà nói.
Bontempo cho hay bà cởi quần áo đi làm tại một lều khử trùng tự mình thiết lập bên ngoài nhà, sau đó lấy khăn quấn người và chạy vào trong để tắm.
Bác sĩ Kyle Fischer, 35 tuổi, chụp ảnh sau ca làm việc 12 tiếng.
"Vì đây là một virus mới nên chúng tôi không kinh nghiệm. So với hầu hết các bệnh mà tôi từng gặp và điều trị, lần này tôi không biết bắt đầu từ đâu. Tôi nghe tin từ New York, tôi đọc tất cả các báo, nhưng không ai biết câu trả lời chính xác là gì, vì thế có rất nhiều bất ổn và mọi người thực sự đang bị bệnh", anh nói.
Mỹ là vùng dịch chết chóc nhất thế giới với hơn 28.000 ca tử vong trong tổng số hơn 630.000 ca nhiễm. New York là tâm dịch của Mỹ với hơn 11.500 người chết.
Y tá Kaitlyn Martiniano, 25 tuổi, cho hay bệnh viện của cô có nhiều bệnh nhân và tình trạng khá nghiêm trọng nhưng chưa thể so với New York hay Seattle.
"Vì thế tôi cảm thấy chúng tôi đến giờ rất may mắn. Mỗi ngày, bạn phải lạc quan", cô nói sau ca làm việc 12,5 tiếng. 'Tôi nghĩ lý do chúng tôi chưa bị ảnh hưởng nặng nề là vì các địa điểm đã đóng cửa và nhiều người đang ở nhà".
Bang Maryland yêu cầu người dân ở nhà từ hôm 30/3 để hạn chế nCoV lây lan và đến nay ghi nhận khoảng 9.000 ca dương tính, trong đó hơn 260 ca tử vong.
Ảnh: Reuters
Bác sĩ Mỹ tiết lộ những cơn đau ngực khủng khiếp trước lúc qua đời Trong những ngày cuối cùng trước khi qua đời cô độc trên giường bệnh vì Covid-19, bác sĩ Madhvi Aya chỉ có thể nhắn tin cho người thân kể về những cơn đau ngực khủng khiếp mà bà phải trải qua. Madhvi Aya (bên trái) chụp ảnh cùng chồng và con gái (Ảnh: New York Times) Nằm trên giường bệnh viện vào tháng...