Liên hợp quốc quan ngại các vụ tấn công trường học ở Gaza
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 10/7, ông Philippe Lazzarini, người đứng đầu Cơ quan Cứu trợ của Liên hợp quốc (LHQ) dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA), cho biết các ngôi trường được chuyển công năng làm chỗ trú ngụ ở Dải Gaza đã bị tấn công.
Hiện trường vụ oanh tạc của Israel xuống một trường học, nơi người Palestine sơ tán tránh chiến sự trú ẩn ở Dải Gaza. Ảnh: IRNA/TTXVN
Trong bài viết đăng trên mạng xã hội X, ông Lazzarini cho biết 4 ngôi trường đã bị tấn công trong những ngày qua. Kể từ khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát kể từ tháng 10/2023, gần 70% số trường học ở Gaza bị tấn công, trong đó có một số trường bị ném bom, nhiều trường bị hư hại nặng nề. Ông nhấn mạnh các trường học đã chuyển từ nơi giáo dục an toàn và mang lại niềm hy vọng cho trẻ thành nơi trú ẩn đông đúc, thậm chí trở thành nơi chết chóc và đau khổ.
Số liệu mới của cơ quan y tế Palestine cho biết chỉ trong ngày 9/7, ít nhất 25 người thiệt mạng sau vụ không kích của Israel gần khu vực trường học tại Khan Younis. Trước đó, ít nhất 16 người cũng đã thiệt mạng trong vụ tấn công trường học của UNRWA tại khu vực Nuseirat.
Trong khi đó, UNRWA cho biết cơ quan này chỉ còn đủ quỹ để duy trì hoạt động quan trọng đến cuối tháng 8. Trước thực trạng trên, một hội nghị tài trợ dự kiến được tổ chức tại New York (Mỹ) vào ngày 12/7 tới.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã hối thúc phương Tây bỏ “ tiêu chuẩn kép” đối với cuộc xung đột ở Gaza.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thủ tướng Sanchez nêu rõ sự cần thiết thống nhất một lập trường chính trị nhất quán, trong đó “không có tiêu chuẩn kép”.
Ông cho rằng thế giới cần gây sức ép để “chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng” ảnh hưởng đến người Palestine, đồng thời kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế để thúc đẩy việc thành lập một nhà nước Palestine.
Tác động từ việc 3 quốc gia châu Âu bất ngờ công nhận Nhà nước Palestine
Trong động thái được chuẩn bị kỹ lưỡng sau nhiều tuần thảo luận, Chính phủ Na Uy, Tây Ban Nha và Ireland cho biết họ có ý định công nhận Nhà nước Palestine.
Khói bốc lên sau cuộc không kích trong xung đột Hamas-Israel tại Dải Gaza ngày 16/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Video đang HOT
Mới đây, Na Uy - quốc gia đóng vai trò then chốt trong ngoại giao Trung Đông suốt nhiều năm qua, nước đăng cai tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine vào đầu những năm 1990 đưa đến Hiệp định Oslo - tuyên bố cần phải công nhận nhà nước Palestine để ủng hộ những tiếng nói ôn hòa trong cuộc xung đột ở Gaza.
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stre tuyên bố: "Giữa một cuộc chiến có hàng chục nghìn người thiệt mạng và bị thương, chúng ta nên duy trì lựa chọn thay thế duy nhất mang lại giải pháp chính trị cho cả người Israel và người Palestine: hai quốc gia, sống cạnh nhau, trong hòa bình và an ninh".
Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cáo buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thực hiện vụ "thảm sát" ở Gaza và gây nguy hiểm cho giải pháp hai Nhà nước. Ông nói: "Chúng tôi phải sử dụng tất cả các nguồn lực chính trị sẵn có để tuyên bố rõ ràng rằng chúng tôi sẽ không cho phép giải pháp hai Nhà nước bị phá hủy bằng vũ lực, bởi đó là giải pháp công bằng và bền vững duy nhất cho cuộc xung đột khủng khiếp này".
Thủ tướng Ireland Simon Harris cho biết ông kỳ vọng các quốc gia khác sẽ cùng Ireland, Tây Ban Nha và Na Uy công nhận Nhà nước Palestine trong những tuần tới. Ông nói Ireland dứt khoát công nhận Israel và quyền tồn tại "an toàn và hòa bình với các nước láng giềng" của nước này. Đồng thời ông kêu gọi trả tự do cho tất cả các con tin ở Gaza ngay lập tức.
Na Uy, Tây Ban Nha và Ireland cho biết họ sẽ chính thức công nhận Palestine vào ngày 28/5 tới.
Những quốc gia nào đã công nhận nhà nước Palestine?
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store trong cuộc họp báo ở Vácsava, Ba Lan ngày 28/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây không phải lần đầu tiên các nước châu Âu công nhận Nhà nước Palestine. Tháng 10/2024, Thụy Điển trở thành quốc gia EU đầu tiên công nhận Nhà nước Palestine. Phát biểu vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Thụy Điển cho biết: "Đây là bước quan trọng nhằm khẳng định quyền tự quyết của người Palestine. Chúng tôi hy vọng động thái này sẽ là dẫn đường cho những quốc gia khác".
Khoảng 140 trong số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã công nhận Nhà nước Palestine kể từ năm 1988.
Tác động tới tiến trình hoà bình
Nhiều quốc gia đã công nhận Palestine là một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, động thái công nhận này, đặc biệt là ở các nước châu Âu, sẽ có những tác động quan trọng.
Theo giới chuyên gia, động thái mới nhất của 3 quốc gia cho thấy vị thế của Mỹ đối với tiến trình hòa bình Israel - Palestine đã xói mòn kể từ thời kỳ đàm phán và thỏa thuận hòa bình ở Oslo.
Với tiến trình hoà bình đang hấp hối, giới chức Palestine đã làm việc cần mẫn để vận động sự ủng hộ ở châu Âu để "cứu vãn" tiến trình này. Tiến trình này từng được thúc đẩy dưới thời Tổng thống Donald Trump với Hiệp định Abraham.
Tuy nhiên, người Palestine được cho là đã bị gạt ra ngoài lề vì ông Trump dời đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem. Điều này đã gây ra sự mất lòng tin sâu sắc đối với Mỹ. Nhiều người Palestine cảm thấy Washington không phải là nhà hoà giải trung thực.
Trong khi đó, Thụy Điển, Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha từ lâu được coi là có thiện cảm với người Palestine. Vương quốc Anh cũng cho biết họ có thể xem xét công nhận Palestine trong bối cảnh thất vọng ngày càng sâu sắc về việc Israel từ chối tiến tới giải pháp hai Nhà nước, đặc biệt trong thời kỳ ông Netanyahu.
Ông Hugh Lovatt, chuyên gia về quan hệ Israel - Palestine tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận định: "Việc công nhận Nhà nước Palestine là một bước đi hữu hình hướng tới con đường chính trị khả thi mang lại quyền tự quyết cho người dân Palestine. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự tham gia của Arab trong việc hỗ trợ lệnh ngừng bắn bền vững ở Gaza. Theo kế hoạch 'tầm nhìn Arab' nhằm thực thi giải pháp hai Nhà nước, các quốc gia như Saudi Arabia đã kêu gọi Mỹ và châu Âu công nhận Palestine".
Tác động thực tế đối với người Palestine
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng việc công nhận Nhà nước Palestine có thể là "con dao hai lưỡi" đối với Chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas. Ông Abbas đã không tổ chức các cuộc bầu cử lập pháp kể từ năm 2006.
Mọi kỳ vọng cho rằng sự công nhận mới nhất sẽ thay đổi tình hình khốn khó ở Bờ Tây, nơi các cuộc tấn công của lực lượng an ninh và người định cư Israel ngày càng leo thang, dường như là quá sớm.
Tuy nhiên, sự công nhận quyền tự quyết của người Palestine cũng có thể hồi sinh xã hội dân sự Palestine vốn đã bị bóp nghẹt trong gần 2 thập kỷ. Có lẽ điều quan trọng nhất đối với người Palestine là điều gì đó cụ thể hơn: sự chấp nhận quyền tự quyết rõ ràng và cơ bản mà không cần sự cho phép của Israel.
Tác động đối với Israel
Ngoại trưởng Israel Israel Katz tại Jerusalem ngày 19/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Cựu Thủ tướng Ehud Barak từng tuyên bố Israel có nguy cơ gây ra một "cơn sóng thần" ngoại giao vì chính các chính sách của nước này. Trong những tuần gần đây, cơn sóng thần đó đã bắt đầu ập xuống chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Việc 3 quốc gia châu Âu tuyên bố công nhận Nhà nước Palestine được đưa ra ngay sau khi Toà án Hình sự quốc tế (ICC) đang ra lệnh bắt giữ Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vì tội ác chiến tranh. Israel cũng đang bị điều tra vì cáo buộc diệt chủng tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ). Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu áp đặt chế độ trừng phạt đối với những người định cư bạo lực và các nhóm cực hữu ủng hộ Israel.
Trong khi đó, xã hội Israel đang có sự chia rẽ sâu sắc. Hơn nữa, sự quyết liệt của Israel trong các cuộc tấn công nhằm vào Gaza đã bị cộng đồng quốc tế lên án khi hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng trong các cuộc chiến dữ dội. Israel cũng đang bị cô lập hơn về mặt ngoại giao. Điều đó một phần đã thúc đẩy sự rạn nứt ngày càng gia tăng và rõ ràng hơn trong nội các của Chính phủ Thủ tướng Netanyahu.
Israel đã phản đối mạnh mẽ động thái công nhận Nhà nước Palestine của ba quốc gia châu Âu. Tel Aviv cho rằng hành động này là "có lợi cho chủ nghĩa khủng bố" sau khi lực lượng Hamas của người Palestine tiến hành cuộc tấn công vào khu vực do Israel kiểm soát vào tháng 10 năm ngoái.
Israel đã ra lệnh triệu hồi ngay lập tức các đại sứ tại 3 quốc gia nói trên để "tham vấn khẩn cấp" và cảnh báo về "những hậu quả nghiêm trọng" hơn nữa.
Ngoại trưởng Israel Katz cáo buộc động thái của 3 nước châu Âu là "bước đi lệch lạc" và là "sự bất công đối với các nạn nhân vụ tấn công ngày 7/10".
Bộ Ngoại giao Israel cho biết họ cũng sẽ triệu tập các đại sứ Ireland, Tây Ban Nha và Na Uy để bày tỏ quan điểm phản đối động thái của 3 quốc gia.
Thủ tướng Tây Ban Nha tuyên bố tiếp tục tại vị Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 29/4 tuyên bố ông quyết định tiếp tục đảm đương trách nhiệm đứng đầu chính phủ sau nhiều ngày "cân nhắc về khả năng từ chức". Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Madrid. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Giữa tuần trước, Thủ tướng Sanchez đã gây...