Loài chim từng tuyệt chủng hoàn toàn nay đã xuất hiện lại
Một loài chim không biết bay đã tuyệt chủng 130.000 năm trước nhưng nay đã xuất hiện trở lại nhờ quá trình tiến hóa.
Chuyện diễn ra trên đảo san hô Aldabra (Ấn Độ Dương), nơi một loài chim thuộc họ gà nước đã tuyệt chủng cách đây khoảng 136.000 năm. Loài chim này có phần lông cổ trắng, kích thước tương tự một con gà và không biết bay.
Loài chim họ gà nước bất ngờ xuất hiện trở lại sau hàng trăm nghìn năm tuyệt chủng. Ảnh: Science.
Tổ tiên của loài chim có nguồn gốc từ Madagascar. Khi phát triển đông hơn, chúng bắt đầu di cư về miền đông châu Phi. Tại đây, nhóm chim di cư tiếp tục chia thành 3 hướng: bay qua châu Phi về phía tây, một số khác lên phương bắc, số còn lại bay về phía nam Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, nhóm đi về Tây Phi gặp phải nhiều loài thú ăn thịt nên không thể phát triển. Còn nhóm bay về phía nam hay bắc Ấn Độ Dương vì không đủ sức nên đã chết dọc đường.
Chỉ có nhóm bay về phía đông bắc sống sót và sinh sống trên các đảo Mauritius, Réunion và Aldabra.
Hầu hết loài thuộc họ gà nước đều biết bay, tương tự như các loài bản địa ở Madagascar. Tuy nhiên, môi trường sống trên đảo Aldabra gần như không có thú ăn mồi nên việc bay đi kiếm ăn hay tìm chỗ trú ẩn là không cần thiết. Đôi cánh của loài này cũng dần mất đi.
136.000 năm về trước, mực nước biển dâng cao khiến Aldabra bị nhấn chìm. Vì không thể bay nên toàn bộ loài này đều bị đại dương “nuốt chửng” cùng với hòn đảo. Tương chừng như đó là lần cuối cùng loài gà nước Aldabra tồn tại trên Trái Đất. Nhưng tạo hóa đã cho chúng cơ hội “hồi sinh” lần hai nhờ tiến hóa.
Cách đây vài nghìn năm, sau khi mực nước biển hạ xuống, Aldabra trồi lên trở lại, loài chim này lại một lần nữa “tái xuất”. Trên cùng một hòn đảo, chúng đã tiến hóa độc lập, hai lần riêng biệt cách nhau hàng trăm nghìn năm. Việc tiến hóa hai lần này được gọi là tiến hóa lặp lại.
David Martill, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Portsmouth đã lý giải một số chim bản xứ ở Madagascar, là loài tổ tiên của gà nước Aldabra đã di cư lần nữa đến đảo san hô, và tiến hóa thành một loài họ gà nước khác.
Các mẫu hóa thạch chứng minh hai loài đã tiến hóa tương đồng nhau. Ảnh: CNN.
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh được loài chim mới hoàn toàn giống với loài chim Aldabra đã tuyệt chủng bằng việc so sánh mẫu hóa thạch. Chúng đều có nguồn gốc là gà nước Madagascar và tiến hóa không còn cánh và mất khả năng bay.
Đây là trường hợp tiến hóa lặp lại cực kỳ hiếm trong tự nhiên. Và nó cũng là trường hợp duy nhất được ghi nhận với các loài chim.
Chú rùa có chỏm tóc xanh lạ và sự thật đau lòng phía sau
Rùa sông Mary quý hiếm sở hữu "mái tóc" xanh lá độc đáo là một trong số những loài bò sát có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới. Trong quá khứ, tổ tiên của chúng từng bị con người bắt về làm thú nuôi.
Hình ảnh chú rùa có chỏm tóc xanh kỳ lạ từng gây thích thú cho những người yêu động vật trên toàn thế giới khi xuất hiện trên các trang báo lớn.
Đây là loài rùa Mary (Elusor macrurus) được đặt tên theo con sông cùng tên ở Queensland, Australia, cũng là nơi duy nhất tìm thấy chúng trên Trái đất.
Thực chất, những chỏm màu xanh trên đầu không phải là tóc của chúng mà là rêu lâu ngày bám vào. Tuy vậy, tạo nên đặc điểm nhận dạng vô cùng khác biệt cho loài rùa này.
Ngoài những chỏm xanh bám trên đầu và người, rùa sông Mary còn có những đặc điểm dễ nhận biết như những cái râu thịt ngắn dưới cằm hay lỗ mũi to.
Rùa sông Mary khi trưởng thành có thể dài khoảng 40cm, và một điều kỳ lạ là có thể thở qua bộ phận sinh dục.
Cơ quan giống mang bên trong lỗ huyệt, bộ phận dùng để bài tiết và giao phối ở bò sát, cho phép rùa sông Mary ở dưới nước trong thời gian lên tới ba ngày.
Tuy nhiên, chúng không thể trốn khỏi các nhà sưu tập thú cảnh bởi bản tính hiền lành. Tổ của chúng thường bị lùng sục vào thập niên 1960 và 1970 để nuôi làm thú cưng.
Những con rùa "tóc xanh" bị bắt khỏi môi trường thiên nhiên và bán vào các của hàng thú nuôi. Chính điều này đã góp phần lớn vào việc đẩy loài rùa này tới nguy cơ tuyệt chủng.
Rùa sông Mary quý hiếm hiện đứng thứ 29 trong danh sách 100 loài bò sát có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới, được Hiệp hội Động vật học London (ZSL) thống kê.
Đến nay, ước tính chỉ còn hơn 100 con rùa này còn tồn tại trên thế giới.
Theo trang web EDGE, những con rùa này có thể đã sống cùng thời với các loài động vật vào khoảng 40 triệu năm trước. Bởi vậy, không đơn thuần là một loài động vật hiếm, rùa Mary "đại diện cho một phần không thể thay thế của di sản thiên nhiên thế giới".
"Bò sát ít được chú ý bảo tồn hơn so với chim và động vật có vú. Tuy nhiên, danh sách bò sát nguy cấp chỉ ra những sinh vật này thực sự độc đáo, thú vị và dễ tổn thương tới mức nào", Rikki Gumbs, điều phối viên của ZSL, cho biết.
Cận cảnh rùa sông Mary quý hiểm. Nguồn: Youtube
Hồi sinh khủng long ăn thịt đã tuyệt chủng 65 triệu năm từ gà? Với công nghệ khoa học hiện đại, liệu hồi sinh quái vật khủng long ăn thịt có thành sự thật hay không? Hồi sinh khủng long luôn là niềm mong muốn của con người miễn sao DNA gốc của khủng long có thể được chiết xuất, phôi của chúng có thể phát triển được trong phòng thí nghiệm thì điều đó sẽ thành...