Lo ngại thực phẩm bẩn, TP.HCM lập 30 đoàn kiểm tra dịp Tết Nguyên đán
Trong đợt kiểm tra cao điểm này, BQL An toàn thực phẩm đã thành lập 30 đoàn thanh tra thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Rạng sáng 7/1, đoàn kiểm tra của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức và chợ truyền thống Thủ Đức (Q. Thủ Đức, TP.HCM). Đây là hoạt động cao điểm trong đợt kiểm tra nhằm đảo bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân Canh Tý 2020.
: Đoàn kiểm tra tại Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức
Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Nhu – Phó Giám đốc Công ty cổ phần quản lý và kinh doanh Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức cho biết, chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức hiện là nơi cung cấp rau, củ, quả lớn nhất tại TP.HCM. Những ngày thường trong năm, lượng hàng hóa được nhập về chợ mỗi đêm khoảng 3.500 tấn. Thời điểm cận Tết, lượng hàng hóa nhập về chợ tăng lên gần gấp đôi từ 6.000 – 6.500 tấn/đêm. Toàn bộ rau, củ, quả được nhập về chợ đều được kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, lấy mẫu kiểm nghiệm đều đặn.
Ông Nhu cho biết thêm, năm nay, rau, củ, quả của Việt Nam được nhập về chợ chiếm từ 75-80% tổng lượng hàng hóa về chợ mỗi đêm, còn lại là nông sản được nhập khẩu từ Trung Quốc, Úc… Đối với các loại hàng hóa nhập khẩu, đều kiểm soát hoá đơn chứng từ nhập khẩu hợp lệ. Ngoài ra, để tránh gian lận thương mại, Ban quản lý chợ đã yêu cầu tiểu thương phải thực hiện ghi chép các thông tin liên quan đến hàng hoá, ghi rõ xuất xứ trên bảng hiệu để người mua hàng nắm được nguồn gốc, xuất xứ và lựa chọn sản phẩm.
Bước đầu, hầu hết các tiểu thương đã chủ động thực hiện tốt, tuy nhiên, bên cạnh đó, ban quản lý chợ vẫn gặp một số khó khăn như tình trạng chợ tự phát vẫn còn tồn tại xung quanh chợ đầu mối, với giá cả “bèo” nhưng khó kiểm soát chất lượng. Bên cạnh đó tình trạng rác thải tại chợ khó xử lý được triệt để được do khối lượng rác thải hàng ngày quá lớn. Ngoài ra là tình trạng sử dụng chất cấm, hoặc sử dụng những chất được cho phép tuy nhiên quá nồng độ trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm xung quanh chợ vẫn còn diễn ra.
Video đang HOT
Thời điểm cận Tết, lượng hàng hóa nhập về chợ tăng lên gần gấp đôi từ 6.000 – 6.500 tấn/đêm.
Theo ông Phan Văn Quảng – Đội trưởng Đội quản lý an toàn thực phẩm số 2, phụ trách địa bàn Chợ Đầu mối Nồng sản Thủ Đức, trong năm 2018 và đầu năm 2019 đội đã phối hợp với ban quản lý chợ tiến hành xử lý, xử phạt hành chính nhiều trường hợp vi phạm về sử dụng chất cấm trong ngâm tẩm, sơ chế thực phẩm. Điển hình, đoàn đã tịch thu, tiêu huỷ nhiều khối lượng lớn bắp chuối bào, rau muống bào, sả băm (trường hợp bị xử lý nhiều nhất lên đến gần 2 tấn) có sử dụng chất cấm trong ngâm tẩm. Trong đợt cao điểm tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2020, đội đã phối hợp tăng cường kiểm tra giám sát, tuyên truyền người dân, đến nay chưa phát hiện thêm vi phạm mới.
Tại đây, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng BQL An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, qua kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận công tác kiểm soát thực phẩm ở Chợ đầu mối Thủ Đức hàng đêm đã được thực hiện tốt, đặc biệt là kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ của các loại rau, củ quả nhập khẩu, không để xảy ra tình trạng đánh lừa người tiêu dùng như trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng tiểu thương lại giới thiệu nguồn gốc Việt Nam hoặc từ Úc. Bà Lan cũng yêu cầu ban quản lý chợ cần tập trung dẹp nạn chợ tự phát ở bên ngoài chợ. “Đây nơi có nguy cơ cao mất ATTP bởi thực phẩm được bày bán trong môi trường lề đường vỉa hè không đảm bảo, đồng thời nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng”, bà nhấn mạnh
Bà Lan cho biết, trong đợt kiểm tra cao điểm này, BQL An toàn thực phẩm đã thành lập 30 đoàn thanh tra thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Công tác kiểm tra tập trung vào các mặt hàng phục vụ Tết như rau, củ, quả, trái cây, các loại thịt dùng để chế biến thực phẩm, kho lạnh tích trữ thực phẩm để phục vụ Tết… Song song đó, các đoàn kiểm tra liên ngành của 24 quận, huyện cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.
Trưởng BQL An toàn thực phẩm TP cho biết thêm, không phải đợi đến Tết mới kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ, hiện thành phố đang cố gắng xây dựng chợ thí điểm an toàn thực phẩm đảm bảo hàng chất lượng đến tay người tiêu dùng. Theo đó, xây dựng chợ thí điểm an toàn thực phẩm phải dựa vào 3 yếu tố đó là con người, điều kiện cơ sở vật chất ở chợ và chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Lam Ngọc
Theo khampha
Đêm cuối năm ở chợ đầu mối nông sản
Tết đã cận kề! Những người xa quê có lẽ ai cũng khát khao đoàn tụ gia đình, sum vầy với những người thân yêu nhất. Ước mơ tưởng chừng đơn giản nhưng nó lại khá xa đối với những người nghèo khó, đi làm ăn xa... mỗi dịp Tết đến xuân về.
Những ngày giáp Tết, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường. Xe chở hàng ra vào chợ tấp nập, tiếng còi xe inh ỏi, tiếng người huyên náo, bánh xe kéo rít lên tiếng cút kít liên hồi. 23h, ở một góc cạnh sạp sầu riêng người phụ nữ tóc bạc trắng vẫn đang miệt mài với công việc. Bà tên là Mai Thị Bốn, một trong số gần 600 người làm nghề kéo xe thuê lấy đêm làm ngày ở chợ đầu mối này.
Tết này, bà Bốn bước vào tuổi 75. Quê gốc bà ở Quảng Nam. Bà rời quê từ tuổi còn thanh xuân vì chạy trốn cuộc hôn nhân do cha sắp đặt. Phận gái nơi xứ lạ, cuộc sống khó khăn, bà gặp được người đàn ông đồng cảnh rồi khăn gói sống với nhau. Ở với nhau được 3 mặt con thì chồng bà ngã bệnh rồi ra đi mãi mãi.
Từ một người phụ nữ chỉ biết ở nhà chăm con, lo cho gia đình. Chồng mất, bà phải lăn lộn làm ăn nuôi 3 đứa con thơ đang tuổi ăn tuổi lớn. Không nghề, không chữ bà Bốn tìm đến chợ cầu Ông Lãnh xin vào làm nghề bốc vác. Bà làm quần quật, khuân vác nặng chẳng thua gì cánh mày râu, ai cũng nể phục sự chịu thương, chịu khó của bà.
"Tôi làm chẳng để ý thời gian, đến khi chợ cầu Ông Lãnh giải toả giật mình nhớ lại mới hay mình đã gần 30 năm làm nghề...", bà Bốn nhớ lại. Sau khi chợ đóng cửa, bà cùng một nhóm anh em bốc vác tìm về chợ đầu mối Thủ Đức đầu quân tiếp tục làm cái nghề bán mồ hôi, nước mắt.
"Ngày nào cũng vậy, cứ 22h là tui đón chuyến xe buýt cuối để đến chợ đầu mối Thủ Đức. Ra đây ngồi chờ ai có hàng người ta kêu thì tui kéo. Cứ một món người ta trả cho vài ba ngàn, đêm nào hàng nhiều kéo đến sáng cũng kiếm được 200.000 đồng" bà Bốn chia sẻ. Tính đến Tết năm nay, bà Bốn đã có 46 năm làm ở chợ đầu mối, trong đó 16 năm làm nghề kéo xe. Vì cuộc sống mưu sinh không thể dừng nên cũng ngần ấy năm bà chưa thể trở lại quê nhà đón Tết.
Cách chỗ bà Bốn nhận hàng không xa, bà Mai 64 tuổi, đang ngồi bệt dưới đất nghỉ chân sau chuyến hàng nặng hàng trăm ký. Đưa tay lau giọt mồ hôi, bà Mai tâm sự: "Ngày nào cô cũng đi kéo bất kể nắng mưa, đau bệnh. Phần thì nghỉ không có tiền, phần thì mình nghỉ bạn hàng kêu người khác mình sẽ mất việc. Nghề kéo xe là vất vả nhất nhưng làm riết cũng quen, giờ lớn tuổi rồi không làm nghề này thì biết làm gì bây giờ?". Theo lời bà Mai, cả chợ chỉ có bà và bà Bốn là kỳ cựu nhất, còn lại có thâm niên tầm 15 năm trở lại.
Ông Cảnh, 55 tuổi, quê ở miền Tây có 5 năm trong nghề kéo xe thuê. Mới đầu có mình ông, giờ vợ ông cũng tham gia lột tỏi ở chợ. 3 người con thì 2 người đã lập gia đình, vợ chồng ông đi làm nuôi người con út đang học lớp 10 ở quê.
"Lớn tuổi nên xin làm công ty người ta không nhận, may có cái chỗ kéo xe thuê... vợ chồng tôi cố gắng kiếm đủ tiền lo cho đứa con út đi học. Cha mẹ, anh chị nó thất học đã khổ lắm rồi, giờ chỉ mong đủ sức kéo xe lo cho nó ăn học tới nơi tới chốn", ông Cảnh bộc bạch.
Bãi đậu xe nhập hàng vào chợ nông sản Thủ Đức.
Tương tự là ông Hùng quê ở Bạc Liêu. 13 năm trước, ông Hùng rời quê lên TP Hồ Chí Minh tìm việc làm với hy vọng kiếm tiền để nuôi con ăn học. Kỳ vọng của ông phần nào đã được đền đáp khi đứa con trai duy nhất đậu vào đại học, ngành kiến trúc. Với ông Hùng, đó là niềm tự hào, là động lực giúp ông xua tan mệt mỏi "nhiều lúc mệt, nản lòng muốn quay về quê, nhưng nghĩ đến tương lai của con, tôi lại cố gắng. Đợi khi con ra trường, có việc làm ổn định tôi sẽ về quê vì đã hoàn thành tâm nguyện của mình rồi".
Những ngày sắp Tết Nguyên đán, chợ đầu mối Bình Điền (gần Đại lộ Nguyễn Văn Linh, quận 8) cũng đông đúc như chợ nông sản Thủ Đức. Ở phía sau nhà lồng F (nơi bán thủy hải sản) là khu vực tập kết của 10 gian hàng bán nước đá, phục vụ cho hàng trăm gian hàng bán thủy, hải sản trong chợ. Những người kéo xe nước đá cứ luôn tay, luôn chân để cho kịp chuyến hàng.
Ông Nghĩa, dù đã 50 tuổi nhưng sức lực chẳng kém cạnh thanh niên, một mình ông có thể đẩy mỗi lần 4-5 cây đá, mỗi cây 50kg không một chút khó khăn. Hơn 5 năm trước, ông rời quê Cần Thơ theo chân những người đi trước tìm đến chợ đầu mối Bình Điền xin vào làm nghề kéo xe nước đá. Vợ chồng ông Nghĩa có hai người con, đứa lớn bị bệnh tật, đi đứng khó khăn, đứa nhỏ 25 tuổi rồi nhưng cũng chỉ đi làm thuê làm mướn.
Trước ở quê, ông chạy xe ôm, còn vợ bán tạp hóa ở nhà. Cuộc sống tuy vất vả nhưng cũng tạm ổn, hạnh phúc. Bất thình lình, vợ ông ra đi vì bị đột quỵ. Không bao lâu sau con trai cũng vướng vào vòng lao lý vì đánh nhau. Nợ nần chồng chất, gánh nặng cơm áo gạo tiền nên ông phải để con gái sống ở quê cùng bà nội, còn mình phải tha phương cầu thực.
"Mỗi ngày làm cũng kiếm được hơn 300.000 nhưng chẳng thấm vào đâu vì nhiều khoản tiền phải chi. Chắt chiu lắm thì lâu lâu dư được chút ít gửi về quê trả nợ. Khoảng thời gian nghỉ Tết sẽ ít người làm nên kiếm thu nhập cao hơn nên Tết nào tui cũng tranh thủ làm chứ không về quê như mọi người. Để làm vài năm nữa, trả hết nợ nần rồi tính sau...", ông Nghĩa chia sẻ.
Trời dần sáng, âm thanh ồn ào của phiên chợ đêm giảm dần. Một đêm dài vất vả, những người kéo xe thuê nhâm nhi vội ly cà phê rồi trở lại nhà trọ nghỉ ngơi sau một đêm thức trắng. Đằng sau những giọt mồ hôi không chỉ là kiếm sống mà đâu đó những ước mơ về một tương lai đẹp đang được ươm mầm ước mơ về một cái Tết ấm cúng sau này...
Ngân Phương
Theo cand.com.vn
Bảo bọc con quá mức và những hệ lụy Trang Cha mẹ và con cái nhận được ý kiến của bạn đọc về việc bảo bọc con quá mức trong gia đình hiện nay. Xin được trích đăng: Con muốn tự lập Còn nhớ hồi con học lớp 5, tết xong cô quyên góp tiền ủng hộ một bạn trong trường không may có ba bị tai nạn giao thông mất. Các...