Lộ diện dòng margin lãi suất thấp
Một số công ty chứng khoán nội đã sốc khi nhận thông tin một công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc chào khách hàng lãi suất vay giao dịch ký quỹ ( margin) chưa tới 9%/năm. Với lợi thế quy mô vốn lớn, giá vốn rẻ, công ty chứng khoán ngoại đang lấn át nhóm công ty chứng khoán nội trong cuộc cạnh tranh thị phần môi giới.
Công ty ngoại… “phá giá” lãi suất margin
Trong thông báo phát ra gần đây, một công ty chứng khoán thuộc Top 15 thị phần môi giới trên thị trường cho biết, mức lãi suất trái phiếu chào bán được áp dụng là 8,8%/năm cho 3 tháng đầu tiên, các tháng lãi sau bằng lãi suất ngân hàng Vietcombank kỳ hạn 12 tháng trả sau cộng biên độ 2 – 3%/năm. Như vậy, mức lãi suất trái phiếu mà công ty chứng khoán này bán ra sau 3 tháng đầu tiên sẽ ở mức 8,8 – 9,8%/năm.
Khoảng 9 – 10%/năm cũng là mức lãi suất phổ biến mà các công ty chứng khoán huy động bên ngoài (thông qua các kênh vốn vay, trái phiếu…) để tài trợ nguồn vốn cho margin. Với mức lãi suất đầu vào như trên, mức lãi suất cho vay margin các công ty chứng khoán áp dụng phổ biến vào khoảng 12 – 13,5%/năm.
Thế nhưng, câu chuyện về lãi suất cho vay margin trong khối công ty chứng khoán dường như đang có sự thay đổi.
Trong tuần cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua, một công ty chứng khoán vốn ngoại đã bắt đầu cung cấp gói cho vay margin với mức lãi suất xấp xỉ 8,5%/năm cho khách hàng VIP. Đây là mức lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ thấp nhất mà thị trường ghi nhận tính đến thời điểm này. Trước đó, một số công ty chứng khoán ngoại khác cũng áp dụng mức lãi suất cho vay từ 10,5 – 12%/năm, tùy theo từng khách hàng và gói vay.
Nếu không tính mức lãi suất cho vay sốc 8,5%/năm trong trường hợp nói trên, thì mức lãi suất cho vay 10,5 – 12%/năm là ưu thế vượt trội của các công ty chứng khoán ngoại với các công ty chứng khoán lớn trong nước khác.
Lâu nay, hạ tầng công nghệ thông tin giữa các công ty chứng khoán đã không còn quá khác biệt, với việc áp dụng chính sách ưu đãi thu hút mạnh lực lượng môi giới từ các công ty chứng khoán nội, kéo khách hàng từ các công ty này đi theo, cộng thêm lãi suất cho vay margin thấp hơn hẳn, các công ty chứng khoán ngoại đã tạo được lợi thế cạnh tranh lớn so với nhiều công ty chứng khoán không thuộc nhóm dẫn đầu thị trường.
Video đang HOT
Bức tranh thị phần năm 2019: Top 10 sẽ có nhiều xáo trộn?
Với lợi thế khách hàng nhà đầu tư tổ chức và những thương vụ thu xếp vốn đi kèm các IPO lớn, hai công ty có thị phần môi giới lớn nhất là Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) có thể sẽ không gặp quá nhiều biến động về thị phần. Thế nhưng, với 8 công ty chứng khoán còn lại trong Top 10 thị phần môi giới, năm 2019 có thể sẽ là năm diễn ra nhiều biến động.
Từ giữa năm 2018, nguồn vốn cho margin các công ty chứng khoán bắt đầu khó khăn hơn, khi quy mô thị trường chứng khoán bùng nổ nhanh, trong khi quy mô vốn các công ty chứng khoán lại chưa tăng tương xứng.
Trong khi đó, bản thân các công ty chứng khoán cũng không thể sử dụng toàn bộ nguồn lực tài chính để hỗ trợ cho vay margin, mà một phần vốn không nhỏ được giải ngân cho các khoản vay không có bản chất giao dịch thường xuyên (ví dụ giải ngân cho khách là cổ đông lớn, cổ đông nội bộ doanh nghiệp).
Giữa bối cảnh đó, nhóm công ty chứng khoán ngoại lại vươn lên mạnh mẽ. Việc tăng vốn điều lệ ồ ạt dẫn đến quy mô vốn lớn, nhưng chưa kịp giải ngân, cộng thêm nguồn vốn giá rẻ từ cổ đông mẹ giúp nhóm này sở hữu ưu thế vượt trội so với mặt bằng chung.
Thêm vào đó, điểm khác biệt là, với tiềm lực tài chính mạnh từ cổ đông mẹ, các công ty chứng khoán ngoại sẵn sàng chi lớn cho cơ sở hạ tầng, nhân sự để tạo nên một thay đổi có tính bước ngoặt.
Ví dụ, trong lúc nhiều công ty chứng khoán vẫn áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” với chi phí văn phòng, thì có công ty ngoại sẵn sàng bỏ tiền ra thuê nguyên cả một tầng khu văn phòng cao cấp, có giá thuê lên tới 50 – 60 USD/m2/tháng, đắt hơn rất nhiều so với mặt bằng chung văn phòng cho thuê.
Trong nửa cuối năm 2018, sự bùng nổ của nhóm các công ty chứng khoán ngoại dù có được thành công nhất định về thị phần, nhưng chưa tạo ra sự thay đổi lớn về diện mạo Top 10 thị phần môi giới, chủ yếu do nhóm công ty chứng khoán ngoại vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện hệ thống, từ phòng giao dịch, nhân sự, đến chính sách sản phẩm.
Tuy nhiên, năm 2019, nếu thị trường không biến động tiêu cực, rất có thể, cán cân thị phần sẽ nghiêng về nhóm công ty chứng khoán ngoại, với lợi thế từ quy mô vốn margin lớn và chi phí rẻ.
Trúc Chi
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Luật Chứng khoán: Doanh nghiệp thích ứng hơn với thông lệ quốc tế
Sau hơn một thập kỷ, Luật Chứng khoán ra đời năm 2006 và sửa đổi năm 2011 đã phát huy tính hiệu quả và góp phần xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới Luật cần thiết phải sửa đổi những khung khổ pháp lý cho phù hợp đồng thời tạo ra động lực thúc đẩy thị trường thực sự trở thành kênh đầu tư, huy động vốn dài hạn của nền kinh tế.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Luật Chứng khoán sửa đổi dựa trên quan điểm quán triển chủ trương hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tiếp cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế đồng thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.
Tiếp cận với thông lệ quốc tế
Trước khi trình lên Quốc hội vào kỳ họp thứ nhất của năm 2019, Luật Chứng khoán sửa đổi đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên thị trường. Nhìn chung, Dự thảo Luật được đánh giá cao với những nghiên cứu kỹ lưỡng và nhiều điểm mới tích cực, nâng cao tính minh bạch của thị trường. Bên cạnh đó, những quy định tại Dự thảo có sự đồng bộ hơn với Luật doanh nghiệp, Bộ luật dân sự, Luật đầu tư...
Cụ thể, quy định mới đã tăng một số thẩm quyền cho Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tách Giấy phép hoạt động với Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty chứng khoán, tạo điều kiện cho Ủy ban thực thi các chế tài, như đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng Giấy phép, thu hồi Giấy phép... Nhờ đó, tránh được tình trạng xử lý các thành viên thị trường vi phạm không dứt điểm như trước đây, do bị vướng các quy định liên quan đến thủ tục giải thể, phá sản doanh nghiệp, giúp thanh lọc các thành viên tham gia thị trường.
Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam -VASB, Dự thảo lần này đã tiếp cận gần hơn với các thông lệ quốc tế, như IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) gắn niên yết, tỷ lệ free float (tỷ lệ cổ phiếu được chuyển nhượng tự do) trong chào bán công khai, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong phát hành riêng lẻ...
"Đây là những quy định hết sức quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam quen thuộc hơn với các nhà đầu tư nước ngoài đồng thời tạo tiền đề phát triển các sản phẩm mới phù hợp với thị trường thế giới," ông Kỳ nói.
Luật cần theo sát thị trường
Ngoài ra, các thành viên của Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam cũng có một số ý kiến đề xuất cho Luật sửa đổi. Để giải quyết các bất cập gắn IPO với niêm yết như mục tiêu đặt ra, Luật cần đồng nhất hóa khái niệm chào bán chứng khoán với niêm yết hoặc giao dịch UpCoM chứ không chỉ là quy định bắt buộc phải thực hiện sau đó.
Về quy định, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định trong trường hợp nắm giữ trên 51% vốn điều lệ trở lên. Song trong thực tế, tỷ lệ cổ phiếu khối ngoại nắm giữ thay đổi rất nhanh trong quá trình giao dịch (thậm chí ngay trong một phiên), do đó các nhà đầu tư cho rằng Luật cần thay đổi theo hướng "tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 51% trở lên ổn định trong 6 tháng hoặc 1 năm thì mới phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định."
Các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường với những quyền lợi sát sườn đã tham gia nhiều ý kiến đóng góp đa dạng. Đại diện Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Công Thương Việt Nam chỉ ra, Luật mới quy định "mức vốn điều lệ tối thiểu bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên vốn điều lệ của tổ chức phát hành." Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiêp trong việc chào bán cổ phiếu. Như, các doanh nghiệp chào bán chứng khoán qua phương thức đấu giá sẽ có sự cạnh tranh gay gắt và số lượng nhà đầu tư mua, sở hữu cổ phiếu nhỏ hơn 1% vốn điều lệ sẽ không đáp ứng được yêu cầu như trên.
Hay, đại diện đến Tổng công ty Hàng không Việt Nam có than phiền về trường hợp "công ty mua lại cổ phiếu của cán bộ công nhân viên phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông thông qua," song ở một Tổng công ty lớn không dễ xác định được danh sách các cán bộ bán lại cổ phiếu ưu đãi vì việc này phát sinh khi cổ đông có yêu cầu.
Với quan điểm của một công ty đại chúng trên Sở giao dịch chứng khoán Thành thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex đưa ra kiến nghị, Luật sửa đổi lần này cần quy định cụ thể hơn về đối tượng nợ quá hạn, mức độ nợ quá hạn đối với trường hợp Công ty đại chúng không được mua lại cổ phiếu của chính mình.
Ngoài ra, đại diện của Petrolimex cần phải giảm thiểu các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, vì vậy Luật nên xem xét lại quy định cho phù hợp, có tính khả thi cao (tránh tăng thủ tục hành chính như thay đổi đăng ký kinh doanh do vốn điều lệ thay đổi khi mua cổ phiếu quỹ hoặc tái phát hành cổ phiếu quỹ).
Thêm vào đó, vị này cũng đề xuất tới Bộ Tài chính nên đưa ra các quy định cụ thể về nội dung, thời hạn công bố thông tin đối với từng loại hình công ty đại chúng (xem xét đến các yếu tố về quy mô vốn/tài sản/doanh thu, mô hình tổ chức hoạt động, tính chất phức tạp theo cấp độ của đối tượng lập báo cáo)./.
Theo vietnamplus.vn
Tài chính 24h: Nhiều ngân hàng lớn cởi bỏ được nút thắt tăng vốn Theo lý giải của một lãnh đạo ngân hàng, trước đây dù ngân hàng rất nỗ lực nhưng chuyện tăng vốn vẫn rơi vào bế tắc vì nhiều lý do. Tuy nhiên, các chính sách mới của NHNN mới đây đã gỡ được rất nhiều vướng mắc, không chỉ giúp cho ngân hàng tăng vốn thuận lợi hơn mà còn kéo theo sự...