Loãng xương có thể nhầm với đau cột sống
Bệnh loãng xương ít có triệu chứng điển hình, khi biểu hiện thì thường dưới dạng đau cột sống thắt lưng hay đau nhức xương.
Tuổi thọ trung bình dân số ngày càng cao, do người dân tiếp cận các dịch vụ y tế dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tần suất xuất hiện của những bệnh tuổi già sẽ gia tăng, trong đó có bệnh loãng xương. Tại Việt Nam, dự báo số người loãng xương vào năm 2030 là 4,5 triệu, số người bị gãy xương là 262.000.
Trò chuyện tại Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe TP HCM cuối tuần qua, bác sĩ Nguyễn Đình Thông, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, loãng xương là một bệnh nội tiết với hai đặc điểm chính là lực của xương bị suy yếu, cấu trúc xương bị suy giảm và hậu quả là gãy xương.
Khi đã bị gãy xương thì bệnh nhân lại tăng nguy cơ xuất hiện những hậu quả nghiêm trọng khác như tăng nguy cơ gãy xương thêm một lần nữa, làm giảm tuổi thọ, mắc nhiều biến chứng khác, chất lượng cuộc sống giảm đáng kể….
Tập thể dục mỗi ngày góp phần giúp phòng ngừa bệnh loãng xương. Ảnh: Lê Phương.
Loãng xương có hai loại là loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát. Loãng xương nguyên phát xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh tự nhiên từ 5 đến 10 năm, hoặc phụ nữ mãn kinh sớm do đã phẫu thuật cắt buồng trứng, do bệnh lý và loãng xương người già xuất hiện ở cả nam lẫn nữ sau 70 tuổi. Loãng xương thứ phát là do bệnh khác gây ra hay do dùng các loại thuốc điều trị bệnh khác nhưng có tác dụng phụ làm loãng xương.
Theo bác sĩ Thông, loãng xương ít có triệu chứng điển hình, triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi khối lượng xương giảm trên 30%. Triệu chứng thường biểu hiện dưới dạng đau cột sống thắt lưng hay đau nhức xương. Những triệu chứng trễ của loãng xương như là gãy lún đốt sống làm xẹp đốt sống, làm cho chiều cao của cơ thể giảm đi so với thời trẻ, xuất hiện gù lưng, gãy cổ xương đùi, gãy xương cổ tay, viêm cơ khớp…
Vì triệu chứng của loãng xương có thể nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh khác như thoái hóa cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm…, nên cần chú ý đến các yếu tố nguy cơ như sau:
- Từng bị gãy xương sau 30 tuổi.
Video đang HOT
- Tiền sử gia đình có người bị gãy xương, đặc biệt là có cha mẹ bị gãy xương sau tuổi 50.
- Uống rượu, hút thuốc lá hơn 20 điếu mỗi ngày.
- Cơ thể nhẹ cân, thấp bé.
- Tuổi cao.
- Ít vận động, ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Bất động trên 6 tháng.
- Khẩu phần ăn ít canxi.
- Mãn kinh sớm (trước tuổi 35).
- Dùng thuốc có tác dụng phụ làm loãng xương.
- Bệnh khác làm loãng xương như suy thận mạn, viêm khớp mạn tính, cường cận giáp…
Bác sĩ Thông lưu ý, cần đo mật độ xương đối với phụ nữ trên 65 tuổi, nam trên 70 tuổi. Ngoài ra, một số người có chỉ định đo mật độ xương là phụ nữ dưới 65 tuổi có ít nhất một yếu tố nguy cơ (ngoài yếu tố mãn kinh) như đã nêu, bệnh nhân có dấu hiệu loãng xương trên phim Xquang, nghi ngờ loãng xương ở những bệnh nhân dùng corticoid kéo dài, cường cận giáp nguyên phát, thứ phát không triệu chứng, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp…
Việc điều trị loãng xương hiện nay nhằm phòng chống hay giảm nguy cơ gãy xương, ngăn chặn tình trạng mất chất khoáng và cải thiện chất lượng xương. Đối với bệnh nhân đã gãy xương thì việc điều trị giúp ngăn chặn nguy cơ gãy xương lần kế tiếp.
Phòng ngừa bệnh loãng xương:
- Gia tăng khối lượng xương đỉnh bằng dinh dưỡng, tập luyện khi còn nhỏ.
- Tránh các yếu tố nguy cơ loãng xương có thể can thiệp được.
- Điều trị tốt các bệnh có thể gây loãng xương.
- Ngưng hút thuốc lá.
- Chế độ dinh dưỡng đầy đủ canxi và vitamin D.
- Tập thể dục mỗi ngày, giữ cân nặng hợp lý, tránh té ngã.
Theo VNE
7 vitamin cần thiết cho phái yếu
Khoa học đã chứng minh phụ nữ dễ bị tổn thương và bệnh tật hơn nam giới, cho nên cần bổ sung nhiều vitaminđể duy trì sức khỏe. Tuy nhiên, việc hấp thụ vitamin thay đổi tùy theo giai đoạn trong cuộc đời; ví dụ, khi mang thai cần nhiều acid folic, trong thời kỳ mãn kinh cần nhiều vitamin D.
Vitamin có nhiều trong trái cây - Ảnh: Shutterstock
Vitamin A. Dưới hình thức retinol và carotenoid, ngoài việc giữ cho đôi mắt khỏe mạnh và ngăn ngừa bệnh thoái hóa điểm vàng khi về già, vitamin A còn hoạt động như chất chống oxy hóa làm vô hiệu hóa các gốc tự do và giảm khả năng phá hoại của chúng, đồng thời giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm giảm nguy cơ bệnh tật và làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể. Vitamin A có thể tìm thấy trong trái cây và rau quả như: cà chua, ổi, cà rốt, bí ngô, mơ và tất cả các loại rau lá xanh.
Vitamin B6. Vitamin B6 hỗ trợ quá trình trao đổi chất và tạo điều kiện thuận lợi giúp não hoạt động tốt. Nếu cơ thể thiếu vitamin này rất dễ dẫn đến nguy cơ thiếu máu và thậm chí có thể mắc chứng trầm cảm. Chuối, ngũ cốc, bột yến mạch, bơ, đậu, thịt gia cầm, và các loại hạt rất giàu vitamin B6.
Vitamin B9. Vitamin B9 hoặc axit folic đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với phụ nữ khi mang thai. Nếu không dung nạp đủ lượng axit folic trong giai đoạn này, con của bạn có thể bị khuyết tật ống thần kinh hoặc cột sống. Vitamin B9 cũng giúp sản xuất các tế bào máu, ngăn ngừa bệnh thiếu máu. Axit folic có nhiều trong các loại rau có màu xanh thẫm, các loại đậu, ngũ cốc, trứng và gan.
Vitamin B12. Vitamin B12 còn được gọi là cyanocobalamin có tác dụng hữu ích trong việc hình thành các tế bào mới, sản xuất protein cũng như hỗ trợ tích cực cho quá trình trao đổi chất. Nguồn vitamin này bao gồm sữa, sữa chua, pho mát, trứng, thịt và cá. Những người ăn chay có nguy cơ thiếu hụt vitamin này.
Vitamin C. Còn được gọi là axit ascorbic, đóng vai trò như một chất chống oxy hóa và hỗ trợ đắc lực trong việc chữa lành các vết thương. Nó là một trong những vitamin quan trọng nhất đối với phụ nữ do khả năng chữa bệnh rất hiệu nghiệm. Ngoài công dụng trên, Vitamin C còn giữ nhiệm vụ sản xuất tế bào hồng cầu mới, cung cấp oxy tới não và các tế bào khác của cơ thể. Vitamin C hiện diện trong trái cây họ cam quýt, bưởi, dâu tây, cà chua và bông cải xanh.
Vitamin D. Vitamin D có chức năng như một nội tiết tố cùng với canxi duy trì sự chắc khỏe của xương. Thiếu vitamin D có thể dẫn đến loãng xương. Ngoài ra, theo Fitday - trang web sức khỏe của Mỹ, đã có một số nghiên cứu cho thấy Vitamin D còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư ruột kết và viêm khớp dạng thấp. Bạn có thể nhận được vitamin này bằng cách phơi nắng vào buổi sáng và ăn nhiều cá.
Vitamin E. Vitamin E rất cần thiết cho sức khỏe của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Vitamin E hoạt động như một chất chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa, điều mà bất cứ phụ nữ nào cũng ao ước. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vitamin E còn có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim, đục thủy tinh thể và thậm chí cả ung thư. Nguồn vitamin có trong các loại hạt và sản phẩm từ hạt, mầm lúa mì, dầu gan cá và bơ thực vật.
Theo TNO
Chương trình chia sẻ bí quyết phòng ngừa loãng xương Theo khuyến cáo của WHO, để duy trì một khung xương chắc khỏe và phòng ngừa bệnh loãng xương, chị em nên bổ sung calci và vitamin D3 cho cơ thể mỗi ngày. Theo thống kê của Hội Loãng xương TP HCM, Việt Nam co đên 2,8 triệu ngươi măc bệnh loang xương, trong đo phai đep chiêm tỷ lệ nhiêu nhât vơi...