Lộ diện ông lớn BĐS muốn “chơi lớn” tại Bà Rịa – Vũng Tàu khi đề xuất 3 siêu dự án quy mô hơn 3.000ha
3 siêu dự án Tập đoàn BĐS này đang muốn đầu tư tại Bà Rịa – Vũng Tàu gồm Tổ hợp du lịch Núi Dinh, TP. Bà Rịa (1.700ha), Tổ hợp du lịch Núi Dinh, TP. Bà Rịa (813ha), Vườn thú hoang dã Safari, TP. Vũng Tàu (526ha).
Sự kết nối giao thông xuyên suốt những năm qua và chính sách Vùng TP.HCM mới đây khiến TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu như xích lại gần nhau hơn. Và đó chính là mấu chốt để các “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản “đổ bộ” về đầu tư khiến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở nên sôi động.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, có thể kể sự góp mặt của những tên tuổi như Công ty Korea Infrastructure Company Limited với dự án đầu tư du lịch, nghỉ dưỡng tại khu đất Paradise và khu đô thị mới Bàu Trũng (TP.Vũng Tàu). Công ty TNHH Hồ Tràm với dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí phức hợp Hồ Tràm. Khu đô thị mới Cửa Lấp do Công ty Cổ phần Gami bất động sản làm chủ đầu tư.
Hay Tập đoàn Tuần Châu của đại gia Đào Hồng Tuyển cũng đề xuất dự án nghỉ dưỡng rộng gần 400 ha, với mong muốn đầu tư xây dựng dự án lớn tại tỉnh này. Trước đó, Công ty Bất động sản Danh Khôi cũng đã nhanh chân “thâu tóm” thành công một dự án có quy mô gần 10 ha ngay trung tâm TP. Bà Rịa để phát triển thành khu đô thị mang tên Barya Citi.
Trong số rất nhiều đại gia BĐS đang đổ dồn đầu tư về Bà Rịa – Vũng Tàu, “chơi lớn” nhất phải kể đến Tập đoàn FLC khi mới đây tập đoàn này chính thức làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với đề xuất xây dựng hàng loạt siêu dự án cực lớn.
Đầu tiên là dự án Khu đô thị sinh thái Tây Nam TP.Bà Rịa với quy mô thực hiện dự án khoảng 1.700 ha, trong đó đất đô thị (gồm: đất công cộng, đất giáo dục, đất thương mại dịch vụ, đất ở kết hợp thương mại, đất ở, đất cây xanh-không gian mở, đất giao thông) chiếm tỷ lệ 82,6% và đất ở ngoài đô thị chiếm tỷ lệ 17,36%. Dân số dự kiến khoảng 70.000 – 90.000 người.
Theo Tập đoàn FLC, ý tưởng quy hoạch Khu đô thị sinh thái Tây Nam TP. Bà Rịa thành một thành phố mới với đầy đủ tính chất của một khu đô thị, kiến trúc cảnh quan gồm: Biệt thự cao cấp ven sông, khách sạn 5 sao, resort nghỉ dưỡng, villas sân golf, quảng trường, resort nghỉ dưỡng, phố cảng thương mại, phố đi bộ, cảng – bến thuyền, khu nhà ở cao cấp, trung tâm hội nghị, sân golf, trung tâm thương mại, ga đường sắt, kênh thoát nước, khu công nghiệp dự kiến, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học.
Dự án thứ hai là Tổ hợp du lịch Núi Dinh, TP. Bà Rịa. Tập đoàn FLC đề xuất quy mô dự án với diện tích 813,4 ha; xây dựng khu nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp kết hợp du lịch tâm linh tạo thành khu du lịch đặc sắc và riêng của tỉnh BR-VT, đồng thời nâng cao hạ tầng du lịch và điểm lưu trú vui chơi cho du khách trong và ngoài nước.
Video đang HOT
Ý tưởng quy hoạch theo đề xuất của Tập đoàn FLC gồm: Khu vui chơi giải trí, khu du lịch tâm linh, khu làng Pháp, khu nghỉ dưỡng, khu biệt thự nghỉ dưỡng, khu sân golf, khu vui chơi mạo hiểm, khu cây xanh chuyên đề, khu cây xanh bảo tồn…* Ý tưởng quy hoạch Tổ hợp du lịch Núi Dinh, TP. Bà Rịa
Dự án thứ ba là Vườn thú hoang dã Safari, TP. Vũng Tàu. Tập đoàn FLC đề xuất quy mô Dự án với diện tích 526 ha với ý tưởng quy hoạch là tận dụng cảnh quan thiên nhiên sẵn có, bố cục các khu chức năng tại các vị trí hợp lý. Về định hướng không gian kiến trúc cảnh quan, Công ty đưa ra phương án hình thành 2 trục chính, đưa không gian thoáng của biển vào sâu trong dự án, đồng thời đa dạng hóa các loại hình du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và tham quan trải nghiệm gồm: Khu vực vườn thú ngày, khu vực vườn thú đêm, công viên vui chơi, sân golf 18 lỗ và biệt thự golf, khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu đô thị du lịch, các dịch vụ ven biển.
Có thể nói, nếu 3 dự án của Tập đoàn FLC được chấp thuận đầu tư thì đây sẽ là 3 dự án quy mô bậc nhất tại Bà Rịa – Vũng Tàu và FLC cũng trở thành doanh nghiệp cùng lúc đầu tư nhiều dự án nhất tại đây.
Thanh Ngà
Theo Trí thức trẻ
Giá đất tại Đồng Nai dự báo sẽ tăng trong thời gian tới
Hiện nay, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng bảng giá đất cho 5 năm tới (2020-2024). Dự tính giá đất sẽ tăng để thu hẹp sự chênh lệch so với giá thị trường.
UBND tỉnh Đồng Nai vừa chỉ đạo, xây dựng bảng giá đất Đồng Nai giai đoạn 2020-2024 phải hoàn thành dự thảo trong tháng 9-2019 để lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương. Sau đó trình HĐND tỉnh thông qua để UBND tỉnh ban hành trong tháng 12-2019, áp dụng từ tháng 1-2020.
Năm 2018, bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được tính theo 413 vị trí đất phi nông nghiệp và 345 vị trí giá đất nông nghiệp. Tuy nhiên, sắp tới số vị trí đất phi nông nghiệp và nông nghiệp sẽ tăng lên vì thời gian qua đã có nhiều tuyến đường được mở ra và được cập nhật mới; trên 1 con đường có thể có 2-3 mức giá đất khác nhau cho phù hợp với tình hình hiện tại.
Giá đất từ năm 2020 dự kiến sẽ tăng khá cao vì trong hơn 2 năm gần đây, giá đất tại Đồng Nai có nhiều biến động, nhiều nơi đã tăng gấp 1,5-3 lần do có những công trình hạ tầng giao thông được xây dựng mới và nâng cấp.
Đánh giá của các sở, ngành, địa phương cũng cho thấy, bảng giá đất của tỉnh đang thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Chẳng hạn, tại TP. Biên Hoà, trong giai đoạn 2015-2019, hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố có nhiều thay đổi, sắp tới một số xã sẽ lên phường nên giá đất tăng khá cao. Do vậy, địa phương này cho rằng bảng giá đất tới đây sẽ tính toán thật kỹ, có điều chỉnh cho thích hợp để tránh chênh lệch quá lớn so với giá thị trường.
Đặc biệt, từ ngày 25-3-2019, hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 của tỉnh Đồng Nai đã có hiệu lực. Theo đó giá thu tiền sử dụng đất, thuê đất, thuê mặt nước sẽ tăng từ 1,2-8 lần so với trước đây. Những nơi có giá đất tăng cao là TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch và TX.Long Khánh. Hệ số giá đất năm 2019 chia thành 3 loại gồm: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp ở đô thị và đất phi nông nghiệp tại nông thôn.
Theo đề xuất của Sở Tài chính, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 10/2019/QĐ-UBND quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 cho phù hợp với biến động của thị trường bất động sản trong thời gian qua. Trong đó, đất nông nghiệp tăng từ 1,3-3 lần; đất phi nông nghiệp ở đô thị tăng từ 1,28-2,5 lần; đất phi nông nghiệp ở nông thôn tăng 1,2-8 lần.
Riêng giá đất nông nghiệp tính theo hệ số sẽ áp dụng theo từng xã, phường hoặc nhóm xã, phường. Đất phi nông nghiệp ở đô thị và đất phi nông nghiệp ở nông thôn, hệ số sẽ tính theo từng tuyến đường. Nhiều tuyến đường có 2-4 hệ số giá đất khác nhau, và đây cũng là điểm mới trong cách tính giá đất hiện nay.
Trong khi đó, theo Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai, bảng giá đất mới sẽ khắc phục những hạn chế trong những năm qua, trong đó, cập nhật lại theo từng tuyến đường. Những nơi giá đất có thể tăng cao là TX.Long Khánh, các xã sẽ lên phường của TP.Biên Hòa và những khu vực đã lên thị trấn thuộc huyện Nhơn Trạch, Thống Nhất...
Theo chi cục thuế các huyện, thị, thành, với hệ số giá đất mới, giá thuê đất, thuê mặt nước, tính tiền sử dụng đất nhiều khu vực tăng khá cao từ 1,2-8 lần. Cụ thể giá tính tiền sử dụng đất, thuê đất nông nghiệp tại xã Tân Hạnh, xã Long Hưng tăng 2,5 lần, còn lại các phường, xã khác đều tăng 3 lần.
Tại huyện Long Thành, khu vực thị trấn Long Thành hệ số giá đất tăng 3 lần còn các xã tăng 2,5 lần. Các xã tại huyện Nhơn Trạch đều tăng 2,5 lần; các phường thuộc TX.Long Khánh tăng 2,5 lần còn xã tăng 2,1 lần; huyện Xuân Lộc riêng thị trấn Gia Ray tăng 2 lần còn lại tăng 2,1 lần; huyện Cẩm Mỹ hệ số giá đất tăng 2 lần...
Với đất phi nông nghiệp ở nông thôn, có hệ số tăng cao nhất tỉnh là tuyến hương lộ 2 (TP.Biên Hòa). Tuyến đường này chia làm 3 đoạn để tính hệ số và tăng từ 5-8 lần; tiền sử dụng đất, thuê đất, mặt nước ở nhiều nơi tăng cao ngất ngưởng.
Chưa đợi đến khi bảng giá đất giai đoạn mới của tỉnh này có hiệu lực thi hành, tìm hiểu thực tế thời gian qua cho thấy tại huyện Long Thành, không chỉ các xã ở khu vực xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành mà ở những khu vực lân cận giá đất cũng tăng nhanh từng ngày khiến phong trào đầu cơ đất nền thành cơn "sốt" với nhiều người. Vào các ngày cuối tuần, cảnh từng đoàn xe từ nơi khác đến nối đuôi nhau đi xem đất, mua đất không còn quá xa lạ với người dân địa phương.
Trong khi đó, hiện tại đang xuất hiện cơn sốt đất lần thứ 3 tại huyện Nhơn Trạch bởi thông tin sẽ làm cầu Cát Lái nối quận 2 (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch. Cầu Cát Lái được xây dựng sẽ thay thế cho phà Cát Lái, tạo thuận lợi lớn cho lưu thông giữa 2 địa phương. Tuy mọi thứ vẫn đang còn bàn thảo để tìm hướng đầu tư thích hợp nhất, nhưng giá đất toàn khu vực này bắt đầu biến động mạnh.
Khảo sát tại các tuyến đường lớn thuộc xã Phú Hữu, Đại Phước, Phú Đông... cho thấy, giá đất thổ cư đang được rao bán từ 20-30 triệu đồng/m2, đất sâu bên trong các hẻm dao động 8-15 triệu đồng/m2. Đất nông nghiệp tùy từng khu vực giá từ 0,6-2 tỷ đồng/1 ngàn m2.
Ngoài đất thổ cư, đất nông nghiệp cũng được nhiều nhà đầu tư săn mua với giá rất cao. Dọc các tuyến đường lớn của huyện Nhơn Trạch nhan nhản bảng hiệu mua bán đất. Theo một số "cò" đất ở Nhơn Trạch, đất nông nghiệp được mua đi bán lại nhiều nhất. Nếu thửa đất không bị quy hoạch làm dự án, giá thường cao gấp 1,5-2 lần so với đất bị quy hoạch dự án.
Trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group, cho biết thị trường nhà đất tại Long Thành hay Nhơn Trạch thời gian qua liên tục sốt nóng và nguội lạnh đan xen theo từng thời điểm khác nhau. Khi có những thông tin hỗ trợ tốt về quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông... thì nhiều giá đất ở khu vực này lập tức liên tục tăng phi mã, có thể nói là tăng cao bất thường.
Cũng theo ông Phúc, về tiềm năng trong dài hạn, thị trường BĐS tỉnh Đồng Nai được đánh giá là tốt. Tuy nhiên, giá BĐS hiện tại chưa phản ánh đúng giá trị thật. Giá đất đang tăng quá nhanh do sự thu gom của giới đầu cơ, từ đó làm cho thị trường khan hiếm "hàng" giả tạo, cộng thêm đó là sự tham gia của lực lượng môi giới cá nhân cũng làm méo mó thị trường.
Nam Phong
Theo Nhịp sống kinh tế
Sân bay Long Thành rục rịch khởi công, giới đầu cơ 'đón lõng' thị trường Trước thông tin sân bay Long Thành, Đồng Nai khởi công vào năm 2020, thị trường bất động sản Long Thành sôi động trở lại. Các ông lớn địa ốc ở TPHCM ồ ạt đổ về triển khai dự án. "Đón lõng"... thị trường Tại Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vừa qua, việc xây dựng sân bay...