Lễ hội ‘Phá Trằm’, điểm nhấn du lịch ở Hải Lăng
Chốc chốc dưới lòng hồ vang lên tiếng hét thích thú khi một người bắt được con cá lớn.
Trên bờ, những tiếng reo hò, vỗ tay tán thưởng của mọi người cộng hưởng làm cho không khí ngày hội thêm sôi động. Đó là hình ảnh và âm thanh sống động của Lễ hội ‘ Phá Trằm’ nhiều năm nay được tổ chức tại Khu Du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng. Lễ hội dân gian truyền thống này ngày càng được đông đảo du khách gần xa biết, đến tham gia và dần trở thành sản phẩm du lịch điểm nhấn của huyện Hải Lăng…
Lội bùn bắt cá …
Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, ngoài các địa điểm du lịch hấp dẫn khác trong tỉnh thì Khu Du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc cũng trở thành điểm đến của hàng nghìn du khách gần xa và người dân trong tỉnh. Bởi tại đây diễn ra lễ hội “phá Trằm” đầy thú vị.
Người dân tham gia bắt cá bằng các dụng cụ thủ công như nơm, rớ… – Ảnh: ĐV
Ngay từ sáng sớm ngày tổ chức lễ hội (ngày 31/8), mọi ngã đường đổ về Trằm Trà Lộc đông nghịt người. Không khí lễ hội trở nên náo nhiệt hơn khi những người trực tiếp tham gia bắt cá chuẩn bị lỉnh kỉnh nào là nơm, dủi, rớ, lưới, vợt… sẵn sàng “xung trận”.
Sau một hồi trống lệnh của vị hội chủ làng, hàng trăm người ào ào lao xuống lòng hồ đã được rút cạn nước từ những ngày trước để đánh bắt cá. “Người bắt cá thể hiện sự thích thú khi bắt được con cá to là hét lớn lên và mọi người vỗ tay tán thưởng. Đó cũng trở thành nét đặc trưng dễ nhận biết tại lễ hội này”, một chủ nhà hàng tại Khu Du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc cho hay.
Theo quy định, người tham gia bắt cá tại lễ hội chỉ được dùng những công cụ thủ công như nơm, dập, dủi, rớ, vợt…; tuyệt đối không được sử dụng xung điện và các dụng cụ tận diệt nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho lễ hội các năm sau. Đánh bắt cá bằng công cụ thô sơ truyền thống không chỉ tạo cho những người trực tiếp tham gia có trải nghiệm đáng nhớ mà còn đem đến cho người xem sự hồi hộp, thích thú.
Chính vì vậy, mỗi dịp lễ hội “Phá Trằm” diễn ra đã thu hút hàng nghìn du khách đến xem và lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ. Anh Hồ Trọng Chinh, đến từ TP. Đà Nẵng cùng hai con trai nhỏ lội bùn bì bõm, dùng vợt bắt cá dưới lòng hồ một cách say sưa.
Video đang HOT
Người lấm lem bùn, anh Chinh khoe con cá diếc bằng bàn tay vừa bắt được, vui vẻ nói: “Tôi có quê vợ ở Quảng Trị nên biết đến lễ hội này, mỗi dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 tôi thường đưa vợ con ghé Trằm Trà Lộc vui chơi, ăn uống và cùng trải nghiệm bắt cá với các con. Đây là dịp hiếm hoi để cha con chúng tôi có những phút giây trải nghiệm đáng nhớ như trở về với tuổi thơ hồn nhiên, vui tươi. Vào dịp này, chúng tôi cũng sẽ mua thêm ít cá ngon về để gia đình sum vầy ăn lễ”.
Biết được thông tin lễ hội trên mạng xã hội, chị Phan Thị Mơ ở TP. Hà Nội đi du lịch dịp lễ ở Quảng Trị cũng tranh thủ ghé ngang Trằm Trà Lộc để tham quan, chụp lại những bức hình kỷ niệm. Chị Mơ nói rằng đã lâu lắm rồi mình mới được hòa vào không khí một lễ hội cộng đồng mang đậm chất thôn dã này.
“Thấy mọi người bắt cá vui vẻ, người xem cũng hào hứng khiến tôi vui lây. Đây là một lễ hội rất thú vị . Qua những bức hình và trải nghiệm có được, tôi sẽ giới thiệu đến những bạn bè, người thân để có dịp sẽ ghé thăm”, chị Mơ chia sẻ.
Ông Lê Đình Niềm, Hội chủ làng Trà Lộc cho biết, lễ hội đã có từ hơn 300 năm nay. Đây được xem là ngày hội thuần nông của những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè thu hằng năm. Người dân ở Trà Lộc cho rằng, Trằm là do trời đất ban tặng, do vậy sau một năm vất vả, bà con nông dân được “phá Trằm”, được mang chút phước lộc của trời đất về cho mình để được may mắn trong năm.
Tăng thêm sức hút cho “lá phổi xanh” Trà Lộc
Trằm Trà Lộc là một khu rừng tự nhiên, ở trung tâm có một hồ nước rộng đã tồn tại đã hàng trăm năm qua, được người dân địa phương gìn giữ bao đời nay.
Tại đây có di tích tháp chàm Trà Lộc đã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2003. Khu Du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc có diện tích 100 ha, trong đó diện tích lòng hồ là 10 ha. Ngày 30/8/2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định công nhận điểm du lịch cộng đồng sinh thái Trà Lộc.
Ước tính lễ hội “Phá Trằm” Trà Lộc năm 2024 đã thu hút trên 5.000 lượt khách gần xa tham gia, trong đó có khoảng hơn 600 người trực tiếp tham gia đánh bắt cá trong lòng hồ. Trước đây, lễ hội “Phá Trằm” được tổ chức ngay sau khi thu hoạch vụ lúa hè thu nhưng những năm gần đây, nhằm thu hút du khách ở xa đến với lễ hội, Ban Quản lý Khu Du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc đã dời mốc tổ chức vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Chính vì thế, du khách đến với lễ hội ngày càng đông hơn. Hiện nay chính quyền địa phương đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch của địa phương.
Anh Lê Quang Diệu, Trưởng thôn, Trưởng Ban điều hành Làng văn hóa Trà Lộc cho biết, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh và huyện Hải Lăng, đến nay các công trình xây dựng cơ bản và hệ thống giao thông trong Khu Du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc; giao thông kết nối khu du lịch này với các nơi khác đã được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại, phục vụ du lịch. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Khu Du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc ngày càng được mở rộng, có thêm nhiều dịch vụ, trở thành điểm đến bổ ích cho du khách gần xa trong những dịp lễ của quê hương, đất nước.
Đến với Trằm Trà Lộc, du khách được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên trữ tình thơ mộng, được thưởng ngoạn, hít thở bầu không khí trong lành, mát mẻ của “lá phổi xanh” giữa miền cát trắng, hòa quyện với hương sen, hương lúa nồng ấm tình quê. Theo anh Diệu, lễ hội đã diễn ra thành công với không khí đoàn kết, vui tươi, bổ ích và lành mạnh. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông được đảm bảo tốt và tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Cáp Xuân Tá cho biết: “Phá Trằm thực chất là vệ sinh lòng hồ, bắt cá, giữ gìn môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp. Qua lễ hội càng thắt chặt thêm mối quan hệ đoàn kết, gắn bó của cộng đồng dân cư. Những năm qua, huyện Hải Lăng rất quan tâm đến phát triển du lịch, trong đó có lễ hội “Phá Trằm” Trà Lộc. Lễ hội văn hóa dân gian này sẽ tạo ra sản phẩm du lịch điểm nhấn độc đáo trên địa bàn”, ông Tá thông tin.
Nhật Bản vào Thu: 'Mùa gặt hái' ở xứ Phù Tang
Thu đến! Những chiếc lá vàng, lá đỏ, thời tiết tuyệt hảo và rất nhiều lễ hội độc đáo khiến Nhật Bản trở thành điểm du lịch tuyệt vời.
Nhật Bản có rất nhiều lễ hội độc đáo được tổ chức vào mùa Thu. (Nguồn: Kyodo News)
Mùa Thu không những được coi là mùa đẹp nhất ở Nhật Bản, mà còn là khoảng thời gian lý tưởng để du khách thăm đất nước Mặt trời mọc.
Những ngày mùa Thu thời tiết mát mẻ, nắng vàng óng và bầu trời xanh thẳm trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của "những tín đồ xê dịch" trên toàn thế giới. Đây cũng được coi là thời điểm để con người tận hưởng thiên nhiên êm đềm, khi những rừng phong chuyển từ sắc lá xanh sang đỏ. Trong bầu không khí dịu mát và nắng nhẹ, những rừng cây lá dần chuyển màu, tạo nên bức tranh thiên nhiên vô cùng rực rỡ bắt mắt với những tán cây màu cam, đỏ và vàng tươi.
Rực rỡ và náo nhiệt
Với cảnh sắc nhẹ nhàng và lãng mạn trong tiết trời se se lạnh, du khách có thể ghé thăm một khu nghỉ dưỡng suối nước khoáng nóng Onsen nào đó.
Những khu nghỉ dưỡng Onsen vốn nổi tiếng về dịch vụ đẳng cấp, tinh tế, sử dụng nước suối nóng tự nhiên, mang lại sự thư giãn cho du khách sau một ngày dài đi bộ tham quan. Nhiều khu nằm ở vùng quê hoặc vùng núi, hầu hết đều cung cấp dịch vụ nghỉ qua đêm cho khách.
Mùa Thu ở nước Nhật cũng là mùa thu hoạch. Ở miền quê, trên những cánh đồng lúa chín vàng gặt sớm, lúa được buộc xếp ngay ngắn hoặc treo thành hàng. Thời điểm này, người Nhật tổ chức nhiều lễ hội mùa Thu, các cuộc thi đấu thể thao và những hoạt động vui chơi trên khắp cả nước. Rất nhiều hoạt động náo nhiệt đem đến những trải nghiệm thú vị cho du khách.
Những lễ hội hoành tráng
Người ta hay nhắc đến một số lễ hội, sự kiện văn hóa độc đáo, chắc chắn mang lại những ấn tượng khó quên khi du lịch mùa Thu Nhật Bản.
Môn vật Sumo được coi là một nét văn hóa đặc trưng và là môn thể thao truyền thống, với nhiều nghi lễ đặc biệt, trang nghiêm và đầy màu sắc. Trận đấu Sumo diễn ra trên sàn đấu bằng đất sét, được rải cát lên trên. Các võ sĩ Sumo với vóc dáng to lớn là niềm tự hào của thể thao Nhật Bản. Mỗi năm, ở Nhật tổ chức sáu giải đấu Sumo lớn, với ba giải tổ chức ở Tokyo, một giải ở Osaka, một giải ở Nagoya và một giải ở Fukuoka. Mỗi giải bắt đầu vào ngày Chủ nhật và kéo dài 15 ngày. Giải đấu Sumo mùa Thu được tổ chức tại nhà thi đấu Ryogoku Kokugikan, quận Sumida, Tokyo vào giữa tháng Chín hằng năm. Đây là một trong những sự kiện mùa Thu rất hấp dẫn, đáng trải nghiệm và thu hút được đông đảo du khách. Nếu có dịp đi du lịch Nhật Bản, bạn đừng bỏ qua cơ hội tham gia sự kiện này.
Cưỡi ngựa bắn cung Yabusame là một nghi lễ có nguồn gốc từ võ thuật, được hình thành ở đất nước này từ hàng trăm năm trước. Yabusame là cuộc thi cưỡi ngựa bắn cung được các lãnh chúa thời phong kiến tổ chức để kiểm tra kỹ năng và sức mạnh của các võ sĩ samurai.
Ngày nay, Yabusame không chỉ là sự kiện thể thao, mà còn là nghi lễ tôn giáo. Yabussame được tổ chức trên khắp đất nước. Tại thủ đô Tokyo, vào cuối Thu, người dân kéo đến ngôi đền Meiji Jingu, nơi tổ chức biểu diễn Yabusame nổi tiếng nhất ở xứ sở Mặt trời mọc, mang đậm tinh thần Thần đạo (Shinto), tín ngưỡng của dân tộc Nhật Bản.
Lễ hội mùa Thu Sapporo từ ngày 6/9-29/9 là sự kiện ẩm thực lớn, được tổ chức hằng năm tại công viên Odori, trung tâm thành phố Sapporo. Lễ hội là cơ hội tuyệt vời để du khách thưởng thức những tinh hoa ẩm thực của vùng Hokkaido.
Ngày hội ẩm thực này chào đón bạn với đủ loại món ăn hấp dẫn, từ hải sản tươi rói đến những món thịt thơm ngon và những sản phẩm sữa nổi tiếng của vùng Hokkaido. Hãy chiêu đãi bản thân bằng một đại tiệc tuyệt vời và gặp gỡ những người bạn hợp gu ẩm thực ở đây!
Bên cạnh những hoạt động kể trên, còn vô vàn những danh lam thắng cảnh và hoạt động khác để trải nghiệm.
"Nhiều người nói rằng nên đến Nhật Bản vào mùa Xuân để được ngắm hoa anh đào nở rộ, tuy nhiên cá nhân em cho rằng mùa Thu nước Nhật cũng mang đến cho du khách cơ hội chiêm ngưỡng vô vàn cảnh quan đẹp mê hồn", em Hoàng Khánh Vân, nữ sinh trung học ở Hà Nội, người từng du lịch Nhật Bản vào mùa Thu năm trước chia sẻ.
Mùa Thu còn là mùa của những món ăn giản dị mà ngon, như khoai lang nướng, hạt dẻ nướng, hoặc nấm thông Matsutake nổi tiếng là đắt. Một số món ăn truyền thống Nhật Bản vào mùa này rất phổ biến bao gồm món mỳ ramen, tempura, cá sanma, súp nấm... Những món ăn này mới chỉ là một phần trong vô số món ẩm thực hấp dẫn khác mà du khách nên thử một lần trong đời nếu có dịp đến thăm đất nước Phù Tang.
Shuso Imada, Tổng giám đốc Trung tâm thông tin rượu sake và shochu Nhật Bản, cho biết: "Chúng tôi luôn sẵn sàng chào đón du khách nước ngoài".
Thực tế là, ngành công nghiệp không khói đang trở thành một phần không thể thiếu, đồng thời là ưu tiên trong chiến lược tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Theo Reuters, con số 17,78 triệu lượt khách đến trong tháng 6/2024 thiết lập kỷ lục mới trong nửa năm qua và đang trên đà phá vỡ kỷ lục cao nhất hằng năm là 31,9 triệu lượt vào năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Theo đó, mùa Thu cũng là "mùa gặt hái" mà ngành du lịch xứ này trông đợi.
Trải nghiệm bay khinh khí cầu, ngắm Hạ Long từ trên cao Lần đầu tiên lễ hội khinh khí cầu được tổ chức tại Hạ Long, nhiều người dân và du khách đã dành ngày nghỉ lễ Quốc khánh để trải nghiệm ngắm thành phố từ trên cao. Người dân và du khách thích thú trải nghiệm khinh khí cầu tại Hạ Long. Sáng nay 1/9, lễ hội khinh khí cầu lần đầu tiên được...