“Lẽ ra người Việt đã phải đạt thu nhập bình quân 10.000 USD”
Cảnh báo thách thức Việt Nam chưa giàu đã già lại nợ nần nhiều đang rất hiện hữu, các chuyên gia Nguyễn Xuân Thành và Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết, năm 2015, Việt Nam bắt đầu bước sang giai đoạn dân số già, với mức thu nhập xấp xỉ 2.110 USD/người nhưng đã phải gánh hơn 1.300 USD nợ công/người. Trong khi nhẽ ra, thu nhập người Việt đã phải tương đương Malaysia, đạt 10.000 USD/người.
Thách thức “chưa giàu đã già, lại nợ nần nhiều” đang rất hiện hữu
Trình bày về bối cảnh nợ công của Việt Nam tại Diễn đàn kinh tế sáng ngày 12/10, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy Fulbright và cộng sự là chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết, Việt Nam đã bắt đầu bước sang giai đoạn dân số già từ năm 2015 với mức thu nhập xấp xỉ 2.110 USD. Tuy nhiên, mỗi người dân Việt Nam đã phải gánh hơn 1.300 USD nợ công, tương đương 62,2% thu nhập.
Trong khi đó, rất nhiều nước có thu nhập cao hơn nhiều so với Việt Nam như Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippines nhưng có cơ cấu dân số trẻ hơn Việt Nam. Các nước như Ấn Độ, Campuchia, Lào có thu nhập thấp hơn Việt Nam nhưng lại có dân số trẻ hơn trong khi người dân ở những nước này lại không phải gánh nợ công quá nhiều như người dân Việt Nam.
Mỗi người Việt phải gánh hơn 1.300 USD nợ công (Ảnh: Aaron Joel Santos)
Ông Thành cho rằng, so với mức bình quân các nước, ở “độ tuổi” của Việt Nam thì lẽ ra đã phải đạt thu nhập tương đương Malaysia, tức khoảng xấp xỉ 10.000 USD/người.
“Tuy nhiên thực tế Việt Nam mới chỉ đạt mức thu nhập bằng 1/5 của Malaysia. Hơn nữa người dân Việt Nam hiện đã gánh số nợ công lên đến trên 62% thu nhập trong khi người dân Malaysia chỉ gánh số nợ công chưa tới 52% thu nhập của họ”, vị chuyên gia bình luận.
Video đang HOT
Bối cảnh này để cho thấy rằng Việt Nam không thể tiếp tục trì hoãn cải cách hay chậm chạp trong nỗ lực kiểm soát nợ công của mình trước khi dân số chuyển sang giai đoạn già hóa nhanh hơn. Dự báo, Việt Nam sẽ ở vào giai đoạn dân số già trong vòng 17 năm nữa.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành lo ngại, tình trạng dân số già chắc chắn sẽ đặt ra rất nhiều thách thức cho Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cũng như chính sách hưu trí cho người dân. Lo ngại hơn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động, đặc biệt là lao động có năng suất cao để có thể bứt phá ra khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Trong khi đó, theo một báo cáo cách đây vài năm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thì năng suất lao động của Việt Nam lại thuộc nhóm thấp nhất châu Á – Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5 lần.
“Thực trạng này cho thấy thách thức Việt Nam chưa giàu đã già lại nợ nần nhiều đang rất hiện hữu”, vị chuyên gia nhận xét.
Nguy cơ tiềm ẩn từ nợ của địa phương và tập đoàn kinh tế Nhà nước
Vấn đề là Việt Nam phải có những cải cách thực chất và kiểm soát được nợ công ở mức cam kết. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, việc thực hiện cam kết và tuân thủ kỷ luật ngân sách của Việt Nam đang có vấn đề.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành cho hay, trong Chiến lược quản lý nợ công cũng như trong Chiến lược tài chính đến năm 2020 được ban hành từ năm 2012, Chính phủ đưa ra mức trần bội chi ngân sách cho năm 2015 là 4,5% GDP, sau đó giảm tiếp về mức 4% GDP cho giai đoạn 2016-2020. Nhưng trên thực tế thâm hụt ngân sách năm 2015 theo báo cáo của Chính phủ đã lên đến 6,11% GDP, đó là chưa kể hai năm liền trước 2013 và 2014, thâm hụt ngân sách cũng ở mức rất cao, lần lượt là 6,6% và 6,61% GDP. Điều đáng nói là những con số bội chi ngân sách này không những đã vượt trần bội chi do Chính phủ tự cam kết mà còn vượt trần bội chi do Quốc hội giới hạn.
Tương tự, nợ Chính phủ cuối năm 2015 đã đạt 50,3% GDP, tức cũng vượt trần cho phép. Đối với nợ chính phủ bảo lãnh, tình trạng nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước vay nợ nhưng đến hạn không trả được nợ khiến Chính phủ phải đứng ra trả thay cũng là một nguyên nhân gây căng thẳng ngân sách và sức ép lên nợ công.
Trong khi đó, nợ chính quyền địa phương theo thống kê chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu nợ công và có vẻ như không đáng quan ngại. Thế nhưng, theo các tác giả Nguyễn Xuân Thành và Đỗ Thiên Anh Tuấn, điều “có vẻ” này đang khiến cho nhiều người nhầm tưởng rằng chính quyền địa phương không phải là tác nhân gây ra nợ công và do đó thiếu sự tập trung trong chính sách quản lý nợ công.
“Với tình trạng bao cấp chi tiêu ngân sách từ trung ương cho địa phương như hiện nay đã vô hình chung che đậy nguồn gốc làm tăng thâm hụt ngân sách và do đó gia tăng nợ công ở Việt Nam. Ngoài ra, ở một số bộ ngành, tình trạng thiếu kỷ luật trong chi tiêu ngân sách cũng góp phần không nhỏ làm trầm trọng hơn tình trạng khó khăn ngân sách hàng năm”, các chuyên gia lưu ý.
Một vấn đề khác cũng cần quan tâm, đó là theo báo cáo của Chính phủ, đến cuối năm 2015 nợ công đã đạt 62,2% GDP. Dự kiến đến cuối năm 2016, nợ công sẽ áp sát trần ở mức 64,9%. Dù chưa vượt trần chính thức nhưng theo hai vị chuyên gia, rõ ràng con số này chỉ “đánh lừa thị giác” bởi nó không khác biệt có ý nghĩa với con số 65% GDP.
Trước đó, một nghiên cứu đưa ra năm 2015 của một đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nếu tính toán đầy đủ, tỷ lệ nợ công vào cuối năm 2014 đã lên đến 66,4% GDP, tức có nghĩa là đã vượt trần nợ công cho phép là 65% GDP.
Bích Diệp
Theo Dantri
Nghiên cứu tăng tuổi nghỉ hưu để ứng phó dân số già
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tính toán đưa đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Lao động để lấy ý kiến, trước khi trình Chính phủ vào năm 2017.
Ngày 21/9, tại Hội nghị đánh giá 3 năm thi hành Luật Lao động năm 2012, Thứ trưởng Bộ Lao động Phạm Minh Huân cho biết đang lấy ý kiến điều chỉnh nhiều nội dung trong dự thảo sửa đổi, bổ sung bộ luật này để trình Chính phủ vào đầu năm 2017. Trong đó có cân nhắc điều chỉnh điều 187, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để ứng phó với già hóa dân số, sử dụng tốt nguồn nhân lực và tính đến chuyện "dài hơi" cân đối giữa đóng và hưởng lương hưu.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân. Ảnh: H.P.
Theo ông Huân, phương án tăng tuổi hưu của nữ lên 58 và nam lên 62 từng được trình Quốc hội trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nhưng không được thông qua. Vì vậy, nếu lần này đưa ra vấn đề trên thì phải tính toán kỹ, hoàn thiện các phương án rồi mới trình, trường hợp tăng tuổi hưu thì sẽ có lộ trình cụ thể và thực hiện từng bước. Trong đó tính đến phân loại nhóm ngành nghề khác nhau thì tuổi nghỉ hưu khác nhau, như nghề độc hại và nghề tương đối nhẹ nhàng; xem xét nghỉ hưu cùng một độ tuổi để đảm bảo bình đẳng giữa nam và nữ.
"Tăng tuổi nghỉ hưu và già hóa dân số là câu chuyện chung của nhiều quốc gia hiện nay chứ không phải riêng Việt Nam", ông nói và cho biết, đặc thù của dân số nước ta là đan xen giữa quá trình già hóa và thời kỳ dân số vàng. Điều này đặt ra cho nhà nước 3 vấn đề cần giải quyết tốt là tận dụng nguồn nhân lực, đảm bảo công ăn việc làm và giữ an toàn quỹ lương hưu.
Trả lời ý kiến lo ngại tăng tuổi nghỉ hưu có thể khiến nhiều người "tham quyền cố vị", gây ảnh hưởng đến cơ hội của người trẻ, ông Huân cho rằng phải mở rộng thị trường, phát triển doanh nghiệp tạo nhiều việc làm hơn để giải quyết vấn đề này.
Hiện tuổi nghỉ hưu là nam đủ 60 và nữ đủ 55. Những trường hợp làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... được nghỉ trước thời hạn.
Theo thống kê của Bộ Lao động, tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam đang tăng nhanh, từ 6,9% dân số năm 1979 lên 10,5% hiện nay. Dự kiến đến 2050, Việt Nam có khoảng 10 triệu người cao tuổi. Với chính sách hiện hành thì dự báo tới năm 2050, quỹ lương hưu, tử tuất sẽ bắt đầu mất cân đối và không đủ chi trả các chế độ từ năm 2051.
Ngày 31/10, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật lao động năm 2012 sẽ được công bố để lấy ý kiến, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3, tháng 5/2017 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2017.
Hoàng Phương
Theo VNE
"Chốt" kế hoạch tài chính 5 năm: Nhìn lại có gánh nổi trách nhiệm? Một yêu cầu UB Thường vụ Quốc hội đặt ra với Chính phủ khi cho ý kiến về dự thảo nghị quyết quy định về quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước...