Lệnh trừng phạt phủ bóng lên cuộc đối thoại hòa bình Nga, Ukraine, EU
Trong một động thái gây sức ép với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Australia ngày 1/9 công bố thêm lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu cuối tuần qua cũng nhất trí xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Nga. Đây là những động thái có thể phủ bóng lên kết quả các cuộc đối thoại hòa bình giữa Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu diễn ra tại Belarus.
Tổng thống Nga Putin (trái) gặp Tổng thống Ukraine (phải) ở Belarus vào tháng 8/2014 (ảnh: AP)
Video đang HOT
Các biện pháp trừng phạt mới của Australia sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu vũ khí, giới hạn hoạt động của các ngân hàng Nga đối với thị trường tài chính Australia. 63 cá nhân và tổ chức của Nga, Ukraine bị liệt vào danh sách trừng phạt.
Australia cũng áp đặt giới hạn thương mại và đầu tư vào khu vực vừa sáp nhập vào Nga là Crimea. Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Australia Tony Abbott cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nữa nếu Nga không có bước đi làm giảm căng thẳng tại Ukraine.
Ông Abbott nói: “Nga phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Nếu quân đội Nga tiếp tục ở Ukraine và Nga không dừng những nỗ lực gây mất ổn định tại nước láng giếng, nước này sẽ đối mặt với sự cô lập quốc tế. Australia cũng sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt cần thiết nhằm vào Nga”.
Trong một động thái có thể khiến mối quan hệ giữa Nga với phương Tây gia tăng căng thẳng hơn khi truyền thông Đức ngày 31/8 cho biết, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự kiến lập 5 căn cứ quân sự mới tại các nước Baltic và Ba Lan, đồng thời lên kế hoạch thành lập một lực lượng phản ứng nhanh nhằm đáp ứng với những diễn biến đang diễn ra tại Ukraine.
Tại hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu cuối tuần qua, các nước thành viên cũng nhất trí xem xét các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Mặc dù cảnh báo trừng phạt nhằm vào Nga nếu nước này không có hành động làm giảm căng thẳng tại Ukraine, nhưng rõ ràng việc thông qua các biện pháp trừng phạt mới là điều hoàn toàn không dễ dàng khi đã xuất hiện những chia rẽ sâu sắc giữa lãnh đạo các nước thành viên EU.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico ngày 31/8 cho biết, nước này có thể sẽ bỏ phiếu phủ quyết đối với các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Theo ông Fico, các biện pháp trừng phạt sẽ phản tác dụng và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của nước này.
Áo, Hungary và Cộng hòa Czech cũng khá thận trọng đối với các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga vì nó có thể làm gia tăng căng thẳng. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy cũng thừa nhận rằng, trừng phạt sẽ gây ra nhiều vấn đề cho các nước thành viên nhưng nhấn mạnh đây là “cái giá phải trả.
Trước những sức ép của phương Tây, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Larvov ngày 1/9 cho rằng, những biện pháp trừng phạt cần được tính toán thận trọng và nước này đang xem xét bước đi của các bên liên quan để có quyết định phản ứng phù hợp.
Ông Larvov cũng nhấn mạnh, mối quan hệ giữa Nga, Liên minh châu Âu và Mỹ có thể và nên quay trở lại mối quan hệ hợp tác thực tế, dựa trên sự bình đẳng quyền lợi và mang lại lợi ích cho nhau. Tuy nhiên, Nga bác bỏ bất cứ những tối hậu thư, đe dọa và trừng phạt nhằm vào nước này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 31/8 cũng kêu gọi các cuộc đối thoại thiết thực giữa Chính phủ và lực lượng đối lập Ukraine để giải quyết cuộc khủng hoảng tại nước này.
Ông Putin nói: “Cần tổ chức ngay lập tức các cuộc đối đối thoại sâu rộng thiết thực, không chỉ liên quan đến các vấn đề kĩ thuật mà còn liên quan đến các tổ chức chính trị xã hội, cũng như vị trí của khu vực đông nam Ukraine, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân sống tại đây”.
Những biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đưa ra trước thềm các cuộc tiếp xúc hòa bình giữa Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu diễn ra ngày 1/9 tại Belarus. Tuy nhiên, đúng như nhận định của một quan chức cấp cao Nga, một thỏa thuận giữa Tổng thống Nga và Ukraine về việc giải quyết cuộc xung đột là không thể, vì đây không phải là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, mà là cuộc xung đột trong nội bộ Ukraine. Chỉ Ukraine mới có thể thỏa thuận để đạt được giải pháp cho cuộc xung đột ở Donbass, khi tính tới các lợi ích của khu vực Đông Nam này./.
Theo_VOV