Lọc máu tại nhà cho bệnh nhân suy thận
Người bị suy thận giai đoạn cuối không phải đến viện chạy thận, có thể lọc máu khi đi du lịch nhờ phương pháp lọc màng bụng tại nhà.
Lọc màng bụng là một trong ba phương pháp hữu hiệu điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối, bên cạnh chạy thận nhân tạo và ghép thận. Một số bệnh nhân được lọc màng bụng sống trên 30 năm.
Phương pháp này còn gọi là thẩm phân phúc mạc, tức dùng màng bụng để lọc sạch các chất độc và nước dư thừa do suy thận. Dung dịch thẩm phân được cho vào khoang màng bụng, khoảng 6 giờ sau xả dịch này ra và cho dịch mới vào. Thay dung dịch như vậy 4 lần trong một ngày.
Bệnh nhân dùng phương pháp lọc màng bụng có thể tự thực hiện tại nhà, ít hạn chế ăn kiêng và lượng nước uống. Bệnh nhân không phải đến bệnh viện thường xuyên, chỉ tái khám mỗi tháng một lần. Phương pháp này giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn, điều trị liên tục nhẹ nhàng và cơ động, bệnh nhân có thể lọc máu khi đi du lịch. Lịch trình lọc có thể điều chỉnh phù hợp với lịch sinh hoạt hàng ngày, không bị tiêm chích.
Trở ngại lớn nhất của lọc màng bụng là thay dịch 4 lần một ngày, cách mỗi 6 giờ nên mất thời gian và bất tiện trong sinh hoạt, phải đặt dẫn lưu ổ bụng thường xuyên, có nguy cơ nhiễm trùng nếu không đảm bảo vệ sinh tốt. Một số người bệnh như trẻ em, người già không thể tự thay dịch được mà cần người hỗ trợ. Với cuộc sống bận rộn hiện nay, người nhà rất khó có thể lo được nhiệm vụ này hàng ngày.
Nếu có điều kiện, thay vì thực hiện tự lọc bằng tay thì người bệnh có thể dùng máy. Lọc màng bụng bằng máy lần đầu được sử dụng vào năm 1994, đến nay máy đã có ở gần 100 nước với khoảng 75.000 bệnh nhân sử dụng.
Bệnh nhân được lọc màng bụng bằng máy. Ảnh: N.B
Phương pháp này chưa được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam chủ yếu vì lý do kinh tế. Lọc màng bụng bằng máy chi phí vật tư tiêu hao cao gấp đôi so với lọc màng bụng bằng tay và người bệnh phải tự bỏ ra số tiền khá lớn so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội để mua máy ban đầu. Đến nay cả nước chỉ hơn 20 bệnh nhân người lớn và hai bệnh nhi thuộc 5 bệnh viện sử dụng máy lọc màng bụng điều trị ngoại trú.
Video đang HOT
Chi phí lọc màng bụng bằng tay gồm vật tư tiêu hao khoảng 9 triệu đồng mỗi tháng. Chi phí lọc màng bụng bằng máy gồm vật tư tiêu hao khoảng 18 triệu đồng mỗi tháng chưa bao gồm tiền mua máy. Giá máy khoảng 140-160 triệu đồng, bệnh nhân phải tự mua.
Bệnh nhân nào nên áp dụng lọc màng bụng bằng máy
Tất cả bệnh nhân đang lọc màng bụng bằng tay đều có thể sử dụng máy lọc màng bụng. Tuy nhiên về chuyên môn, bác sĩ sẽ ưu tiên chọn lựa những bệnh nhân có tính thấm màng bụng cao vì những bệnh nhân này lọc màng bụng bằng tay sẽ không đạt yêu cầu.
Để biết được tính thấm màng bụng, cần xét nghiệm máu, dịch màng bụng để đánh giá, thuật ngữ chuyên môn gọi là PET test. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Thận học châu Âu, lọc màng bụng ngoại trú bằng máy nên được áp dụng cho các bệnh nhân lớn tuổi, người bệnh cần trợ giúp, màng bụng bệnh nhân có tính thấm cao .
Cách thức tiến hành lọc màng bụng bằng máy
Máy được kết nối với bệnh nhân vào ban đêm khi ngủ, ban ngày để bụng trống cho bệnh nhân tự do sinh hoạt thoải mái như người bình thường. Máy được cài đặt tự động lọc về đêm trong 9-10 giờ.
Bác sĩ, điều dưỡng chuyên trách lọc màng bụng sẽ huấn luyện trực tiếp vận hành máy, xử trí các báo động máy. Cần có sự liên lạc thường xuyên, tư vấn hướng dẫn qua điện thoại giữa gia đình bệnh nhân và cơ sở y tế lọc màng bụng.
Tiến sĩ Nguyễn Bách
Trưởng Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM)
Theo vnexpress.net
Bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh nhân chạy thận, ghép thận như thế nào
Mức cao nhất bảo hiểm trả cho một lần chạy thận là 543.000 đồng, mỗi ca ghép thận khoảng 300-500 triệu đồng thì bảo hiểm chi gần 100 triệu.
Theo quy định của Bộ Y tế, cơ cấu giá một lần chạy thận nhân tạo của bệnh nhân thận được xây dựng gồm 11 khoản bao gồm chi phí dây lọc máu, dịch lọc, màng lọc, dịch sát khuẩn màng lọc... Trong đó bảo hiểm y tế thanh toán 7 khoản nhưng không vượt quá 543.000 đồng (đối với bệnh viện hạng một). Mức chi trả bảo hiểm còn tùy thuộc vào vấn đề người bệnh được thanh toán theo diện đồng chi trả 80%, 95% hay 100%; chạy thận ở bệnh viện hạng nào.
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân phải chạy thận nhận tạo có hai dạng là chạy thận cấp cứu (khi có bệnh lý cấp tính) và chạy thận chu kỳ. Thông thường bệnh nhân được chỉ định chạy thận 3 lần mỗi tuần; trường hợp bệnh nhẹ thì thời gian đầu 2 lần một tuần sau đó tăng lên 3 lần. Bệnh nhân chạy thận cấp cứu lần đầu phải đặt catheter riêng chi phí phần này khoảng một triệu đồng. Chi phí chạy thận chu kỳ tùy thuộc vào vật tư tiêu hao, trung bình khoảng 700.000 đến một triệu đồng một lần. Do đó trong trường hợp bảo hiểm y tế chi trả 100%, người chạy thận nhân tạo mỗi lần chạy thận còn phải đóng thêm khoảng 150.000-450.000 đồng nữa.
Đối với ghép tạng, hiện nay bảo hiểm y tế chi trả gần 100 triệu đồng cho mỗi ca bao gồm chi phí phẫu thuật, thuốc, vật tư y tế cho việc ghép tạng. Bảo hiểm y tế không thanh toán chi phí phát sinh từ người hiến như xét nghiệm người hiến, phẫu thuật lấy tạng, bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, điều trị cho người hiến, chi phí bảo quản tạng để ghép...
Chi phí cho một ca ghép tạng tại Việt Nam đang được xem là khá thấp so với nhiều nước trên thế giới, song đối với nhiều người Việt là khoản tiền không nhỏ. Một ca phẫu thuật ghép tim chi phí khoảng một tỷ đồng, ghép gan 1,5 tỷ, ghép thận 300-500 triệu đồng. Người bệnh sau khi ghép nội tạng phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời. Bảo hiểm chi trả cho thuốc chống đào thải sau ghép tạng khoảng 8-10 triệu đồng một tháng.
Ông Lê Văn Phúc, Phó ban phụ trách Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thừa nhận quỹ bảo hiểm chưa chi trả được nhiều chi phí cho một ca ghép. "Bảo hiểm đang chi trả tiền giường, xét nghiệm, máu, dịch truyền, thuốc... trong phạm vi danh mục được bảo hiểm y tế chi trả. Riêng tiền phẫu thuật, chi phí cho quả thận... hiện chưa có cơ sở để thanh toán", ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, trong danh mục kỹ thuật được thanh toán bảo hiểm chưa có phẫu thuật ghép thận (từ người này cho người kia) mà mới chỉ có ghép thận tự thân. Quỹ Bảo hiểm Y tế cũng không đủ tiền để chi trả đầy đủ chi phí cho một ca ghép tạng.
Ông Phan Văn Toàn, Vụ phó Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho biết thêm, về nguyên tắc, tạng chỉ được hiến (không được bán). Tuy nhiên, có nhiều chi phí như xét nghiệm người hiến, bảo quản, phẫu thuật lấy tạng, bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, điều trị cho người hiến... chưa tính toán được. Ông Toàn nói: "Trong tương lai, liên Bộ Y tế - Tài chính sẽ tính đủ chi phí cho tất cả các dịch vụ kỹ thuật y tế, đồng thời quy định cụ thể điều kiện, tỷ lệ thanh toán để quỹ Bảo hiểm y tế có căn cứ thanh toán".
Ông Phan Văn Toàn, Vụ phó Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế.
Theo ông Toàn, mục đích của Bảo hiểm y tế là huy động sự đóng góp của nhiều người để chi trả chi phí khám chữa bệnh cho những người không may bị ốm đau, bệnh tật. Bộ Y tế luôn tính đến việc hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, không chỉ trong lĩnh vực ghép thận mà còn cả ghép tạng và các bệnh lý có chi phí lớn khác. Tuy nhiên, để có tiền thanh toán đủ chi phí một ca ghép tạng thì riêng ngành y tế không thể làm được mà cần phải có sự chung tay của xã hội, nhất là những người chưa tham gia bảo hiểm y tế.
"Quỹ có thể thanh toán chi phí hơn một tỷ đồng cho một người bệnh", ông Toàn khẳng định.
Ông cũng cho biết, việc xây dựng giá dịch vụ y tế là do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam khảo sát, tính toán trên cơ sở định mức kỹ thuật và cơ cấu chi phí thực tế, không phải do đơn phương Bộ Y tế, Bộ Tài chính hay Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định.
Nam Phương - Lê Phương
Theo vnexpress.net
94% người được ghép thận sống từ 3 năm trở lên Nhiều bệnh nhân mắc suy thận được chỉ định ghép thận có nguy cơ tử vong do các biến chứng của bệnh. Đó là nghiên cứu "kết quả ghép thận từ người cho chết tại BV Chợ Rẫy " của nhóm bác sĩ khoa Ngoại tiết niệu, BV Chợ Rẫy và bộ môn Tiết niệu học, ĐH Y Dược TP.HCM được báo cáo...