Liệu “Mùa xuân Arập” có xuất hiện ở Nga?-Kỳ 1
Theo Giáo sư chính trị học Peter Rutland tại Đại học Wesleyan, Thành phố Middletown, bang Connecticut (Mỹ), trong vài năm qua đã có một số tranh luận nhất định về tác động của Internet trong đời sống chính trị trên khắp thế giới…
Một số người cho rằng trang mạng này cho phép các phong trào đối lập lan truyền và tổ chức các phong trào biểu tình – với “Mùa xuân Arập” là một ví dụ điển hình.
Phần trăm số người Nga sử dụng Internet đã tăng gấp đôi trong vài năm qua, từ 29% năm 2009 lên 64% năm 2013. Trong giai đoạn đó, mức độ của hoạt động chống đối ban đầu cũng tăng lên cho đến giữa năm 2012, nhưng sau đó đã giảm xuống nhanh chóng. Một báo cáo mới, được Erik Nisbet tại Trung tâm Nghiên cứu Liên kết toàn cầu ở Philadelphia công bố giúp giải thích tại sao lại như vậy.
Hình ảnh Tổng thống Nga Putin trong cuộc tuần hành của những người “chống Maidan” phản đối cuộc biểu tình Kiev năm 2014 tại thành phố St.Petersburg
Báo cáo dựa trên một cuộc khảo sát đối với 1.600 người trên khắp nước Nga, được thực hiện bởi cơ quan thăm dò ý kiến quốc gia VTsIOM, chỉ ra rằng chỉ một số ít người Nga (khoảng 10%) dựa vào Internet như là nguồn thông tin chủ yếu của họ.
Video đang HOT
84% trong tổng số người Nga được hỏi coi các kênh truyền hình quốc gia nằm trong số 3 nguồn thông tin hàng đầu của họ, xếp sau là các kênh truyền hình địa phương (chiếm 46%) và tiếp theo là các tờ báo chính thống của nhà nước (30%). Ngược lại, chỉ có 29% xem Internet nằm trong số 3 nguồn tin tức hàng đầu. Kết quả này được lặp lại tương tự trong các cuộc khảo sát do Trung tâm Levada tiến hành.
Đáng chú ý, 90% người Nga (bao gồm 84% những người hay sử dụng Internet) tin vào những thông tin trên các kênh truyền hình trung ương. Rất nhiều người dân Nga bình thường tin tưởng chính quyền, bất chấp một thực tế rằng những người đối lập như Alexei Navalny đã lợi dụng sự phát triển của Internet để đăng tải những tài liệu về vấn đề tham nhũng trong chính quyền, đưa ra những bức ảnh về những ngôi biệt thự xa xỉ của các quan chức chính phủ, và quyên tiền cho mục đích của họ.
Trong khi người Nga tin tưởng truyền hình, nhiều người trong số họ không tin tưởng Internet. Chính phủ Nga từng cho rằng Internet là một công cụ của chính phủ nước ngoài và một nguồn cơn gây bất ổn xã hội, thúc đẩy tất cả mọi thứ, từ tình dục đồng tính đến những ý nghĩ tự tử. Vào tháng 4/2014, Tổng thống Nga Putin nói rằng Internet “nổi lên như là một dự án đặc biệt của CIA”.
Trong khi đó, 49% số người được hỏi trong cuộc khảo sát của Nisbet đã đồng ý với tuyên bố rằng thông tin trên Internet cần phải được kiểm duyệt. 42% cho rằng chính phủ quản lý Internet. 10 nghìn trang web đã bị cấm ở Nga kể từ năm 2012 và một luật mới được đưa ra năm 2014 yêu cầu bất kỳ blogger nào có hơn 3.000 lượt truy cập mỗi ngày phải đăng ký với các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, ông Rutland cho rằng có một điểm đáng lưu ý trong các cuộc khảo sát là số người đồng ý với việc kiểm duyệt Internet chưa được 50%. Tỷ lệ ủng hộ cao của người dân đối với ông Putin cũng sẽ không kéo dài mãi mãi. Tại một thời điểm nào đó, người Nga có thể không tin vào những gì truyền hình đang nói với họ. Khi sự ủng hộ của công chúng đối với chính phủ bắt đầu suy yếu, Internet – khi vượt ra ngoài sự kiểm soát của nhà nước – cũng có thể nổi lên như là một nền tảng quan trọng cho việc huy động lực lượng đối lập trong tương lai.
(Còn tiếp: Kỳ cuối: Tương lai các phong trào biểu tình ở Nga)
Theo Công Thuận/baotintuc.vn
Trung Quốc không còn là thiên đường kinh doanh
"Thời vàng son cho các tập đoàn đa quốc gia đã chấm dứt" là đánh giá của phân nửa doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc, khi trả lời cuộc thăm dò ý kiến hàng năm của Phòng Thương mại châu Âu ở Bắc Kinh. Tình hình này cũng tương tự từ phía đồng nghiệp Mỹ.
Năm 2014, kinh tế Trung Quốc chỉ đạt nhịp độ tăng trưởng 7,4%, kém nhất từ 24 năm qua. Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài cũng suy giảm theo.
Kinh tế Trung Quốc chỉ đạt nhịp độ tăng trưởng 7,4% trong năm 2014 (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo Nhật báo Công giáo La Croix, nỗi bất bình đầu tiên của các doanh nghiệp châu Âu là môi trường luật lệ Trung Quốc bị xem là quá mập mờ, kém minh bạch, và dành quá nhiều thiên vị cho các doanh nghiệp trong nước. Việc tập đoàn Qualcomn của Mỹ, chuyên sản xuất chíp điện tử cho điện thoại thông minh, bị kết án phạt chỉ củng cố thêm cảm nhận này.
Qualcomm bị tuyên phạt 6 tỷ nhân dân tệ (tương đương với 860 triệu euro) với tội danh "lạm dụng vị trí thống trị", một án phạt chưa từng có. Trước đó, một loạt các tập đoàn và doanh nghiệp nước ngoài đã bị đặt vào vòng điều tra như Mercedes, BMW hay Microsoft.
Trước mật độ tấn công dày đặc, Phòng Thương mại châu Âu bày tỏ sự nghi ngờ về tính khách quan, cho rằng có sự "phân biệt đối xử" trên thị trường Trung Quốc, dù rằng chính quyền trấn an là sẽ điều tra cả các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, "Vạn Lý Trường Thành tin học", biệt danh của kiểm duyệt Internet, cũng gây ra nhiều vấn đề cho các doanh nghiệp nước ngoài, vốn dĩ quá quen thuộc với các công cụ làm việc phương Tây như Google chẳng hạn.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Trung Quốc, phải dùng đến các trình duyệt trả tiền cho phép lẩn tránh được sự kiểm duyệt bằng cách kết nối vào mạng cá nhân ảo. Tuy có hiệu quả nhưng đường truyền khá chậm. Có tới 86% doanh nghiệp châu Âu phàn nàn các hoạt động kinh doanh của họ đã bị ảnh hưởng do những hạn chế và tình trạng kết nối chậm.
Kiểm duyệt Internet cũng gây lo sợ cho các doanh nghiệp. Khoảng 60% doanh nghiệp Mỹ cho rằng nguy cơ các dữ liệu nhạy cảm bị đánh cắp tại Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với những nơi khác. Kết quả là 13% doanh nghiệp Mỹ khẳng định đã đình các dự án đầu tư dự kiến vào nghiên cứu và phát triển trong năm 2014.
"Điểm đen" cuối cùng và cũng là điểm mới đầu tiên trong thăm dò của Phòng Thương mại Mỹ từ 17 năm qua là vấn đề ô nhiễm môi trường. Đại đa số các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc (53%) cho biết gặp khó khăn trong việc tuyển người đến làm việc tại cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á. Con số này tại Phòng Thương mại châu Âu còn cao hơn lên đến 68%.
Chừng 1/3 doanh nghiệp châu Âu cho biết ô nhiễm môi trường đã làm tăng vọt chi phí tuyển dụng, do các ứng viên muốn có những khoản bù đắp. Nhất là tại các khu vực Bắc Kinh, Nam Kinh hay Thượng Hải, khoảng 60% doanh nghiệp nước ngoài tại đây đều đề cập đến khó khăn này.
Theo TTK/baotintuc.vn
Làm sao giải quyết mâu thuẫn Nga - Phương Tây? Cuộc khủng hoảng Ukraina đã thổi bùng những mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây, vốn bị dồn nén từ sau Chiến tranh Lạnh. Muốn giải quyết được vấn đề Ukraina, Nga và châu Âu phải phá vỡ được âm mưu bá chủ của Mỹ. Ngày 23/2, Tổng thống Nga khẳng định sẽ không thể có chiến tranh với Ukraina Đó là nhận...