Lọc máu cả đời vì không có thận để ghép
Bác sĩ đủ trình độ ghép thận, người bệnh có tiền điều trị, nhưng tại TP HCM hiện vẫn có hằng trăm bệnh nhân phải chấp nhận cảnh lọc máu cả đời vì không có thận để thay.
Bà Muội (58 tuổi, ở huyện Hóc Môn) bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối đang được điều trị tại một trung tâm chạy thận nhân tạo ở quận 10. Năm 2010, bà được phát hiện suy thận mãn tính giai đoạn cuối, hiện chức năng thận của bà không còn hoạt động khiến chất độc không được lọc bỏ khỏi cơ thể.
Ăn uống kém, thân thể gầy yếu nên cứ vài ngày bà Muội phải đến bệnh viện một lần để chạy thận nhân tạo. Theo các bác sĩ, cách hiệu quả nhất để sức khỏe của bà Muội bình phục là thay thận, nhưng bệnh nhân này không có thận để thay.
Nhiều bệnh nhân suy thận mạn tính cần được thay thận nhưng không có thận để thay. Ảnh minh họa: Thiên Chương
“Ông xã qua đời, nhà chỉ có tôi và đứa con gái nhưng con gái tôi sức khỏe không đủ để có thể cho tôi quả thận. Thú thật tiền bạc không thiếu để đóng tiền ghép thận nhưng tôi đành phải chấp nhận mang bệnh từ giờ đến chết vì không biết tìm thận ở đâu để thay”, bà Muội nói.
Cùng cảnh ngộ, ông Nam (54 tuổi) – chủ một doanh nghiệp ở huyện Củ Chi cũng phải tuần hai lần đi lọc máu vì mắc chứng suy thận mãn tính giai đoạn cuối. “Tôi sống độc thân nên không người hiến tặng thận. Giờ tôi thì chỉ còn cách duy nhất là chạy thận. May mắn thì sống được thêm một thời gian”, bệnh nhân này buồn bã nói.
Video đang HOT
Theo các bác sĩ chuyên khoa Thận Niệu, trường hợp như ông Nam, bà Muội không hiếm. Trong hàng trăm ca chỉ định ghép thận tại TP HCM, ngoài số ít bệnh nhân nghèo không có tiền thay, số còn lại có điều kiện kinh tế nhưng lại không có người thân cho thận. Việc hy vọng có người chết não chấp nhận hiến thận lại càng khó hơn.
Một người hiến tạng có thể cứu mạng 6 người. Ảnh: TC.
10 năm qua, bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) ghép thận cho 61 trường hợp thì 100% bệnh nhân đều nhận thận của người thân. Bác sĩ Tạ Phương Dung, Trưởng khối Thận Niệu bệnh viện này thừa nhận, rào cản lớn nhất của bệnh nhân suy thận không phải là tay nghề bác sĩ mà là không có thận để ghép.
“Chi phí hàng trăm triệu đồng cho một ca ghép thận cũng là vấn đề. Với bệnh nhân nghèo khó, chi phí này có thể vận động từ các tổ chức từ thiện. Song, nếu không có người thân cho thận hoặc không có người hiến thận thì cũng đành chịu”, bác sĩ Dung nói.
Hiện, bệnh viện Nhân dân 115 có khoảng 20 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối có chỉ định ghép thận nhưng chưa có tạng để ghép.
PGS TS Trần Ngọc Sinh, Trưởng khoa Ngoại – Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội Tiết niệu – Thận học TP HCM cũng nhận định, nguồn tạng hiến từ người chết não nhằm phục vụ chữa trị bệnh là rất hiếm. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau 20 năm ghép thận cho 357 ca, chỉ có 7 trường hợp người chết hiến thận, còn lại là huy động từ người thân của bệnh nhân.
“Nhiều người Việt Nam còn mang suy nghĩ chết phải lành lặn cơ thể mà không biết rằng chỉ một người đồng ý hiến tạng thì gan, phổi, tim và thận của họ đã có thể cứu được đến 6 người”, bác sĩ Sinh nói.
Nghệ sĩ Minh Vương, một trong số ít người may mắn được một thanh niên bị tai nạn hiến thận cho rằng, nghĩa cử đó ông không bao giờ quên. “Qua trường hợp của mình, tôi cũng mong ngày càng có nhiều người tốt chấp nhận hiến nội tạng để cứu người khác. Việc làm cứu người này rất quý giá, không gì có thể sánh nổi”, nghệ sĩ Minh Vương nói.
Thiên Chương
Theo VNE
Bác sĩ cắt nhầm thận không đến hòa giải
Bệnh viện (BV) đa khoa TP Cần Thơ đã ủy quyền cho luật sư tham gia hòa giải, giải quyết vụ kiện dân sự với bệnh nhân bị cắt nhầm 2 quả thận. Trước đó, thẩm phán yêu cầu bác sĩ Trần Văn Nguyên, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật tai tiếng, phải có mặt trong lần hòa giải này.
Liên quan đến vụ kiện dân sự giữa nguyên đơn là chị Hứa Cẩm Tú (SN 1975, ngụ huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) kiện BV Đa khoa TP Cần Thơ cắt mất 2 quả thận của chị vào cuối năm 2011, phiên tòa hòa giải lần thứ 2 giữa 2 bên đã không diễn ra vào chiều 5/11 như dự kiến. Nguyên nhân do luật sư được BV Đa khoa TP Cần Thơ ủy quyền tham gia hòa giải, giải quyết vụ kiện vắng mặt.
Luật sư Nguyễn Trường Thành, đại diện theo ủy quyền và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho BV đã gửi đơn tới TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đề nghị hoãn phiên tòa vì cho rằng mới nhận được ủy quyền, trong khi vụ việc có liên quan đến chuyên môn y học cần có thời gian tập hợp tài liệu, chứng cứ để chuẩn bị cho việc giải quyết vụ kiện.
Người nhà bệnh nhân cùng luật sư xem lại hồ sơ tại TAND quận Ninh Kiều ngày 5/11
Trong phiên hòa giải lần thứ nhất, anh Nguyễn Thiện Trí (chồng chị Tú, người được chị Tú ủy quyền tham gia hòa giải) đã có đơn gửi đến TAND quận Ninh Kiều. Trong đơn anh Trí nêu rằng, từ ngày vợ anh bị cắt mất 2 quả thận và sau khi được ghép thận, cuộc sống gia đình anh đã khó khăn rất nhiều, tuy phía BV có hỗ trợ. Nhưng tổn thất lớn nhất là sức khỏe của chị Tú vì chị phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời, không lao động được. Vì vậy, anh Trí yêu cầu BV bồi thường một lần số tiền gần 443 triệu đồng và mỗi tháng còn bồi thường gần 8,2 triệu đồng/tháng.
Anh Trí cho biết: "Trong phiên hòa giải lần trước, phía BV không nhận sai mà nói rằng do tai biến chuyên môn. Trong khi kết luận của hội đồng chuyên môn của BV, có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong ngành thận-tiết niệu, nói rằng do bác sĩ đọc phim không chẩn đoán được vợ tôi bị thận móng ngựa. Sau đó dẫn đến việc phẫu thuật viên nhận định sai lầm nên cắt hết 2 quả thận của vợ tôi".
Bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết, bệnh của chị Tú là bệnh hy hữu, do bệnh nhân có bệnh lý từ trước nên khi phẫu thuật rất hay xảy ra rủi ro. Lãnh đạo BV này cũng cho rằng, do đây là sai sót về chuyên môn, theo Luật Khám chữa bệnh thì BV không có nghĩa vụ bồi thường. Vì vậy số tiền chị Tú yêu cầu bồi thường như trên là không có căn cứ. Được biết, sau khi xảy ra vụ cắt nhầm thận, bác sĩ Trần Văn Nguyên có "hỗ trợ" chị Tú 30 triệu đồng.
Luật sư Lê Quang Vũ (Văn phòng Luật sư Người Nghèo TP HCM, tư vấn pháp lý miễn phí cho chị Tú) nhận định: "Việc chị Tú yêu cầu bồi thường gần 443 triệu đồng không phải là quá cao. Thử nghĩ lại, sức khỏe chị Tú đã mất mát như thế nào sau khi mất 2 quả thận. Khi được ghép thận, tuy đã trở về gia đình nhưng không lao động được".
Còn anh Trí cho rằng, trong thời gian anh đưa chị Tú ra Huế nằm chờ ghép thận mất 8 tháng, 3 đứa con anh ở nhà phải tự đi học, cơm nước... không có bàn tay chăm sóc của người mẹ. "Những thứ mất mát trong những ngày tháng đó, có tiền cũng không đền được. Nếu BV nhận sai và có chế độ chăm sóc sức khỏe cho vợ tôi đến cuối đời thì chúng tôi có thể hòa giải, thương lượng số tiền bồi thường với BV"-anh Trí nói.
Theo lịch, phiên hòa giải lần 3 giữa chị Hứa Cẩm Tú và BV Đa khoa TP Cần Thơ sẽ diễn ra vào ngày 12/11.
Theo Ca Linh
BV "lật kèo" với người bị cắt nhầm thận Sau khi được ghép thận thành công, chị Hứa Cẩm Tú (ngụ TP Cần Thơ) bị mất sức lao động, phải dựa vào tiền "bồi thường" của bệnh viện cắt nhầm 2 quả thận của chị. Tuy nhiên, nơi này bất ngờ giảm một nửa rồi chấm dứt luôn việc gửi tiền hàng tháng cho nạn nhân. Ngày 24/5, Bệnh viện (BV) Đa...