Loạt công ty gạo bị siết nợ, rao bán tài sản
Trong danh sách doanh nghiệp bị ngân hàng rao bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ, có nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo.
Nhiều ngân hàng thương mại khác như BIDV, VPBank, Sacombank, SCB, VIB… đã và đang rao bán hàng loạt tài sản bảo đảm gồm bất động sản, động sản, khoản nợ có tài sản bảo đảm, xe ô tô để thu hồi nợ trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Trong danh sách doanh nghiệp bị rao bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ, có nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo.
Gần đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Sở giao dịch 2 thông báo bán đấu giá khoản nợ của CTCP Xuất nhập khẩu Gạo Phụng Hoàng với giá khởi điểm 1.045 tỷ đồng.
Nhà xưởng sản xuất của CTCP Xuất nhập khẩu Gạo Phụng Hoàng. Ảnh: Gạo Phụng Hoàng
Khoản nợ được phát sinh giữa công ty và BIDV từ tháng 1/2015 với tổng dư nợ gốc, lãi vay và phí phạt phát sinh đến 31/3/2020 là 990 tỉ đồng. Khoản nợ có 40 tài sản bảo đảm bao gồm 10 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất với diện tích từ 77m2 tới 8.342m2 tại TP Cần Thơ, 4 ô tô, 2 dây chuyền sản xuất gạo và hơn 20 ghe tải.
CTCP Xuất nhập khẩu Gạo Phụng Hoàng được thành lập vào năm 2007. Tháng 2/2014, công ty được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Thị trường xuất khẩu chính của công ty là Trung Đông và châu Âu.
Video đang HOT
Được biết, một trong số các tài sản bảo đảm của khoản nợ trên là Nhà máy sản xuất gạo Phụng Hoàng 3. Nhà máy có công suất sản xuất đạt khoảng 500 tấn gạo chất lượng cao/ngày, được xây dựng theo công nghệ hiện đại của Tập đoàn Buhler, Thụy Sĩ.
Trong tháng 9 này, Vietcombank Châu Đốc cũng phát mại tài sản bảo đảm là bất động sản nhà xưởng sản xuất gạo tại huyện Phú Tân, tỉnh An Giang của Công ty CP Sản xuất – Thương mại NPV với mức giá khởi điểm là hơn 34,18 tỷ đồng,
Tài sản bị phát mại bao gồm: Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp với diện tích 13.900,6m2; tài sản gắn liền với đất (văn phòng, nhà máy, nhà sấy, nhà kho) cùng tài sản là máy móc thiết bị dùng trong ngành gạo: Hệ thống bồn sấy, xay xát, lau bóng và tách màu.
Ngoài ra, chi nhánh ngân hàng này cũng phát mại tài sản bảo đảm là bất động sản nhà xưởng sản xuất gạo tại xã Tân Châu, tỉnh An Giang với mức giá khởi điểm 220,6 tỷ đồng gồm đất sản xuất kinh doanh, nhà ở công nhân, nhà kho, máy móc thiết bị.
Tháng 8/2020, Vietcombank chi nhánh Kiên Giang phát mại quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gồm nhà văn phòng, nhà xưởng phục vụ sản xuất gạo và máy móc thiết bị sản xuất gạo xuất khẩu của Công ty CP Kinh doanh nông sản Kiên Giang tại xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang với mức giá khởi điểm gần 29,8 tỷ đồng.
Ngân hàng Quân đội (MB) thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của một kho lương thực có diện tích gần 3.800m2 tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
Theo MB, đây là tài sản thế chấp cho khoản nợ của Công ty TNHH Nông Sản Ngân Phát và hiện tại công ty này không có khả năng trả nợ. MB chào giá khởi điểm cho lượng bất động sản trên là hơn 29 tỷ đồng.
Ngân hàng CP Thương mại Sài Gòn (SCB) thanh lý nhà máy gạo với tổng diện tích 20.582m2 ở huyện Cai Lậy, Tiền Giang với giá khởi điểm 85,3 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh thua lỗ của Gạo Phụng Hoàng được ghi nhận trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam chịu ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu ảm đạm.
BIDV chuẩn bị rao bán khoản nợ 17 triệu USD được đảm bảo bằng tàu Biển Đông Victory
BIDV cho biết đang tìm tổ chức đấu giá khoản nợ 17 triệu USD, có tài sản đảm bảo là tàu Biển Đông Victory, ngoài ra còn có trụ sở công ty tại Hải Phòng, tại TP. Hồ Chí Minh,...
Trong khi đó, ngân hàng cũng đang rao bán con tàu Ocean Queen, liên tiếp giảm mạnh giá khởi điểm nhưng chưa đấu giá thành công.
Ảnh minh họa
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh Long Biên Hà Nội (BIDV Long Biên Hà Nội) vừa thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông.
BIDV cho biết, dư nợ của công ty này đến ngày 30/6/2020 tại ngân hàng là hơn 17 triệu USD (tương đương với gần 400 tỷ đồng theo tỷ giá hiện nay 23.300 đồng/USD). Trong đó, dư nợ gốc gần 10,3 triệu USD, là dư nợ tham gia đồng tài trợ cho vay đầu tư mua tàu dầu Gammur trọng tải hơn 47 nghìn tấn (nay là tàu Biển Đông Victory) do Agribank Nam Hà Nội làm đầu mối. Dư nợ lãi là hơn 7 triệu USD.
Tài sản bảo đảm của khoản nợ là chính tàu Biển Đông Victory, ngoài ra còn có trụ sở công ty tại Hải Phòng, tại TP. Hồ Chí Minh và Chứng thư bảo lãnh của Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin).
Được biết, Vận tải Biển Đông được thành lập năm 1995 với ngành nghề kinh doanh chính là vận tải đường biển, đại lý tàu biển và môi giới hàng hải, đại lý giao nhận vận tải hàng hóa bằng các phương tiện vận tải đường bộ và đường thủy.
Ban đầu, công ty là một đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Đến năm 2010, thực hiện Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Vinashin, Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông được điều chuyển nguyên trạng từ Vinashin sang Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) kể từ ngày 1/7/2010.
Năm 2018, lãnh đạo Vinlines từng cho biết, Vận tải Biển Đông bị đánh giá hoạt động không liên tục, âm vốn chủ sở hữu tới 4.000 tỷ đồng, lỗ trung bình mỗi năm 500 tỷ. Vinalines đã tái cơ cấu nhưng khoản nợ của công ty này đối với các tổ chức tín dụng quá lớn.
Ngoài Biển Đông Victory, BIDV cũng vướng khoản nợ xấu lớn liên quan đến con tàu tai tiếng Ocean Queen. Hồi đầu tháng 9/2020, ngân hàng lần thứ 8 rao bán con tàu này. Ngân hàng đưa ra giá khởi điểm gần 194 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức giá hơn 300 tỷ đưa ra hồi cuối năm 2019.
Tàu Ocean Queen có giấy chứng nhận đăng ký tàu biển số HP-BUI-001190-4 cấp tại Hải Phòng ngày 09/08/2017.
Năm 2010, Công ty Hoa Ngọc Lan đã đàm phán mua con tàu từ Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu đóng mới. Đây là tàu được đóng và hạ thủy từ năm 2007, nhưng chủ tàu Graig (Vương quốc Anh) không nhận tàu.
Giá mua tàu khi ấy là 33 triệu USD, tương ứng khoảng 627 tỷ đồng (tỷ giá 19.000 đồng/USD). Theo thỏa thuận, bên mua tàu có trách nhiệm làm việc với ngân hàng để cho Nam Triệu vay khoảng 150 tỷ đồng để hoàn thiện tàu...Hoa Ngọc Lan là doanh nghiệp tư nhân duy nhất dám mua tàu có trọng tải lớn nhất đóng trong nước
Cùng thời điểm (tháng 10/2010) ký hợp đồng mua tàu, Hoa Ngọc Lan cũng được Ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Hà Nội ký hợp đồng cấp tín dụng tối đa 29,7 triệu USD để đầu tư mua tàu thời hạn vay 8 năm, thế chấp bằng chính con tàu này...
Nhà đầu tư cá mập nằm im chờ thời ôm vàng Trong vòng một tháng qua, Quỹ đầu tư tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust chỉ thực hiện mua vào đúng ba phiên, sáu phiên bán và có tới 12 phiên ngừng giao dịch. Lý giải về điều này, ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cao cấp Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, cho rằng: Cũng giống như...