LG – ‘nạn nhân’ của cuộc đua ’song mã’ Apple – Samsung
Quyết định rút khỏi thị trường di động của LG cho thấy mức độ cạnh tranh trong ngành công nghiệp này, đặc biệt giữa Apple và Samsung, quá khắc nghiệt.
LG từng nằm trong top 5 nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới, nhưng hãng đã không duy trì được vị thế này lâu khi Samsung và Apple liên tục thống trị thị trường Mỹ, trong khi các công ty như Huawei và Xiaomi giành nhau thị phần châu Âu.
Thị phần smartphone toàn cầu hiện tại của LG chỉ khoảng 2%.
Theo Counterpoint Research, tính đến quý IV/2020 tại Mỹ, Apple và Samsung chiếm 81% thị phần smartphone, trong đó, Apple chiếm 65%, Samsung chiếm 16% và LG đứng thứ ba với 9%. Samsung và Apple là hai hãng sản xuất smartphone duy nhất tăng trưởng tại Mỹ thời gian này.
Trên thị trường toàn cầu, Apple cũng chiếm vị trí số một trong quý IV/2020 với 23,4% thị phần, trong khi Samsung đứng thứ hai với 19,1%, theo International Data Corp.
Video đang HOT
Samsung và LG là hai đối thủ lâu năm trong ngành công nghiệp điện tử và thiết bị gia dụng, nhưng Samsung có lợi thế quan trọng mà LG thiếu khi nói đến lĩnh vực smartphone. Ngay khi thị trường smartphone còn non trẻ, Samsung đã xác định ngay từ đầu rằng điện thoại của mình phải là đối thủ cạnh tranh chính của iPhone. Năm 2012, “bom tấn” Galaxy S3 của Samsung thậm chí đã vượt qua iPhone 4S để trở thành smartphone bán chạy nhất năm, theo Strategy Analytics.
Sự ra mắt thành công của Galaxy S3 đã định hình cuộc đua “song mã” trên thị trường smartphone giữa Apple và Samsung. Không có nhà sản xuất điện thoại Android nào có sản phẩm đạt đến tầm phổ biến của Galaxy S3 khi đó. Nó đã đưa dòng Galaxy S của Samsung lên bản đồ smartphone toàn cầu và trở thành đối thủ cạnh tranh chính của iPhone trong nhiều năm.
Mặc dù đã đổi mới theo một số cách, các nhà sản xuất điện thoại Android khác đơn giản là không thể theo kịp Samsung, Apple. Ví dụ, nhiều chuyên gia công nghệ đã ca ngợi HTC vào năm 2013 với chiếc điện thoại One M7 bắt mắt, hơn mọi điện thoại Android trên thị trường về chất lượng và thiết kế. Nhưng nó không bao giờ có được doanh số bán hàng tương xứng với những giải thưởng đó. Kết cục, HTC đã phải bán một phần mảng kinh doanh smartphone cho Google vào năm 2018.
Moto X ra mắt năm 2013 của Motorola cũng được cho là đi trước thời đại với tính năng điều khiển bằng giọng nói và được các nhà đánh giá đón nhận nồng nhiệt. Nhưng ngay năm sau, Google đã quyết định bán bộ phận di động của Motorola cho Lenovo. Cho đến nay, công ty này vẫn phải chật vật để tăng cường sự hiện diện trên thị trường điện thoại thông minh.
Ngay cả Google, công ty tạo ra Android, cũng gặp khó khăn khi thâm nhập vào lĩnh vực kinh doanh smartphone. Sau trắc trở trong việc bán điện thoại cao cấp để cạnh tranh với iPhone và dòng Galaxy S, Google cuối cùng đã chuyển hướng sang bán điện thoại thông minh Pixel với giá rẻ hơn.
LG cũng chọn con đường tương tự. Dù đã đi trước các đối thủ trong một số mặt, chẳng hạn đưa máy ảnh góc rộng lên smartphone nhiều năm trước khi Apple và Samsung làm, Bloomberg cho biết bộ phận kinh doanh smartphone của LG vẫn phải chịu khoản lỗ tổng cộng 4,5 tỷ USD trong sáu năm, dẫn đến quyết định đóng cửa đơn vị này.
Thay vì tập trung vào smartphone, LG sẽ chuyển trọng tâm vào các lĩnh vực như thiết bị nhà thông minh, linh kiện xe điện, robot và trí tuệ nhân tạo.
Tất nhiên, thành công của Samsung và Apple chỉ là một yếu tố ảnh hưởng đến thị trường điện thoại di động. Các thương hiệu của Trung Quốc nổi bật với mức giá dễ tiếp cận, như Huawei, Xiaomi, Oppo và OnePlus, cũng là nguyên nhân khiến thị phần của LG sụt giảm vào năm 2015. Tuy nhiên, Samsung và Apple vẫn thoải mái ở vị trí dẫn đầu thị trường trong nhiều năm và LG chỉ là nạn nhân mới nhất.
Samsung hưởng lợi từ sự ra đi của LG
Theo Reuters, động thái rút lui khỏi mảng kinh doanh điện thoại di động của LG Electronics sẽ tạo nhiều cơ hội cho Samsung và các đối thủ khác trên thị trường Bắc Mỹ.
LG thông báo khai tử mảng smartphone hôm 5.4
Hai công ty nghiên cứu thị trường Gartner và Counterpoint ước tính thị phần của LG tại Mỹ đang ở mức khoảng 10% tại Mỹ. LG mạnh hơn ở những thị trường mà họ hợp tác với công ty viễn thông để đưa các thiết bị của mình vào kế hoạch di động.
Nhà phân tích Tuong Nguyen của Gartner nhận định: "Apple có xu hướng phục vụ phân khúc cao cấp hơn ở thị trường Mỹ, vì vậy Apple sẽ chiếm một phần nhỏ trong doanh thu của LG. Nhiều khả năng Samsung sẽ hưởng lợi từ vụ này, vì cả hai tập đoàn đều cạnh tranh trên các thị trường tương tự nhau".
Trên toàn cầu, thị phần của LG giảm xuống còn 2% vào năm 2020, giảm mạnh so với vị thế là nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba thế giới sau Samsung Electronics và Apple Inc trong thời kỳ đỉnh cao vào năm 2013.
Theo Counterpoint, LG xuất xưởng 23 triệu chiếc điện thoại vào năm ngoái, thấp hơn nhiều so với con số 256 triệu chiếc của Samsung. Nhà phân tích Tarun Pathak của Counterpoint cho biết LG chủ yếu cạnh tranh ở phân khúc tầm trung, còn điện thoại flagship của họ nhận được phản ứng hời hợt từ thị trường.
Pathak nói thêm: "Vì vậy phần lớn sẽ là các thương hiệu Trung Quốc và các thương hiệu tầm trung hưởng lợi nhờ việc LG rút lui. Tại thị trường trọng điểm của họ như Mỹ, Samsung, Motorola, HMD (và ZTE, Alcatel ở mức độ thấp hơn) sẽ lấp đầy chỗ trống, còn Xiaomi, Motorola, LATAM và Samsung sẽ hưởng lợi ở Hàn Quốc".
Những người yêu công nghệ trên Twitter tỏ ra tiếc nuối trước sự ra đi của LG - cái tên từng làm mưa làm gió một thời trong ngành công nghiệp smartphone. Họ ghi nhận LG đã đi tiên phong trong việc phổ biến các tính năng quen thuộc đối với smartphone hiện nay như camera góc siêu rộng và màn hình cảm ứng điện dung.
YouTuber Marques Brownlee bày tỏ sự tiếc nuối đối với LG trên Twitter: "Không phải điện thoại nào của họ cũng xuất sắc, nhưng mất họ nghĩa là mất một đối thủ cạnh tranh luôn sẵn sàng thử những điều mới".
Mảng kinh doanh smartphone của LG có đáng bị khai tử? Câu trả lời có lẽ là có. Thật khó để có thể thành công trên thị trường smartphone ngày nay. Chỉ cần nhìn vào đống đổ nát hoang tàn trước đây, chúng ta có thể thấy sự sụp đổ hoàn toàn của những nhà sản xuất smartphone nhỏ như Pantech, Essential và Sony Ericsson, hay sự tan rã của những gã khổng lồ...