“Lịch sử đang đòi hỏi dân tộc Việt Nam phải bình tĩnh, gan góc”
Trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm trước nhiều câu hỏi “hóc búa” dư luận đặt ra.
Ông Vũ Mão nói: “Có người hỏi tôi, trong bối cảnh hiện nay, khi Trung Quốc không ngừng leo thang căng thẳng trên Biển Đông, chúng ta nên nói với nhân dân thế nào về phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt trong quan hệ đối ngoại hai nước. Tôi cho rằng, 16 chữ ấy có thể có lúc không đạt được nhưng nó vẫn là cái mong muốn muôn thuở. Mối bang giao với Trung Quốc đã có thời kì rất tốt đẹp mà Bác Hồ góp công xây dựng lên. Chúng ta cần giữ và phát huy điều đó. Có lúc mối quan hệ hai bên trục trặc, lúc thăng lúc trầm thì có thể coi đó là sự việc cụ thể nhưng không đến nỗi ngỡ ngàng. Chúng ta không đến nỗi bi quan để xử lý tình hình”.
Ông Vũ Mão: “Lịch sử đang đòi hỏi dân tộc Việt Nam phải bình tĩnh, gan góc”
Từ việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 xâm hại trực tiếp vùng biển của Việt Nam đến những chính sách của Trung Quốc với khu vực, là người từng nhiều năm công tác trong ngành đối ngoại của Quốc hội, ông có nhận định gì?
Ta với Trung Quốc là láng giềng “núi liền núi, sông liền sông”. Chúng ta không thể đưa Trung Quốc đi chỗ khác cũng như ta không thể di chuyển sang vị trí khác. Đó là thiên định rồi. Với những đặc thù như thế, công tác đối ngoại đòi hỏi những tính toán, phương sách đối ngoại phải rất bình tĩnh, sáng suốt. Nhưng tựu chung lại, hai nước láng giềng mà mâu thuẫn nhau thì làm sao phát triển.
Phải nhìn nhận một thực tế khách quan rằng, hiện nay bất kỳ quốc gia nào cũng đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết. Vấn đề là phải xử lý lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng giữa các nước như thế nào cho hài hòa. Chúng ta mong muốn Trung Quốc xử lý tốt mối quan hệ đó. Tuy nhiên đây là vấn đề khó bởi Trung Quốc luôn cho rằng mình là nước lớn và bản thân họ rất khao khát được trở thành cường quốc. Chúng ta cần hiểu điều đó để xử lý mối quan hệ với Trung Quốc.
Suốt hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc ta luôn phải đương đầu với tham vọng bành trướng và đô hộ của phong kiến Trung Quốc. Chiến tranh xảy ra liên miên. Và chắc cũng không ai trong chúng ta có thể quên thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nhân dân Trung Quốc đã ủng hộ Việt Nam rất chí tình.
Cho đến giờ, những tư tưởng mà Bác Hồ để lại cho dân tộc vẫn có ý nghĩa rất lớn. Và công tác đối ngoại với người bạn lớn phương bắc này lại càng quan trọng. Tại sao thời điểm đó, ta lại có được mối quan hệ tốt với Trung Quốc. Bác đã xử lý mối quan hệ đó rất tốt.
Đã có một thời kì, chúng ta nói rằng ta và Trung Quốc như môi với răng. Thế nhưng đã có thời kì xảy ra chiến tranh giữa hai bên. Và mấy chục năm vừa qua, hai nước lại bình thường hóa quan hệ. Nhưng rõ ràng một bộ phận giới lãnh đạo Trung Quốc cậy là nước lớn, có lực mạnh nên họ có thể làm bất cứ việc gì.
Chúng ta vẫn kiên định bảo vệ chủ quyền của đất nước, chủ quyền quốc gia là tối thượng. Và chúng ta học tấm gương của Hồ Chủ tịch là xử sự khéo léo.
Theo ông trong giai đoạn tới thì quan hệ hai nước sẽ như thế nào?
Tôi tin, mong muốn, tha thiết quan hệ hai nước sẽ trở lại hữu nghị. Nếu hai nước cứ căng thẳng thì làm sao xây dựng đất nước được. Tôi biết nhân dân hiện nay đang rất lo lắng mặc dù ý chí cách mạng là kiên cường nhưng vẫn có nỗi lo, nỗi buồn nếu chiến tranh xảy ra. Chúng ta đã trải qua quá nhiều năm chiến tranh, đã chịu quá nhiều tổn thương vì chiến tranh. Mong muốn của chúng ta là ổn định, phát triển, quan hệ tốt với các nước láng giềng. Trung Quốc là nước lớn lại có tư tưởng Đại Hán thì rất khó. Nhưng cái khó ló cái khôn.
Ta sẽ mong chờ những sáng kiến từ kỳ họp Quốc hội này. Tôi cho rằng, Quốc hội sẽ lấy tinh thần của Bác Hồ là “dĩ bất biến ứng vạn biến” để xử lý tình hình. Chúng ta cũng sẽ đánh đi một tín hiệu với thế giới rằng: Việt Nam yêu chuộng hòa bình, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền của đất nước và cũng sẵn sàng đàm phán để xây dựng quan hệ hữu nghị với các nước.
Ông vừa nhắc tới quan điểm của Hồ Chủ tịch: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Mong muốn lâu nay của người dân Việt Nam đều mong muốn hòa bình. Nhưng dường như có những thế lực không mong muốn hòa bình. Họ tiếp tục đơn phương leo thang căng thẳng. Động thái của chúng ta thế nào trong trường hợp này, thưa ông?
Mong muốn xuyên suốt của nhân dân ta, Đảng và Nhà nước ta là hòa bình. Bởi chỉ có hòa bình, ổn định thì mới có thể phát triển được. Chúng ta phải vừa kiên quyết và vừa kiên nhẫn. Phải tỉnh táo để không mắc mưu của họ. Nếu chúng ta dấn tới thì nhiều chuyện căng thẳng hơn có thể xảy ra. Và cũng không loại trừ những tình huống nặng nề nhất, nguy hiểm nhất. Càng thấm như vậy, lịch sử càng đòi hỏi dân tộc phải bình tĩnh, gan góc, tỉnh táo nhìn nhận sâu sắc.
Video đang HOT
Phải đủ bình tĩnh mới có thể ngồi lại với nhau, đàm phán với nhau. Thực ra mà nói, đàm phán biên cương chủ quyền không bao giờ đơn giản.
Tôi xin lại nhắc lại chuyện cũ, đàm phán Hiệp định biên giới trên bộ giữa hai nước Việt – Trung rất căng thẳng, khó khăn và trải qua nhiều năm. Tranh luận gay gắt đã diễn ra và chúng ta không lùi bước. Nhưng trong khó khăn như vậy, giữa điểm kiên định không thể thay đổi, vẫn phải tìm điểm chung để hai bên cùng đi tới cái kết có hậu.
Chỉ có trên cơ sở bình tĩnh, tôn trọng nhau thì mới có thể ngồi với nhau; nếu ngồi rồi to tiếng, đập bàn đập ghế thì sao có thể đàm phán. Tôi tin, mong muốn hòa bình, ổn định đó là xu thế chung và tất nhiên, chúng ta rất mong muốn điều đó.
Cá nhân tôi cũng tin rằng, phía Trung Quốc phải có nhìn nhận và xem xét vấn đề này một cách hợp lý.
Nhiều người dân đang tự hỏi: Đâu là mức giới hạn cho sự kiềm chế của ta, nếu Trung Quốc tiếp tục leo thang? Và biết phải đàm phán ra sao, ngồi với nhau như thế nào đây, nếu một bên vẫn kiên quyết leo thang những căng thẳng, xung đột mới, thưa ông?
Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình, con người Việt Nam hiền hòa. Và trước những tình huống gian nan của lịch sử, dân tộc này luôn chứng tỏ bản lĩnh gan góc, bình tĩnh.
Câu hỏi của bạn lại làm tôi liên tưởng tới chữ Nhẫn trong Hán học. Chiết tự chữ Nhẫn trên là bộ đao, dưới là bộ tâm; có con dao đè dí vào trái tim, nếu hất lên để tỏ ra kiên cường thì con dao sẽ đâm vào tim. Làm việc gì cũng phải có “tâm”. Khi có “tâm” rồi, lại phải biết giữ “tâm” không để vọng động, ảnh hưởng tới sự sáng suốt của lý trí. Vì vậy bộ “đao” ở trên bộ “tâm”, giữ không cho “tâm” vọng động.
Nó không hề mang ý nghĩa “nhịn nhục” mù quáng như nhiều người hiểu nhầm. Sự kiên trì đòi hỏi phải có lý trí… Ông cha ta hiểu lắm, thuộc lắm chữ Nhẫn đó. Nếu không Nhẫn, thì sao có chuyện, ngay khi nước Nam đại thắng quân xâm lược phương bắc, vua tôi nước Nam vẫn có nhiều động thái để giữ hòa hiếu giữa hai đất nước.
Dĩ nhiên, mỗi thời đại một khác. Và thời đại này, không kẻ nào có thể sử dụng vũ lực, cậy lớn để áp đặt, bắt nạt chúng ta. Và chúng ta, sẽ có những phương thức khác, theo đúng lời Bác Hồ: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Ông có nói, trong ngoại giao phải tìm sự tương đồng giữa các bên thì mới ngồi với nhau được. Trong bối cảnh hiện nay, đâu là điểm tương đồng?
Hòa bình ở Biển Đông thì cả hai bên đều có lợi. Chúng ta bàn nhau, chỗ nào là của Việt Nam, chỗ nào là của Trung Quốc, chỗ nào của các nước khác. Những điểm nào còn chồng lấn thì chúng ta phải bàn nhau. Ví như ta đã bàn với Thái Lan, Malaysia… rồi và bước đầu cho thấy những tiến triển quan trọng. Trên thế giới đã có những việc như thế này xảy ra rồi thế nhưng để giải quyết sự việc thì đòi hỏi phải có văn hóa.
Những người lãnh đạo ở Trung Quốc nên biết rằng trên thế giới ngày nay đã khác xưa lắm rồi, phải có tư duy mới.
Theo ông, nghị quyết lần này của Quốc hội về Biển Đông cần nhấn mạnh điểm gì?
Theo tôi, có một số điểm đáng lưu ý. Thứ nhất, Quốc hội hoan nghênh nhân dân đã tỏ rõ lòng yêu nước cao cả, biểu dương những chiến sỹ, ngư dân đang làm việc, chiến đấu ở nơi tiền tuyến. Thứ hai, ủng hộ lãnh đạo xử sự các vấn đề như vậy là hợp lý. Thứ ba, chúng ta phải tỏ thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền tổ quốc.
Thứ tư, chúng ta thể hiện nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và muốn làm bạn với các nước, đặc biệt là Trung Quốc. Thứ năm, tình hình và diễn biến phức tạp nhưng chúng ta lấy tư tưởng Hồ Chí Minh để xử lý các mối quan hệ quốc tế và đặc biệt là trong mối quan hệ với Trung Quốc. Và mong muốn Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng tốt, cùng nhau phát triển. Trung Quốc và Việt Nam cũng đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cùng xây dựng CNXH. Chủ nghĩa dân tộc không nên cực đoan mà phải biết ta, và biết bạn bè quốc tế.
Thưa ông, tiền đề quan trọng để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc là phải gắn bảo vệ chủ quyền quốc gia với chăm lo phát triển kinh tế, để “thể trạng” của đất nước ngày càng mạnh mẽ lên. Tuy nhiên, kinh tế đất nước cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Có điều gì khiến ông trăn trở nhất?
Hiện nay kinh tế của chúng ta đang rất khó khăn. Có nguyên nhân do tác động của kinh tế thế giới nhưng cũng có những sai lầm của chúng ta. Điều này cộng với sự khích động của một số phần tử xấu đã phá hoại sự đầu tư, sản xuất của nước ngoài tại Việt Nam. Nhận thức rõ điều đó nên Đảng và Nhà nước đang xử lý tồn tại đó. Lúc này cần đầu tư phát triển kinh tế.
Muốn phát triển kinh tế thì phải có cơ chế, luật pháp tốt hơn. Vì thế tôi còn mong muốn ở Quốc hội lần này có thêm văn bản pháp luật về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay mới chỉ có một số nghị định của chính phủ. Một tập đoàn có thể có số vốn tới hàng chục tỷ đô la. Nghị quyết Quốc hội quy định những công trình, dự án từ 1,5 tỷ đô la thì Quốc hội phải thông qua. Thế mà một công ty có số vốn tới vài chục tỷ đô la mà Quốc hội không bàn thì đó là cái rất thiếu.
Kỳ họp Quốc hội lần này, tôi tha thiết rằng, mặc dù Quốc hội có nhiều việc để bàn nhưng vẫn phải bàn vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ có cho hay, đến năm 2015 sẽ phải giải quyết hơn 400 doanh nghiệp. Muốn giải quyết điều đó thì phải có cơ chế, chính sách, thì mới làm được tốt.
Phúc Hưng (thực hiện và ghi)
Theo dantri
Xúc động một gia đình được Bác Hồ tặng áo lụa
Gia đình có 9 anh em thì có tới 8 người tham gia kháng chiến, trong đó có 5 người hi sinh trong kháng chiến. Gia đình ấy đã được Bác Hồ khen ngợi "Một nhà trung hiếu - Muôn thuở thơm danh" và còn được Bác tặng áo lụa.
Trong cái nắng gay gắt như đổ lửa của mùa hè, chúng tôi tìm về nhà ông Tạ Quang Tám (sinh năm 1931), ngụ đường Trần Thánh Tông, phường Thống Nhất, thành phố Nam Định. Đó là một gia đình giàu truyền thống cách mạng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Gia đình ông có 9 người thì 8 người tham gia kháng chiến, 5 người hi sinh trong các trận đánh.
Chiếc áo lụa Bác Hồ tặng cụ Tạ Quang Yên.
Mặc dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, đôi mắt đã mờ, nhưng khi kể về truyền thống cách mạng của gia đình mình, mắt ông Tám vẫn ánh lên một niềm tự hào. Hồi tưởng lại những kỉ niệm đã qua, từng chi tiết cứ dần ùa về trong ông như những thước phim quay chậm.
Cha đẻ của ông Tạ Quang Tám là cụ Tạ Quang Yên (sinh năm 1890) là người gốc Huế, một nhà hoạt động cách mạng ưu tú thời kháng chiến chống Pháp và tham gia vào Hội Liên Việt ngay từ những ngày đầu sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Mẹ ông là cụ Nguyễn Thị Nuôi cũng hoạt động trong Hội Phụ nữ cứu quốc.
Gia đình ông Tám sinh được 9 người con, 8 anh em trai và một chị gái, thì 8 người con trai đều tham gia cách mạng, ngọn lửa cách mạng ấy âm thầm nhen nhóm trong trái tim những người con trong gia đình từ những ngày còn bé, sau khi lớn nên tất cả đều tình nguyện theo cha trên con đường hoạt động cách mạng.
Bằng khen, huân huy chương treo kín trên tường nhà ông Tạ Quang Tám.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, 4 người con trai đầu của gia đình đều nhập ngũ chống Pháp. Người anh trai cả là Tạ Quang Trường, tham gia cách mạng trong phong trào công nhân của nhà máy dệt Nam Định từ trước Cách mạng tháng Tám. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông Trường xung phong lên đường vào Nam chiến đấu. Bốn người anh của ông Tám là Tạ Quang Khả, Tạ Quang Hồng, Tạ Quang Thuấn, Tạ Quang Đức đều là chiến sĩ của trung đoàn 34. Noi gương theo các anh mình đến năm 16 tuổi, ông Tám cũng nhập ngũ cứu quốc.
Trong một trận càn của địch vào tháng 3/1947 vào thành phố Nam Định, quân địch bao vây thành phố suốt 86 ngày đêm. Lúc này ông Tạ Quang Khả làm trung đội trưởng chỉ huy trận đánh, 3 người anh của ông Tám gồm ông Hồng, ông Thuấn và ông Đức được giao nhiệm vụ tiểu đội trưởng, tiểu đội phó...
Ảnh 9 anh em nhà ông Tám chụp lưu niệm năm 1947.
Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt, hai bên dành nhau từng mét đất nhưng do lực lượng mỏng lại trang bị vũ khí thô sơ nên cuối cùng các anh của ông Tám và các chiến sỹ tự vệ đã rút lên gác chuông của thành phố để tiếp tục chiến đấu, nhưng cuối cùng cả 4 anh em và 7 chiến sỹ tự vệ đã anh dũng hy sinh.
Lúc này, ông Tám đang làm nhiệm vụ liên lạc cho đại đội 11, trung đoàn 34. Lúc 4 người anh hi sinh, ông không được đồng đội báo tin vì sợ ông suy sụp, mãi đến mấy ngày sau ông mới biết tin. Trong thời gian tham gia cách mạng ông Tám đã hai lần bị địch bắt và tra tấn dã man trong xà lim. Người em trai sau này của ông Tám làm nhiệm vụ ở sư đoàn pháo cao xạ, sau một trận đánh ác liệt ở Vĩnh Linh, Quảng Trị năm 1972, ông cũng đã anh dũng hi sinh.
Năm 1948, nhân ngày Quốc khánh 2/9, Bác Hồ đã tặng một áo lụa và gửi thư khentới cụ thân sinh ra ông Tám là cụ Tạ Quang Yên về những đóng góp lớn lao của gia đình cụ cho cách mạng. Lễ đón nhận được diễn ra ở thôn Ngọc Tỉnh (nay thuộc huyện Xuân Trường, Nam Định).
Ông Tạ Quang Tám hồi tưởng lại những ký ức đã qua.
Trong bức thư gửi gia đình ông Tạ Quang Yên, Bác Hồ viết: "Kính gửi cụ Tạ Quang Yên ở Nam Định: Tôi rất cảm động được báo cáo rằng cụ có 9 người con trong đó 6 người tham gia kháng chiến, mà bốn người đã oanh liệt hy sinh vì Tổ quốc. Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ gửi lời khen ngợi và tặng cụ mấy chữ: "Một nhà trung hiếu - muôn thuở thơm danh". Nhân dịp này tôi xin biếu cụ một chiếc áo mà đồng bào đã biếu tôi. Chúc cụ mạnh khỏe và sống lâu".
Ông Tám nhớ lại: "Tấm áo lụa Bác Hồ tặng cụ thân sinh nhà tôi có màu vàng, cổ cao, trên ngực phải có thêu chữ: "Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kim Sơn, Ninh Bình, ngực trái có ghi dòng chữ Hồ Chủ Tịch tặng kèm theo chữ ký của Bác".
Những năm 1948 - 1954 thực dân Pháp đánh chiếm Thái Bình và Nam Định, lo sợ sẽ bị gián điệp và quân địch lấy áo và bức thư Bác Hồ tặng, mẹ ông Tám đã xé tấm chăn bông để nhét tấm áo vào giữa rồi khâu kín lại. Cứ vậy, dù có đi đâu bà cũng mang chiếc chăn theo, quân địch và mật thám hỏi dò về chiếc áo thì bà bảo bị đốt cháy rồi. Còn bức thư Bác tặng, mẹ ông Tám bỏ vào một tuýp thuốc chôn xuống chợ ở Thái Bình, lúc trở về tìm thì cả chợ bị đốt cháy, tìm không thấy được bức thư.
Tấm lụa thêu những dòng chữ Bác Hồ gửi tới gia đình ông Tám.
Vào năm 1956, tỉnh đội Nam Định đã mượn chiếc áo Bác tặng đem đi triển lãm ở một số nơi và sau đó chuyển về cho một bảo tàng trong tỉnh, sau đấy ông Tám cũng đồng ý để chiếc áo lên bảo tàng trên Hà Nội.
Sau khi hòa bình lập lại, nhằm nhắc con cháu về truyền thống yêu nước và cách mạng của gia đình mình, mặc dù bức thư đã không còn, những những lời trong bức thư của Bác Hồ gửi tặng những thành viên trong gia đình ông đã tạc dạ trong lòng. Ông Tám đã thêu lại những dòng Bác Hồ gửi tặng vào tấm lụa, phía trên tấm lụa là tấm ảnh Bác Hồ cười hiền hậu.
Đức Văn
Theo dantri
Gặp người hai lần vinh dự được bảo vệ Bác Hồ Trung tá Nguyễn Bình (sinh 1928, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) từng vinh dự hai lần được bảo vệ Bác Hồ. Chúng tôi đến nhà trung tá Nguyễn Bình vào một ngày giữa tháng 5 trong cái nắng chói chang của mùa hè. Nhắc đến Bác Hồ, những kỷ niệm về hai lần được bảo vệ Bác...