Lên đại ngàn tìm “quái vật bí hiểm nhất”
Là Vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam với vô số loài động thực vật hiếm quý, Yok Đôn đang nóng lên từng ngày với những sự thật vừa đã phơi bày, vừa còn ẩn giấu phía sau đại ngàn xa thẳm.
Bò xám, náu mình hay ảo ảnh?
Gọi theo tiếng M’Nông: Yok là núi, Đôn là đảo. Yok Đôn là tên của ngọn núi cao 482m, đứng một mình như hòn đảo giữa biển rừng Buôn Đôn, được dùng làm tên chung cho VQG Yok Đôn- địa chỉ duy nhất trong hệ thống 76 khu rừng đặc dụng của cả nước về mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái rừng khô cây họ Dầu lá rộng, còn gọi là rừng Khộp.
Đây là loại rừng rụng trụi lá vào mùa khô, xanh mướt về mùa mưa, đặc biệt phù hợp với điều kiện sinh trưởng của các loài động vật quý hiếm đang bị đe dọa toàn cầu như voi, vượn đen má hung, bò tót, bò rừng, công, ngan cánh trắng, thậm chí cả Bò Xám Kouprey- loài động vật đặc hữu chỉ có ở các nước vùng Đông Nam Á.
Cơ quan điều tra tiếp cận xác 2 con voi rừng bị bắn
Theo khẳng định của Noel Vietmayer, chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá tiềm năng động vật rừng nhiệt đới của Viện Hàn Lâm khoa học Mỹ: Chỉ cần có được một con bò đực Kouprey trong tay, các nhà khoa học sẽ có thể cải tạo gen cho đàn bò nuôi toàn cầu, đem lại mối lợi hàng tỷ đô la.
Năm 1987, giáo sư Lê Vũ Khôi, Thư ký Hội đồng Khoa học Tự nhiên thuộc Chương trình quốc gia về nghiên cứu cơ bản, sau chuyến lội rừng Đắk Lắk đã trở về Thủ đô với câu chuyện chính ông đã tận mắt nhìn thấy một con Kouprey giữa đại ngàn Yok Đôn với bộ sừng cong chĩa về phía trước và cái yếm thõng dài sát đất không thể nhầm lẫn.
Không có được tấm ảnh, thước phim nào về Bò Xám, vì ông nhìn thấy nó trong bóng chiều chập choạng. Nhưng uy tín của giáo sư Khôi đã phần nào thuyết phục được các nhà nghiên cứu, dẫn đến một cuộc hội thảo quốc tế về Bò Xám được tổ chức sôi nổi ở Hà Nội.
Sự hấp dẫn về giá trị lớn lao của nguồn gen Bò Xám đã lôi cuốn các nhà động vật học đổ xô lên Tây Nguyên, kiên trì lặn lội khắp núi rừng Yok Đôn với hy vọng dù chỉ một lần được nhìn thấy Kouprey, vốn được mệnh danh là “quái vật bí hiểm của rừng Đông Nam Á”.
Theo các nguồn tư liệu khác nhau, thời điểm năm 1975 các nước Đông Dương vẫn còn đôi ba trăm con bò xám Kouprey. Không ý thức được giá trị quá đặc biệt của loài thú lớn hiền lành này, người ta đã giết hại Kouprey không thương tiếc.
Hàng chục nhóm nhà khoa học của nhiều tổ chức, mang nhiều quốc tịch khác nhau lần lượt cưỡi voi đi dài ngày trong rừng cấm Yok Đôn kiếm tìm dấu vết Bò Xám. Một trong những chuyến đi nhằm mục đích ấy vào năm 1990 có phó giáo sư sinh học Hà Đình Đức – trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (sau này có biệt danh “nhà rùa học”) và ông Roger Cox- đại diện tổ chức WWF (Quỹ Bảo vệ thiên nhiên toàn cầu) tại VN cùng vài kỹ sư lâm nghiệp địa phương.
Chuyến đi kết thúc sớm hơn dự kiến bằng loạt đạn tấn công của tốp lính hoang dã nghi là tàn quân Fulro, khiến mấy con voi nhà Buôn Đôn phải chở đoàn khách đầy máu me về bệnh viện cấp cứu …
Rốt cục, tới nay vẫn chưa ai phát hiện được dấu tích nào chứng minh được sự tồn tại của Bò Xám trong VQG Yok Đôn. Nhưng cũng không ai dám khẳng định trong cả dải đại ngàn rộng hàng chục vạn hecta giáp ranh với mênh mông rừng già của vương quốc Campuchia bên kia biên giới không còn chú Kouprey nào.
6 năm từ khẩn trương đến khẩn cấp !
Tháng 5/2006 nhận được Quyết định số 733 do Thủ tướng chính phủ phê duyệt kế hoạch “Hành động khẩn trương đến năm 2010 để bảo tồn voi ở Việt Nam”, cả ba tỉnh được giao nhiệm vụ là Nghệ An, Đồng Nai, Đắk Lắk đều hăng hái lập dự án bảo tồn. Nhưng đến nay, toàn bộ lộ trình hành động của dự án vẫn… nằm trên giấy.
Rừng bị phá ngay dưới tấm biển cấm phá rừng
Ông Trần Hiếu, phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk than phiền tỉnh chờ hoài vẫn chưa được cấp khoản kinh phí 61 tỷ đồng để triển khai dự án. Giữa năm 2011 tỉnh Đắk Lắk đã tạm trích ngân sách thành lập Trung tâm Bảo tồn Voi.
Ý chí lực lượng kiểm lâm hiện xuống thấp đến mức không thể thấp hơn được nữa! Tất cả quán xá, từ người có tiền đến cán bộ đều tiêu thụ động vật hoang dã rất bình thường. VQG gì mà đi suốt đêm này qua đêm khác chẳng thấy mắt thú bắt đèn!
Ông Trần Văn Thành, quyền Giám đốc VQG Yok Đôn
Video đang HOT
Năm 1980, đàn voi nhà của Đắk Lắk có 502 con. Dự án bảo tồn voi nhà do GS Lê Huy Bá lập năm 2007 đếm được 64 con. Đến giữa tháng 9/2012 số voi nhà toàn tỉnh chỉ còn 51 con.
Còn voi rừng, ước tính có 10 đàn với khoảng 110 con, chỉ trong 3 năm qua đã có tới 14 con bị giết hại và nguyên nhân chết không rõ, trong đó có 10 voi con.
Sau hơn 1 năm chờ đợi, Trung tâm mới nhận được công văn do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn ký ngày 21/8/2012, gửi UBND 3 tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai, Nghệ An về việc ” Thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi”, đề nghị 3 tỉnh rà soát hoàn thiện các dự án bảo tồn voi để thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt Giao Tổng cục Lâm nghiệp tham mưu cho Bộ NN&PTNT tổ chức Kế hoạch khẩn cấp bảo tồn voi, xây dựng dự án tổng thể trước ngày 30/9/2012 .
Vậy là từ kế hoạch Hành động khẩn trương tháng 5/2006 tới kế hoạch Hành động khẩn cấp tháng 9/2012 trên giấy, 6 năm 3 tháng đã trôi qua…
Những bí mật chờ… phanh phui
Tại VQG Yok Đôn, quan hệ nội bộ phức tạp đến nỗi có hai ông Phó giám đốc Vườn, thì một ông bị thuộc cấp xài bằng giả đánh vỡ xương gò má, một ông có con trai tiếp tay cho lâm tặc bị kỷ luật loại khỏi lực lượng kiểm lâm.
Biên chế 225 người, trong đó 187 cán bộ kiểm lâm trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Cơ sở vật chất hạ tầng Vườn mấy năm gần đây được ngân sách đầu tư hàng trăm tỷ đồng làm cầu, đường, trụ sở, công trình sinh hoạt.
Về công tác Đảng, chưa bao giờ lực lượng đảng viên ở đây đông đến thế, tới 79 đảng viên sinh hoạt tại đảng bộ VQG. Thế mà sự nghiệp bảo vệ rừng vẫn… vô hiệu !
Cây Kơ nia giữa rừng
Chiều 28/8/2012, tại trụ sở UBND huyện Buôn Đôn, ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo huyện, Cục Kiểm lâm và các ngành liên quan về tình hình quản lý VQG.
Ông Trần Văn Thành, mới nắm quyền Giám đốc VQG Yok Đôn kêu lên: “Ý chí lực lượng kiểm lâm hiện xuống thấp đến mức không thể thấp hơn được nữa! Các đợt truy quét vừa qua phát hiện nhiều trường hợp công chức vi phạm luật bảo vệ rừng, trong đó có cả kiểm lâm, công an, bộ đội biên phòng, xã đội trưởng. Tất cả quán xá, từ người có tiền đến cán bộ đều tiêu thụ động vật hoang dã rất bình thường. VQG gì mà đi suốt đêm này qua đêm khác chẳng thấy mắt thú bắt đèn!”.
Ông Nguyễn Đức Dục – Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tiết lộ một bí mật đáng sửng sốt: Cho tới nay, VQG Yok Đôn vẫn chưa từng làm đủ thủ tục sở hữu toàn bộ diện tích 115.545 ha vùng lõi, bởi những người có trách nhiệm chẳng quan tâm. Điều đó nghĩa là nếu có tranh chấp pháp lý về việc lấn chiếm diện tích Vườn, sẽ khó xét xử cho đúng pháp luật.
“Rõ ràng cán bộ trực gác các trạm, chốt đã nhận hối lộ của lâm tặc. Điểm tập kết gỗ lậu là hệ thống các xưởng cưa mở trái phép tại cửa rừng và giữa các khu dân cư, tại sao kiểm lâm và công an địa bàn không phát hiện, xử lý?”.
ông Đinh Văn Khiết gay gắt hỏi rồi khẳng định: Sắp tới tỉnh cương quyết tổ chức truy quét triệt để, dẹp hết các xưởng cưa trái phép kiểu này!
Tháng 9 sắp qua. Các xưởng cưa lậu vẫn hoạt động rầm rộ, cưa xẻ xoèn xoẹt khắp đêm ngày từ VQG Yok Đôn lên tới nội thành Buôn Ma Thuột. Bí mật ẩn giấu sau rèm rừng vẫn chờ được phanh phui …
Từ năm 1979, Bộ Lâm nghiệp thành lập khu rừng cấm Yok Đôn, thuộc Liên hiệp Lâm công nông nghiệp Ea Soup.
Năm 1986, đổi tên thành Khu bảo tồn thiên nhiên Yok Đôn. Tháng 6/1992, thành lập VQG Yok Đôn với diện tích 58.200 ha, nằm gọn trên xã Krông Na, huyện Ea Soup, tỉnh Đắk Lắk.
Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ cho sáp nhập 2 lâm trường Buôn Đôn và Buôn Đrăng Phôk vào VQG Yok Đôn, nâng tổng diện tích Vườn lên tới 115.545 ha, mở rộng diện tích vùng đệm tương ứng lên 133.890 ha, bao gồm 6 xã thuộc 3 huyện Ea Soup, Buôn Đôn, Cư Jút của 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông.
Tính đến tháng 9/2012, cả nước có 20 VQG, gồm 14 VQG thuộc tỉnh và 6 VQG do Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN) quản lý. Trong số đó, Yok Đôn là VQG rộng lớn nhất thuộc quyền quản lý của TCLN.
Theo 24h
Thú hoang không nơi ẩn nấp ở vườn QG
Ở Việt Nam những năm gần đây, dường như nơi đâu có dự án bảo tồn thủ hoang, nơi đó chúng bị săn đuổi ghê gớm hơn, bị dồn đến bước đường cùng nhanh hơn.
Năm trước thống kê 35, năm sau chết 8
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE), kể, Đắk Lắk từng là cái nôi của voi châu Á.
Nửa thế kỷ trước, trong các cánh rừng Ea Súp Ea H'leo, và Bản Đôn, nhất là khu vực Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn ngày nay, voi nhiều vô kể. Có những đàn voi đông 30-40 con.
Nơi đây rừng nhiều, đất bằng phẳng, lại nằm ở ngã ba Đông Dương, thuận cho voi di chuyển từ rừng VN sang các cánh rừng đại ngàn bên Campuchia, Thái Lan, rồi Lào và ngược lại.
Chỉ riêng voi nhà, năm 1980, theo Sở Văn hóa Thông tin Đắk Lắk, tỉnh này có đến 503 con.
Nhưng nạn phá rừng diễn ra quá nhanh, săn bắt voi lấy ngà và lông đuôi gia tăng chóng mặt. Vọi sụt giảm nhanh chóng về quần thể và tấn công người ngày càng dữ.
Năm 1995 từng xảy ra vụ một con voi từ rừng Ea Trul xông ra buôn bà con Ê Đê gần đó phá nát ba ngôi nhà, vườn tược và quật chết một cụ bà. Dân quân Đắk Lắk phải bắn chết nó.
Những con voi hoang dã cuối cùng có thể cũng sẽ biến mất như tê giác Java nếu cộng đồng và chính quyền không thực sự chung tay với dự án bảo tồn. Ảnh: PV.
Năm 2005, Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) thống kê VN chỉ còn 81 con voi hoang dã, chủ yếu ở miền Trung và Tây Nguyên.
Năm 2010, tỉnh Đắk Lắk được phê duyệt dự án bảo tồn voi giai đoạn 2010- 2015. Mới đây, dự án được sửa đổi bổ sung với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng.
Nhờ dự án, ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk, cho biết, từ tháng 8/2011, Trung tâm Bảo tồn Voi Đắc Lắc đi vào hoạt động.
Họ tổ chức giám sát voi hoang dã để thống kê số lượng cũng như quy luật di chuyển, tìm kiếm thức ăn. Họ đã tiếp cận được với hai đàn voi. Một đàn 29 con thường sống ở VGQ Yok Đôn. Đàn kia 6 con gần một công ty lâm nghiệp.
Tóm lại, voi hoang dã trên địa bàn tỉnh được xác định còn 35 cá thể. Cũng nhờ dự án, mới thống kê được số voi nhà còn lại là 51 con, giảm 90% so với cách đây 30 năm.
Những tưởng nhờ dự án, hai đàn hoang dã hiếm hoi còn lại cuối cùng sẽ được bảo vệ. Ai dè, chỉ hơn 8 tháng qua, 5 con chết trong đó 2 con đực bị giết bằng súng.
Bảy tháng đầu năm 2012, 3 con chết, trong đó có một con bị giết. Hai con kia được cho là bị sa lầy khi kiếm ăn.
Sáng 28/8, nhà báo Nguyễn Việt Thắng, Đài Tiếng nói Việt Nam, kể, các anh phải vượt 11 km từ trạm kiểm lâm gần nhất, qua hai con suối, và 6 km đường trơn trượt, để tiếp cận vị trí hai con voi trưởng thành bị phát hiện chết trưa 25/8. Sâu và xa là thế, Việt Thắng cho hay, vẫn không giúp gì trong việc bảo vệ đàn voi.
Tê giác Java ở VQG Cát Tiên được luật pháp Việt Nam bảo vệ nhưng cuối cùng nó vẫn bị bắn chết. Nguồn: WWF Việt Nam
Rừng sâu thăm thẳm mà vẫn có đường mòn, vẫn có vết lốp các loại xe cơ giới. Bên đường mòn, cây lớn còn lại rất ít. Nhiều nơi chỉ còn thấy gốc cây. Rừng nhìn bề ngoài có vẻ còn rậm rạp nhưng vào trong thì thấy rỗng ruột.
"Thỉnh thoảng vẫn nghe tin nhiều cây to, gỗ quý bị cưa xẻ ở VQG Yok Đôn. Để đốn hạ những cây to như thế cần nhiều thời gian và nhiều người. Vậy mà nạn chặt hạ cây rừng vẫn diễn ra. Trong khi đó, thời gian để bắn chết một con voi chắc ít hơn nhiều so với đốn hạ cây to. Điều đó cho thấy số phận của voi thật mong manh. Điều kiện sống của voi đang ngày càng chật vật hơn", Việt Thắng nói.
Không ai hiểu bằng người trong cuộc
Ông Huỳnh Trung Luân chỉ ra ba nguyên nhân đe dọa voi. Thứ nhất, sinh cảnh bị thu hẹp, một số diện tích rừng bị khai thác quá mức, một số chuyển đổi mục đích sang trồng cây công nghiệp và các công trình dân sinh.
Thứ hai là xung đột giữa voi và người. Do mất sinh cảnh, voi thường về các khu dân cư và canh tác tìm kiếm thức ăn. Dân dùng nhiều biện pháp xua đuổi, voi bỏ chạy có tình trạng dẫm đạp lên nhau và chết. Thứ ba là săn bắt trộm.
"Một số người có nhu cầu quái đản khai thác lông đuôi voi, ngà voi, và một số bộ phận voi", ông Luân nói.
"Voi đực trưởng thành bị săn đuổi nhiều nhất. Từ năm 2009 đến nay, 14 con voi chết trong đó có ba con voi đực bị sát hại bằng súng để lấy ngà và các bộ phận. Phần lớn voi con chết do bị giẫm đạp trong bầy đàn, bị xua đuổi".
Nhưng vấn đề ở chỗ, tại sao dự án đi vào hoạt động mà vẫn không chặn được đà voi chết và bị giết? Làm sao bảo vệ được voi khi nhiều cư dân địa phương cũng muốn xà xẻo rừng, lấy việc phá trộm rừng trong vườn quốc gia làm kế sinh nhai? Làm sao giữ được rừng khi lúc nào cũng có một đội quân đông đảo từ nơi khác đến túc trực, đặt hàng cho việc phá rừng và trộm rừng? Làm sao có thể giữ được vườn quốc gia nếu, sau khi ra khỏi rừng, nhiều chuyến gỗ vẫn xuôi về đến Buôn Ma Thuột, thậm chí, ra tận các tỉnh phía Bắc.
Đấy là tâm sự của một số cán bộ trong ngành kiểm lâm Đắk Lắk mà nhà báo Việt Thắng không tiện nêu tên.
Dự án bảo tồn vẽ đường cho...săn trộm
Theo PGS.TS Phạm Bình Quyền, VACNE, các dự án bảo tồn thú hoang chủ yếu được quốc tế tài trợ phần đối ứng của phía VN thường không đáng kể đã thế, không ít nơi mang tính hình thức.
Tình trạng đó khiến nhiều dự án bảo tồn động vật hoang dã ở VN được triển khai đơn độc giữa một rừng các mối đe dọa từ tứ phía, theo TS Rossi Stenke, chuyên gia bảo tồn người Đức công tác nhiều năm ở VQG Cát Bà, Hải Phòng.
Để bảo tồn những con voi cuối cùng ở Đắk Lắk, đã có dự án di chuyển các xưởng cưa và sau đó là các cơ sở chế biến gỗ gần rừng vào các cơ sở công nghiệp. Nhưng các huyện có diện tích rừng lớn và có voi lưu trú như Yok Đôn đều chưa có cơ sở công nghiệp nào.
Các chuyên gia dự án một mặt cứ tuyên truyền ra rả về giá trị của thú hoang cần được bảo tồn với các thông tin nghiên cứu từ hiện trường cặn kẽ như địa điểm sinh sống, tập tính kiếm ăn... Mặt khác, họ đơn độc thực hiện các hoạt động bảo tồn trong bối cảnh nhận được sự phối hợp yếu ớt từ các tổ chức địa phương.
Nguyễn Điệp Hoa, nguyên cán bộ truyền thông WWF, nhận xét, thiếu phối hợp hiệu quả giữa dự án với chính quyền, thông tin của dự án bảo tồn chẳng khác nào bật đèn pha rọi sáng rực rừng sâu chỉ cho bọn săn trộm thú quý đang ở đâu, săn chúng bằng cách nào.
Điều tra về cái chết hồi tháng 5/2010 của cá thể tê giác một sừng quý hiếm tại VQG Cát Tiên, ông Craig Bruce - chuyên gia về Tê giác của WWF, nhớ lại, con tê giác này đã bị thương nặng trước khi chết. Một viên đạn khá to găm vào xương hiển nhiên không thể coi là vết thương nhẹ phần mềm.
"Hơn một thập kỷ qua, tôi đã tham gia công tác bảo tồn các quần thể tê giác lớn trên thế giới và đã có mặt tại nhiều hiện trường nơi có tê giác chết tự nhiên và không tự nhiên. Không tính tới yếu tố tuổi, viên đạn cắm trong xương và chiếc sừng bị lấy đi có thể coi là bằng chứng cho thấy cá thể tê giác này bị săn trộm đê lấy sừng", Craig Bruce nói.
"Theo kinh nghiệm của tôi, hiếm khi sừng tê giác bị lấy đi một cách tình cờ bởi những người vô tình đi qua, sau khi nó chết tự nhiên, và 98% trường hợp tìm thấy tê giác mà sừng bị lấy mất là tê giác bị giết trộm để lấy sừng. Các vết cắt trên sọ cho thấy người cắt đã chuẩn bị trước dụng cụ phù hợp để lấy đi chiếc sừng".
Một vụ săn trộm hoàn hảo giữa lúc dự án bảo tồn cá thể còn lại duy nhất này ở VN đang được triển khai ráo riết nhất. WWF khẩn thiết đề nghị mở một cuộc điều tra trên diện rộng và nếu cá thể tê giác này thực sự bị giết thì cần đưa những kẻ vi phạm, kể cả người bắn lẫn người buôn bán chiếc sừng tê giác bất hợp pháp ra xét xử theo pháp luật VN.
Từ đó đến nay, chưa có gì được làm sáng tỏ. Từ đó đến nay, các dự án bảo tồn thú quý hiếm vẫn diễn ra như cũ, thú hoang tiếp tục được bảo tồn bằng cách để cho... chết và giết. Chả nhẽ bó tay?
Theo VNE
Thú hoang - Không nơi ẩn nấp Ở Việt Nam những năm gần đây, dường như nơi đâu có dự án bảo tồn thủ hoang, nơi đó chúng bị săn đuổi ghê gớm hơn, bị dồn đến bước đường cùng nhanh hơn. Những con voi hoang dã cuối cùng có thể cũng sẽ biến mất như tê giác Java nếu cộng đồng và chính quyền không thực sự chung tay...