LHQ cảnh báo nguy cơ ‘trượt dài’ mục tiêu của Hiệp định Paris
Tình trạng ấm lên toàn cầu sẽ vượt xa mức giới hạn 1,5 độ C song chính phủ các nước vẫn chưa triển khai các chính sách để đảm bảo đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.
Đây là đánh giá của tân chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc (LHQ).
Nắng nóng kéo dài ở miền Nam nước Mỹ ngày 27/6/2023 với nền nhiệt tăng trên 38 độ C. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Ông Jim Skea – nhà khoa học người Scotland đã đưa ra nhận định trên khi trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters sau khi được bầu làm chủ tịch IPCC trong cuộc họp của ủy ban này diễn ra tại Nairobi hôm 26/7. Giải thích cho nhận định trên, ông Skea cho rằng việc chính phủ các nước chỉ dừng lại ở các kế hoạch hiện tại sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng gần 3 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
Video đang HOT
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015 đặt mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C, nhằm tránh những tác động xấu nhất do biến đổi khí hậu gây ra.
Tân chủ tịch IPCC cho rằng để có thể đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris, chính phủ các nước cần triển khai các chính sách “mạnh tay” và mau lẹ nhằm cắt giảm mức phát thải khí nhà kính.
Theo ông Skea – người cũng là giáo sư về năng lượng bền vững tại trường Imperial College London, đây là thời điểm để chính phủ các nước triển khai các công cụ chính sách của mình, bao gồm đầu tư quy mô lớn hơn vào năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời đồng thời chấm dứt đầu tư vào nguyên liệu hóa thạch. Tân chủ tịch IPCC cũng cho rằng thế giới sẽ cần phát triển nhiều giải pháp công nghệ hơn nữa để thu hồi và lưu giữ CO2, nhằm giảm phát thải khí nhà kính gây nên tình trạng ấm lên toàn cầu.
Theo nhận định ngày 27/7 của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU), tháng 7/2023 có thể được ghi nhận là tháng nóng nhất trong lịch sử thế giới và có thể là tháng nóng “chưa từng thấy” trong hàng nghìn năm qua.
Tổng Thư ký LHQ kêu gọi ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 14/6 đã kêu gọi tất cả các tổ chức tài chính từ bỏ tài trợ cho việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: IRNA/TTXVN
Phát biểu trực tuyến tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới tại thủ đô Vienna (Áo), ông Guterres nhấn mạnh năng lượng tái tạo là "kế hoạch hòa bình của thế kỷ 21" và kêu gọi từ bỏ việc cung cấp tài chính cho các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ủng hộ giải pháp năng lượng xanh thay thế. Theo Tổng Thư ký, cách duy nhất để đảm bảo an ninh năng lượng, giá điện ổn định, sự thịnh vượng và một hành tinh đáng sống là từ bỏ các nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm, đặc biệt là than và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo.
Người đứng đầu LHQ cảnh báo rằng cánh cửa để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu "đang đóng lại nhanh chóng" và để đạt mục tiêu giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp như đã nêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu thì phải cắt giảm 45% khí thải vào năm 2030 và đạt mức trung hòa khí thải vào năm 2050.
Tổng thư ký cho biết cam kết hiện nay của các nước là chưa đủ và các chính sách đối với biến đổi khí hậu của các nước quá khiêm tốn. Đây chính là dấu hiệu cho thấy sự thất bại lớn trong tương lai và hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra với gần một nửa dân số thế giới.
Theo Tổng thư ký, các lựa chọn nguồn năng lượng rẻ hơn, đáng tin cậy hơn và công bằng hơn cần được phát triển sớm hơn để tránh bị bất ngờ trước sự bất ổn của thị trường nhiên liệu hóa thạch. Trong thập kỷ qua, giá năng lượng và pin Mặt Trời đã giảm 85%, giá điện gió giảm 55%, trong khi đó dầu và khí đốt đã tăng lên đạt mức giá kỷ lục. Đầu tư vào năng lượng tái tạo đã tạo ra số lượng việc làm gấp 3 lần so với đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.
Để chống lại những cú sốc kinh tế mới hiện nay, ông nhắc lại kế hoạch 5 điểm của mình về hành động đối với năng lượng tái tạo, bao gồm biến công nghệ năng lượng tái tạo trở thành hàng hóa công cộng toàn cầu, cải thiện khả năng tiếp cận toàn cầu đối với chuỗi cung ứng cho nguyên liệu thô của công nghệ năng lượng tái tạo và khắc phục những rào cản đang kìm hãm cuộc cách mạng sản xuất năng lượng tái tạo.
'Giặc lửa' hoành hành xâm chiếm rừng tại nhiều nước Địa Trung Hải Đã có 40 người tử vong do các vụ cháy rừng ở Địa Trung Hải. "Giặc lửa" còn đe dọa các ngôi làng và khu nghỉ dưỡng khiến hàng nghìn người phải sơ tán. Lính cứu hỏa dập lửa trên đảo Rhodes (Hy Lạp). Ảnh: Reuters Hy Lạp đang chuẩn bị thêm các chuyến bay sơ tán khỏi đảo Rhodes. Trong khi đó...