Liên Hợp Quốc cảnh báo nguy cơ thảm họa nhân đạo toàn cầu vì Covid-19
“Đại dịch Covid-19 đang đẩy thế giới trước nguy cơ một thảm họa nhân đạo”, đây là cảnh báo được Liên Hợp Quốc đưa ra ngày 21/4.
Theo thống kê mới nhất của hãng tin AFP, dịch bệnh tới nay đã khiến ít nhất 177.000 người tử vong trên tổng số hơn 2,5 triệu người mắc bệnh, buộc 6 trên 10 người dân phải cách ly và đặt nền kinh tế toàn cầu trước thách thức chưa từng có.
Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân Anh trên khắp thế giới. Ảnh: Reuters.
Chương trình lượng thực thế giới (PAM) cảnh báo, dịch Covid-19 có thể làm gia tăng gấp đôi số người trên bờ vực nạn đói trong năm nay, cũng đồng nghĩa với “một thảm họa nhân đạo toàn cầu”. Cụ thể, số người bị đói nghiêm trọng có thể tăng lên hơn 250 triệu người từ nay đến cuối năm do tác động kinh tế mà dịch Covid-19 gây ra.
Được xem là minh chứng rõ nhất cho những biến động kinh tế chưa từng có do đại dịch Covid-19, giá dầu thô tại Mỹ hôm qua đã lần đầu tiên trong lịch sử rớt xuống -38USD một thùng trước khi quay đầu trở về mức 0 USD vào cuối ngày.
Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cảnh báo, cuộc khủng hoảng do Covid-19 đã gây tác động tàn phá cả đối với người lao động và nhà tuyển dụng do những tổn thất lớn về sản xuất và việc làm trong toàn bộ các lĩnh vực.
Theo Tổng giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế Guy Rude, vấn đề việc làm đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai và tác động kinh tế của đại dịch có thể sẽ nghiêm trọng và lâu dài.
“Theo ước tính, số giờ làm sẽ giảm 6,7% trong quý 2 của năm nay. Nếu giả sử tuần làm việc 48 giờ, mức giảm đó tương đương 195 triệu lao động. Tất cả chúng ta đều biết đại dịch đang gây ra hậu quả rất nghiêm trọng đối với việc làm khi 4/5 công nhân là tại một quốc gia đang bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn”, ông Rude nhấn mạnh.
Tập đoàn tư vấn McKinsey thì dự báo, tại châu Âu, suy thoái kinh tế kinh tế có thể gây ảnh hưởng tới việc làm của 60 triệu người lao động, từ giảm lương đến sa thải.
Trong khi đó, một cơ quan của Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Chile dự báo, Mỹ Latin trong năm nay sẽ phải chứng kiến cơn suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử, với tăng trưởng GDP giảm tới 5,3% do những hậu quả của đại dịch đối với các nền kinh tế khu vực.
Trước “kẻ thù vô hình” virus SARS-CoV-2, Tổng thống Donald Trump đã thông báo “tạm dừng nhập cư” nhằm bảo vệ việc làm của người dân Mỹ: “Cuộc chiến chống kẻ thù vô hình hiện nay đã gây tổn thất lớn cho lực lượng lao động Mỹ. Hàng triệu người Mỹ đã hi sinh việc làm của minh để chống lại virus SARS-CoV-2 và để bảo vệ mạng sống của những người khác. Sẽ là sai lầm và bất công đối với những người Mỹ bị mất việc bởi virus SARS-CoV-2 nếu họ bị thay thế bằng lao động nhập cư mới từ nước ngoài”.
Là nền kinh tế hàng đầu thế giới và cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh, Mỹ ước tính sẽ có ít nhất 22 triệu người đăng ký thất nghiệp mới do Covid-19.
Theo thống kê của Hãng tin AFP, ít nhất 4,5 tỷ người tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, tức khoảng 58% dân số thế giới hiện phải cách ly hoặc buộc phải hạn chế đi lại nhằm làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Video đang HOT
Tại châu Âu, dù số ca mắc bệnh và tử vong vẫn ở mức cao, song nhiều nước, mà dẫn đầu là Đức, cùng với Áo, Na Uy, Đan Mạch cũng đã bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa nhằm giảm thiểu những tác động về kinh tế.
Tiếp tục duy trì giãn cách xã hội, thủ đô Berlin và 10 trong số 16 bang của Đức đã quyết định đeo khẩu trang bắt buộc khi sử dụng các phương tiện công cộng. Các quán bar, nhà hàng, địa điểm tôn giáo và thể thao vẫn tiếp tục đóng cửa, trong khi các trường đại học và trung học bắt đầu mở cửa dần dần.
Châu Âu hiện chiếm tới hơn 1/2 số người mắc và tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới, trong đó Italy là quốc gia dẫn đầu (24.648 người tử vong), sau đó là Tây Ban Nha (21.282 ca), Pháp (20.796) và Anh (17.337).
Italy và Pháp cũng dự kiến dỡ bỏ phong tỏa lần lượt từ ngày 3 và 11/5. Tại Tây Ban Nha, bắt đầu từ đầu tuần, trẻ em có thể đi cùng người lớn ra ngoài mua các sản phẩm thiết yếu. Ngược lại tại Anh, với 828 ca tử vong mới trong ngày hôm qua, lệnh phong tỏa có hiệu lực từ ngày 23/3 sẽ được gia hạn thêm ít nhất 3 tuần nữa./.
Thu Hoài
Nguy cơ "tắm máu" ở Idlib (Syria)
Một thảm họa nhân đạo đang có nguy cơ xảy ra ở Tây Bắc Syria khi chính phủ của Tổng thống Assad đang tìm cách giành lại Idlib từ lực lượng nổi dậy.
Các cuộc không kích cùng chiến dịch trên mặt đất ở Tây Bắc Syria đã khiến gần 1 triệu dân thường phải rời bỏ nhà cửa từ tháng 12/2019 - con số lớn nhất trong 9 năm nội chiến kéo dài ở Syria.
Liên Hợp Quốc thậm chí lo ngại một chiến dịch tổng lực ở Idlib có thể dẫn tới một cuộc "tắm máu".
Khoảng 900.000 dân thường- phần lớn là phụ nữ và trẻ em - đã phải đi lánh nạn từ khi chiến dịch của chính phủ Syria bắt đầu tháng 12/2019. Ảnh: AFP
Tầm quan trọng của Idlib
Tỉnh Idlib - tiếp giáp Hama, Latakia và Aleppo - là thành trì cuối cùng của các nhóm thánh chiến và lực lượng nổi dậy vốn tìm cách lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad từ năm 2011.
Lực lượng đối lập từng kiểm soát phần lớn đất nước, Tuy nhiên Quân đội Syria đã giành lại phần lớn lãnh thổ trong 5 năm qua với sự trợ giúp của các lực lượng Nga và các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn. Hiện tại Quân đội Syria muốn giải phóng hoàn toàn tỉnh Idlib.
Những năm gần đây, làn sóng những người mất nhà ở đã tăng gấp đôi lên 3 triệu người, trong đó có 1 triệu trẻ em.
Idlib có tầm quan trọng chiến lược đối với chính phủ Syria. Tỉnh này giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ về phía Bắc và có nhiều tuyến đường chạy từ thành phố Aleppo theo hướng nam tới thủ đô Damascus và theo hướng Tây tới thành phố cảng Địa Trung Hải Latakia.
Ai đang kiểm soát Idlib?
Idlib nằm trong sự kiểm soát của nhiều thành phần đối lập chứ không phải là một nhóm, từ khi tỉnh này rơi vào tay lực lượng đối lập từ năm 2015. Tuy nhiên, lực lượng thống trị là nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS), trước đây có liên hệ với al-Qaeda.
HTS được thành lập năm 2017 bởi một nhóm đã cắt đứt quan hệ với al-Qaeda. Tuy nhiên HTS bị Liên Hợp Quốc coi là một tổ chức khủng bố.
Tháng 1/2019, HTS đã tiếp quản phần lớn các khu vực trong tỉnh Idlib bằng bạo lực. Nhóm này cũng trục xuất một số tay súng phiến quân sang khu vực Affrin của Aleppo, hiện đang nằm trong tầm kiểm soát của các thành phần được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Liên Hợp Quốc ước tính hồi tháng 1/2020 rằng nhóm này có khoảng 12.000 đến 15.000 tay súng ở Idlib và các khu vực lân cận.
Trong trận chiến chống lại chiến dịch của chính phủ Syria, nhóm này nhận được sự ủng hộ của một số thế lực, trong đó có cả nhóm Hồi giáo chiến đấu dưới danh nghĩa Quân đội quốc gia Syria (SNA) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
IS cũng có khoảng vài trăm tay súng ở Idlib. Tuy nhiên, các thành phần khác phản đối mạnh mẽ sự hiện diện của tổ chức khủng bố này.
Lý do chính phủ Syria tiến hành chiến dịch hiện nay
Idlib được đưa vào thỏa thuận "vùng giảm căng thẳng" giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran từ tháng 5/2017. Thỏa thuận kêu gọi dừng các hành động thù địch ở 4 khu vực chính do các lực lượng đối lập kiểm soát, trong đó có Idlib.
Tháng 10/2017, Thổ Nhĩ Kỳ triển khai vực lượng tới các chốt quan sát tại khu vực do lực lượng đối lập ở Syria kiểm soát tại Idlib để giám sát thỏa thuận nêu trên. Lực lượng Nga cũng làm điều tương tự ở khu vực do phía chính phủ Syria kiểm soát. Tuy nhiên, điều này không ngăn được Quân đội Syria tiếp quản phần lớn khu vực ngoại ô phía đông Idlib trong 4 tháng sau đó.
Chính phủ Syria khi đó đã hướng sự chú ý tới thành trì của phe đối lập ở xa hơn về phía Nam, nổi bật là tỉnh Homs, và khu vực Đông Ghouta ở gần thủ đô Damascus. Tính đến tháng 7/2018, chính phủ Syria đã giành lại được tất cả những khu vực kể trên. Nhiều thành phần ủng hộ lực lượng đối lập đã được sơ tán tới Idlib như một phần của thỏa thuận hạ vũ khí.
Lực lượng chính phủ Syria khi đó cũng đã bắt đầu chuẩn bị cho chiến dịch ở Idlib. Tuy nhiên, một chiến dịch như vậy đã dừng lại tháng 9/2018 theo một thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Thỏa thuận Sochi kêu gọi thiết lập một vùng đệm phi quân sự dọc tiền tuyến. Lực lượng nổi dậy được yêu cầu rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực và các nhóm thánh chiến cũng phảu rút khỏi đây.
Tuy nhiên, dù lực lượng nổi dậy đã rút một số vũ khí hạng nặng nhưng các tay súng thánh chiến vẫn ở trong khu vực này.
Việc HTS tiếp quản Idlib một năm trước diễn ra sau các cuộc xung đột mới. Lực lượng chính phủ Syria và máy bay chiến đấu của Nga đã tăng cường các cuộc không kích ở các khu vực do lực lượng đối lập kiểm soát, trong khi nhóm thánh chiến nã pháo vào các vũng lãnh thổ do chính phủ kiểm soát.
Tháng 4/2019, Quân đội Syria tiến hành chiến dịch nhằm vào phía Bắc Hama và phía Nam Idlib. Liên Hợp Quốc cho biết, 500 dân thường đã thiệt mạng và 400.000 người mất nhà ở trong 4 tháng sau đó trước khi một lệnh ngừng bắn được tuyên bố.
Khoảng 900.000 dân thường- phần lớn là phụ nữ và trẻ em - đã phải đi lánh nạn từ khi chiến dịch của chính phủ Syria bắt đầu tháng 12/2019, theo Liên Hợp Quốc. Chỉ riêng trong tháng 2/2020, có khoảng 300.000 người mất nhà ở.
Quân đội Syria đã giành lại các thị trấn quan trọng ở phía Nam Idlib và kiểm soát được tuyến cao tốc M4 nối Aleppo với Latakia và M5 nối Aleppo với Damascus. Trong khi đó, những người mất nhà ở phải di chuyển theo hướng Tây và hướng Bắc về khu vực được cho là an toàn gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã tiếp nhận 3,6 triệu người tị nạn Syria và đang lo ngại về một làn sóng tị nạn khác, đã nêu thời hạn đến cuối tháng 2 nếu quân đội Syria không rút ra khỏi đường ranh giới đánh dấu các chốt quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ phải đối mặt với hành động quân sự.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa hàng nghìn quân tiếp viện tới Idlib và đã có các cuộc đụng độ chết người giữa lực lượng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Tổng thống Assad đã tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch và đưa Idlib trở lại tầm kiểm soát của chính phủ.
Lo ngại cảnh "tắm máu" ở Idlib
Điều phối viên Liên Hợp Quốc về các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock cảnh báo cuộc khủng hoảng ở Tây Bắc Syra đã lên tới một "điểm đáng sợ mới".
"Những dân thường mất nhà ở đang chịu sự tổn thương, nhiều người đang phải ngủ ngoài trời trong thời tiết giá lạnh do các khu trại đều đã chật kín người. Nhiều trẻ em đang chết cóng. Bản thân các nhân viên cứu trợ nhân đạo cũng bị mất nơi ở và thậm chí thiệt mạng", ông nói.
Năm 2019, ông Lowcock từng cảnh báo rằng, một chiến dịch tổng lực ở Idlib có thể dẫn đến "sự thiệt hại lớn về người - con có thể lên tới hàng trăm nghìn người, thậm chí có thể hơn thế".
Liên Hợp Quốc ngày 21/2 cũng cảnh báo giao tranh ở tây bắc Syria có thể kết thúc bằng cảnh "tắm máu", và một lần nữa kêu gọi các bên có ảnh hưởng ở Syria đứng ra dàn xếp một lệnh ngừng bắn để tránh thảm kịch này./.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Hội đồng Bảo an thảo luận về Bảo vệ thường dân bị nạn đói do xung đột Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 21/4 đã họp trực tuyến, thảo luận về bảo vệ thường dân bị nạn đói do xung đột. Theo Báo cáo toàn cầu về khủng hoảng lương thực, năm 2019 có 135 triệu người tại 55 quốc gia phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, cao nhất trong vòng...