Liệu Guyana có tránh được “lời nguyền dầu mỏ?”
Kể từ khi bắt đầu khai thác thương mại những mỏ dầu khổng lồ ngoài khơi năm 2019, Guyana đang đổi đời.
GDP của quốc gia Nam Mỹ này đã tăng 62% trong năm ngoái.
Nhưng đằng sau phép màu ấy là nhiều thách thức và hệ lụy mà lâu nay vẫn được gọi dưới cái tên “lời nguyền dầu mỏ”…
Giàu lên bất ngờ nhờ dầu
Với diện tích 215.000km 2 và dân số gần 800 nghìn người, Guyana là quốc gia có chủ quyền nhỏ thứ ba tính theo diện tích ở lục địa Nam Mỹ sau Uruguay và Suriname, và là quốc gia ít dân thứ nhì ở khu vực này sau Suriname. Guyana cũng từng nằm trong nhóm nghèo nhất thế giới với GDP bình quân đầu người năm 2005 chỉ đạt 1.085 USD.
Các em học sinh thích thú trong buổi ra mắt gần đây của Chương trình xóa mù chữ và phổ cập tự động hóa của Bộ Giáo dục Guyana. Ảnh: CIJN
Nhưng thời khốn khó ấy đã là quá khứ. Sau một loạt các phát hiện dầu mỏ lớn trong vùng lãnh hải của mình năm 2015 và tiến hành khai thác thương mại từ năm 2019, Guyana đang nổi lên như một trong những địa điểm khoan dầu ngoài khơi nóng nhất và là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Với hơn 30 mỏ dầu có trữ lượng lên đến hơn 11 tỷ thùng và sản lượng khai thác cũng như xuất khẩu ngày càng tăng, Guyana đang được xem như một cường quốc dầu mỏ tiềm năng. Nước này cũng sẵn sàng vươn lên trở thành quốc gia giàu nhất ở Nam Mỹ nếu tính theo thu nhập bình quân đầu người.
Theo dữ liệu từ Refinitiv Eikon, Guyana đang khai thác khoảng 400.000 thùng dầu mỗi ngày và xuất khẩu trung bình 265.693 thùng mỗi ngày trong năm 2022. Con số này tăng gấp hơn 2 lần so với mức 100.645 thùng xuất khẩu mỗi ngày trong năm 2021.
Năm 2020, khi nền kinh tế của hầu hết các quốc gia suy giảm vì đại dịch, Guyana nổi lên là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, với tổng sản phẩm quốc nội tăng đáng kể 43,5%. Sau một chút giảm tốc vào năm 2021, Guyana đã trở lại vị trí dẫn đầu thế giới vào năm 2022 khi nền kinh tế tăng trưởng ở mức khủng khiếp: 62,3%.
Dầu mỏ đang đem lại nguồn tài chính ngoài sức tưởng tượng với chính phủ Guyana. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tổng thu nhập quốc dân của Guyana năm nay sẽ đạt 16,3 tỷ USD. Con số này vẫn quá nhỏ bé so với các gã khổng lồ Nam Mỹ như Brazil với GDP 2 nghìn tỷ USD, Argentina (641 tỷ USD) hay Chile (659 tỷ USD). Nhưng nếu tính bình quân đầu người, GDP năm 2023 của Guyana sẽ là 20.540 USD và con số đó giúp họ trở thành quốc gia giàu thứ nhì ở Nam Mỹ, sau Uruguay với GDP bình quân 21.680 USD/người.
Video đang HOT
Làm giàu càng nhanh càng tốt
Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Tài chính Guyana, ông Ashni Singh dự báo, thu ngân sách từ dầu mỏ, từ xuất khẩu và thuế tài nguyên của nước này sẽ tăng 31% trong năm nay. Nguyên nhân rất đơn giản: quốc gia Nam Mỹ này sẽ tiếp tục tăng tốc khai thác những mỏ dầu khổng lồ của mình.
Phó Thủ tướng Guyana, Bharrat Jagdeo cho biết nước này từ chối gia nhập OPEC vì muốn khai thác dầu nhanh và nhiều nhất có thể. Ảnh: WSJ
Minh chứng rõ nhất cho quyết tâm làm giàu khẩn trương là Guyana vừa từ chối lời mời tham gia Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Phát biểu với báo Wall Street Journal, Phó tổng thống Guyana, ông Bharrat Jagdeo nói rằng nước này cần tối đa hóa sản xuất – và lợi nhuận – trong ngắn hạn, do nhu cầu dầu dự kiến sẽ giảm trong những thập kỷ tới.
“Ngay bây giờ, ý tưởng của chúng tôi là khai thác càng nhiều dầu và càng nhanh càng tốt vì chúng tôi không chắc chắn về cơ hội sẽ có trong tương lai”, ông Jagdeo nói, đồng thời lý giải việc gia nhập OPEC sẽ khiến Guyana phải tuân thủ theo chiến lược của Saudi Arabia và các thành viên khác, những nước đã hợp tác cùng nhau trong những năm gần đây để hạn chế nguồn cung toàn cầu và kéo giá dầu lên.
Trong khi đó, mục tiêu của Guyana thì ngược lại. Quốc gia Nam Mỹ này muốn khai thác trên 1 triệu thùng/ngày trong ba năm tới, tăng thu ngân sách lên mức gần 4 tỷ USD trong năm nay và đạt 10 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2025. Hiện tại, chỉ riêng sản lượng của những mỏ mà Guyana ký hợp đồng khai thác với các tập đoàn Exxon, Hess và CNOOC đã đạt 340.000 thùng/ngày. Vậy nhưng, chính phủ nước này đang gọi thầu khai thác một loạt mỏ mới. Trong một số nhận định lạc quan, đến năm 2027, Guyana thậm chí có thể đạt mức 1,2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.
Những bước đi này sẽ thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế của Guyana. Theo dự báo của IMF, đến năm 2024, GDP bình quân đầu người của Guyana sẽ đạt 27.640 USD, giúp họ vượt qua Uruguay để trở thành quốc gia giàu nhất Nam Mỹ, và có mức chênh lệch rõ rệt so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác ở khu vực.
Làm gì để tránh lời nguyền dầu mỏ?
Quá trình đổi đời thần tốc của Guyana đem đến những sự lạc quan lớn. Nhưng đằng sau bức tranh thịnh vượng đang thành hình, cũng có những lo ngại rằng nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ sẽ thúc đẩy nạn tham nhũng và quản lý kém, khiến Guyana trở thành nạn nhân của “lời nguyền dầu mỏ”.
Một tàu khoan ngoài khơi Guyana. Ảnh: NYT
Các nhà lãnh đạo tại Georgetown không cần nhìn đâu xa, chỉ cần nhìn sang ngay nước láng giềng Venezuela là có thể thấy sự phụ thuộc quá mức vào dầu mỏ và khối tài sản khổng lồ mà nhiên liệu hóa thạch tạo ra có thể làm xói mòn những động lực của nền kinh tế và kéo theo hệ lụy lớn thế nào khi có những biến động địa chính trị.
Nhưng Tổng thống Guyana, Irfaan Ali cho biết quốc gia Nam Mỹ nhỏ bé này sẽ không đi theo vết xe đổ của bất kỳ nước nào. Ông Ali muốn Guyana trở thành một trung tâm y tế, giáo dục và giao thông khu vực nhờ sự trợ giúp của dòng tiền “khủng” thu được từ dầu mỏ.
“Chúng tôi đang đầu tư rất nhiều vào chăm sóc sức khỏe và giáo dục”, Tổng thống Irfaan Ali nói với tạp chí Financial Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Nhưng chúng tôi không chỉ đầu tư để đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn để Guyana có thể trở thành một trung tâm y tế và giáo dục cho Nam Mỹ, cho vùng Caribe”.
Vị tổng thống năng động 42 tuổi cũng khẳng định, xây dựng hạ tầng giao thông là yếu tố quyết định để giúp Guyana phát triển bền vững. Là quốc gia nói tiếng Anh duy nhất của Nam Mỹ, Guyana có lịch sử bị chia cắt với các nước láng giềng bởi sông ngòi và rừng rậm. Vì thế, chính phủ nước này đang có kế hoạch xây dựng đường cao tốc và cầu nối với Guiana thuộc Pháp và Suriname ở phía đông cũng như Brazil ở phía nam.
Những tuyến đường bộ này, cộng với một cảng nước sâu đã được lên kế hoạch trên bờ biển Caribe, có thể mở ra hành lang vận chuyển từ miền bắc Brazil đến các thị trường Đại Tây Dương. “Chúng tôi đang có những cuộc thảo luận nghiêm túc với Tập đoàn Cảng Abu Dhabi về sự phát triển của một bến cảng nước sâu lớn ở Guyana”, Tổng thống Ali nói. “Cảng nước sâu đó sẽ hỗ trợ miền bắc Brazil và giúp họ tiếp cận Đại Tây Dương”.
Tổng thống Ali cũng đang đang xem xét thành lập một công ty dầu mỏ quốc gia. Nhưng ông nhấn mạnh rằng nếu điều này xảy ra, công ty đó sẽ “hoạt động như một doanh nghiệp thực sự” và sẽ tập trung vào sự phát triển các mỏ mới chứ “không bao giờ là một phần của việc tiếp quản sản xuất hiện có từ các liên doanh với nước ngoài”.
Bên cạnh đó, chính quyền Guyana đang nỗ lực điều chỉnh các điều khoản cho những thỏa thuận hợp tác mới với những tập đoàn nước ngoài theo hướng có lợi hơn. Theo tạp chí Foreign Policy, các thay đổi đáng chú ý nhất bao gồm tăng thuế tài nguyên lên 10% thay vì 2% như trước và thuế doanh nghiệp cũng được tăng lên mức 10 %. Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận của mỏ dầu sẽ chia 50-50.
Năm ngoái, một quỹ tài sản có chủ quyền cũng được chính phủ Guyana tạo ra để bảo vệ doanh thu từ dầu mỏ cho các thế hệ tương lai. “Sau một loạt các cuộc tham vấn với các bên liên quan khác nhau, bao gồm khu vực tư nhân và xã hội dân sự, Quỹ Tài nguyên thiên nhiên (NRF) đã được thành lập… để quản lý sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên của Guyana vì lợi ích hiện tại và tương lai của nhân dân và vì sự phát triển bền vững của đất nước”, Bộ Tài chính Guyana cho biết trong thông cáo báo chí.
Để đảm bảo rằng NRF được quản lý theo các nguyên tắc minh bạch, quản trị tốt theo các thông lệ quốc tế, Ủy ban Giám sát và Trách nhiệm công cộng đã được thành lập với nhiệm vụ giám sát và đánh giá quỹ này. Ủy ban sẽ bao gồm 22 ứng cử viên từ các nhóm xã hội dân sự, hiệp hội nghề nghiệp, học viện và chính quyền địa phương.
Những bước đi bài bản mà Guyana đang tiến hành cho thấy, quốc gia nhỏ bé này có một tầm nhìn lớn về cách tận dụng vận may dầu mỏ bất ngờ của mình. Theo David Jessop, biên tập viên của tạp chí Caribbean Insight và là chuyên gia về Guyana, hạn chế lớn nhất đối với tham vọng của Tổng thống Ali chỉ là thiếu nhân lực.
“Khi bạn nhìn vào quy mô dân số của Guyana và vị trí của quốc gia này, bạn sẽ nhận ra rằng hạn chế chính là nguồn nhân lực. Tiềm năng của đất nước này là rất lớn nhưng để đáp ứng nhân lực cho việc phát triển là một thách thức nghiêm trọng thực sự”, ông Jessop nhận định khi được tạp chí Financial Times hỏi về cơ hội tránh khỏi “lời nguyền dầu mỏ” của Guyana.
Dầu giúp bảo vệ… rừng
Việc nổi lên với tư cách cường quốc dầu mỏ tiềm năng trong khi thế giới đang tìm cách loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, cũng là một tình thế khó khăn với Guyana. Nhưng theo Tổng thống Ali, sẽ rất bất công nếu các quốc gia như Guyana – vốn đang nỗ lực vượt qua đói nghèo – không được hưởng lợi từ vận may của mình. Guyana vì thế càng phải tăng tốc khai thác dầu trước khi nhu cầu của thế giới giảm sút.
Và, Tổng thống Ali cũng khẳng định, tiền thu từ dầu mỏ sẽ được đầu tư vào việc bảo vệ 18,5 triệu ha rừng nhiệt đới của Guyana, qua đó hỗ trợ du lịch sinh thái, duy trì đa dạng sinh học cũng như tạo doanh thu từ bảo tồn. “Các khu rừng của Guyana lưu trữ 19,5 tỷ tấn carbon. Điều đó có thể đem lại thu nhập hàng năm gần 200 triệu USD thông qua tín dụng carbon và thị trường carbon”, ông Ali cho biết.
Các đại gia dầu mỏ Trung Quốc kỳ vọng lợi nhuận bội thu vào năm 2022
Các công ty dầu khí lớn nhất do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc mới đây đã thông báo về mức tăng lợi nhuận ròng năm 2022 khi giá hàng hóa tăng vọt vào năm ngoái và các công ty này cũng tăng gấp đôi nỗ lực thúc đẩy khai thác trong nước.
Công ty Thăm dò và Khai thác (E&P) dầu khí lớn nhất của đất nước, PetroChina, ngày 19/1 cho biết lợi nhuận ròng sơ bộ của họ trong năm ngoái đã tăng 68% so với năm 2021, Bloomberg đưa tin.
Về phần mình, Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) cho biết số liệu sơ bộ năm 2022 cho thấy lợi nhuận ròng tăng gấp đôi năm trước đó.
Từ tháng 1 đến tháng 9 năm ngoái, PetroChina đã báo cáo lợi nhuận 16,66 tỷ USD, tăng 60% so với năm trước.
CNOOC đã báo cáo lợi nhuận ròng tăng 89,1% hàng năm trong quý thứ ba của năm 2022, được thúc đẩy bởi giá dầu và khí đốt cao hơn. Lợi nhuận ròng trong 9 tháng tính đến tháng 9 đã tăng hơn gấp đôi khi tăng 105,9%. Doanh thu của CNOOC trong quý 3 tăng 53,7%, do giá thực tế trung bình của dầu thô và chất lỏng tăng 36,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 95,80 USD/thùng trong quý 3 và giá khí đốt thực tế trung bình tăng 15,1%, CNOOC cho hay.
Tuần trước, CNOOC nói rằng họ sẽ tăng chi tiêu vốn cho năm 2023 và dự kiến 9 dự án mới mà họ tham gia sẽ đi vào hoạt động trong năm nay tại Trung Quốc, Guyana và Brazil.
Các công ty Trung Quốc gần đây đã báo cáo sản lượng trong nước cao hơn khi chính phủ chỉ đạo các ông lớn do nhà nước nắm giữ tăng cường khai thác dầu khí trong nước từ vài năm trước như một phần của kế hoạch tăng cường an ninh năng lượng.
Kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực thúc đẩy khai thác nhiên liệu hóa thạch trong nước. Chính sách này dẫn đến sản lượng than cao kỷ lục vào năm 2022, ở mức 4,496 tỷ tấn, tăng 9% so với năm 2021, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Dữ liệu của Trung Quốc cho thấy, sản lượng khí đốt tự nhiên của Trung Quốc cũng đạt mức cao kỷ lục 217,8 tỷ mét khối vào năm 2022, tăng 6,4% so với năm trước đó, trong khi nhập khẩu khí đốt tự nhiên giảm 9,9%.
CH Séc 'nóng' kế hoạch chôn chất thải hạt nhân xuống sâu lòng đất Praha đang chạy đua để đẩy nhanh kế hoạch đầy tham vọng kéo dài nhằm xây dựng một kho lưu trữ địa chất sâu có thể cho phép chôn chất thải hạt nhân sâu nửa km dưới lòng đất trong 100.000 năm tới. Praha muốn xây dựng một kho lưu trữ địa chất sâu có thể chôn chất thải hạt nhân dưới lòng...