Lo bị phạt vì quy chuẩn giao thông đường bộ mới
Khi lái xe, các tài xế cần chú ý quan sát kỹ biển báo giao thông để điều khiển xe cho đúng nhằm tránh bị phạt oan.
Từ hôm nay (1-7), quy chuẩn quốc gia (QCVN 41:2019/BGTVT) quy định về báo hiệu giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực. Không ít người tỏ ra hoang mang, lo lắng vì quy định mới này rất dễ gây nhầm lẫn cho tài xế.
Nhiều người chưa cập nhật quy định mới
Đáng chú ý trong quy chuẩn QCVN 41:2019 là quy định xe bán tải không được lưu thông vào nội đô các TP lớn.
Cụ thể, quy chuẩn này định nghĩa: Các xe bán tải (pick-up), xe tải van có khối lượng hàng chuyên chở dưới 950 kg, xe ba bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg trong tổ chức giao thông được xem là xe con.
Trong khi đó, các xe pick-up, xe tải van có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 950 kg trở lên sẽ bị coi là xe tải (trước đây các loại xe bán tải, xe van có khối lượng hàng chuyên chở dưới 1.500 kg vẫn được coi là xe con).
Như vậy, từ hôm nay có khá nhiều mẫu xe bán tải sẽ bị cấm vào TP. Điển hình như Ford Ranger XLS đời 2013, Ford Ranger XLS đời 2015…
Anh Ngô Văn Tạo (quận Thủ Đức, TP.HCM) khá bất ngờ khi được hỏi về việc cấm xe bán tải đi vào TP: “Giờ tôi mới biết quy định này, nếu cô không hỏi chắc tôi cũng không để ý luôn. Xe của tôi là Ford Ranger, có khối lượng chuyên chở 957 kg. Như vậy, theo quy định mới là xe của tôi không được vào nội thành. Nếu vậy thì khó quá, vì trước nay tôi vẫn đi vào TP bằng xe này bình thường mà”.
Ngoài ra, quy chuẩn mới cũng bổ sung nhiều vấn đề về báo hiệu giao thông khác, buộc tài xế cần phải cập nhật và ghi nhớ.
Một nữ tài xế ( quận Bình Tân, TP.HCM) bày tỏ: “Cái khó là khi đang điều khiển xe, tài xế phải chú ý quan sát biển báo các loại đặt ở đâu đó trên đường. Khi thấy có biển báo, tài xế phải chú ý quan sát xem cái bảng báo đó có thông tin gì, rồi hình, rồi số, rồi chữ…, e là sẽ bị phân tán, mất tập trung khi lái xe”.
Biển báo kết thúc cao tốc TP.HCM – Trung Lương hiện nay. Ảnh: THU TRINH
Video đang HOT
Biển báo đã được đào tạo khi sát hạch bằng lái
Một vị CSGT làm việc tại TP.HCM chia sẻ: “Ngoài việc định nghĩa lại về ô tô con và xe tải cũng có định nghĩa về biển báo mới. Ví dụ, biển báo bắt đầu và kết thúc đường cao tốc trước đây có quy định ở quy chuẩn 41:2012, sang quy chuẩn 41:2016 đã bỏ. Giờ đến quy chuẩn 41:2019 lại được sử dụng. Biển báo này tuy không gây nhầm lẫn nhiều nhưng tài xế cũng cần lưu ý”.
Vị này phân tích thêm: Một số tài xế thường có suy nghĩ trạm thu phí sẽ nằm ở đầu đường cao tốc. Tuy nhiên, trên thực tế không hẳn là tất cả trạm thu phí đều như vậy. Vì vậy, biển này sẽ báo hiệu luôn cho loại xe nào được vào đường cao tốc, loại nào không. Ví dụ xe chở hàng dễ cháy nổ hay xe máy là không được vào.
Đại diện thanh tra giao thông (Sở GTVT TP.HCM) cho biết quy chuẩn biển hiệu giao thông đường bộ thường được cập nhật mới trong khoảng thời gian 2-3 năm/lần. Nếu có thay đổi sẽ được trung tâm GTVT kết hợp với trung tâm đường bộ thực hiện thay thế. Theo đó Thanh tra Sở GTVT sẽ căn cứ vào các quy định mới để xử lý các tài xế vi phạm.
“Khi tham gia giao thông trên đường, tài xế cần chú ý quan sát biển báo, khi đến gần giao lộ thì cần quan sát kèm theo đèn tín hiệu giao thông, biển báo để tránh vi phạm. Khi đó tài xế mới biết xe được phép đi hướng nào, có được phép di chuyển vào đường đó hay không. Đến đoạn xa lộ thì chú ý biển báo phân chia làn đường…” – vị CSGT khuyến cáo.
Ông Võ Long Ngự, giáo viên dạy lái xe Trường CĐ GTVT TP.HCM, cho rằng về cơ bản các loại biển báo hiệu giao thông đều đã được các cơ sở đào tạo lái xe dạy cho tài xế rất kỹ. Vì theo quy định, tài xế phải bước qua kỳ thi sơ cấp nghề. Kỳ thi này đòi hỏi học viên phải đi học đủ số buổi lý thuyết để hoàn thiện các quy định về luật giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, theo ông Ngự, trên thực tế có nhiều tài xế thường bị phạt do biển báo hướng đi phải theo, đặc biệt biển cấm dừng, cấm đậu dễ gây nhầm lẫn.
Ông Bùi Đình Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM, nhận định: “Về nguyên tắc, khi lái xe các tài xế phải quan sát biển báo để di chuyển theo. Vấn đề quan sát rồi thì tài xế phải chấp hành. Các loại biển báo là cái cơ bản trong quá trình đào tạo lái xe. Vì vậy, có quy định mới thì tài xế cần cập nhật và tuân thủ quy định về giao thông đường bộ để tránh bị phạt tiền oan”.
Điểm mới đáng chú ý trong quy chuẩn 41:2019
- Định nghĩa lại về ô tô con là xe được xác định theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, chở người không quá chín chỗ ngồi (kể cả chỗ người lái). Quy định này đã loại xe tải dưới 1,5 tấn ra khỏi danh sách xe con.
- Sửa quy định về đặt biển trên giá long môn hoặc cột cần vươn: Biển báo hiệu đặt về phía tay phải hoặc phía trên phần đường xe chạy; đặt ở vị trí để người tham gia giao thông dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng…
- Quy định đặt biển chỉ dẫn lối đi khi đặt biển cấm: Không bắt buộc điều này mà chỉ quy định “có thể đặt biển chỉ dẫn hướng đi thích hợp”.
- Quy định vượt xe: Các xe muốn vượt phải vượt về bên trái. Xe đi với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải. Khi có xe xin vượt (nếu đủ điều kiện an toàn), người lái xe phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về phần đường bên phải của phần xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.
- Bổ sung vạch phân chia các làn xe cùng chiều, dạng vạch kép: Vạch này dùng để phân chia các làn xe cùng chiều, xe trên làn đường tiếp giáp với vạch đứt nét được phép cắt qua khi cần thiết; xe trên làn đường tiếp giáp với vạch liền nét không được lấn làn hoặc đè lên vạch.
Không lắp đặt thiết bị giám sát sẽ không được sát hạch lái xe
Sở GTVT sẽ không tiếp nhận báo cáo đăng ký sát hạch của tám cơ sở này cho đến khi việc lắp đặt thiết bị hoàn thiện và được sở kiểm tra nghiệm thu.
Ngày 24-5, Sở GTVT TP.HCM đã có báo cáo về việc triển khai thực hiện giám sát thời gian học lý thuyết môn pháp luật giao thông đường bộ (GTĐB) tại các cơ sở đào tạo sát hạch lái ô tô trên địa bàn TP.
Tám cơ sở chưa lắp đặt thiết bị giám sát
Theo đó, Sở GTVT TP cho biết tại TP.HCM, lộ trình ứng dụng công nghệ trong quản lý đào tạo, nhận dạng và đảm bảo theo dõi thời gian học lý thuyết môn pháp luật GTĐB đối với học viên học lái ô tô vẫn đang thực hiện đúng quy định. Trên cơ sở báo cáo của các cơ sở đào tạo lái xe tại TP, sở đã tiến hành kiểm tra 55 cơ sở đào tạo đang hoạt động. Kết quả, có 47/55 cơ sở đã lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát; tám cơ sở chưa lắp đặt hoàn chỉnh.
Đối với tám cơ sở đào tạo chưa lắp đặt hoàn chỉnh thiết bị giám sát, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị này tiếp tục hoàn thiện và có báo cáo bằng văn bản về sở qua Phòng quản lý sát hạch trước ngày 25-5. Ngoài ra, Sở GTVT sẽ không tiếp nhận báo cáo đăng ký sát hạch (báo cáo 1) của tám cơ sở này cho đến khi việc lắp đặt thiết bị hoàn thiện và được sở kiểm tra nghiệm thu.
Trước đó, Sở GTVT TP đã kiến nghị lùi thời điểm áp dụng giám sát thời gian học lý thuyết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến các trung tâm sát hạch không thể lắp đặt thiết bị, tuy nhiên Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn quyết định áp dụng theo quy định.
Học viên được giám sát học lý thuyết bằng vân tay tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Hoàng Gia. Ảnh: THY NHUNG
Học viên gặp khó về thời gian
Theo khảo sát của PV, từ ngày 11-5, các trung tâm đào tạo giấy phép lái xe (GPLX) trên địa bàn TP.HCM bắt đầu thực hiện giám sát thời gian học lý thuyết môn pháp luật GTĐB bằng hình thức điểm danh bằng vân tay. Tại nhiều trung tâm đã tiến hành ký kết hợp đồng, lắp đặt, vận hành thiết bị theo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Theo đó, tất cả khóa khai giảng mới từ ngày 11-5 đều được điểm danh học lý thuyết bằng vân tay (trừ hạng B1).
Anh Ngô Trung Dũng, một học viên đang học lái xe, cho biết anh đang làm công nhân, công việc phải làm theo ca sáng và tối nên việc học tập trung như vậy khiến anh khó sắp xếp được thời gian. "Dù vậy, tôi cũng phải cố gắng đổi ca trực cho các đồng nghiệp để theo học cho xong bằng lái" - anh Dũng nói.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch GPLX Hoàng Gia, cho biết việc triển khai thực hiện giám sát thời gian học lý thuyết môn pháp luật GTĐB tại Trung tâm Hoàng Gia diễn ra bình thường. Tuy nhiên, trung tâm cũng lo lắng vì nếu học viên vắng nhiều sẽ bị ảnh hưởng đến việc thi sát hạch.
Còn theo giám đốc một trung tâm đào tạo, sát hạch GPLX: "Hiện nay trung tâm đã áp dụng việc điểm danh bằng vân tay cho học viên các khóa mới. Tuy nhiên, việc điểm danh này vẫn trên cơ sở thực nghiệm để nhận ra những khó khăn và vướng mắc. Từ đó sẽ báo cáo lên Tổng cục Đường bộ Việt Nam để có hướng dẫn chi tiết hơn".
Điều kiện ràng buộc chưa hợp lý
Việc điểm danh môn pháp luật GTĐB bằng hình thức điểm danh bằng vân tay vẫn còn một số khó khăn liên quan đến người học. Ví dụ, một số học viên ở tỉnh khi muốn nâng hạng GPLX thì phải lên TP bởi một số tỉnh không thực hiện việc này. Vì vậy, họ buộc phải thuê phòng trọ ở 40 ngày để học xong phần lý thuyết. Việc này sẽ dẫn đến tốn kém vì các trung tâm đào tạo không có cơ sở vật chất để học viên lưu trú. Nếu học viên không ở lại TP thì quá trình đi lại càng vất vả hơn. Việc áp dụng bằng vân tay chúng tôi không đồng ý vì những điều kiện ràng buộc chưa hợp lý, thiếu khoa học. Nên chúng tôi không ý kiến về vấn đề này nữa.
ông Bùi Đình Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM
Đình chỉ cơ sở không thực hiện theo quy định
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các sở GTVT chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái ô tô hoàn thành việc ứng dụng công nghệ để nhận dạng, theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật GTĐB đối với học viên học lái ô tô (trừ hạng B1).
Trường hợp sau ngày 1-5, cơ sở chưa hoàn thành việc ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học theo quy định trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị sở GTVT đình chỉ tuyển sinh đào tạo lái ô tô theo quy định. Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc ứng dụng điểm danh bằng vân tay được áp dụng từ ngày 11-5.
Gần 2.500 xe vi phạm trong 3 tháng ở TP.HCM Dù đang mùa dịch và thực hiện cách ly xã hội nhưng số vụ vi phạm của người tham gia giao thông ở TP.HCM vẫn tăng hơn năm ngoái 8%. Ngày 10/4, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết trong 3 tháng, đơn vị đã phát hiện và xử lý 2.419 vụ vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ,...