Lời giải cho bài toán hụt thu ngân sách Trung ương
Tại sao thu ngân sách Trung ương (NSTƯ) có chiều hướng giảm trong khi ngân sách địa phương (NSĐP) vượt dự toán? Đó là câu hỏi đặt ra trong những năm gần đây khi cơ cấu thu ngân sách có nhiều thay đổi.
Giá dầu giảm mạnh ảnh hưởng lớn đến số thu NSTƯ. (Ảnh: H.Vân)
Địa phương tăng thu vẫn được bổ sung
“Ngân sách nhà nước (NSNN) đã vượt khó đi lên thành công”- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhận định như vậy tại Hội nghị sơ kết 6 tháng ngành Tài chính vừa qua. Theo Phó Thủ tướng, thu luôn hoàn thành vượt dự toán, nhiệm vụ chi NSNN được đảm bảo. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, cơ cấu thu NSTƯ và địa phương có đã có thay đổi đáng kể qua thời gian, NSTƯ có xu hướng giảm (hụt so dự toán) trong khi NSĐP lại vượt thu. Vượt thu, nhưng NSĐP vẫn nhận được số bổ sung rất lớn từ NSTƯ. Thực trạng này do đâu và giải pháp nào để khắc phục bất cập này?
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội đánh giá thu NSNN năm 2015 vượt khoảng 16,4 nghìn tỷ đồng, trong đó NSTƯ hụt khoảng 31,3 nghìn tỷ đồng, thu NSĐP tăng khoảng 47,7 nghìn tỷ đồng. Kết quả đánh giá bổ sung cho thấy, tổng thu NSNN năm 2015 vượt dự toán 85,77 nghìn tỷ đồng, tăng 69,37 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội. Thu NSTƯ chỉ hụt dự toán khoảng 2,26 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so mức đã báo cáo Quốc hội hồi tháng 10-2015 và mức tăng thu này chủ yếu do NSĐP đóng góp từ nguồn thu nhà đất. Tuy vậy, vẫn còn 5 địa phương hụt thu cân đối NSĐP khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng và đã phải dùng tới nguồn tiết kiệm chi và dự phòng còn lại của năm 2015 để cân đối chung.
Kết quả thực hiện NSNN 6 tháng đầu năm 2016 cũng cho thấy tương tự điều này. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính chung, thu ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm đạt khoảng 55% dự toán, trong đó có 45 địa phương thu đạt từ 50% dự toán năm trở lên; 57 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, thu NSTƯ thấp, mới đạt khoảng 42% so với dự toán năm và thấp hơn so với tiến độ thu cùng kỳ năm trước (đạt 46,3%), chủ yếu do giá dầu thô giảm và thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Để đạt dự toán, thông thường cần phải đạt tối thiểu khoảng 50% dự toán đầu năm.
Nguyên nhân do đâu?
Video đang HOT
Vậy đâu là nguyên nhân chính gây giảm thu NSTƯ trong khi NSĐP lại tăng? Nguyên nhân cơ bản, khách quan, trực diện nhất là thu dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu giảm do tác động của giá dầu và cắt giảm thuế quan khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Theo quy định của Luật NSNN, ngân sách thu dầu thô, thu thuế xuất nhập khẩu là nguồn thu 100% của NSTƯ. Trong thời gian qua, thu ngân sách từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu NSTƯ nhưng 2 khoản thu này đang có xu hướng giảm dần.
Cụ thể, tổng hai khoản thu này chiếm tỷ lệ khoảng 51% tổng thu NSTƯ năm 2014 (trong đó dầu thô khoảng 18%); năm 2015, chiếm khoảng 42% (trong đó dầu thô khoảng 11%); 6 tháng năm 2016 giảm còn 38% (trong đó dầu thô khoảng 8%, giá dầu giảm 20 USD so với giá xây dựng dự toán). Vì vậy, tác động của giá dầu giảm mạnh và cắt giảm thuế quan theo các FTA song và đa phương có ảnh hưởng rất lớn đến thu của NSTƯ thời gian qua. Còn đối với NSĐP, theo phân định của Luật NSNN thì nguồn thu từ đất đai mới là nguồn thu chủ yếu của NSĐP (ngoại trừ một số địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của giá dầu giảm như Quảng Ngãi, Bà Rịa- Vũng Tàu).
Nguyên nhân thứ hai, có thể do những quy định cứng nhắc trong Luật NSNN gây ra. Luật này phân định, bên cạnh các khoản thu NSTƯ hưởng 100% và NSĐP hưởng 100%, còn quy định 6 khoản thu để phân chia giữa Trung ương và địa phương gồm: Thuế GTGT (không kể thuế GTGT hàng hoá NK); thuế TNDN (không kể thuế TNDN của các đơn vị hạch toán toàn ngành); thuế Thu nhập đối với người có thu nhập cao; thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (không kể thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài từ lĩnh vực dầu, khí); thuế TTĐB thu từ hàng hoá, dịch vụ trong nước; và phí xăng, dầu. Các khoản thu phân chia mà NSTƯ được hưởng lại tập trung ở 13 tỉnh và thành phố có số thu ngân sách điều tiết về NSTƯ như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương,… Một số năm gần đây, thu NSĐP vượt khá so với dự toán, song lại không có điều tiết về NSTƯ để điều tiết cân đối chung cho nền kinh tế do NSĐP tăng thu chủ yếu là từ nguồn thu từ nhà đất- là nguồn thu 100% của NSĐP.
Một nguyên nhân nữa có thể gây ra NSTƯ sụt giảm đó là phần thu còn sót lại trong số nợ đọng thuế của nền kinh tế, từ những kết luận tăng thu từ các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán kiến nghị thu thêm vào NSNN. Theo báo cáo sơ kết 6 tháng 2016 của Tổng cục Thuế đến 31-5-2016, hiện nay có khoảng 75 nghìn tỷ đồng nợ thuế chưa thu được tồn đọng từ các năm trước đó. Trong báo cáo sơ kết hội nghị ngành Tài chính 6 tháng đầu năm cho thấy, Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị xử lý về tài chính 1.811 tỷ đồng; cơ quan Thuế đã thực hiện thanh tra xử lý tăng thu 4,27 nghìn tỷ đồng; cơ quan Hải quan xử lý tăng thu cho ngân sách 767 tỷ đồng… Vì vậy, một phần chắc chắn trong số nợ đọng thuế, cũng như các kiến nghị xử lý tăng thu này là thu của NSTƯ chưa kể số kiến nghị tăng thu theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Hỗ trợ NSTƯ vượt khó
Trong trước mắt cũng như lâu dài, cần phải có giải pháp triệt để, quyết liệt để hỗ trợ thu NSTƯ vượt khó, hoàn thành dự toán pháp lệnh được giao.
Một số giải pháp nhằm thúc đẩy tăng thu NSTƯ sẽ được Bộ Tài chính triển khai trong thời gian tới. Trong đó, sẽ tăng cường công tác tác hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan qua hỗ trợ nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, thủ tục hải quan điện tử, kết nối thanh toán với hệ thống ngân hàng, Cơ chế một cửa quốc gia….; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng thu ngân sách. Nếu có thể cần thiết phải sửa đổi lại quy tắc phân chia và điều tiết từ NSTƯ cho địa phương và ngược lại trong bối cảnh xuất hiện các yếu tố tác động không thuận đến thu ngân sách.
Cùng với đó, sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý thu NSNN, chủ động xử lý các tác động do biến động giá dầu thô; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thu thuế, hải quan, đấu tranh chống gian lận thương mại,… nhằm chống thất thu cho NSNN. Thực hiện triệt để việc thu đủ, thu kịp thời vào NSNN phần lợi nhuận sau thuế và cổ tức được chia tương ứng với phần vốn của Nhà nước sau khi trích lập dự phòng các quỹ theo quy định pháp luật; không được giữ lại để bổ sung vốn điều lệ.
Để thúc đẩy tăng thu cho NSTƯ, cần chủ động có giải pháp tăng cường hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế; tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế trong khuôn khổ các FTA đã ký; rà soát đánh giá lại cơ sở danh mục hàng hóa NK; chủ động đánh giá các tác động trực tiếp và gián tiếp thông qua dịch chuyển luồng thương mại, nhằm hưởng các ưu đãi về thuế của các hiệp định thương mại tự do đến thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu để có các giải pháp ứng phó kịp thời.
Theo Bao Hai quan
Thu ngân sách công bố vênh 51 nghìn tỷ đồng vì sao?
Số liệu thu ngân sách do Bộ Tài chính và Tổng cục thống kê công bố chênh nhau hơn 51 ngàn tỷ đồng.
Bộ Tài chính tổ chức họp báo chiều 02/07/2016.
Theo số liệu mới nhất được Bộ Tài chính công bố ngày 02/07/2016, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán năm, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Về chi NSNN, Bộ Tài chính ước đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán năm, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2015, cơ bản đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao.
Tuy nhiên, trước đó chỉ 3 ngày, ngày 30/6 Tổng cục Thống kê công bố tổng thu NSNN từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2016 ước tính đạt 425,6 nghìn tỷ đồng, bằng 42% dự toán năm. Trong đó thu nội địa đạt 343,8 nghìn tỷ đồng, bằng 43,8%; thu từ dầu thô 17,7 nghìn tỷ đồng, bằng 32,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 63,0 nghìn tỷ đồng, bằng 36,6%.
Như vậy, số thu NSNN được công bố bởi Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê có sự vênh nhau lên đến 51,2 nghìn tỷ đồng với mức lớn hơn thuộc về con số do Bộ Tài chính công bố.
Tại buổi Họp báo Sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Tài chính, ông Đào Xuân Tuế, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) lý giải: "Sở dĩ có sự chênh lệch này là do con số của Tổng cục Thống kê là số lũy kế từ đầu năm đến ngày 15 tháng 06. Còn con số do Bộ Tài chính công bố là số lũy kế ước tính đến ngày 30 tháng 6. Do thời gian cách nhau nửa tháng, nên việc vênh nhau về số liệu giữa hai cơ quan là điều bình thường,".
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng khẳng định hoàn toàn không có số liệu khác nhau giữa hai cơ quan, việc khác nhau chẳng qua là thời điểm lấy số liệu khác nhau chứ không phải là không chính xác.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức tăng 6,1% số thu NSNN trong 6 tháng đầu năm là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong 2 năm gần đây. Trong đó, thu nội địa đat 48,8% dự toán năm, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2015; thu dầu thô đạt 37,2% dự toán năm, giảm 44,8% so với cùng kỳ năm 2015; thu xuất nhập khẩu đạt 41,9% dự toán, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2015.
Tiến độ thu ngân sách địa phương đạt khác so với dự toán và tăng so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung, thu ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm đạt khoảng 55% dự toán, trong đó có 45 địa phương thu đạt từ 50% dự toán năm trở lên, 57 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên cũng có một số địa phương tiến độ thu đạt thấp so với dự toán được giao. Trong khi đó, thu ngân sách trung ương thấp, mới đạt khoảng 42% so với dự toán năm và thấp hơn so với tiến đô thu cùng kỳ năm trước (đạt 46,3%), chủ yếu do giá dầu thô giảm và thực hiện cắt giảm thuế theo cam kết khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm đã sử dụng khoảng 2.900 tỷ đồng nguồn dự phòng ngân sách trung ương, chủ yếu để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai, xử lý sự cố môi trường biển nghiêm trọng ở một số tỉnh miền Trung.
Theo_24h
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Phải cắt giảm bội chi để giảm nợ công Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Việt Nam phải tiếp tục tái cơ cấu chi ngân sách nhà nước nhằm an toàn nợ công và bền vững ngân sách. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đối mặt rất nhiều vấn đề mà nếu không giải quyết tốt sẽ tác động...