Lời cảnh báo tới cha mẹ về thứ đồ chơi được nhà sản xuất ghi là an toàn, không độc hại nhưng khiến bé trai ăn gì nôn nấy, suýt tắc ruột
Quá tin tưởng hướng dẫn ngoài vỏ hộp của nhà sản xuất về độ an toàn tuyệt đối của món đồ chơi, người mẹ vô tình khiến con trai 9 tháng tuổi suýt tắc ruột do nuốt phải chúng.
Hạt tinh thể hay còn gọi là hạt nước, hạt nở là những hạt nhựa acrylic nhỏ, đó là hợp chất polyme sinh học có đường kính khoảng 2-5 mm, nhiều màu sắc bắt mắt, khi ngâm vào nước, hạt sẽ nở to ra gấp 100-300 lần ban đầu. Đây là món đồ chơi được các bé thích thú vì hạt nở mềm, màu sắc sặc sỡ đẹp mắt. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp trẻ phải nhập viện do nuốt hạt nở gây tắc ruột mặc dù trên bao bì món đồ chơi trẻ em này ghi là an toàn và không gây độc hại.
Hạt nở có màu sắc bắt mắt thu hút trẻ nhỏ, nhưng lại có thể gây nguy hiểm nếu trẻ nuốt phải (Ảnh minh họa)
Do quá tin tưởng ghi chú của nhà sản xuất về độ an toàn của hạt nở, chị Janet Macdonald (Tennessee, Mỹ) đã thoải mái cho con trai Everett (9 tháng tuổi) chơi những hạt nở cho đến khi cậu bé gặp nguy hiểm sau khi vô tình nuốt phải chúng. Chị Janet cho hay: “Đêm hôm đó, con trai tôi khóc suốt 3 giờ đồng hồ, khó thở trong khi ngủ. Chúng tôi đã phải gọi điện thoại cho bác sĩ quen của gia đình và được thông báo có thể bé Everett bị hóc nhưng đã đẩy được di vât ra ngoài, thằng bé sẽ ổn. Tuy nhiên, hãy gọi lại cho cô ấy nếu tình trạng của bé Everett vẫn không được cải thiện”.
Tuy nhiên, đến sáng hôm sau, tình trạng của cậu bé không hề cải thiện mà trở nên tệ hơn. Cậu bé ăn gì cũng nôn ra hết, vợ chồng chị Janet vội vàng đưa con đến phòng khám quen. Tại đây, nữ bác sĩ nhận ra bệnh tình của đứa trẻ nghiêm trọng hơn cô ấy tưởng. Cô ấy đã khai thác thông tin về tình hình sinh hoạt trong ngày hôm trước của Everett. Cuối cùng, chị Janet sốc khi hay tin con mình nuốt phải hạt nở. Nữ bác sĩ đã khuyên chị nên đưa con đến bệnh viện ngay.
Cuộc phẫu thuật diễn ra trong gần hai giờ đồng hồ để loại bỏ các hạt nở phồng lên và một hạt đã nằm chặn ngay van môn vị của bé trai
“Con trai tôi khi chơi hạt nở đã vô tình nuốt vào trong miệng, những hạt polyme nhiều màu sắc sẽ nở to lên trong nước, nhưng khi nuốt vào, những hạt nước này không được cơ thể tiêu hóa, thay vào đó, chúng phồng to lên chặn giữa lối đi của thức ăn. Mối nguy hiểm này không hề được ghi rõ trên vỏ hộp. Tại bệnh viện, các bác sĩ cho con trai tôi đi chụp X-quang, siêu âm, truyền dịch, và làm nhiều thủ thuật khác, nhưng con chỉ nôn được một ít mảnh của hạt nở. Cuối cùng, các bác sĩ đã phải mở một cuộc hội chẩn gồm 5 bác sĩ phẫu thuật với 2 bác sĩ gây mê và con được đưa đi phẫu thuật ngay lập tức vào sáng hôm sau. Đó là một trong những cảm xúc tồi tệ nhất mà tôi từng có trong đời”, người mẹ trẻ vẫn chưa hết bàng hoàng về tai nạn hi hữu của con.
Rất may sau gần 2 giờ đồng hồ phẫu thuật căng thẳng, các hạt nở còn lại đã được bác sĩ lấy ra khỏi ruột và van môn vị của cậu bé, giúp bé thoát khỏi tay tử thần. Ngay sau đó, chị Janet đã chia sẻ lại câu chuyện của gia đình mình lên Facebook với mong muốn các bậc cha mẹ hãy cảnh giác khi cho con chơi hạt nở. Dù chúng rất sặc sỡ, rất mềm, và không chứa chất độc hại nhưng nếu trẻ nuốt phải hạt nở thì cũng vô cùng nguy hiểm, đây là điều mà các ông bố bà mẹ chưa lường tới.
Video đang HOT
Một bé gái 3 tuổi cũng đã ăn nhầm 270 hạt nở, nguyên nhân là do bố mẹ bé nhầm hạt nở sắc màu đó là kẹo và cho con ăn.
Đây không phải là trường hợp trẻ nhỏ duy nhất, năm 2017 một bé gái 3 tuổi cũng đã ăn nhầm 270 hạt nở, nguyên nhân là do bố mẹ bé nhầm hạt nở sắc màu đó là kẹo và cho con ăn. Chỉ sau khi con gái ăn hết gói hạt nở thì bố mẹ bé mới phát hiện ra sự nhầm lẫn tai hại này. Rất may bé gái này không phải phẫu thuật mà chỉ cần dùng thuốc để tống hết hạt nở ra khỏi cơ thể 1 ngày sau đó.
Nếu hạt nở đi vào hệ tiêu hóa, tiếp xúc với dịch dạ dày, hấp thu một lượng nước, các hạt nở có thể nở to gấp nhiều lần. Nó sẽ gây trướng bụng, thậm chí dẫn đến tắc ruột
Trẻ nhỏ, thậm chí cả người lớn thường hiểu nhầm hạt nở sắc màu là những viên kẹo. Khi các bậc cha mẹ không để mắt đến trẻ, trẻ có thể nuốt hạt nở vào bụng. Khi trẻ nuốt những hạt nước, chúng đi vào hệ tiêu hóa, tiếp xúc với dịch dạ dày, hấp thu một lượng nước, các hạt nở có thể trương nở to gấp nhiều lần trong ruột và lấp đầy lòng ruột. Lúc này nó sẽ khiến cho thức ăn và dịch tiêu hóa không thể đi qua được, gây trướng bụng thậm chí có thể gây tắc ruột. Trường hợp nghiêm trọng bác sĩ sẽ phải tiến hành phẫu thuật để lấy hạt nở ra khỏi cơ thể trẻ. Do đó, khi thấy con có những biểu hiện như: đau bụng quấy khóc từng cơn, nôn mửa, bụng chướng, không đi tiêu được và trong nhà có những hạt nước thì cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện ngay lập tức.
Một số lưu ý dành cho cha mẹ:
- Luôn cất đồ nguy hiểm xa tầm với của trẻ.
- Hướng dẫn trẻ cách phân biệt và tránh xa những đồ vật nguy hại.
- Chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ sơ cứu và số điện thoại cấp cứu, giải độc.
- Kiểm tra kĩ tem nhãn trước khi cho trẻ sử dụng.
Đau bụng quanh rốn nhưng không bị tiêu chảy: Có thể là biểu hiện của 6 căn bệnh nguy hiểm
Trong cuộc sống, có nhiều trường hợp thường xuyên bị đau bụng quanh phần rốn nhưng không bị đi ngoài. Nhiều người chủ quan nghĩ rằng do cảm lạnh hay ăn uống kém nhưng không phải, đó có thể là triệu chứng của 1 trong 6 căn bệnh sau.
Bình thường, bị đau bụng quanh phần rốn rồi bị tiêu chảy thường liên quan nhiều đến vấn đề cảm lạnh, chế độ ăn uống kém, không khoa học hay bị viêm đường ruột. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều trường hợp thường xuyên bị đau như vậy nhưng không bị tiêu chảy. Hiện tượng này là "tai họa" của các căn bệnh sau mang lại.
1. Viêm ruột thừa
Triệu chứng điển hình của bệnh này là đau bụng dưới bên phải, nhưng một số bệnh nhân lại bị đau quanh rốn, kèm theo buồn nôn, nôn và sốt; bình thường không có triệu chứng tiêu chảy.
Thông qua các xét nghiệm máu, có thể thấy rằng các tế bào bạch cầu, hồng cầu, lympho đều tăng cao. Đây là một loại bệnh đường ruột cấp tính nghiêm trọng, có thể dẫn đến viêm màng phổi, áp xe ruột thừa, mưng mủ tĩnh mạch cửa... Tình trạng nghiêm trọng có thể gây sốc nhiễm trùng, gây nguy hiểm tính mạng.
2. Tắc ruột
Dưới ảnh hưởng của các bệnh đường ruột như khối u đường ruột, dính ruột, viêm ruột... khiến đường ruột bị chặn. Từ đó bệnh nhân rất có khả năng bị tắc nghẽn đường ruột.
Những người bị tắc ruột thường bị đau kiểu co thắt phần bụng quanh rốn, đồng thời có cảm giác buồn nôn, nôn, đầy hơi và các triệu chứng khác. Trong trường hợp nghiêm trọng cũng có thể dừng "xì hơi" và đại tiện, gây nên rối loạn sinh lý toàn thân.
3. Viêm hạch mạc treo
Viêm hạch mạc treo thường xuất hiện vào mùa đông, xuân, hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Triệu chứng rõ ràng là đau quanh rốn với các điểm đau cố định, kèm theo sốt, buồn nôn, nôn...
Mặc dù ít có triệu chứng tiêu chảy, nhưng bệnh này thường bị nhầm lẫn với các bệnh về đường tiêu hóa do nhiễm trùng virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng nên mọi người cần chú ý hơn.
4. Viêm đại tràng mãn tính
Biểu hiện chủ yếu là đau quanh rốn, đầy hơi, buồn nôn, nôn... sẽ không gây ra triệu chứng tiêu chảy. Việc điều trị căn bệnh này khó khăn, hầu hết bệnh nhân không thể chữa khỏi.
Chế độ ăn uống hàng ngày cần phải được kiểm soát tốt như thường xuyên ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa và bổ dưỡng, tránh thức ăn cay, khó tiêu hóa.
5. Lao ruột
Bệnh lao ruột là một bệnh đường ruột do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, thường gặp ở người trẻ và trung niên. Triệu chứng của bệnh là đau quanh rốn, táo bón, đầy và cứng bụng.
Hầu hết bệnh nhân sẽ có triệu chứng tiêu chảy, nhưng có trường hợp bị táo bón. Bởi vậy nếu bị đau quanh rốn mà không tiêu chảy, chúng ta cũng cần cân nhắc đến việc bị mắc bệnh lao ruột.
6. Viêm tụy
Viêm tụy có triệu chứng chủ yếu như đau quanh rốn, đầy hơi, trướng bụng, buồn nôn, nôn, sốt. Đồng thời không có biểu hiện tiêu chảy. Thông qua kiểm tra có thể có thể thấy rằng tụy bị phù, sung huyết, thậm chí chảy máu hoại tử.
Nguyên nhân đến từ thói quen uống quá nhiều rượu, hay ăn quá no và bị nhiễm trùng. Từ đó có thể dẫn đến suy nội tạng, sốc, nhiễm trùng huyết... vì vậy chúng ta không nên chủ quan.
Quỳnh Trang
Gắp thành công kim đâm xuyên thành ngực cứu bệnh nhi 3 tuổi Với biểu hiện đau vùng vai phải, bé P.D.C. được gia đình đưa đi khám. Trên hình ảnh X-quang, bác sĩ tá hoả phát hiện một kim khâu nhọn đâm xuyên thành ngực bệnh nhi. Các bác sĩ khoa ngoại tổng hợp - Bệnh viện Nhi trung ương vừa tiếp nhận và phẫu thuật thành công gắp dị vật cho bé P.D.C. (3...