Lính Mỹ sống sót nhờ giả chết dưới làn đạn súng máy quân Nhật
Lính tuần duyên Robert J. Canavan đã trải qua những giây phút kinh hoàng sau khi bị tàu chiến Nhật bắn chìm xuồng và lùng sục trên biển.
Robert J. Canavan sau khi trải qua cuộc chiến sinh tồn. Ảnh: USCG.
Vùng biển Iron Bottom Sound gần quần đảo Solomons trên Thái Bình Dương là một trong số những khu vực đáng sợ nhất trên thế giới, bởi nó đã chôn vùi khoảng 50 tàu chiến trong Thế chiến II. Năm 1942, một lính tuần duyên Mỹ trải qua những giây phút kinh hoàng nhất trong đời mình tại khu vực này, theo War History Online.
Sau khi lính Mỹ đổ bộ lên đảo Guadalcanal thuộc quần đảo Solomons, hải quân đế quốc Nhật Bản liền điều nhiều tàu phóng lôi và khu trục hạm liên tục lượn lờ ngoài khơi, quấy rối hoạt động chuyển quân của Mỹ. Để đối phó, hải quân và tuần duyên Mỹ thường đi tuần bằng các xuồng đổ bộ nhỏ (LCP) được trang bị bom chìm và súng máy.
Tối 18/8/1942, thuyền trưởng kiêm lái tàu 20 tuổi Robert “Bob” J. Canavan tình nguyện lái xuồng LCP cùng 5 đồng đội tuần tra khu vực xung quanh. Nghe thấy tiếng súng ngoài khơi, Canavan căng mắt tìm kiếm trong đêm tối và phát hiện một chiến hạm ở đằng xa.
Tưởng đó là tàu bạn, Canavan điều khiển xuồng tiếp cận. Ngay lập tức, Canavan nhận ra mình đã phạm sai lầm tệ hại, bởi đó là tàu khu trục Hagikaze của hải quân đế quốc Nhật Bản. Chiếc xuồng tuần tra dài 11 m của họ quá nhỏ bé so với khu trục hạm dài gần 122 m của đối phương.
Canavan nhanh chóng quay đầu, mở hết tốc lực để chạy thoát. Nhưng lúc này họ đã bị phát hiện và tàu Hagikaze bắt đầu đuổi theo. Xuồng LCP chỉ có thể chạy với vận tốc tối đa 14,8 km/h do mang lượng lớn bom chìm, quá chậm so với tốc độ 65 km/h của tàu địch.
Canavan điều khiển xuồng chạy ngoằn nghèo với hy vọng tàu địch khó bắn trúng, nhưng nỗ lực này là vô ích bởi tàu Hagikaze đã nhanh chóng đuổi kịp, các khẩu súng máy và pháo phòng không bắt đầu dội mưa đạn vào chiếc xuồng nhỏ của Mỹ.
Khi các viên đạn găm vào thân xuồng, nhóm lính Mỹ hiểu rằng không có lựa chọn nào khác ngoài việc mặc áo phao và nhảy vội xuống biển. Canavan chạy ra núp sau bánh lái, khiến xuồng không còn người điều khiển, nhưng cũng nhờ vậy mà đối phương khó ngắm bắn hơn.
Đến lúc bánh lái của chiếc xuồng bị bắn nát, Canavan không còn cách nào khác buộc phải nhảy xuống biển. Do không có thời gian mặc áo phao, Canavan gần như ngay lập tức chìm xuống biển. Anh bơi sát mặt nước, nổi lên và giả vờ là một xác chết.
Video đang HOT
Chỉ huy chiếc khu trục hạm Nhật Bản cho tàu di chuyển vòng quanh xuồng LCP, bắn hỏng động cơ và cử lính nhảy lên xuồng tháo dỡ khẩu súng máy rồi tiếp tục lùng sục các thành viên thủy thủ đoàn sống sót. Trong khi Canavan giả chết trên mặt biển, lính Nhật xả đạn giết chết những thủy thủ Mỹ đang mặc áo phao trôi nổi trên mặt nước.
Cho rằng toàn bộ thủy thủ trên xuồng đều đã chết, khu trục hạm Hagikaze quay trở lại nhiệm vụ tấn công quân Mỹ trên bờ biển.
Tàu khu trục Hagikaze tại cảng. Ảnh: USCG.
Canavan lúc này cô độc giữa vùng biển đầy cá mập, không có áo phao, gần đó là 5 xác chết của đồng đội. Ban đầu, anh có ý định tự sát nhưng sau đó quyết chiến đấu để sống sót. Canavan bơi hơn 19 km đến hòn đảo gần nhất. Sau hơn 20 giờ chiến đấu với đói, khát, mệt mỏi và nỗi sợ bị đối phương phát hiện, cuối cùng anh đã đến được hòn đảo.
Sau khi lên được bờ biển, Canavan được thổ dân bản địa tìm thấy và cứu chữa, nhưng anh liên tục bị nôn do không quen đồ ăn của họ. Người lính tuần duyên này quyết định tiếp tục đi bộ băng qua đảo, sau đó sẽ tìm đường tới căn cứ của thủy quân lục chiến Mỹ trên đảo Tulagi.
Canavan đến được eo biển rộng 365 m giữa hai hòn đảo. Anh quyết định bơi qua để lên đảo Tulagi. Lính thủy quân lục chiến Mỹ trên đảo phát hiện và chĩa súng vào Canavan vì tưởng là kẻ địch xâm nhập. Tuy nhiên, khi thấy rõ Canavan, chỉ huy tại đây ra lệnh đưa anh lên khỏi mặt nước.
Canavan được đưa đến bệnh viện dã chiến gần đó để chữa trị. Sau khi Canavan hồi phục, hải quân Mỹ quyết định điều anh khỏi vùng chiến sự, nhưng Canavan đã bí mật trốn trong một oanh tạc cơ đổ bộ lên đảo Guadalcanal để tiếp tục ở lại chiến đấu. Việc làm này bị cấp trên phát hiện, khiển trách và hạ cấp bậc nhưng Canavan vẫn được ở lại chiến đấu trong thời gian còn lại của chiến dịch.
Duy Sơn
Theo VNE
Hành trình đào thoát của hai lính Mỹ khỏi vòng vây phiến quân Iraq
Bị tụt lại sau một đợt phục kích của phiến quân, hai binh sĩ Mỹ đã chiến đấu đến cùng và đào thoát ngoạn mục khỏi vòng vây phiến quân Hồi giáo.
Torres khi đang làm việc tại công ty xây dựng quốc phòng tại San Antonio. Ảnh: Rolling stone
"Không bao giờ được bỏ mặc một người lính lại phía sau, bất kể còn sống hay đã chết", là điều mỗi quân nhân Mỹ đều được học và phải ghi nhớ và cũng chính là những gì hai lính lục quân Fernando Torres và Stuart Redus đã trải qua trong vòng vây của phiến quân Hồi giáo tại Iraq, theo Rolling Stone.
Năm 2003, khi cuộc chiến tại Iraq nổ ra, trung sĩ Torres, 35 tuổi và Redus, 41 tuổi được điều động vào tiểu đoàn công binh số 84, đóng quân tại Anaconda, phía bắc Balad, Iraq.
Cuối tháng 4/2003, tiểu đoàn 84 được giao nhiệm vụ đưa một phân đội lính Vệ binh quốc gia Alabama từ căn cứ Abu Ghraib ở Baghdad đến Kuwait trên một tuyến đường nguy hiểm, nơi thường xuyên bị phiến quân Hồi giáo phục kích.
Redus và Torres ngồi trên chiếc xe tải số 28 trong đoàn xe có 33 chiếc dưới sự chỉ huy của trung úy Facundo Funes. Xe tải của họ chở theo thùng hàng chứa đầy vũ khí nhưng không được bọc thép, trong khi hệ thống liên lạc của họ chỉ là những chiếc máy bộ đàm cầm tay.
Khi vượt qua cây cầu bắc qua sông Tigris để tiến vào thị trấn Al Amarah, đoàn xe bất ngờ rơi vào ổ phục kích của phiến quân. Chiếc xe tải của Redus và Torres bị chết máy sau khi trúng đạn chống tăng, trong khi những chiếc xe còn lại tăng tốc để thoát khỏi trận địa phục kích. Những người lính trên số xe đi phía sau nói rằng họ không hề nhìn thấy Redus và Torres đang gặp rắc rối ở vệ đường.
Hai trung sĩ này đã gào thét vào bộ đàm để cầu cứu, nhưng không nhận được tín hiệu phản hồi. Đoàn xe hộ tống đi xa dần, Redus và Torres buộc phải tự thoát ra khỏi xe, nổ súng chống trả phiến quân và lùi dần vào một tòa nhà đang xây dở nằm ở rìa phía bắc thị trấn.
Cả hai đã cố thủ tại đây trong điều kiện thiếu thốn vũ khí và nước uống. Vũ khí của họ chỉ là súng ngắn và súng trường cá nhân, trong khi đối phương huy động lực lượng áp đảo mang theo súng máy, súng phóng lựu, tên lửa vác vai và cả súng phòng không tầm thấp để bao vây và quyết bắt sống họ.
Redus với vết thương ở tay khi đào thoát. Ảnh: Rolling stone
Trong khoảng hơn ba tiếng cầm cự, Redus và Torres tiêu diệt được 13 phiến quân. Một tay súng vòng ra phía sau khu nhà, định bắn lén Redus, nhưng đã bị Torres tiêu diệt.
Khi trời tối, vòng vây của phiến quân dần siết chặt, Redus nảy ra ý tưởng nhảy từ căn phòng của họ xuống ao cạn cạnh tòa nhà, nơi không có lính bao vây, từ độ cao khoảng 9 m.
Sau khi tiếp đất, Redus thì bị hàng rào theo gai cắt rách tay, mũi bị thương, còn Torres bị thương nặng ở lưng khi ngã vào đống sắt và bê tông. Torres đã yêu cầu Redus bỏ mình lại, nhưng Redus không đồng ý và dìu Torres cùng chạy trốn.
"Anh đùa tôi à, tôi sẽ không bao giờ bỏ anh ở lại. Anh sẽ đi với tôi. Sau tất cả những gì chúng ta đã phải trải qua", Redus nói.
Men theo cống thoát nước khoảng gần 2 km, Redus và Torres gặp một chiếc xe ôtô dân sự và uy hiếp để tài xế chở họ về phía Anaconda. Trên đường đi, họ gặp trạm kiểm soát Jersey của cảnh sát Iraq, nơi cả hai được đưa trở về trại Anaconda.
Về phía đội hộ tống, sau khi thoát khỏi ổ phục kích, đoàn xe dừng lại làm công tác cứu thương và kiểm tra lại quân số. Nhận thấy Redus và Torres mất tích, nhưng trung úy Funes đã không ra lệnh quay lại giải cứu, bất chấp sự phản đối của một số thành viên trong đội.
Sau khi trở về, Redus và Torres phải đối diện với thái độ im lặng của cấp trên, phải tham gia nhiều cuộc điều tra kéo dài hàng tháng. Cơ quan tình báo nghi ngờ câu chuyện của họ. Hai người bị theo dõi, kiểm soát liên tục bởi một đội canh gác có vũ khí.
Sau khi xác minh, Redus và Torres chỉ nhận được sự tuyên dương, khen ngợi của quân đội về sự dũng cảm, trong khi họ hoàn toàn đủ điều kiện để nhận huân chương danh dự Trái tim Tím.
Câu chuyện của Redus và Torres được được công bố vào tháng 8/2016, khi những chỉ huy trực tiếp của họ đã nghỉ hưu. Chuyến hộ tống mà hai trung sĩ này tham gia được giới quân sự gọi là "chuyến đi địa ngục" và coi đó là một thảm họa của lực lượng quân đội Mỹ tại Iraq.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Lính Mỹ ngất xỉu trong lễ từ biệt của Obama Một người lính thuộc đội danh dự đột nhiên bất tỉnh và ngã gục xuống sàn nhà trước mặt Tổng thống Obama khi ông đang phát biểu trong lễ từ biệt các lực lượng vũ trang. Thành viên đội danh dự Mỹ ngất xỉu trong lễ từ biệt của Obama. Ảnh: AFP Người lính gục xuống, úp mặt vào sàn, khi Tổng thống...