Liên hợp quốc hối thúc đối thoại phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 10/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã hối thúc các nước liên quan tiếp tục đối thoại để đạt được tiến triển trong tiến trình phi hạt nhân hóa một cách toàn diện và có thể kiểm chứng, vì hòa bình bền vững trên Bán đảo Triều Tiên.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu với báo giới tại New York, Mỹ ngày 23/4/2019. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu với báo giới, phó phát ngôn viên LHQ Farhan Haq nhấn mạnh LHQ nhận định hành động vừa qua của Triều Tiên (vụ phóng vật thể bay được phỏng đoán là tên lửa tầm ngắn ngày 9/5) chỉ khiến căng thẳng leo thang trong khu vực.
Trong khi đó, người phát ngôn Liên minh châu Âu (EU) cho biết EU hy vọng Triều Tiên sẽ kiềm chế các hành động có thể cản trở nỗ lực ngoại giao, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các cam kết, có các bước đi tích cực để khôi phục đối thoại, đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong vòng 5 ngày, Triều Tiên gây bất ngờ khi liên tiếp phóng các vật thể bay về phía Biển Nhật Bản mà Hàn Quốc cho rằng có thể là tên lửa tầm ngắn, còn Mỹ nghĩ đó là tên lửa đạn đạo. Vụ phóng chiều 9/5, các vật thể bay được các chuyên gia quân sự Hàn Quốc và Mỹ đánh giá là bay xa hơn lần phóng ngày 4/5, song đều rơi xuống biển mà không gây thiệt hại. Hai động thái quân sự liên tiếp này, cùng với tuyên bố của Triều Tiên về một cuộc diễn tập “tấn công tầm xa” và thử nghiệm “vũ khí chiến thuật có điều khiển loại mới” đã làm tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên nóng lên sau một thời gian dài bình yên khi Bình Nhưỡng ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa để tham gia các vòng đàm phán phi hạt nhân hóa.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrm, trao đổi về tình hình Bán đảo Triều Tiên sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Video đang HOT
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha đã có cuộc điện đàm vào hồi 15h20 (giờ địa phương) ngày 10/5 theo đề nghị của Thụy Điển, để trao đổi về tình hình Bán đảo Triều Tiên. Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Kang Kyung-who cho biết Hàn Quốc sẽ đối phó thận trọng thông qua đối thoại thẳng thắn giữa hai miền Triều Tiên và Mỹ. Người đứng đầu ngành ngoại giao Hàn Quốc nói thêm: “Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Thụy Điển vốn là kênh giao tiếp với cả hai miền Triều Tiên”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Margot Wallstrm khẳng định Chính phủ Thụy Điển sẽ không ngừng ủng hộ nỗ lực ngoại giao của chính phủ Hàn Quốc nhằm giải quyết hòa bình vấn đề Bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại. Ngoại trưởng hai nước đánh giá hai bên tiếp tục hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực đa dạng nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ song phương, đồng thời nhất trí tăng cường hợp tác đối phó với mọi vấn đề.
Trước đó, hồi tháng 1/2019, tại thủ đô Stockholm, Bộ ngoại giao Thụy Điển đã chủ trì vòng đàm phán cấp chuyên viên giữa Đặc phái viên phụ trách chính sách về Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui và Trưởng đoàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên của Hàn Quốc Lee Do-hoon nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai.
Theo Hữu Tuyên (TTXVN)
Triều Tiên mất kiên nhẫn về tiến triển trong đàm phán hạt nhân?
Giới phân tích nhận định những động thái gần đây chứng tỏ Bình Nhưỡng ngày càng mất kiên nhẫn với cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ với Mỹ, cũng như hợp tác kinh tế liên Triều thiếu tiến triển.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: TTXVN
Triều Tiên đã bắn một số vật thể bay tầm ngắn không xác định" ra vùng biển ngoài khơi phía Đông của nước này trong sáng 4/5, khiến Hàn Quốc kêu gọi nước láng giềng "ngưng các hành vi leo thang căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên".
Vụ phóng sáng 4/5 là động thái mới nhất trong những hoạt động quân sự công khai gần đây của Triều Tiên. Trước đó, ngày 16/4, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giám sát cuộc diễn tập của lực lượng không quân Triều Tiên, và một ngày sau đó ông có mặt tại hiện trường để theo dõi cuộc thử nghiệm "vũ khí định hướng chiến lược" mới của nước này - sự kiện mà ông đánh giá "có tầm quan trọng vô cùng to lớn" trong quá trình thúc đẩy sức mạnh quân sự của Quân đội Nhân dân Triều Tiên.
Giới phân tích cho rằng với những hành động trên, Triều Tiên dường như có ý định gia tăng sức ép với Mỹ, buộc Washington phải thể hiện sự linh hoạt trong đàm phán hạt nhân cũng như hối thúc Seoul có chính kiến riêng, đồng thời chứng tỏ Bình Nhưỡng sẽ không rút lui về mặt quân sự. Tuy nhiên, động thái của Bình Nhưỡng dường như được cân nhắc kỹ lưỡng và được điều chỉnh để không khiêu khích Washington tới mức làm chệch hướng ngoại giao, bởi điều này sẽ là đòn giáng cho mục tiêu của Triều Tiên trong việc thúc đẩy nới lỏng trừng phạt quốc tế cũng như đẩy mạnh chương trình nghị sự kinh tế.
Nhận định vấn đề này, Giáo sư Park Won-gon - nhà nghiên cứu chính trị quốc tế tại Đại học toàn cầu Handong, cho biết: "Động thái mới nhất dường như nhằm mục đích gây sức ép với Mỹ và bày tỏ sự giận dữ (với đàm phán hiện đang rơi vào thế bế tắc). Theo ông, hiện tại Triều Tiên có thể gia tăng căng thẳng, song nước này sẽ quay trở lại đàm phán sau loạt động thái quân sự như vậy.
Trong khi đó, nhà phân tích về tình hình Triều Tiên Ankit Panda cho biết lần phóng tên lửa mới này của Triều Tiên là điều đã được dự báo trước: "Đây không phải là điều gây ngạc nhiên khi chính ông Kim Jong-un đã từng nhiều lần phàn nàn về những chính sách thù địch của Mỹ và cảnh báo sẽ có động thái đáp trả tương xứng từ tháng Tư vừa qua". Theo chuyên gia này, vụ phóng sáng 4/5 "không vi phạm các cam kết của bản thân ông Kim Jong-un về việc đình chỉ các vụ thử tên lửa", vốn "chỉ áp dụng đối với các tên lửa đạn đạo liên lục địa".
Chuyên gia này nhấn mạnh: "Trong lịch sử, Triều Tiên thường không thử bất cứ thứ gì trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Hiện tại, các cuộc đàm phán đang không diễn ra". Trên thực tế Triều Tiên đã không tiến hành thử bất cứ tên lửa hay vũ khí hạt nhân nào trong năm ngoái, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên tiến hành các hội nghị thượng đỉnh lịch sử riêng rẽ với lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc.
Đàm phán hạt nhân bị đình trệ giữa Mỹ và Triều Tiên gây thiệt hại đáng kể cho các dự án hợp tác liên Triều. Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai ở Hà Nội, Bình Nhưỡng đã không phản hồi lời kêu gọi của Seoul trong việc thúc đẩy một loạt dự án trong khuôn khổ thỏa thuận hồi năm ngoái nhằm hạ nhiệt căng thẳng quân sự và xây dựng lòng tin, buộc Hàn Quốc phải đơn phương thực hiện.
Giới chuyên gia cũng cho rằng thái độ giận dữ của Triều Tiên còn xuất phát từ việc nước này không thể giành được sự ủng hộ toàn diện từ các đồng minh truyền thống gồm Nga và Trung Quốc, trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ rơi vào bế tắc.
Trong khi đó, Yang Uk - nhà nghiên cứu kỳ cựu của Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Triều Tiên - nhận định: "Vụ phóng vật thể bay sáng 4/5 là dấu hiệu chứng tỏ Triều Tiên rất thất vọng về các cuộc đàm phán bế tắc với Mỹ. Vụ việc này phát đi một thông điệp rằng Triều Tiên có thể quay trở lại thái độ đối đầu trước đây nếu tình trạng bế tắc hiện nay không được khai thông". Trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi cuối tháng Tư vừa qua, ông Kim từng nói rằng hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên phụ thuộc vào Mỹ, đồng thời cảnh báo rằng một quốc gia thù địch có thể nhanh chóng tái xuất hiện.
Hong Min, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Thống nhất Dân tộc Triều Tiên, nói: "Triều Tiên muốn thông qua ông Putin gửi đến Washington một thông điệp về những đảm bảo an ninh, nhưng hội nghị thượng đỉnh này (Kim-Putin) đã không khiến Mỹ thay đổi thái độ, khiến cho Triều Tiên có những hành động mạnh bạo hơn vào ngày 4/5".
Yang Moo-jin, Giáo sư của trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, nói: "Vụ phóng vật thể bay sáng 4/5 là lời cảnh báo gửi tới Mỹ rằng nếu Mỹ tiếp tục gây sức ép và áp dụng các biện pháp trừng phạt (đối với Bình Nhưỡng), Triều Tiên sẽ phóng thêm nhiều tên lửa. Ban lãnh đạo Triều Tiên cũng muốn chứng tỏ với người dân nước này rằng họ sẽ không khuất phục sức ép của Mỹ trong các cuộc đàm phán".
Vốn rất nỗ lực để thu hẹp khoảng cách giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc nối lại đàm phán giữa hai quốc gia này, song giờ đây Hàn Quốc cũng đang phải đối mặt với tình thế khó xử. Washington muốn Seoul cùng thành lập một mặt trận thống nhất trên cương vị đồng minh, trong khi Bình Nhưỡng lại gây áp lực yêu cầu Hàn Quốc đứng về phía mình, coi đây là "nhân tố trực tiếp" để thúc đẩy lợi ích của người Triều Tiên, chứ không muốn Hàn Quốc đóng vai trò trung gian.
Chắc chắn Triều Tiên sẽ theo dõi một cách sát sao kết quả chuyến công du Seoul vào tuần tới của Stephen Biegun, đại diện đặc biệt của Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên. Ông Biegun và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Do-hoo được cho là sẽ thảo luận cách phá vỡ thế bế tắc của các cuộc đàm phán hạt nhân, trong đó có cả vấn đề hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên./.
Theo TTXVN
Việt Nam bình luận vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên Việt Nam mong muốn các bên thúc đẩy đối thoại vì hoà bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển trên bán đảo Triều Tiên, khu vực và thế giới. Trả lời câu hỏi của phóng viên Hàn Quốc đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam liên quan tới vụ phóng tên lửa của Triều Tiên chiều 9/5, người...