Lẩu gà lá é
Lẩu gà lá é hay gà nấu lá é là món ăn hấp dẫn, nổi tiếng ở TP Đà Lạt. Tuy nhiên, theo một số người thì món lẩu này chính gốc từ Phan Thiết và được đưa lên đây.
Không quan trọng nguồn gốc, nhưng rõ ràng đây là món ăn không thể thiếu khi đến Đà Lạt, nó ngon và rất hợp với không gian, tiết trời se lạnh của thành phố lúc về chiều.
Tại một quán “gốc” Phan Thiết trên đường Trần Hưng Đạo (TP Đà Lạt), nồi lẩu nhỏ nhất có giá 200.000đ, có thể đủ cho 4 người vừa ăn vừa nhâm nhi, với nồi đầy thịt gà ta thứ thiệt và đặc biệt, nồi nước súp thì không thể chê vào đâu được.
Chủ quán cho biết, mỗi nơi có bí quyết riêng, nhưng không thể thiếu đường phèn và nước súp hầm kỹ với xương heo, trước khi dùng nước đó luộc với thịt gà, tạo nên chất ngọt đậm đà, nhớ đời. Ngoài ra, còn các gia vị, phụ liệu như: hành tím, ớt xanh, măng tươi, sả, tiêu, tỏi…
Đương nhiên, là có một phần đầy rau lá é xanh tươi; đây là loại rau thuộc họ húng, quế, hương nhu, nên cũng là loại rau tốt cho sức khỏe.
Nhất là trong tiết trời chiều tối, Đà Lạt trở lạnh, bên nồi lẩu ấm áp, lá rau mùi giúp cho cơ thể giải cảm cùng với ly rượu đế làm ấm hẳn người lên và câu chuyện bên những người bạn nơi xứ lạnh cũng ấm nồng lên. Lúc ấy, mới hiểu ăn lẩu ở xứ lạnh nó mới đúng điệu làm sao.
Video đang HOT
Lá é khi ăn sống có vị chua chua và chát nhẹ, nhưng khi nhúng sơ qua với nước lẩu (không nên nhúng lâu, sẽ mất ngon), chúng trở nên bùi bùi, thoang thoảng hương thơm và đọng lại gần như tinh dầu bạc hà rất dễ chịu và quyến rũ.
Thịt gà ta chuẩn được quán chế biến vừa đúng độ mềm, nhưng vẫn giữ được độ dai, khi ăn cảm nhận phần da còn giòn sần sật, nếm chút nước súp hoặc chan với bún, nước ngọt lừ từ xương và thịt gà, xộc lên chút vị cay nồng nàn của ớt xiêm xanh, nhấp một ngụm rượu ngon, nghe nó râm ran cơ thể nóng bừng lên sảng khoái.
Theo Đông y, lá é là vị thuốc Nam chữa các bệnh như cảm mạo, ho do lạnh, kích thích tiêu hóa, đặc biệt chống mỏi mệt, giúp ngủ sâu giấc.
Do đó, mà người miền Tây cứ gọi thêm phần rau lá é, chỉ 10.000đ, ăn cho thỏa thích. Trong những ngày lưu lại Đà Lạt, một nhóm bạn có thể “săn lùng” món ăn này, với rất nhiều địa chỉ nổi tiếng thu hút nhiều thực khách.
Nếu gần khu vực hồ Xuân Hương, có thể tìm đến các quán Tao Ngộ đường 3 Tháng 4, hoặc quán lẩu gà lá é “gốc” Phan Thiết, trên đường Trần Hưng Đạo, hẳn thực khách sẽ cảm thấy thú vị thêm với trải nghiệm một chiều lang thang cùng Đà Lạt.
Lẩu riêu bắp bò
Một món lẩu thơm ngon hấp dẫn nhưng không hề khó làm. Với công thức món lẩu riêu bắp bò do chính tay bạn làm cũng ngon không kém ngoài hàng quán đâu nhé!
Nguyên liệu
600g cua đồng xay, 200g bắp bò hoa, 1 quả trứng vịt, tiêu xanh 3 nhánh, 100g hành tím bào, 100g nấm rơm, 200g nấm linh chi trắng, nâu. Rau nêm: hành lá.
Ăn kèm: bún tươi và các loại rau (rau dền, mồng tơi, cải con, đọt su su, bông bí, bông mướp hương...). Gia vị: dầu ăn, muối, đường, nước mắm, bột ngọt, hạt nêm.
Thực hiện
- Cho 0,5l nước lọc vào thịt cua xay, khuấy đều, gạn lấy phần thịt cua. Cho tiếp 1l nước nữa vào phần xác cua, khuấy đều lần nữa, gạn lấy phần nước cua, lọc bỏ xác.
- Bắp bò cắt lát mỏng, xếp ra dĩa. Các loại rau ăn kèm lặt rửa sạch, xếp ra dĩa.
- Tiêu xanh đập giập. Nấm rơm cắt chữ thập ở phần đầu. Trứng vịt đánh tan.
- Nấu riêu: Cho trứng vịt, 1/2 muỗng muối, 1/2 muỗng bột ngọt vào nồi nước cua khuấy đều. Đặt lên bếp nấu với lửa vừa đến khi nước cua sôi, dùng sạn gỗ khuấy nhẹ xung quanh nồi để không bị khét và phần váng cua nổi lên mặt. Dùng vợt vớt lấy phần váng cua để ráo nước, cho ra dĩa.
- Nấu nước riêu: Đun nóng dầu, cho hành tím, tiêu xanh, ớt hiểm vào xào thơm, cho gạch cua vào đảo đều, múc 1/2 lượng hành, tiêu, ớt đã xào cho lên phần váng riêu, sau đó cho nấm rơm, nấm linh chi vào phần hành, tiêu, xào nhanh tay. Tắt lửa, trút hết vào nồi nước riêu, nêm 1/2 muỗng muối, 1/2 muỗng bột ngọt, 1 muỗng canh đường, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh nước mắm, khuấy đều, đợi sôi, tắt lửa.
- Múc nước riêu qua nồi lẩu, cho hành lá, hành phi, thịt bò và riêu cua vào, ăn kèm bún tươi và các loại rau.
Mách nhỏ
- Cho nước vào hai lần để gạn lấy được hết phần thịt cua.
- Cho trứng vịt vào nước cua để tạo sự kết dính của váng cua.
- Nấu nước cua với lửa nhỏ để riêu cua không bị bể và nước cua trong.
Lẩu tả pí lù Thay đổi khẩu vị với món "lẩu tả pí lù". Vị lẩu ngọt thanh đậm đà chua vừa, hành boaro xào giúp nước lẩu có mùi thơm nhẹ nhàng và có vị ngọt. Nguyên liệu 1 cây hành boaro, 1 trái bắp Mỹ, 1 củ cà rốt gọt vỏ, 1 lít nước dừa, 10g nấm hương khô. Rau nêm: xá bấu. Ăn kèm:...