Lo ngại khoản vay 53.000 tỷ đồng
Từ đầu năm 2019 đến nay, tỷ lệ nợ xấu dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông đã bắt đầu tăng nhanh (ngày 30/6/2019, tỷ lệ này là 2,11%), trong khi từ năm 2015 đến năm 2018, tỷ lệ này chỉ dưới 0,1%, chủ yếu là do doanh thu thu phí không đạt như dự kiến. Nếu không xử lý khéo, rất có thể nỗi lo ám ảnh về “bóng ma” nợ xấu BOT đang quay trở lại.
Để có cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, VIDIFI vay 4.069 tỷ của VDB để giải phóng mặt bằng, đến nay chưa được thanh toán. Ảnh: Sỹ Lực
Khi BOT sụt thu
Theo thông tin mới đưa ra gần đây, Ngân hàng VietinBank nhiều khả năng sẽ phải ghi nhận khoản nợ xấu đối với Tổng Công ty 36 tại Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn Km 17 027 – Km 50 trên địa bàn Bình Định và đoạn Km 108 – Km 131 300 trên địa bàn Gia Lai theo hình thức BOT (Dự án BOT Quốc lộ 19). Điều này sẽ là sự thật nếu các cơ quan chức năng không cho phép giữ nguyên nhóm nợ.
Thực tế đầu tư trái với kỳ vọng ban đầu của nhà đầu tư và nhà tài trợ vốn, doanh thu thu phí tại Dự án BOT Quốc lộ 19 không đạt so với phương án tài chính (từ năm 2018 đến nay, chỉ đạt 87%, trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 79%). Nếu cộng cả khoản lỗ phát sinh trong năm 2015 – 2016 lên tới 44,6 tỷ đồng, gánh nặng tài chính mà Tổng Công ty 36 đang phải gánh kể cả để bù cho doanh nghiệp trả gốc và lãi lên tới 135,6 tỷ đồng, tương đương 13% tổng mức đầu tư dự án.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/3/2019, đã có 24 tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho 105 dự án BOT, BT giao thông, trong đó, 93 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác với tổng hạn mức cấp tín dụng là 175.296 tỷ đồng, tổng dư nợ cấp tín dụng là 103.573 tỷ đồng.
Trong số 93 dự án hoàn thành, có 30 dự án có doanh thu thu phí không đạt như phương án tài chính ban đầu với dư nợ khoảng 54.290 tỷ đồng. Trong đó, VietinBank có 16 dự án với dư nợ 34.782 tỷ đồng; BIDV có 7 dự án với dư nợ 6.582 tỷ đồng; Vietcombank có 3 dự án với dư nợ 2.303 tỷ đồng; SHB có 5 dự án với dư nợ 3.910 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt giảm doanh thu tại các dự án BOT giao thông thường là: Lưu lượng phương tiện thực tế thấp hơn so với dự kiến hợp đồng; Phân lưu lưu lượng phương tiện sang tuyến đường song hành; Trạm thu phí chưa được đưa vào khai thác hoặc thời gian đưa vào thu phí chậm so với hợp đồng. Đáng nói, có những dự án, phương tiện qua lại trên tuyến tăng đều đặn, nhưng doanh thu vẫn tụt, do tỷ lệ sử dụng vé tháng/quý cao bất thường so với phương án tài chính, hoặc do phải giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ…
Nguy cơ phải cơ cấu nợ
Báo cáo với Quốc hội về hoạt động của hệ thống ngân hàng cách đây một tuần, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã lên tiếng thẳng thắn chỉ ra những rủi ro, lo ngại của NHNN về 53.000 tỷ đồng đang cho vay các dự án BOT, BT.
Video đang HOT
Cụ thể hơn tại báo cáo này, Thống đốc Lê Minh Hưng bày tỏ lo ngại khi có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.
Theo đó, Thống đốc đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành Ngân hàng. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông và tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn có tính chất dài hạn phù hợp với nhu cầu vốn dài hạn của các dự án. Tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng.
Đối với con số dư nợ của các dự án BOT, BT giao thông khoảng 53.000 tỷ đồng mà báo cáo của NHNN đề cập, một chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là con số không hề nhỏ so với quy mô nền kinh tế. Và các lĩnh vực sản xuất, tác động trực tiếp đến đời sống người dân như nông nghiệp, công nghiệp… thì cần nguồn tín dụng ấy hơn nhiều. Vị này cũng cho rằng, đã đến lúc, không riêng các dự án BOT, BT giao thông, mà bất kỳ ngành nào có tác động đến xã hội, đến hiệu quả của nó, gây rủi ro cho ngân hàng hay cho các chủ thể khác tham gia thì Nhà nước cần xem xét có nên giải cứu hay không.
Cách tìm vốn cho các dự án BOT, BT giao thông để không phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, theo một doanh nghiệp có kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán, còn có giải pháp khác là phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp. Theo ông, với nhiều dự án thực sự tốt, doanh nghiệp BOT có năng lực, việc gọi vốn không quá khó khăn nhưng quan trọng là các doanh nghiệp đó phải có phương án tài chính lành mạnh và minh bạch.
KHÁNH HUYỀN
Theo tienphong.vn
Tín dụng BOT 53.000 tỷ: Tài giỏi mấy cũng khó lường hết
Đó là nhận xét của TS Bùi Đức Thụ khi đề cập đến con số 53.000 tỷ đồng mà các ngân hàng cho vay làm BOT, BT giao thông.
Ngân hàng có thấy trước rủi ro tiềm tàng?
Trong báo cáo gửi đến Quốc hội để phục vụ kỳ họp thứ 8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng bày tỏ lo ngại khi hiện nay có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.
Trao đổi với Đất Việt, TS Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nguyên Phó Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nguy cơ nợ xấu khi các ngân hàng thương mại cho vay làm dự án BOT, BT trong thời gian qua là hiện hữu và đưa ra những lý giải cho câu hỏi: Liệu các ngân hàng thương mại cho thấy trước các rủi ro khi cho vay làm BOT, BT giao thông hay không?
Theo đó, cách đây khoảng 10 năm, có thời điểm tăng trưởng tín dụng của Việt Nam lên đến hơn 30%, là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP lúc bấy giờ là trên 7%. Điều này cũng đã khiến nợ xấu tăng cao.
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã chậm lại (năm cao nhất trên dưới 17%, còn gần đây 13-15%), chất lượng tín dụng tăng lên do phía ngân hàng siết lại khâu cho vay để vừa đảm bảo hiệu quả đầu tư đồng thời đáp ứng yêu cầu giảm nợ xấu.
Dù đầu vào của hệ thống tín dụng vẫn tăng đều đặn nhưng đầu ra lại khó hơn, trong khi nhu cầu vốn rất lớn. Tỷ trọng tín dụng rót vào vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán tương đối cao nên Chính phủ chỉ đạo phải cơ cấu lại tín dụng theo hướng giảm tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro, dành nguồn lực nhiều hơn cho sản xuất kinh doanh.
Tram thu phi câu Hac Tri. Anh: TTXVN
"Nhưng lúc bấy giờ, những doanh nghiệp đủ điều kiện hoặc có tài sản thế chấp, hoặc tín chấp tìm rất khó. Trong bối cảnh đó, các chương trình BOT của Nhà nước mở rộng, đặc biệt là những dự án trên quốc lộ 1, quốc lộ 14 ở Tây Nguyên và nhiều dự án khác ở địa phương, khi ấy cho vay BOT là đúng định hướng", TS Bùi Đức Thụ nói.
Như vậy, trong quá trình thực hiện xã hội hóa đầu tư, nhất là xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng dưới hình thức BOT, BT, về chủ trương là đúng nhưng trình tự, thủ tục lại chưa phù hợp với thực tế, mà biểu hiện rõ nhất là tình trạng chỉ định thầu rất phổ biến.
Chủ đầu tư trình lên một kế hoạch tài chính rất sáng sủa, tính toán các chỉ số rất đẹp và thường khai vống tổng mức đầu tư dự án lên, cho thấy phương án đó có thể mang lại siêu lợi nhuận.
"Nhìn vào đề án đó, rõ ràng nếu đầu tư sẽ có hiệu quả. Ngân hàng là người cấp tín dụng đầu vào, dẫu có tài giỏi đến mấy cũng không thể lường hết được hiệu quả thực sự của dự án đến đâu, nhất là khi đã có hàng loạt cam kết từ chủ đầu tư.
Chỉ đến khi tình hình thực tiễn đòi hỏi phải kiểm soát hoạt động này, các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước mới vào cuộc. Kết quả cho thấy, nhiều dự án BOT, BT buộc phải giảm tổng mức đầu tư, điều chỉnh lại các chỉ số, trong đó có thời hạn thu hồi vốn, có dự án giảm đến một nửa thời gian thu hồi vốn cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Khi ấy khả năng hoàn vốn của các chủ đầu tư dự án BOT, BT không còn như tính toán ban đầu, tỷ suất lợi nhuận trở về đúng với hiệu quả kinh doanh thực tế, các ngân hàng có nguy cơ khó thu hồi được vốn, khoản cho vay này dễ chuyển thành nợ xấu, buộc phải cơ cấu lại", TS Bùi Đức Thụ phân tích.
Nguyên Phó Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra rằng, khi đầu tư vào BOT, BT chính là ngân hàng đã "bỏ tiền cục, thu tiền vụn" bởi trong một thời gian ngắn, ngân hàng phải đổ vào dự án một số tiền lớn để thực hiện đầu tư, xây dựng, nhưng thời gian thu hồi vốn lại lên tới 15-20 năm, thậm chí 25 năm. Trong thời gian ấy, đối tượng quản lý, đối tượng sản xuất kinh doanh của dự án đó cũng như tổng thể nền kinh tế cũng chịu nhiều rủi ro, khó có thể ổn định trong một thời gian dài. Do đó, việc tiên lượng những rủi ro trong thời gian 15-20 năm là điều khó khăn.
Cuối cùng, theo ông Thụ, ngân hàng thương mại còn phải chịu tác động từ những rủi ro về mặt quản lý. Chính sơ hở trong quản lý để cho tình trạng chỉ định thầu đối với dự án BOT, BT trở nên phổ biến, làm thất thoát tài sản của Nhà nước quá nhiều. Đến khi tỉnh ngộ ra, tiến hành thanh, kiểm tra, điều chỉnh lại những sai sót trong quản lý thì các chỉ số tài chính của dự án thay đổi theo chiều hướng bất lợi và ngân hàng chịu ảnh hưởng.
Giảm thiểu rủi ro thế nào?
TS Bùi Đức Thụ cho biết, có đến trên 80% dự án BOT, BT của các nhà thầu trong nước phụ thuộc vào nguồn vốn vay, trong khi nguồn vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn khác chiếm tỷ lệ thấp. Khi ngân hàng không thể tiếp tục cho vay vì thấy rủi ro, để giữ vững hiệu quả hoạt động cũng như đảm bảo an ninh tiền tệ dẫn đến các dự án BOT, BT khó khăn trong huy động vốn.
Vấn đề đặt ra là nhiệm vụ, kế hoạch được xác định, tính toán thế nào, chỉ đạo thế nào để đảm bảo thực hiện được mục tiêu khi các ngân hàng thương mại buộc phải căn cứ vào hiệu quả đầu tư để cho vay.
Theo phân tích của ông Thụ, tiền gửi vào ngân hàng chủ yếu là vốn gửi ngắn hạn. Hiện tại, NHNN cho phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn và xu hướng là phải giảm dần tỷ lệ này. Nếu tiếp tục ép ngân hàng dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn quá nhiều sẽ dẫn đến rủi ro cho hệ thống.
Do vậy, hướng cải cách, cơ cấu lại nguồn vốn, cân đối giữa nguồn cho vay và nguồn đi vay về thời hạn là hết sức quan trọng.
"Vấn đề là khi ngân hàng giảm dần việc cấp vốn trung, dài hạn thì ai sẽ đáp ứng nguồn vốn ấy cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội, trong đó có các dự án BOT, BT?
Cần phải xây dựng, phát triển thị trường vốn để đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh tế nói chung, nhu cầu sản xuất, kinh doanh nói riêng.
Thị trường vốn có thể huy động bằng nhiều hình thức, như phát hành chứng trái phiếu, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp dể huy động vốn trung, dài hạn từ nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội. Chỉ khi nào kênh huy động vốn này được phát triển hoàn thiện thì việc cấp tín dụng trung, dài hạn cho nền kinh tế mới đảm bảo được tính ổn định, bền vững.
Tất nhiên để các dự án BOT, BT nói riêng và doanh nghiệp nói chung huy động được nguồn vốn trung, dài hạn dưới hình thức phát hành cổ phiếu, trái phiếu thì quan trọng nhất không chỉ là môi trường pháp lý phải chuẩn chỉ, hoàn thiện mà tài chính của các doanh nghiệp này phải minh bạch, hoạt động có hiệu quả. Có như vậy, các tổ chức, cá nhân mới có niềm tin, sẵn sàng bỏ tiền mua cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp", TS Bùi Đức Thụ chỉ rõ.
Thành Luân
Theo Baodatviet.vn
Sẽ kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức cuộc họp để thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019. Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, trong 6 tháng vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng,...