Liên Hợp Quốc cảnh báo nguy cơ nội chiến ở Myanmar
Quan chức Liên Hợp Quốc cảnh báo Myanmar đang đối mặt với viễn cảnh đáng báo động về một cuộc nội chiến, khi cuộc đối đầu giữa lực lượng nổi dậy và chính quyền quân sự leo thang.
Người biểu tình phản đối đảo chính tại Mandalay, Myanmar ngày 22/3/2021 (Ảnh: Reuters).
Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet ngày 23/9 cảnh báo thời gian không còn nhiều để cộng đồng quốc tế đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn một cuộc xung đột lớn hơn ở Myanmar.
Hồi tháng 2, quân đội Myanmar đã bắt giữ các quan chức của chính quyền dân sự, trong đó có Cố vấn nhà nước Aung Suu Kyi, và nắm quyền điều hành đất nước. Sau cuộc đảo chính, Myanmar phải đối mặt với tình hình chính biến căng thẳng khi hàng trăm nghìn người biểu tình xuống đường phản đối quân đội trong nhiều tháng qua.
Các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng quân đội đã gia tăng kể từ khi các nhà lập pháp bị lật đổ kêu gọi một cuộc “chiến tranh phòng vệ nhân dân” vào đầu tháng này.
Bà Bachelet cho biết tình hình tại Myanmar xấu đi đáng kể do ảnh hưởng của cuộc đảo chính đã “tàn phá cuộc sống và hy vọng trên khắp đất nước”.
Video đang HOT
“Xung đột, đói nghèo và ảnh hưởng của đại dịch ngày càng nghiêm trọng. Myanmar phải đối mặt với vòng xoáy trấn áp, bạo lực và suy sụp kinh tế”, bà Bachelet cho biết thêm.
Theo quan chức Liên Hợp Quốc, trong bối cảnh hỗn loạn, phong trào phản kháng vũ trang ngày càng phát triển.
“Những xu hướng đáng lo ngại này cho thấy khả năng đáng báo động về một cuộc nội chiến leo thang”, bà Bachelet nhận định.
Bà Bachelet kêu gọi các nước ủng hộ một tiến trình chính trị có sự tham gia của tất cả các bên. Bà cho rằng khối ASEAN và các cường quốc có ảnh hưởng nên tiến hành các biện pháp để ngăn chặn vòng xoáy bạo lực” tại Myanmar.
Bà Bachelet cho biết hơn 1.100 người được cho là đã thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính tại Myanmar nổ ra, trong khi hơn 8.000 người khác, bao gồm cả trẻ em, đã bị bắt và hơn 4.700 người vẫn đang bị giam giữ.
Bà Bachelet kêu gọi tất cả các bên – đặc biệt là quân đội – cho phép tiếp cận viện trợ nhân đạo không hạn chế, đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho tất cả các tù nhân chính trị.
Bà cũng kêu gọi tất cả các lực lượng vũ trang bảo vệ dân thường, đồng thời cho rằng việc tiến hành các cuộc không kích và nã pháo vào các khu dân cư phải chấm dứt ngay lập tức.
Chuyên gia Liên Hợp Quốc Tom Andrews hồi tháng 6 đã cảnh báo người dân có thể “tử vong hàng loạt vì đói, bệnh tật” ở phía đông Myanmar sau khi gần 100.000 người phải tháo chạy khỏi nơi sinh sống.
Sau chính biến hồi tháng 2, quân đội Myanmar vừa phải đối mặt với làn sóng biểu tình leo thang, vừa phải đối mặt với các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới. Nhiều nhóm đã lên tiếng phản đối đảo chính.
Giao tranh tại một số khu vực buộc dân thường Myanmar phải bỏ trốn vào rừng, hoặc vượt biên để bảo toàn mạng sống. Họ sống trong cảnh thiếu nước, thực phẩm, nơi trú ẩn, nhiên liệu và dịch vụ y tế.
Phản đối chính quyền quân sự, 11 nhà ngoại giao Myanmar không về nước
11 nhà ngoại giao của Myanmar ở Mỹ và Thụy Sĩ đã từ chối về nước và tuyên bố thành lập mặt trận thống nhất nhằm phản đối chính quyền quân sự sau cuộc đảo chính 4 tháng trước.
Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun (Ảnh: Reuters).
Trả lời Kyodo News , Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun cho biết, 11 nhà ngoại giao của nước này tại Mỹ và Thụy Sĩ đã quyết định sẽ không hồi hương và tìm cách ở lại đất nước họ đang làm nhiệm vụ để cùng lập nên một mặt trận thống nhất nhằm phản đối quân đội Myanmar.
Theo ông Kyaw Moe Tun, 11 người trên nằm trong danh sách 20 nhà ngoại giao tại 7 quốc gia đã tham gia phong trào bất tuân dân sự tại Myanmar.
Nhà ngoại giao trên cho hay, 4 nhà ngoại giao Myanmar ở Washington và 3 ở Los Angeles đang nộp đơn xin Mỹ cấp quy chế được bảo vệ tạm thời khi tình trạng cư trú theo diện ngoại giao của họ sắp kết thúc. Trong khi đó, 4 nhà ngoại giao ở Geneva cũng đang đề nghị chính quyền Thụy Sĩ cho phép họ ở lại quốc gia này.
Ông Kyaw Moe Tun cho biết, ông cũng sẽ tìm cách gia hạn thời gian lưu trú tại Mỹ với quy chế được bảo vệ tạm thời hoặc theo một số cách khác.
"Quân đội Myanmar đã cáo buộc tôi mắc tội phản quốc ... Vì vậy, tôi chắc chắn không thể quay trở lại", ông giải thích.
Hồi tháng 3, một tòa án ở Myanmar đã phát lệnh bắt giữ đối với ông Kyaw Moe Tun liên quan tới bài phát biểu của ông Kyaw tại Liên Hợp Quốc (New York, Mỹ) hôm 26/2 lên án cuộc đảo chính quân sự và kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động mạnh mẽ nhất có thể để khôi phục nền dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á.
Sau bài phát biểu, ông Kyaw đã bị chính quyền quân sự thông báo cách chức, nhưng ông vẫn nhận mình là đại diện của Myanmar tại Liên Hợp Quốc.
Căng thẳng tại Myanmar vẫn chưa giảm nhiệt. Hồi tháng 4, các nhóm đối lập quân đội Myanmar đã tuyên bố lập nên "chính phủ thống nhất quốc gia" với nòng cốt là các nghị sĩ bị lật đổ trong cuộc đảo chính ngày 1/2, lãnh đạo phe biểu tình phản đối chính biến và các nhóm dân tộc thiểu số.
Hàng trăm nghìn người dân Myanmar đã xuống đường phản đối chính phủ quân sự sau khi quân đội nước này lật đổ chính phủ dân sự hôm 1/2 để giành quyền điều hành đất nước.
Một số nhóm dân quân đối lập đã được lập ra và mục tiêu của nhóm "chính phủ thống nhất quốc gia" là xây dựng lực lượng "quân đội liên bang". Giới quan sát cảnh báo, viễn cảnh Myanmar có thể xảy ra nội chiến toàn diện khi các diễn biến liên tục leo thang trong thời gian qua, với các cuộc giao tranh giữa quân đội Myanmar với các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số và các nhóm dân quân phản đối đảo chính.
Đại sứ Myanmar chỉ mục tiêu trừng phạt cho Mỹ Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc nói Mỹ nên trừng phạt một công ty dầu khí và ngân hàng của Myanmar giữa lúc bất ổn vẫn tiếp diễn. Trong buổi điều trần trực tuyến trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 4/5, đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun, người phản đối chính quyền quân sự, nêu...