Liban ‘tràn ngập’ vũ khí Syria sau khi chính quyền Assad sụp đổ
Những khẩu AK-47 giá rẻ và hàng nghìn loại vũ khí khác từ Syria đang được buôn lậu qua các cửa khẩu biên giới bất hợp pháp, đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh và nguy cơ bùng phát xung đột nội bộ tại Liban.
Các thành viên thuộc lực lượng đối lập Syria sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus, ngày 8/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ The National (UAE), các nguồn tin an ninh và chính trị tại Beirut (Liban) ngày 18/12 cho biết, sự sụp đổ của quân đội Syria sau khi chính quyền Assad tan rã đã khiến nước này tràn ngập vũ khí, thúc đẩy các nhà buôn súng ở Liban kiếm lời bằng cách mua súng giá rẻ và buôn lậu vào Liban.
“Súng rất phổ biến ở Syria và chúng được bán trên thị trường chợ đen với giá rẻ. Ví dụ, giá của một khẩu AK-47 là khoảng 25 USD”, nguồn tin an ninh từ Liban tiết lộ.
“Thị trường Liban tràn ngập vũ khí Syria, vì nhiều nhà buôn đang đến Syria để mua vũ khí và buôn lậu vào Liban. Khu vực phía Bắc của đất nước này hiện đang tràn ngập vũ khí Syria”, nguồn tin trên giải thích.
Nguồn tin này cho biết thêm rằng khoảng 3.000 khẩu súng các loại đã được buôn lậu qua các cửa khẩu biên giới bất hợp pháp, đặc biệt là ở phía Bắc: “Phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc. Chúng có in cờ Syria và những người bán đang tìm kiếm chúng rồi bán lại chúng trên thị trường Liban”.
Một nguồn tin chính trị ở Beirut đã xác nhận “dòng chảy” vũ khí gia tăng đột ngột từ Syria trong những ngày gần đây, đồng thời nói thêm rằng “ chính quyền nhà nước (Liban) đã biết và lo ngại về hậu quả”.
Tờ The National cho biết sự sụp đổ của quân đội Syria diễn ra nhanh chóng và đáng kinh ngạc. Chỉ trong vòng 12 ngày, Syria đã đi từ tình trạng dường như là ổn định lâu dài đến sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Assad.
Khi lực lượng đối lập chuẩn bị chiếm Damascus, Liban đã ngay lập tức đóng cửa tất cả các cửa khẩu biên giới đất liền với Syria ngoại trừ một cửa khẩu chính nối Beirut với thủ đô Syria. Nhưng nhiều cửa khẩu biên giới “bất hợp pháp”, đặc biệt là ở phía Bắc, vẫn tiếp tục hoạt động.
Video đang HOT
Vài ngày sau, Hayat Tahrir Al Sham, nhóm dẫn đầu cuộc tấn công của phe đối lập lật đổ Tổng thống Syria Bashar Al Assad, đã thiết lập quyền kiểm soát quân sự đối với các cửa khẩu biên giới chính với Jordan và Liban khi củng cố quyền kiểm soát ở Syria.
Liban từ lâu đã phải vật lộn với sự phổ biến rộng rãi của các loại vũ khí và súng đạn. Nguồn tin an ninh Liban cho biết một trong nhiều điểm đáng lo ngại là “gần như mọi phong trào vũ trang ở Liban đều mua vũ khí lậu”.
Trong bối cảnh đó, cuộc tấn công của Israel, cùng với sức mạnh suy yếu của Hezbollah, đã dẫn đến mối lo ngại về xung đột nội bộ ở Liban, vì các nhóm vũ trang khác có thể tìm cách thách thức sự thống trị của Hezbollah. Các quan chức Mỹ tham gia vào việc làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah đã cảnh báo rằng không thể loại trừ khả năng xảy ra nội chiến.
Mặt khác, các chính trị gia Liban đã theo dõi sự sụp đổ của chính quyền Assad ở Syria với cảm giác lo lắng. Syria đã tấn công Liban vào năm 1976 trong những năm đầu của cuộc nội chiến Liban, duy trì sự chiếm đóng và gây ảnh hưởng đáng kể về quân sự và chính trị trong gần 30 năm trước khi bị buộc phải rút lui vào năm 2005.
Trong nhiều thập kỷ, chính quyền Syria đã duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với các vấn đề của Liban, xâm nhập vào hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống. Các công việc hàng đầu ở Liban chỉ dành cho các đồng minh của Damascus và những người phản đối có nguy cơ bị ám sát, và nhiều quan chức của chính quyền Syria sở hữu tài sản ở Liban.
“Tình hình ở Syria thật đáng sợ. Chúng tôi đang có nguy cơ nổ ra xung đột nội bộ, và đây là mối lo lắng của chúng tôi”, một nguồn tin an ninh khác của Liban cho biết, đồng thời tiết lộ thêm rằng “một số quan chức giám sát an ninh hàng đầu tại các cửa khẩu biên giới với Syria và có mối quan hệ tốt với chính quyền Syria trước đây đã bị thay thế bởi những người khác để tránh mọi biến chứng”.
Mất căn cứ hải quân Địa Trung Hải sẽ làm suy yếu Nga đến mức nào?
Sự sụp đổ của chính quyền Assad được cho là đòn giáng mạnh vào chính sách đối ngoại và uy tín của Nga.
Trong số những tổn thất tiềm tàng của họ có viễn cảnh Moskva phải chấp nhận mất căn cứ hải quân duy nhất ở nước ngoài, nằm tại cảng Tartus bên bờ biển Địa Trung Hải.
Hình ảnh vệ tinh căn cứ hải quân Tartus của Nga tại Syria. Ảnh: millermagazine
Số phận của căn cứ Tartus hiện vẫn chưa được định đoạt. Không còn nghi ngờ gì nữa rằng các nhà ngoại giao hàng đầu của Điện Kremlin sẽ phải tích cực phối hợp với những nhà cầm quyền mới ở Damascus để bảo đảm trạm tiếp tế và sửa chữa duy nhất của họ ở Địa Trung Hải được duy trì.
Tuy nhiên, việc tất cả các tàu chiến của Nga đã rời khỏi căn cứ Tartus vào tuần trước cho thấy hải quân Nga đã bị các sự kiện ở Syria tác động. Ở giai đoạn này, kết quả có thể xảy ra là quyền tiếp cận lâu dài của Moskva đối với căn cứ này ít nhất sẽ bị ảnh hưởng.
Kể từ khi Peter Đại đế thành lập lực lượng hải quân thường trực của đế quốc Nga vào năm 1696, lực lượng ngoại giao và quân sự của Moskva đã liên tục đấu tranh để tiếp cận "vùng nước ấm". Để tiếp cận các tuyến đường biển toàn cầu, tàu Nga phải đi qua các vùng biển kín (cụ thể là Biển Baltic, Biển Đen và Biển Nhật Bản) - những vùng biển không cho phép tàu thuyền Nga tiếp cận dễ dàng tới các đại dương trên thế giới - hoặc các môi trường tự nhiên khắc nghiệt (như Bắc Băng Dương và Biển Bering), nơi các điều kiện có xu hướng khiến việc điều hướng trở nên nguy hiểm.
Là một đồng minh của chính quyền Assad khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu vào năm 2011, một trong những phần thưởng giá trị nhất của Nga là được tiếp cận cơ sở hải quân tại Tartus.
Từ năm 2013, chính phủ Syria đã cung cấp cho hải quân Nga một nơi an toàn cho các tàu chiến cỡ trung hoạt động ở Địa Trung Hải. Mục đích chính của nơi này là bảo dưỡng và bổ sung các tài sản hải quân của Nga, cho phép chúng hoạt động ở khu vực trong thời gian dài hơn.
Lực lượng đặc nhiệm Nga sử dụng Tartus làm căn cứ để tiến hành các cuộc tập trận hải quân và triển khai để theo dõi lực lượng NATO ở Địa Trung Hải. Mục đích của việc này, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu, là để đối phó (hoặc ít nhất là thử nghiệm) sự thống trị của phương Tây tại Địa Trung Hải.
Hậu quả địa chính trị
Nếu Nga mất Tartus vĩnh viễn, điều này sẽ gây ra một số hậu quả cho Moskva. Quan trọng nhất là lực lượng đặc nhiệm hải quân thường trực của họ ở Địa Trung Hải sẽ buộc phải bắt đầu một hành trình dài để trở về các căn cứ của Nga hoặc tìm một căn cứ tạm thời khác trong khu vực.
Sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022, Ankara đã đóng cửa eo biển Thổ Nhĩ Kỳ đối với các tàu chiến của Nga theo công ước Montreux. Điều này có nghĩa là bất kỳ tàu nào hoạt động ở Địa Trung Hải đều không thể quay trở lại các căn cứ của Nga tại Sevastopol hoặc Novorossiysk ở Biển Đen qua eo biển Bosphorus.
Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel tại Tartus, Syria. Ảnh: THX/TTXVN
Về lâu dài, sự hiện diện của Nga tại Địa Trung Hải và rộng hơn là Trung Đông sẽ bị giảm sút vì lực lượng hải quân đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai sức mạnh và lực lượng.
Sự thống trị quân sự toàn cầu của phương Tây cũng phụ thuộc vào khả năng triển khai lực lượng quân sự của các nước phương Tây trên toàn cầu trong thời gian dài.
Điều này thường liên quan đến việc bố trí trước các lực lượng như các nhóm tác chiến tàu sân bay lớn. Đây là một lĩnh vực mà Nga thường tụt hậu so với NATO và phương Tây. Điều này có xu hướng cản trở khả năng triển khai sức mạnh quân sự của Nga trên toàn cầu.
Hậu cần là chìa khóa ở đây. Việc Nga mất Tartus - kết hợp với việc đóng cửa eo biển Thổ Nhĩ Kỳ đối với các tàu chiến của Nga trong thời gian dài khi cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn - sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến khả năng triển khai lực lượng đặc nhiệm hải quân và hỗ trợ các hoạt động trên bộ của Moskva trong khu vực và xa hơn nữa.
Hơn nữa, vai trò của lực lượng hải quân Nga còn là bảo vệ các tuyến đường biển toàn cầu và tàu buôn của chính mình. Trong khi các lệnh trừng phạt của phương Tây hạn chế các hoạt động vận chuyển thương mại đến và đi từ Nga, Moskva ngày càng phụ thuộc vào đội tàu treo cờ Nga để duy trì chuỗi cung ứng của mình. Trong bối cảnh này, bất kỳ giới hạn nào đối với sức mạnh hải quân của Nga đều có thể ảnh hưởng đến an ninh của khu vực dân sự và các hoạt động thương mại của nước này.
Ngoài ra, việc Nga không thể hỗ trợ hiệu quả cho đồng minh của mình ở Syria cũng sẽ gây ra hậu quả sâu sắc cho hoạt động ngoại giao của Moskva ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ.
Nhưng ngoài tất cả những điều này, điều quan trọng là phải nhận ra rằng, về mặt biểu tượng, mối đe dọa mất một cơ sở hải quân có thể ảnh hưởng đến uy tín toàn cầu của Nga. Việc mất Tartus chắc chắn sẽ không buộc Nga phải dừng cuộc chiến ở Ukraine. Moskva đã chứng minh được khả năng phục hồi mạnh mẽ của họ trong quá khứ. Nhưng đây vẫn là một đòn giáng nghiêm trọng vào hình ảnh của Nga như một cường quốc, điều mà Điện Kremlin khó có thể chấp nhận.
Góc nhìn từ Iran về lý do chính quyền Assad từ bỏ quyền lực ở Syria Chính quyền Assad ở Syria đã sụp đổ do phớt lờ cảnh báo từ Iran về mối đe dọa ngày càng gia tăng từ lực lượng đối lập ở Idlib, cùng với những tính toán sai lầm và sự dụ dỗ bởi những lời hứa suông về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Các thành viên lực lượng đối lập Syria SDF sau...