Lợi dụng thi công đường, nhà thầu tự ý khai thác đá trái phép
Trong khi thi công tuyến đường ĐH sạt lở do bão lũ từ năm 2020 ở huyện Phước Sơn, Quảng Nam, nhà thầu tự ý khai thác đá tại chỗ để thi công mà chưa được cơ quan chức năng cho phép.
Sau đợt sạt lở kinh hoàng vào cuối tháng 10/2020, các tuyến giao thông ĐH1, ĐH2, ĐH5 của huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, bị hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân 5 xã vùng cao tại huyện này.
Trung ương và tỉnh Quảng Nam đã bố trí ngân sách để khôi phục các tuyến đường trên. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Phước Sơn được giao làm chủ đầu tư.
Dự án khôi phục, tái thiết tuyến ĐH1 (đoạn xã Phước Kim đi Phước Thành) dang dở sau 3 năm triển khai (Ảnh: Công Bính).
Dự án khôi phục tuyến ĐH1 (đoạn xã Phước Kim đi Phước Thành, huyện Phước Sơn) có tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng. Đến nay khối lượng thực hiện so với hợp đồng được hơn 60/135 tỷ đồng.
Dự án khôi phục đường ĐH2 (đoạn xã Phước Thành đi Phước Lộc) có tổng mức đầu tư 152 tỷ đồng. Đến nay khối lượng thực hiện so với hợp đồng được hơn 62/130 tỷ đồng.
Dự án đường ĐH5 (đoạn xã Phước Công đi Phước Lộc) có tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng. Đến nay khối lượng thực hiện so với hợp đồng được 23,5/78,5 tỷ đồng.
Dù UBND huyện Phước Sơn thường xuyên chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ nhưng theo ghi nhận của phóng viên tại thời điểm tháng 9, trên công trường các tuyến ĐH1, ĐH2, ĐH5 rất ít công nhân, máy móc thi công dự án.
Đặc biệt, dự án khôi phục tuyến ĐH1 không chỉ chậm tiến độ, nhà thầu thi công dự án này có dấu hiệu khai thác khoáng sản trái phép để phục vụ dự án. Theo tìm hiểu, tuyến ĐH1 do Công ty TNHH Minh Khang thi công.
Khu vực Công ty TNHH Minh Khang khai thác đá để làm đường (Ảnh: Công Bính).
Tại hiện trường dự án, nhà thầu đã khai thác, chế biến đá để làm vật liệu xây dựng, không chỉ đá tận thu mà cả các loại đá cuội lấy từ sông, suối… Khối lượng đá các loại tồn đọng tại hiện trường rất lớn.
Việc tự ý khai thác, chế biến đá xây dựng tại đây đã diễn ra từ năm 2022 đến nay. Tuy nhiên, đến tháng 5, Công ty TNHH Minh Khang mới có tờ trình đề nghị cho phép lập hồ sơ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường để thi công đường ĐH1. Dù chưa được cấp phép nhưng nhà thầu đã tự ý khai thác đá để thi công công trình.
Phóng viên Dân trí đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Công ty TNHH Minh Khang nhưng không nhận được hồi âm.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 30/8, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam mới có báo cáo UBND tỉnh này xem xét chủ trương cho phép Công ty TNHH Minh Khang lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường.
Về việc nhà thầu khai thác đá để thi công khi chưa có phép, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, đến nay UBND tỉnh vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc tận thu đá để làm vật liệu thông thường phục vụ công trình; nhà thầu chưa được tận thu đá trên tuyến ĐH1 để làm công trình.
“Việc doanh nghiệp có tận thu trong thời gian vừa rồi như sử dụng đá đập ra đưa vào rọ đá để kè khu vực taluy âm, huyện biết việc này. Trong hồ sơ dự toán, nhà thầu có nói đắp nền đường hoặc kè có thể sử dụng nguyên liệu tại địa bàn thực hiện dự án”, ông Lê Quang Trung nói.
Việc thi công các tuyến giao thông ĐH1, ĐH2, ĐH5 của huyện Phước Sơn, rất ì ạch. Ngoài những nguyên nhân khách quan như: thời tiết bất lợi, mưa nhiều trong 2 năm 2022-2023; giá vật tư, vật liệu tăng cao… có nguyên nhân chủ quan là hầu hết các nhà thầu không đảm bảo điều kiện thi công theo hồ sơ dự thầu.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, huyện đã chỉ đạo chủ đầu tư làm việc với các nhà thầu để có cam kết tiến độ triển khai thực hiện đối với dự án này. Thời hạn UBND huyện Phước Sơn đặt ra để các nhà thầu hoàn thành dự án trước tháng 6/2025.
Chung tay khắc phục hậu quả bão số 3: Tận cùng nỗi đau
Ngày thứ 2 tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở kinh hoàng tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, H.Bảo Yên, Lào Cai), các lực lượng cứu hộ đã tranh thủ chạy đua với thời gian, nhưng vẫn không có phép màu nào xảy ra.
Nỗi đau người ở lại
Ngày 12.9, đường đến thôn Làng Nủ đã thông, mưa cũng đã tạnh, rất đông người thân của các nạn nhân từ xa khi nghe tin đã đổ về hiện trường để cùng tìm kiếm.
Nỗi đau của người dân Làng Nủ. ẢNH: HẬU MINH HUY
Quay trở lại nơi từng là ngôi nhà của mình, lội xuống bùn sâu lật từng vạt lúa dập nát, ông Hoàng Văn Vọ (56 tuổi) vẫn có một chút hy vọng mong manh là tìm thấy đứa con của mình. Nhưng những gì còn sót lại chỉ là một phần của chiếc xe máy, bao cám cho vịt ăn, khay cài mạ và một chiếc chăn. Cơn lũ ống khủng khiếp đã làm toàn bộ ngôi nhà 4 gian bay lên không trung và trôi xa vài trăm mét. "Nhà cửa, vợ con bị nước lũ cuốn trôi hết, không còn gì. Thi thể vợ cũng bị cuốn theo ngôi nhà, trôi xa cả trăm mét, chân tay đều gãy nát. Nhà cửa, tài sản của gia đình cũng mất hết, 2 con trâu trôi cả, quần áo cũng không còn gì. Bộ quần áo tôi đang mặc 3 ngày nay cũng chưa có cái để thay", ông Vọ đau xót chia sẻ.
Kỳ tích giữa thảm họa Làng Nủ: Phát hiện 8 người chạy thoát
May mắn thoát chết trong trận lũ quét, nhưng anh Hoàng Văn Voi (35 tuổi) mất đi người vợ và con trai út 12 tuổi, còn mẹ và con gái anh vẫn đang cấp cứu tại bệnh viện. Thời điểm xảy ra sạt lở, anh Voi đang đi làm ở bản khác, khi hay tin nhà mình cũng bị cuốn trôi, người đàn ông là trụ cột của gia đình bàng hoàng, gần như sụp đổ. Gần 1 giờ sau, anh chạy về làng, nhìn từ xa, tất cả đều đã bị san phẳng.
"Tôi nhìn thấy một cháu bé đang chới với, bám lấy téc nước, nhưng dòng lũ cuồn cuộn chảy xiết, tôi không thể ra cứu được. Cảm giác lúc đó bất lực, tôi không thở nổi. Lũ từ trên cao đổ ập xuống, vợ tôi bị bắn sang nóc nhà hàng xóm. Dù bị thương rất nặng, vợ tôi vẫn cố thều thào: "Em mệt lắm, cứu em với". Nhưng không thể cứu được vì lúc đó cả làng bị cô lập, trạm xá thì ở xa. Khi đưa được vợ tôi đến trạm xá cũng là lúc cô ấy không qua khỏi. Trước khi mất, vợ tôi có trăng trối: Hãy nhờ người trông giúp con", anh Voi bật khóc nức nở.
Những tiếng khóc xé lòng của người ở lại như thấu tận trời xanh. ẢNH: HẬU MINH HUY
Ở khu vực nhận dạng thi thể các nạn nhân, tiếng khóc xé lòng của chị Đặng Phương Linh khiến không ai cầm được nước mắt. Hai ngày nay, chị như người mất hồn, đến hiện trường ngóng tin 2 đứa con bé bỏng đang học tiểu học và mẹ chồng mất tích. Khi lực lượng chức năng tìm thấy thi thể một bé gái, hỏi về các đặc điểm nhận dạng, chị Linh ngất xỉu.
Ngày hôm qua, những chiếc xe chở quan tài vẫn nối đuôi nhau vào khu vực tìm kiếm. Những đám tang vội vã, nước mắt không ngừng rơi, tiếng khóc xé lòng vang khắp Làng Nủ.
Nỗi đau cô giáo ở Làng Nủ: 'Quân ước được mẹ mua xe đạp, nhưng cả hai đều đã đi rồi'
"Thương lắm, 10 học trò giờ chỉ còn 1"
Lần giở từng chiếc khăn tay, đôi dép, lý lịch nhập học của các cháu bé 4 - 5 tuổi, cô Hoàng Thị Nự, giáo viên Trường mầm non số 1 Phúc Khánh, thuộc điểm trường Làng Nủ, không thể ngờ chỉ vài ngày sau khai giảng, đây lại là những kỷ vật cuối cùng của các cháu.
Trong số 158 nhân khẩu sinh sống tại Làng Nủ, có 18 cháu đang trong độ tuổi mầm non (0 - 5 tuổi). Trong đó, 10 cháu đi học tại Trường mầm non số 1 Phúc Khánh. Sau 2 ngày tìm kiếm, tới nay đã tìm thấy 8 cháu tử vong, 1 cháu bé 3 tuổi bị thương đã được đưa đi bệnh viện, vẫn còn 1 cháu mất tích.
Là người Làng Nủ, gắn bó với các gia đình, cô giáo Nự nhớ từng sở thích và ước mơ của học sinh. Bé Nông Hoài Nam, 5 tuổi, rất thích mặc áo cờ đỏ sao vàng. Trong lớp, biểu tượng khăn tay của bé cũng là cờ đỏ sao vàng vì tên bé là Nam và bé yêu Việt Nam.
Bé Nguyễn Anh Quân, 4 tuổi, ước mơ lớn lên làm bác sĩ chữa bệnh cứu người. Biểu tượng khăn của bé là xe đạp. Sau này lên lớp 1, bé thích được mẹ mua cho xe đạp đi học. Nhưng giờ cả mẹ, cả Quân và anh trai đã bị nước lũ cuốn trôi, chỉ còn lại chiếc khăn, gối, thìa ở lớp mầm non.
Bé Lương Gia Huy, 4 tuổi, mới chuyển khẩu từ Vĩnh Phúc về Làng Nủ ở cùng ông bà nội, chỉ còn chờ thông báo nhập trường đi học mà không kịp.
Nhắc đến các học trò của mình, cô giáo xúc động kể nhiều bạn ngoan ngoãn hiếu động, hay cười, nhất là bạn Hoàng Phúc Lộc, 4 tuổi. Cô giáo trêu "bạn Lộc đẹp trai thế" là Lộc lại cười tủm tỉm.
Theo cô Nự, đa số các cháu thuộc diện hộ nghèo, gia đình khó khăn. Bây giờ mất hết cả bố mẹ, cả nhà cả người, mất trắng cả. Lũ đã xóa sổ hết cả. "Cảm giác hoang mang, thương tâm lắm, không gì diễn tả được. Các cháu còn rất nhỏ. Tôi không ngủ được, chỉ nghĩ đến các cháu lúc tìm thấy thi thể, có cháu còn nguyên vẹn nhưng cũng có cháu không còn gì nữa. Thương lắm!", cô Nự đau xót.
Những học sinh đầu tiên tìm thấy là cháu Khôi, cháu Long và cháu Lan. Không cầm được nước mắt, các cháu quần áo rách nát, không còn hoàn chỉnh nữa. "Không thể diễn tả nổi, thương tâm lắm!", cô Nự nức nở.
Cô giáo thôn Làng Nủ mong muốn các nhà hảo tâm giúp đỡ Làng Nủ, giúp các cháu và những người dân còn lại có chỗ ở ổn định.
Hiện trường Làng Nủ: Chó nghiệp vụ phát huy hiệu quả, tìm thấy thêm thi thể
Tái thiết cuộc sống cho người dân
Trong ngày hôm qua, tỉnh Lào Cai và Quân khu 2 đã huy động 650 người đến hiện trường tìm kiếm. Lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, người dân địa phương đã khoanh vùng khu vực, chia ca kíp để tìm kiếm nạn nhân mất tích. Phạm vi tìm kiếm cũng được mở rộng, bản đồ Làng Nủ trước và sau lũ quét được sử dụng để xác định vị trí tìm kiếm các nạn nhân. Các phương tiện bay không người lái được huy động để hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân. ẢNH: HẬU MINH HUY
Ngoài các lực lượng trên, chó nghiệp vụ của Bộ đội biên phòng đã được đưa vào hiện trường. Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi, Trường trung cấp 24 (Bộ đội biên phòng), cho biết 5 chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm người mất tích tại hiện trường đã phát huy hiệu quả. Sau khi đào bới, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện 1 thi thể nạn nhân nữ khoảng 13 tuổi. Ở một vị trí khác, chó nghiệp vụ có biểu hiện, ban chỉ đạo đã đưa máy múc vào và phát hiện 1 thi thể nạn nhân cách vị trí chó nghiệp vụ phát hiện 2 m. Mở rộng phạm vi tìm kiếm gần đó, lực lượng tìm kiếm phát hiện thêm 4 nạn nhân.
Kết thúc ngày tìm kiếm thứ hai, tính đến 18 giờ, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thêm 11 thi thể, nâng tổng số người chết tại Làng Nủ lên 45 người, 50 người vẫn đang mất tích. Các lực lượng khác đang chạy đua với thời gian, nỗ lực tìm kiếm những nạn nhân còn lại.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết trước mắt, chính quyền tập trung cứu chữa cho người thoát nạn, tìm kiếm người mất tích. "Với 35 hộ còn lại, chính quyền đã di dời khỏi khu vực mất an toàn. Về lâu dài, tỉnh xác định dành quỹ đất khoảng 20 ha và sẽ cho khảo sát, đánh giá lại mọi mặt xem ổn hay không để tái thiết cuộc sống cho người dân", ông Trường nói.
Trong ngày 12.9, đại diện Báo Thanh Niên đã trao hỗ trợ 5 triệu đồng cho ông Hoàng Văn Vọ ở thôn Làng Nủ. Cùng ngày, đại tá Nguyễn Phi Khanh, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai, đã trực tiếp trao 30 triệu đồng cho cháu Sùng A Nhà (3 tuổi) bị thương trong vụ sạt lở đất tại thôn Hòa Bình, xã Nàn Sán, H.Si Ma Cai, Lào Cai trong ngày 9.9. Trong vụ sạt lở này, bố, mẹ, chị và em gái cháu Sùng A Nhà thiệt mạng. Ngôi nhà, toàn bộ tài sản của gia đình cháu đã bị vùi lấp hoàn toàn. Số tiền do Báo Thanh Niên hỗ trợ sẽ được đại diện Đồn biên phòng Si Ma Cai và người thân mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng. Đây là số tiền do bạn đọc Báo Thanh Niên ủng hộ các gia đình thiệt hại nặng nề do mưa lũ sau bão số 3.
Tang thương Làng Nủ: "Vợ con em chết hết cả rồi!" Thảm họa kinh hoàng ập xuống Làng Nủ khiến gần 100 người chết và mất tích. Hoàng Văn Nhầm may mắn thoát chết, nhưng vợ và 3 đứa con thơ của anh đã mãi mãi không về Khoảng 17 giờ ngày 11-9, công tác tìm kiếm hàng chục người đang còn mất tích trong vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra tại thôn...