Loại bánh đặc sản chỉ có ở Bình Định đã ăn thì khó lòng buông đũa
Nhìn bề ngoài thì món đặc sản này không mấy hấp dẫn nhưng một khi đã nếm thử thì bạn khó có thể buông đũa được đấy!
Du khách đến với Bình Định có thể kể một loạt món ngon nổi tiếng ở nơi đây như bánh ít lá gai, bánh hỏi lòng heo, bánh hồng, bún rạm,… Trong số đó có một món ăn vô cùng dân dã, giản dị nhưng lại cực kỳ độc đáo và ngon miệng, chính là món bánh dây (hay còn gọi là bún dây).
Món ăn này có nguồn gốc từ thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Để làm ra một mẻ bánh dây đúng chuẩn truyền thống thì rất cần phải có những người thợ khéo léo đầy kinh nghiệm. Hơn nữa món bánh này cũng tốn khá nhiều thời gian, công sức.
Trước tiên là phải thật cẩn thận trong khâu chọn nguyên liệu. Nguyên liệu phải chuẩn thì mới cho những mẻ bánh ngon. Gạo để làm bánh dây Bồng Sơn phải là gạo cũ, tức là loại gạo xay từ thóc thu hoạch được từ vụ mùa trước. Như vậy bánh mới có độ dai đặc trưng mà không cần dùng hàn the. Còn tro ngâm gạo thì phải là tro củi dừa, sàng mịn, rồi cho vào nước khuấy đều, đợi đến khi lắng xuống thật trong thì lọc bỏ sạch tạp chất mới đem vào sử dụng.
Khi đã có đủ nguyên liệu làm bánh thì người thợ sẽ phải đem gạo vo sạch tro trấu bụi bẩn rồi đem ngâm vào nước tro trong suốt 6 tiếng đồng hồ, có lẽ vậy mà người ta còn gọi món bánh này với cái tên thân thuộc khác là bún nước tro. Tại công đoạn này, nước cũng phải đong đếm cẩn thận để gạo thẩm thấu đến tận lõi, dư nước thì bột xay sẽ bị hỏng còn thiếu nước thì bột xay không mịn, vậy nên nghe thì đơn giản nhưng cũng cần phải có nhiều kinh nghiệm mới làm được.
Ngâm gạo xong thì vớt ra rổ tre để thật ráo nước, sau đó đem gạo đi xay bằng cối đá. Mặc dù giờ đây có thể xay bằng máy xay nhưng gạo xay thủ công bằng cối vẫn giữ được hương vị nguyên sơ của bánh dây Bồng Sơn truyền thống.
Video đang HOT
Sau khi bột đã được xay mịn thì được cho vào chảo để khuấy liên tục. Lửa than chỉ để liu riu. Quấy cho đến khi thấy nặng tay, bột dần đặc lại thì vớt lên bàn rồi dùng con lăn gỗ lăn đều qua lại cho thật mỏng và mịn, sau đó cắt thành từng miếng nhỏ và đưa vào khuôn ép thành những sợi nhỏ như sợi dây. Bởi hình dạng này mà người ta gọi luôn món này là bánh dây.
Bước cuối cùng là lấy những vỉ bánh dây vừa ép đem đi hấp cách thủy cho đến khi chín đều có màu vàng nhạt tự nhiên và bắt mắt. Bánh dây Bồng Sơn đạt chuẩn là các sợi dính vào nhau nhưng vẫn có thể tách ra dễ dàng.
Thông thường, người ta sẽ bán bánh dây vào buổi sáng và tối. Thế nhưng vì món này được làm từ gạo, có nhiều tinh bột nên dễ gây đầy bụng, bởi vậy nhiều người thưởng thức nó vào buổi sáng hơn.
Ở huyện Hoài Nhơn, du khách dễ dàng bắt gặp những nơi bán bánh dây, từ nhà hàng cho đến những gánh hàng rong. Khi có khách gọi món, người bán sẽ xé rời từng vỉ bánh rồi cắt thành từng đoạn cho vừa ăn rồi đặt vào đĩa. Tiếp đến là thoa một chút dầu hẹ lên mặt bánh giúp bánh không bị khô, thêm đậu phộng rang giã nhỏ, cuối cùng là rưới vài thìa nước mắm chanh tỏi ớt vào.
Kèm với đĩa bánh dây là một đĩa rau sống gồm các loại như xà lách, rau thơm, giá đỗ, rau diếp cá,… Những loại rau này giúp món ăn tươi mát và có thêm hương vị hơn. Khi ăn sẽ thấy bánh dây Bồng Sơn hơi dai dai, có mùi thơm của gạo, nhè nhẹ mùi hẹ, thêm các loại rau sống thơm mát cùng vị béo bùi của đậu phộng rang. Tất cả nguyên liệu được kết nối, hòa quyện bằng nước chấm đậm đà, hài hòa chua cay mặn ngọt.
Bạn có thể ăn kèm bánh với một chiếc bánh tráng nướng vàng ươm, giòn rụm cho vui miệng nhưng nhất định không được ăn chung với các loại thịt như bánh hỏi vì như vậy sẽ làm mất đi hương vị đặc trưng của bánh.
Ở thành phố Quy Nhơn, nếu bạn muốn ăn bánh dây Bồng Sơn ngon thì có thể tới khu chợ Đầm, quán nhỏ ở góc đường Mai Xuân Trường hoặc các quán trên đường Trần Hưng Đạo, với mỗi đĩa bánh trung bình có giá từ 20.000 đồng. Còn nếu muốn ăn chuẩn vị gốc thì hãy đến tận thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, ở các khu chợ hay các tuyến đường trung tâm đều bán món đặc sản dân dã này rất nhiều.
Bản đồ ẩm thực: Dẻo thơm bánh hồng đất Bình Định
Về đến đất Bình Định, nếu nghe ai đó hỏi "Khi nào cho cô ăn bánh hồng dẫy (vậy) bay?", thì chắc chắn họ không phải đang giới thiệu về đặc sản quê nhà, mà là muốn hỏi thăm tin báo hỷ của bạn.
Đã thành phong tục, trong mâm quả cưới miền Bắc luôn hiện diện bánh cốm, miền Nam là bánh pía, miền Trung có bánh phu thê (su sê), và ở đất Bình Định thì không thể thiếu bánh hồng. Có người bảo rằng, gọi tên "bánh hồng" vì cùng với tấm thiệp hồng, đó là sứ giả báo tin vui cho ngày lễ trọng đại. Người khác lại nói bánh có màu hồng phơn phớt nhẹ nhàng nên được gọi tên theo màu sắc.
Cách làm bánh hồng
Bánh hồng được làm từ hai nguyên liệu chính là nếp và dừa. Phải chọn những hạt nếp ngự căng bóng, no tròn, nếu không cũng là nếp cái hoa vàng hoặc nếp nương trên vùng núi cao. Ngâm nếp chừng 8 giờ rồi đổ nước vào xay. Chờ bột lắng, ép hết nước, để vài giờ cho ráo rồi nhào bột. Khâu này nên thêm một ít nước và nhào kỹ để bột được dẻo mịn hơn.
Sau đó, bắc chảo lên bếp than hoa, nấu sôi nước đường cát, nắn từng miếng bột nhỏ dẹt cho vào, dằm nhuyễn và khuấy đều cho các khối bột hòa quyện thành một. Cách này giúp bột được chín đều, còn nếu cho nguyên cả khối bột lớn vào thì dễ bị chín bên ngoài, sống bên trong.
Quẹt vội giọt mồ hôi, chú Lê Xuân Cảnh (Phù Cát, Bình Định), hơn nửa đời người theo nghề làm bánh truyền thống, cười nói: "Ngó vậy chớ cũng không dễ, mỏi tay lắm đó con". Càng về sau, bột càng đặc lại nên phải giữ nhịp quấy để bột được chín đều. Vì có nước đường nên chỉ chậm tay xíu thôi là bột sẽ cháy và bị khét.
Từng mẻ bánh hồng dần được hoàn thiện bởi kinh nghiệm lâu năm mà chú Cảnh tích lũy. Ảnh: Việt An
Lửa chỉ để liu riu nên thời gian quấy bột khá lâu. Khi nào bột dẻo lại thì cho dừa bào sợi đã sên đường từ trước đó vào trộn chung. Dừa chọn loại không quá non mà cũng không quá già. Non quá thì cơm mỏng, ít ngọt, mà già quá thì cơm dừa sẽ sạm cứng, dễ bị hôi dầu.
Tiếp tục quấy đến lúc cả bột và dừa quánh lại thành cục và không dính chảo là đạt. Lấy đôi đũa cả sắn nguyên khối bột, hơ trên lửa nhỏ đến khi bột trong và dẻo như ý. Đổ bột ra khuôn, ép thành hình và áo bên ngoài một lớp bột năng đã rang chín. Lớp bột áo này để giúp bánh không bị dính vào nhau.
Gọi tên bánh hồng nhưng người thợ có thể biến tấu với nhiều màu sắc khác nhau. Nếu chỉ làm màu trắng thuần thì giữ nguyên màu của bột, còn các màu sắc khác phải pha thêm. Khâu pha màu cũng là bí quyết riêng của mỗi nhà làm bánh. Chú Cảnh chia sẻ "Mỗi nhà có công thức khác nhau, nhưng chú chỉ lấy màu tự nhiên như củ dền, gấc để lấy màu hồng, lá dứa để lấy màu xanh... vừa an toàn vừa tốt cho người dùng. Phải pha sao cho mùi của củ không át mùi của nếp mà màu vẫn lên đẹp".
Thưởng thức cũng phải đúng điệu
Bánh hồng thường để nguyên miếng dày 2-3cm, khi nào ăn mới cắt nhỏ ra. Tuy nhiên, như vậy đôi khi hơi bất tiện cho người dùng. Nắm bắt được tâm lý đó, một số cơ sở đã cắt bánh sẵn và lồng vào các túi nylon nhỏ cho thuận tiện.
Chị Quyên, chủ một cơ sở làm bánh hồng tại An Nhơn, Bình Định còn đầu tư ly giấy cupcake be bé đựng bánh, khi bày lên bàn tiệc hoặc mâm quả cưới trông tinh tế hơn hẳn. Chỉ một thay đổi nhỏ về hình thức đã giúp "lên đời" món bánh truyền thống. Vì thế, ngày càng nhiều khách đặt bánh hồng cho các buổi tiệc trà, sự kiện, hội thảo... chứ không chỉ trong dịp cưới hỏi.
Bánh hồng nhà chị Quyên làm đựng trong ly giấy cupcake bắt mắt. Ảnh: page Bánh hồng Bình Định
Rót một tách trà mạn, thưởng thức miếng bánh hồng mềm mềm, dẻo dẻo, nghe hương nếp thơm quyện cùng vị béo sần sật của dừa và cảm nhận vị ngọt dịu lan tỏa. Mộc mạc nhưng vẫn thu hút, bánh hồng đã trở thành một đặc sản nổi tiếng mang đậm hồn quê xứ Nẫu, là món quà giản dị cho nhiều du khách phương xa.
Dé bò Tây Sơn - đặc sản ngon nức tiếng nhưng kén người ăn ở Bình Định Sự kết hợp tuyệt vời giữa mùi thơm của rau, vị đắng của nước dé cùng với vị chua của lá giang, vị cay bỏng của ớt, khiến ai đã một lần thưởng thức chắc chắn sẽ không thể quên món dé bò Tây Sơn ở tỉnh Bình Định. Dé bò Tây Sơn ăn kèm với các loại rau thơm, rau sống, bún...