Liệu xe điện sẽ phủ khắp trung tâm TP.HCM?
Nhiều nhà đầu tư xin thực hiện các tuyến xe điện chạy ở trung tâm TP.HCM để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Ngày 19.12, Sở GTVT TP.HCM cho biết, vừa kiến nghị UBND thành phố chấp thuận cho thí điểm dịch vụ cho thuê xe điện trong khu vực trung tâm (Q.1) theo đề xuất của Công ty TNHH Công nghệ IOT Thông minh Việt Nam. Theo đó, trong giai đoạn thí điểm, công ty trên đề xuất đầu tư 1.000 xe gắn máy điện bố trí tại 74 vị trí trên vỉa hè. Mỗi vị trí rộng khoảng 6-10m2, bố trí được từ 12-20 xe và cách nhau 200-300m. Sau khi triển khai thí điểm ở Q.1, Công ty IOT dự kiến mở rộng ra toàn thành phố với 50.000 xe sau 3 năm.
Để sử dụng dịch vụ này, người dùng sẽ cài đặt ứng dụng Vimotor trên thiết bị điện thoại thông minh, sau đó tìm và xác định vị trí điểm cung cấp xe gắn máy điện gần nhất, quét mã để mở khóa và sử dụng xe. Xe có chức năng khóa xe tạm thời trong trường hợp người dùng chưa muốn kết thúc chuyến đi. Kết thúc chuyến đi, người dùng đậu xe vào đúng chỗ quy định để khóa xe và hoàn tất việc thanh toán thông qua ứng dụng.
Một doanh nghiệp vừa đề xuất thành phố cho thuê xe điện đi lại ở khu vực trung tâm. (Ảnh minh họa)
Cước phí cho thuê dịch vụ khởi điểm là 3.000 đồng cho 10 phút đầu tiên, mỗi 5 phút tiếp theo là 1.500 đồng. Thời gian trung bình cho một lần sử dụng khoảng 15-20 phút, tương đương khoảng 4.500-6.000 đồng/lượt. Việc thanh toán được thực hiện theo hình thức nạp tiền vào tài khoản sau đó trừ dần. Tuy nhiên thời gian đầu nhà đầu tư miễn phí sử dụng từ 1-3 tháng để khuyến khích người dân sử dụng.
Ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT TP.HCM cho biết, đây mới là đề xuất của doanh nghiệp và đang chờ quyết định chính thức của lãnh đạo thành phố. Theo ông, đây là việc để đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, hỗ trợ tốt cho xe buýt. Các điểm bố trí xe điện được đặt gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt, điểm đầu cuối tuyến xe buýt tạo điều kiện cho hành khách sử dụng xe buýt từ nhà đến điểm dừng xe buýt và từ điểm dừng xe buýt đến trường học, khu thương mại, du lịch…Trong tương lai loại hình này còn hỗ trợ tốt cho các loại hình vận tải công cộng khác như Metro, BRT.
Sở GTVT TP.HCM cho biết, đây không phải lần đầu tiên có doanh nghiệp đề xuất thực hiện thí điểm xe điện tại trung tâm thành phố. Năm 2016, Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh, Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn, Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh bất động sản Phố Cảnh đã đề xuất đưa vào vận hành các tuyến xe buýt sử dụng xe 4 bánh gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện. Thành phố phê duyệt và được Mai Linh, Công ty Phố Cảnh đưa vào thí điểm trước Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017. Riêng Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn chưa tìm được nguồn vốn nên chưa triển khai thực hiện.
Cũng vào giữa năm 2016, UBND TP.HCM đã đồng ý cho Công ty TNHH MTV ĐT Hồ Huy triển khai thí điểm đầu tư, khai thác 100 xe taxi hoạt động bằng năng lượng điện trên địa bàn thành phố.
Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã báo cáo UBND thành phố xem xét cho Công ty TNHH Thường Nhật về việc triển khai thực hiện thí điểm sử dụng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện phục vụ khách du lịch trong phạm vi hẹp kết nối với tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng – Linh Đông). Ngoài ra, sở cũng kiến nghị thành phố xem xét chấp thuận cho phép xe điện hoạt động trong phạm vi hạn chế để vận chuyển bệnh nhân của Bệnh viện 115.
Video đang HOT
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết vấn đề giao thông thành phố ngoài nhiệm vụ giảm ùn tắc còn vấn đề là giảm ô nhiễm môi trường. Việc đưa vào sử dụng các xe điện ở khu vực trung tâm sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường và trên thế giới có nhiều thành phố đã thực hiện.
Theo ông, hiện có nhiều doanh nghiệp đang xin triển khai thí điểm các tuyến xe điện chạy ở trung tâm thành phố, sở rất ủng hộ việc này. Tuy nhiên lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết, sở sẽ cân nhắc khi triển khai vì còn liên quan nhiều thứ như chi phí đầu tư, vận hành, bố trí các địa điểm tiếp điện (sạc điện), xử lý khi phương tiện hết điện…
Theo Danviet
Ảnh: Ngỡ ngàng trước sự hiện đại của bến "xe buýt" chạy trên mặt nước
Nhiều người đến tham quan bến "xe buýt" chạy trên mặt nước đầu tiên ở Sài Gòn ngỡ ngàng khi khu vực này được thiết kế rộng rãi, đẹp mắt và hiện đại như ở nước ngoài.
Ngày 21.11, ông Trần Kim Toản, giám đốc Công ty TNHH Trường Nhật, chủ đầu tư dự án 2 tuyến buýt đường sông TP.HCM cho biết, ngày 25.11 sẽ khai trương tuyến buýt đường sông số 1 (Công viên Bạch Đằng - Linh Đông)
Theo ông Toản, hiện đã hoàn tất những khâu cuối cùng trong việc kiểm tra kỹ thuật, đánh giá mức độ an toàn của tuyến buýt đường sông. Tại khu vực các bến cảng phục vụ buýt đường sông đang được đơn vị gấp rút hoàn thiện
Được xem là bến cảng chính, ga tàu thủy Bạch Đằng (đối diện vòng xoay Mê Linh, nằm trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1), sẽ là nơi xuất phát đầu của tuyến buýt đường sông. Bến này là điểm đầu của tuyến buýt số 1 Bạch Đằng - Linh Đông
Bến tàu nằm ngay trung tâm TP được thiết kế khá hiện đại với các tiểu cảnh như công viên, hồ phun nước, quán cafe,... để phục vụ khách đi tàu. Nhiều người đến đây tham quan nhận xét bến tàu đẹp, hiện đại như ở nước ngoài
Khu vực ga "xe buýt" chạy trên nước tại bến Bạch Đằng được thiết kế rộng rãi và rất đẹp mắt
Bên trong khuôn viên bến cảng tàu buýt đường thủy đơn vị đầu tư trồng nhiều cây xanh và làm hồ phun nước, quán cà phê, thức ăn,... để phục vụ khách đi tàu
Màn hình được bố trí ngay lối vào để hiện thị thời gian tàu xuất bến cùng với những thông tin cần thiết cho hành khách
Ghi nhận tại bến tàu Bạch Đằng, đơn vị đầu tư gắn hàng chục camera an ninh
Bảng hướng dẫn tại ga tàu thủy nội địa
Nhiều người đến tham quan cho biết rất vui mừng khi thấy hình ảnh bến tàu được thiết kế rộng rãi, đẹp. "Tôi cũng đã từng đi một số nước trên thế giới và giờ thấy bến tàu thủy công cộng của TP.HCM thiết kế đẹp mắt nên cũng mừng. Bờ sông Sài Gòn mình đẹp lắm. Hy vọng sẽ có nhiều người sử dụng phương tiện này", anh Quý một người đến tham quan chia sẻ
Nhằm khuyến khích người dân lựa chọn loại hình vận tải công cộng bằng đường thủy, trong 10 ngày đầu đưa vào khai thác, chủ đầu tư sẽ miễn ví phé cho tất cả hành khách.
Theo Danviet
Buýt sông, mua vui chỉ được vài trống canh!? Dù đang khá đắt khách nhưng xem ra, buýt đường sông nếu không thay đổi, sẽ dễ thành tàu du lịch với lượng khách "hên - xui", chứ không phải là loại hình vận tải hành khách công cộng giúp "chia lửa" cho đường bộ như mục đích của dự án đề ra. Vậy nên chọn cách nào để phát triển buýt sông?...