Lời cảnh báo khẩn
Châu Á đang trải qua một trong những đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất lịch sử dù chỉ mới đầu hè.
Các em nhỏ hứng nước sinh hoạt dưới trời nắng nóng tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 22/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Mức nhiệt cao, nhiều ngày lên tới hơn 45 độ C tại khu vực Nam Á kéo dài từ tháng 4 tới nay đã khiến ít nhất 13 người ở Ấn Độ tử vong do sốc nhiệt, trong khi hàng triệu người dân nước láng giềng Bangladesh phải chịu cảnh mất điện giữa những ngày nóng nhất trong gần 60 năm. Thành phố Tak ở miền Tây Thái Lan có lúc đo được mức nhiệt cao chưa từng thấy là 45,4 độ C. Thái Lan, Malaysia đã ghi nhận những nạn nhân tử vong do nắng nóng. Myanmar, Lào, Nepal, Trung Quốc liên tiếp trải qua những ngày nắng nóng 42 – 43 độ C.
Trong tuần này, nhiệt độ đã tăng vọt trên 32 độ C tại các vùng thuộc bang Oregon, Washington và British Columbia của Mỹ, cao hơn gần 10 độ C so với mức trung bình tháng 5 hằng năm. Tại quốc gia láng giềng Canada, cháy rừng diễn biến nghiêm trọng nhiều tuần dù đang là mùa xuân và chưa bước vào giai đoạn cao điểm nắng hè. Hàng chục nghìn người phải sơ tán, hơn 945.000 ha rừng và đồng cỏ bị thiêu rụi.
Tại châu Âu, vùng Gimenells ở Catalonia, Tây Ban Nha chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán tồi tệ nhất trong 100 năm qua. Giới chuyên gia cảnh báo tình trạng nắng nóng như thiêu đốt có thể sẽ tiếp tục xảy ra trong năm nay do tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino.
Video đang HOT
Thực tế những năm gần đây, nắng nóng cực đoan xuất hiện với tần suất ngày càng lớn. Theo tổ chức World Weather Attribution (WWA), biến đổi khí hậu đã làm tăng tối thiểu 30 lần khả năng xảy ra sóng nhiệt, một trong những hình thái thời tiết cực đoan gây hậu quả nghiêm trọng nhất. WWA cảnh báo nếu như trước đây những đợt thời tiết khắc nghiệt mà Ấn Độ và Bangladesh mới trải qua thường chỉ xảy ra 1 lần trong 1 thế kỷ thì với tác động của biến đổi khí hậu, tần suất này rút ngắn còn 5 năm 1 lần.
Biến đổi khí hậu cũng chính là nguyên nhân làm gia tăng mức độ nghiêm trọng và tần suất xuất hiện “El Nino – Dao động phương Nam” (ENSO), xảy ra khi nhiệt độ lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương cao hơn so với nhiệt độ trung bình nhiều năm. Hiện tượng này thường kéo dài từ 8 – 12 tháng với tần suất lặp lại khoảng 3 – 4 lần/năm, và có thể gây ảnh hưởng lớn đến nhiệt độ, lượng mưa trên toàn thế giới.
Người dân che khăn dưới trời nắng nóng gay gắt tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 23/5/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Năm 2018, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nhấn mạnh thách thức lớn chưa từng có của việc cần giới hạn mức tăng nhiệt trên Trái Đất ở 1,5 độ C như mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu để tránh những thảm họa khôn lường. 5 năm sau, thách thức đó thậm chí còn lớn hơn do khí thải nhà kính không ngừng tăng. Hiện nhiệt độ hành tinh đã tăng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo toàn cầu đang trên đà nóng lên vượt mức 1,5 độ C trong 5 năm tới. Với mỗi 0,1 độ C tăng lên, nắng nóng cực đoan và các hình thái thời tiết bất thường càng nghiêm trọng hơn, gây nhiều thảm họa hơn. Tuy nhiên, tốc độ và quy mô của các kế hoạch cùng những biện pháp được thực hiện cho đến nay được đánh giá là không đủ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Thậm chí, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo với những chính sách như hiện tại, nhiệt độ Trái Đất có thể sẽ tăng hơn 2,8 độ C.
Ứng phó với nắng nóng, tại Mỹ, thành phố Los Angeles phát động chiến dịch xây dựng thêm “các trung tâm phục hồi” cung cấp bóng râm và làm mát bằng năng lượng tái tạo trong các cộng đồng có nguy cơ cao. Đến nay, thành phố này đã có mạng lưới các trung tâm làm mát, chủ yếu ở các thư viện, nơi mọi người có thể đến để tránh nắng nóng. Phoenix, thành phố giữa sa mạc Sonoran, đang thực hiện một số cải cách trong đó có việc xây dựng vỉa hè làm mát bằng chất liệu đặc biệt phản chiếu ánh nắng Mặt Trời. Thành phố Miami đang lên kế hoạch triển khai các chiến dịch trồng cây ở đô thị lớn, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính để giúp trang trải hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình thu nhập thấp.
Tại Trung Quốc, một số công ty chuẩn bị thuốc và nước khoáng mát, điều chỉnh ca làm, giảm thời gian làm việc cho công nhân làm việc ngoài trời (như vệ sinh, bảo trì lưới điện…). Trong khi đó, để đảm bảo lưới điện hoạt động an toàn và ổn định trong thời gian cao điểm nắng nóng, một số công ty cấp điện đã tăng tần suất kiểm tra lưới điện, đồng thời sử dụng các thiết bị thông minh như máy bay không người lái, nhiệt kế hồng ngoại và thiết bị dò lỗi cáp để đảm bảo mạng lưới điện hoạt động ổn định.
Học sinh làm mát tại đài phun nước trong ngày nắng nóng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Một sáng kiến ý nghĩa khác đó là bảo hiểm thời tiết dựa trên tham số, trong đó có bảo hiểm nắng nóng được coi là “phao cứu sinh” cho lao động nghèo. Trung tâm phục hồi thuộc quỹ từ thiện Arsht-Rock của Mỹ đã hợp tác với công ty bảo hiểm vi mô Blue Marble và Hiệp hội phụ nữ tự doanh (SEWA) bang Gujarat của Ấn Độ triển khai chương trình này kể từ tháng 5, theo đó chi trả phí bảo hiểm tối đa không quá 85 USD cho mỗi người tham gia để giúp họ bù đắp thu nhập mất đi do nắng nóng cũng như mua các vật dụng để bảo vệ sức khỏe.
Tuy nhiên, có thể thấy rõ những biện pháp đối phó với nắng nóng chỉ mang tính chất cấp bách, tạm thời. Bởi thời tiết cực đoan chính là bằng chứng rõ ràng nhất về tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra. WMO cảnh báo diễn biến El Nino sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu lên một mức chưa từng có trong giai đoạn từ 2023 đến 2027, tăng khả năng phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ.
Theo tính toán của các nhà khoa học Anh và Trung Quốc, khoảng 2 tỷ người, chiếm 23% dân số toàn cầu, sẽ sống trong điều kiện nhiệt độ nguy hiểm vào cuối thế kỷ này nếu các chính sách khí hậu tiếp tục theo quỹ đạo hiện nay. Trong kịch bản lạc quan hơn, dù đảm bảo được mức tăng nhiệt của Trái Đất dưới 1,5 độ C, tới thời điểm đó, vẫn có tới 400 triệu người phải đối mặt với mức nhiệt nguy hiểm.
Có thể thấy các hiện tượng cực đoan dồn dập do biến đổi khí hậu, đặc biệt là nắng nóng kỷ lục, là lời cảnh báo khẩn cấp, đòi hỏi các quốc gia, các chính phủ và người dân phải có bước đột phá trong mọi hành động để gỡ “quả bom hẹn giờ” khí hậu, bảo vệ “Mẹ Trái Đất” và cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.
Ấn Độ: 11 người tử vong, trên 40 người nhập viện do sốc nhiệt
Nắng nóng nghiêm trọng đã khiến ít nhất 11 người tử vong và trên 40 người phải nhập viện do sốc nhiệt sau khi tham dự một sự kiện tại bang Maharashtra ở miền Đông Ấn Độ ngày 16/4.
Theo cơ quan chức năng địa phương, hàng nghìn người đã tham dự buổi lễ kéo dài 5 tiếng đồng hồ dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt diễn ra tại một không gian mở, không có mái che ở thành phố Navi Munbai. Sau buổi lễ, mọi người than phiền về tình trạng mất nước và kiệt sức do nắng nóng. Sau đó 11 người tử vong và 44 người khác phải nhập viện điều trị do sốc nhiệt. Người dân địa phương cho biết ban tổ chức chỉ triển khai mái che khoảng giữa dành cho khách mời.
Navi Mumbai là một thành phố nằm gần Mumbai, trung tâm tài chính của Ấn Độ và là thủ phủ bang Maharashtra. Ngày 16/4, khu vực này ghi nhận nhiệt độ cao nhất 38 độ C.
Đầu tháng 4 này, Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết phần lớn đất nước sẽ trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng từ nay tới tháng 6. Năm nay, Ấn Độ đã ghi nhận tháng 2 nóng nhất kể từ năm 1901.
Quốc gia nào có tuổi thọ trung bình cao nhất và thấp nhất ở châu Âu? Tây Ban Nha có tuổi thọ trung bình tốt nhất, trong khi một số nơi khác có tỷ lệ này thấp hơn ở Liên minh châu Âu (EU). Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Nga cần trang trải chi phí tái thiết Ukraine Trung Quốc thử nghiệm công nghệ AI 'phá vỡ quy tắc' trên vũ trụ Lò phản ứng hạt nhân khổng lồ...