Lội biển qua hải đăng Kê Gà
Mùa hè này, bạn còn 3 dịp để lội bộ qua hải đăng Kê Gà: từ ngày 20 đến 22-6, 4 đến 6-7 và 19 đến 21-7
Kê Gà từ lâu được biết đến là ngọn hải đăng cao nhất và lâu đời nhất Việt Nam. Đây cũng là nơi lý tưởng để ngắm chiều tà, cắm trại qua đêm hay “sống ảo” cùng rừng đá vàng rực.
Hồi trước, khi du lịch ở đây chưa phát triển, muốn ra hải đăng Kê Gà phải thuê thuyền thúng. Sau này khách đông, người dân nâng cấp lên canô chở khách. Tôi đến Kê Gà đôi lần và đã kinh qua cả 2 phương tiện trên. Một lần trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Mỹ, người sáng lập Lửa Việt Tours, ông hỏi: “Vậy đã đi bộ qua hải đăng Kê Gà bao giờ chưa?”. Thấy tôi mắt tròn mắt dẹt, ông nói tiếp: “Vậy thì rằm tháng 4 này đi với tôi lội biển qua Kê Gà”.
Du khách đi canô qua hải đăng Kê Gà
Hải đăng Kê Gà tọa lạc trên hòn Bà, cách bờ khoảng 500 m. Công trình này do người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, cao 65 m (tính từ đỉnh đèn). Bên trong hải đăng có 183 bậc thang xoáy trôn ốc dẫn lên đỉnh cùng hàng chục bậc tam cấp dẫn lên đến vị trí đặt đèn. Trước đây, du khách có thể leo lên đỉnh hải đăng để ngắm cảnh nhưng sau này không được phép vì đơn vị quản lý lo ngại công trình xuống cấp.
Tôi từng leo lên đỉnh Hải Đăng vào một buổi chiều tháng 10. Hôm ấy, trời quang mây tạnh nên có thể ngắm hoàng hôn đỏ rực chầm chậm rơi. Nhìn biển từ độ cao hàng chục mét ở một nơi rất chơi vơi mang đến cảm giác vừa sợ hãi vừa phấn khích. Gió phần phật thổi, bầu trời cao thẳm đẩy mãi đường chân trời như thấp dần, thấp dần dưới sóng biển lao xao.
Và lần này, thay vì cảm nhận trời biển giữa tầng không đầy bay bổng, tôi được trải nghiệm chuỗi dài cảm xúc cũng vừa sợ vừa thích khi lần đầu lội biển ở Kê Gà.
Theo người dân ở đây, vào cuối và giữa các tháng 4, 5, 6 âm lịch thì thủy triều rút sâu và có thể đi bộ qua hải đăng. Giờ thủy triều rút là từ khoảng 16 đến 19 giờ.
Thủy triều rút để lộ con đường đi bộ qua hải đăng Kê Gà
Đi canô qua đảo từ khoảng 16 giờ, tôi tìm một hòn đá to nằm ngắm biển chờ nước rút. Kê Gà bao nhiêu năm vẫn vậy, vẫn cột hải đăng nhìn từ xa như cây bút cắm giữa biển xanh, vẫn những khối đá ngổn ngang thi gan cùng mưa gió và hàng sứ cổ thụ trổ hoa tỏa hương ngan ngát. Hải đăng cổ này bây giờ chỉ khác là khách đông hơn nhiều, tiếng nói cười phần nào át đi tiếng sóng biển quen thuộc.
Cái nắng mùa hè dịu dần theo con nước, khi mặt trời đã chấp chới ở đằng Tây thì từ đất liền, nhiều nhóm bạn trẻ đã nắm tay nhau vượt biển. Chiều hôm đó, trời nhiều mây đen làm mặt biển ngả màu xám đục. Biển cuồn cuộn từng đợt xô đẩy những nhóm người ngả nghiêng theo con sóng. Lúc này khoảng gần 17 giờ, nước cạn đến thắt lưng. Ở phía bờ và đảo, bãi cát trắng nhô dần ra và khoảng 1 giờ sau thì một con đường hình vòng cung cũng từ từ lộ ra bên dưới lớp nước biển sóng sánh.
Thoạt nhìn thì nước chỉ trên cổ chân một chút nhưng khi bắt đầu lội ra tôi mới thấu được sức mạnh của biển cả. Con sóng nhỏ thôi nhưng lại bắt tay cùng ngọn gió nam thổi phần phật như muốn xô ngã đoàn người. Sức mạnh của sóng, gió thổi dạt tôi ra khỏi con đường, lội dần vào vùng nước sâu và phải dùng hết sức để trụ vững đôi chân và bước trở lại. Cát mềm mịn dưới chân nhưng hình như ít ai có tâm trí cảm nhận vì bận căng mình cho khỏi ngã và cũng không dám đứng lại quá lâu vì lún. Mặt trời đã xuống thấp nhưng lẩn vào trùng điệp mây đen tạo nên cảnh trí lạnh lẽo và buồn một cách hãi hùng.
Nhưng khi quay về hướng Đông, chân trời đã hừng nhẹ báo hiệu một đêm trăng rằm chan chứa. Một vài nhóm bạn trẻ tay xách nách mang thức ăn, lều trại bắt đầu đi bộ qua hải đăng Kê Gà cắm trại ngủ đêm. Nước cũng đã gần như rút cạn để lộ một lối đi trắng mịn hình vòng cung nối từ đất liền qua đảo. Và tôi đã đến giờ về…
Tôi nhẩm tính trong đầu xem sắp tới còn bao nhiêu lần con đường độc đáo này lại lộ ra và tự hứa với lòng: Rằm tháng tới mình sẽ lại đi Kê Gà, sẽ ở lại chờ trăng lên…
“Huyền thoại làng chài” trở lại
Cuối tuần qua, vở ca vũ nhạc kịch “Fishermen show – Huyền thoại làng chài” biểu diễn trở lại sau hơn 3 tháng tạm nghỉ do ảnh hưởng dịch Covid-19. Anh Trần Ngọc Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Seagull, nhà đầu tư dự án “Huyền thoại làng chài”- cho biết lượng khách đến xem chưa nhiều, song đơn vị vẫn mở cửa để khởi động lại. Một tuần sẽ diễn vào tối thứ tư và thứ bảy, lúc 20 giờ. “Căn cứ vào đăng ký của khách chúng tôi dự đoán cuối tháng 6, đầu tháng 7 lượng khách sẽ đông trở lại như trước đây” – anh Dũng nói.
“Huyền thoại làng chài” tái hiện làng chài Phan Thiết xưa với những người dân quanh năm bám biển với nghề đánh cá, làm muối, làm nước mắm. Qua đó lồng ghép sự tích cá Ông cứu giúp ngư dân, sự giao thoa văn hóa giữa người Kinh và người Chăm… Vở diễn được dàn dựng công phu trên nền nhạc nước hiện đại cùng dàn âm thanh, ánh sáng sống động khiến người xem không thể rời mắt cho đến phút cuối cùng.
Những điều cực thú vị về mũi Kê Gà ở Bình Thuận
Trên thực tế, mũi Kê Gà không phải mũi đất đúng nghĩa mà là một hòn đảo nhỏ cách đất liền khoảng 500 mét. Về tên gọi Kê Gà có nhiều lý giải khác nhau...
Thuộc địa phận xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 40 km về phía Tây Nam, mũi Kê Gà là một địa danh nổi tiếng với cảnh quan độc đáo và những câu chuyện lịch sử lý thú.
Trên thực tế, mũi Kê Gà không phải mũi đất đúng nghĩa mà là một hòn đảo nhỏ cách đất liền khoảng 500 mét, tục gọi là Hòn Bà. Khi thủy triều rút xuống thì một dải cát hiện ra nối mũi Kê Gà với đất liền. Quanh mũi đất này là nhiều bãi đá với hình thù lạ mắt.
Về tên gọi Kê Gà có nhiều lý giải khác nhau. Theo một cách lý giải phổ biến trong dân gian, mũi Kê Gà còn được gọi là Khe Gà vì mũi đất có một cái khe giống đầu mỏ của một con gà. Theo thời gian, người dân đọc trại Khe Gà thành Kê Gà.
Một cách lý giải khác cho rằng mũi đất này là một phần đất tách rời từ núi Cẩm Kê mà trong sách Đại Nam nhất thống chí ghi là Kê Dữ (tức "Đảo Gà"), là vì nơi đây có đàn gà rừng với màu lông sặc sỡ sống bên khe suối có dòng nước ngọt chảy ra biển...
Trong lịch sử hàng hải khu vực Đông Dương, mũi Kê Gà là một vị trí hiểm yếu của tuyến đường biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Từ hàng thế kỷ trước đã có rất nhiều thuyền buôn qua lại nơi đây và bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí.
Vào thời thuộc địa, để đáp ứng nhu cầu vận tải và quân sự, người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng ngọn hải đăng Kê Gà từ năm 1897. Ngọn hải đăng có chiều cao 35 mét, từ tầm ngọn đèn đến mặt biển là 65 mét. Tương truyền, nhiều người đã thiệt mạng do tai nạn khi xây dựng công trình.
Hải đăng Kê Gà bắt đầu hoạt động từ năm 1900. Ngọn đèn trên đỉnh hải đăng được thắp sáng bằng máy phát điện. Do vậy mũi đất này còn được người dân địa phương gọi là Mũi Điện.
Với tuổi đời 120 năm, hải đăng Kê Gà chính là ngọn hải đăng cổ nhất của Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là ngọn hải đăng có chiều cao thứ nhì trong số khoảng 90 ngọn hải đăng ở mảnh đất hình chữ S.
Ngày nay, khung cảnh xung quanh mũi Kê Gà vẫn còn rất nguyên sơ. Đây thực sự là một điểm tham quan hấp dẫn dành cho du khách khi đến thăm tỉnh Bình Thuận.
Mời quý độc giả xem video: Nghe ca khúc Việt Nam quê hương tôi.
Quốc Lê
Theo kienthuc.net.vn
Check-in 5 ngọn hải đăng thu hút tín đồ xê dịch Thu vào tầm mắt khung cảnh biển trời bao la, 5 ngọn hải đăng dưới đây là điểm đến được các tín đồ xê dịch check-in. Ảnh: Huongg_ly, Thạnh Lee. Tọa lạc tại huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, hải đăng Đại Lãnh là địa điểm đón bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam. Khoảnh khắc đón những tia nắng đầu...