Liệu EU có thể lấp chỗ trống Mỹ để lại trong tài trợ quân sự cho Ukraine?
Liệu châu Âu có thể lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại trong viện trợ quân sự cho Ukraine? Đó là một câu hỏi mà Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng trả lời.
Binh sĩ Ukraine tham gia buổi huấn luyện ở ngoại ô Kiev ngày 21/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Kênh CNN (Mỹ) nhận định giới chức châu Âu đã trăn trở về viễn cảnh này trong một thời gian dài. Gần đây, Hạ viện Mỹ từ chối bật đèn xanh cho gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD cho Kiev và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump góp mặt trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới. Sau cuộc gặp với ông Trump tại Mỹ tháng 3 này, Thư tướng Hungary Viktor Orbán chia sẻ với truyền thông rằng chính trị gia đại diện đảng Cộng hoà sẽ ngừng viện trợ cho Ukraine nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Tại hội nghị của Hội đồng châu Âu trong tuần này, khối đã đồng ý nghiên cứu thêm những cách thức mới để gây quỹ cho Ukraine. Một trong số đó có đề xuất gây tranh cãi là sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo chia sẻ rằng có “cởi mở, ít nhất là từ phía chúng tôi” đối với các cách tài trợ mới. Nhà lãnh đạo này đồng thời nhấn mạnh châu Âu không thể chờ Mỹ quyết định.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU đã không thống nhất bất cứ khoản tiền mới nào dành cho vũ khí. Đó có thể là một vấn đề. Nhu cầu vũ khí của Ukraine ngày càng cấp thiết. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần nói với các đồng minh phương Tây rằng thách thức lớn nhất mà nước này phải đối mặt hiện nay là thâm hụt vũ khí.
Trên thực tế, theo Viện Kiel (Đức), bất chấp bất đồng công khai giữa 27 quốc gia thành viên về những vấn đề như chuyển xe tăng và liệu có nên trích tiền trực tiếp từ ngân sách EU hay không, toàn khối đã gửi nhiều tiền đến Kiev hơn cả Mỹ.
Tuy nhiên, chỉ có 5,6 tỷ USD trong tổng số 85 tỷ USD của EU được phân bổ cụ thể cho viện trợ quân sự, còn lại 2,2 tỷ USD viện trợ nhân đạo và 77,1 tỷ USD viện trợ tài chính. Đây chính là lúc câu hỏi trở nên phức tạp hơn, liệu châu Âu có thực sự thay thế được Mỹ hay không.
Một số quan chức châu Âu coi đây là vấn đề kinh tế thuần túy. Dữ liệu gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga ở mức 2,24 nghìn tỷ USD, so với 16,75 nghìn tỷ USD của EU. Trên lý thuyết, điều này có nghĩa là châu Âu có thể tồn tại lâu hơn Nga nếu cuộc chiến trở thành vấn đề tiêu hao kinh tế. Như vậy, châu Âu có đủ tiền để bù đắp cho khoảng trống của Mỹ.
Video đang HOT
Binh sĩ Ukraine tham gia huấn luyện trên pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard do Đức sản xuất tại Kiev, ngày 26/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhưng khó khăn nằm ở mặt chính trị. EU bao gồm 27 quốc gia có chủ quyền, tất cả đều có chính sách đối ngoại độc lập. Một số là thành viên của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một số nằm ngoài khối quân sự này và chính thức trung lập. Một số thành viên EU cảm thấy thoải mái với việc mua vũ khí của Mỹ và gửi chúng tới Ukraine, số khác thì không. Một số nước có vị trí địa lý gần Nga và lo ngại xung đột sẽ tràn sang biên giới của họ, số khác lại cách xa Moskva về mặt địa lý và đã có quan hệ kinh tế tốt đẹp với Nga trong nhiều thập niên.
Tuy nhiên, đã sang năm thứ ba của xung đột Nga-Ukraine và tư duy của người châu Âu cũng chuyển biến. Nhiều nhà ngoại giao và quan chức trước đó cho rằng vai trò của Brussels là hỗ trợ tài chính cho Kiev để duy trì chức năng cơ bản của chính phủ Ukraine và tiếp nhận người tị nạn… còn Mỹ đảm nhận phần vũ khí.
Gần đây, EU đang coi trọng việc phòng thủ hơn. EU đã tiết lộ kế hoạch xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu có thể sánh ngang với ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ trong tương lai. Nhưng đây là kế hoạch dài hạn.
Trong ngắn hạn, Ukraine cần vũ khí khẩn cấp. Tổng thống Ukraine Zelensky vào ngày 26/2 cho biết EU cho đến nay mới chỉ giao 30% trong số 1 triệu quả đạn pháo đã cam kết. EU thừa nhận vào cuối tháng 1 rằng họ sẽ phải trì hoãn mục tiêu vài tháng.
Một sáng kiến do Séc đề xuất, được 17 quốc gia thành viên EU ủng hộ là mua đạn dược bên ngoài châu Âu để nhanh chóng chuyển các thiết bị quân sự cần thiết đến Ukraine. Tất nhiên, Ukraine hoan nghênh sáng kiến này nhưng cũng thừa nhận nó sẽ không thể lấp được lỗ hổng của Mỹ.
Đầu tháng này, Ngoại trưởng Ukraine cho biết: “Sáng kiến của Séc rất tuyệt vời nhưng vẫn chưa đủ. Nếu ngoài sáng kiến của Séc, hai sáng kiến nữa được thực hiện trong năm nay thì quân đội Nga sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn trên tiền tuyến”. Một số nhà quan sát nhận định phát biểu này là ám chỉ đến gói viện trợ quân sự đang bế tắc tại Quốc hội Mỹ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng vui mừng với tin tức vào tháng trước rằng 18 thành viên của khối quân sự sẽ chi 2% GDP cho quốc phòng. Đó là cải thiện đáng kể so với một thập niên trước, khi chỉ có ba quốc gia NATO đáp ứng được ngưỡng tối thiểu. Nhưng điều đó vẫn có nghĩa là hơn một phần ba thành viên vẫn không đạt được mục tiêu này.
Xung đột càng kéo dài thì càng có nhiều khả năng gây mệt mỏi. Áp lực lên ngân sách từ những yếu tố như dịch vụ công và lương hưu càng lớn thì càng khó biện minh cho việc cấp tiền cho một quốc gia khác để trang trải cho xung đột. Và đó chính là điều có thể khiến tư duy của châu Âu đi theo một trong hai hướng: đảm bảo Ukraine đánh bại Nga hoặc để Kiev tự lo liệu.
Cây bút Luke McGee tại CNN kết luận châu Âu có thể lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại và ở một số khía cạnh, họ đang cố gắng làm điều đó. Nhưng liệu EU có đủ ý chí hay không vẫn là một ẩn số lớn.
Nga và Ukraine leo thang tấn công tầm xa xuyên biên giới
Ukraine và Nga tấn công xuyên biên giới dữ dội khi giao tranh tầm xa leo thang.
Cả Nga và Ukraine đã tăng cường tấn công tầm xa nhằm vào nhau trong những ngày gần đây. Ảnh: TASS
Nga và Ukraine đang tăng cường các cuộc tấn công tầm xa khi họ nhằm vào các mục tiêu ở khu vực hậu cứ của nhau, theo tờ Independent (Anh) ngày 21/3.
Trong những ngày gần đây, cuộc xung đột ở Ukraine ngày càng chuyển từ chiến trường trên bộ sang tấn công tầm xa vào cơ sở hạ tầng quân sự, năng lượng và giao thông của nhau.
Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, Nga đã thả 200 quả bom dẫn đường kể từ đầu tháng này xuống khu vực Sumy ở phía Đông Bắc, trong khi, trong cuộc tấn công mới nhất của Moskva, một tên lửa đã nhằm vào thành phố Kharkiv, cách Sumy khoảng 160km, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng.
Tại khu vực Belgorod của Nga, cách Kharkiv khoảng 100km, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã đánh chặn 13 tên lửa của Ukraine ngày 20/3. Thống đốc khu vực Belgorod Vyacheslav Gladkov cho biết 3 người thiệt mạng và 2 người khác bị thương. Ông Gladkov thông báo rằng chỉ riêng trong tuần qua đã có 16 người thiệt mạng.
Người dân ở cả hai phía biên giới Ukraine và Nga đã được yêu cầu sơ tán.
Các nhà chức trách ở thành phố Sumy của Ukraine cho biết đã có 30 trường hợp pháo kích trong ngày 19/3. Một người đã thiệt mạng tại làng Velyka Pysarivka, tâm điểm của cuộc sơ tán diễn ra vào tuần trước. Các quan chức địa phương Ukraine cho biết khoảng 200 người đã được sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm gần Velyka Pysarivka trong tuần qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 20/3 tuyên bố sẽ hỗ trợ người dân Belgorod. Ông nói trong một cuộc họp được truyền hình từ Điện Kremlin: "Có rất nhiều việc phải làm và chúng tôi sẽ làm mọi thứ. Tất nhiên, nhiệm vụ hàng đầu là đảm bảo an toàn. Có nhiều cách khác nhau để làm điều này. Đây không phải là điều dễ dàng nhưng chúng tôi sẽ làm được". Các cuộc tấn công của Ukraine đã khiến nhà lãnh đạo Nga bối rối vì Moskva có lợi thế về số lượng tên lửa, pháo binh, đạn dược và máy bay không người lái mà nước này có thể huy động.
Đối với Ukraine, nước đang phải đối mặt với tình hình khó khăn dọc theo một số khu vực của tiền tuyến dài 1000 km vì Kiev phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược do viện trợ quân sự mới từ Mỹ chậm trễ, các cuộc tấn công xuyên biên giới là một cách để nỗ lực làm chậm dịp độ tấn công của Nga. Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công tầm xa trong những tháng gần đây, trong khi Nga đã liên tục nhắm mục tiêu vào các thành phố của Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra hơn 2 năm trước.
Máy bay không người lái cũng là một lĩnh vực công nghệ quân sự mà Ukraine đã đạt được thành công. Ngày 20/3, truyền thông Ukraine và phương Tây đưa tin rằng máy bay không người lái do cơ quan tình báo quân sự GUR chỉ huy đã tấn công căn cứ không quân Engels nằm sâu trong lãnh thổ Nga, cách biên giới hàng trăm 100km.
Thống đốc vùng Saratov, nơi có căn cứ không quân trên, tuyên bố các máy bay không người lái của Ukraine đã bị bắn rơi gần Engels. Căn cứ này là trụ sở chính của phi đội máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Nga và nằm gần thành phố Saratov - cách Moskva khoảng 725 km về phía Đông Nam. Ba nhân viên hàng không Nga thiệt mạng vào tháng 12/2022 khi một máy bay không người lái được cho là của Ukraine bị bắn hạ tại căn cứ ở Saratov.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cũng xác nhận rằng GUR đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào căn cứ không quân của Nga ở tỉnh Saratov vào ngày 20/3 trong bối cảnh có thêm dấu hiệu cho thấy các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine ở Nga đang đạt được những tác động bất đối xứng hạn chế đối với tài sản quân sự và kinh tế của Nga.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy có 11 máy bay Nga có mặt tại căn cứ không quân Engels vào ngày 19/3. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng các lực lượng nước này đã phá hủy 4 máy bay không người lái của Ukraine trên bầu trời vùng Saratov, và Thống đốc tỉnh Saratov Roman Busargin thông báo rằng các cuộc tấn công không gây ra bất kỳ thiệt hại nào.
Lệ thuộc UAV để chống Nga, Ukraine khó thay đổi tình thế? Ukraine đang tận dụng máy bay không người lái (UAV) để bù đắp cho tình trạng thiếu đạn pháo và làm suy yếu khả năng quân sự của Nga, nhưng giới chuyên gia cảnh báo UAV không thể làm thay đổi cán cân sức mạnh. Chuyên gia Ulrike Franke tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) mới đây đánh giá...