Lật mặt những ông trùm đình đám nhất VN
Sau những chuyên án lớn đã thành công, một số lượng băng nhóm tội phạm hoạt động chuyên nghiệp đã lộ diện.
Không ít tay giang hồ cộm cán cầm đầu những băng đảng hoạt động chuyên nghiệp trong nhiều loại hình phạm tội. Tội phạm có tổ chức nổi là một trong những vấn nạn nhức nhối bậc nhất hiện nay, chính vì vậy lực lượng Công an đã phải vào cuộc mạnh mẽ để bóc gỡ những băng nhóm tội phạm đang manh nha trở thành những tổ chức chuyên nghiệp, quy mô xuyên tỉnh thậm chí là xuyên quốc gia.
Bắt giữ ông trùm cá độ miền Bắc
Được coi là một chuyên án then chốt mở màn cho hàng loạt những chuyên án khác, vụ bắt giữ ông trùm cá độ Cường “tỉnh” ở Từ Sơn (Bắc Ninh) cho đến nay vẫn được coi là một trong những thành công bậc nhất mà Cục C45, Bộ Công an thực hiện được trong năm 2012.
Cường “tỉnh” tên đầy đủ là Phạm Văn Cường, một tên tuổi lớn trong giới giang hồ Từ Sơn, một đối tượng được coi là “đại ca của các đại ca”. Cường nắm trong tay một đường dây cá độ bóng đá xuyên quốc gia, bên cạnh đó đối tượng này là ông chủ của một hệ thống cho vay nặng lãi khét tiếng đất Kinh Bắc. Với những hoạt động ngầm hái ra tiền như vậy, tài sản của Cường được nhân lên theo ngày, chính vì vậy, dù mới chỉ hơn 30 tuổi nhưng nhân vật này được xếp vào hàng ngũ nhưng “đại gia” giàu có bậc nhất đất Từ Sơn.
Xét về quy mô của đường dây cá độ trực tuyến của Cường được đánh giá là “khủng” vì từ trước đến nay, lực lượng chức năng vẫn chưa phát hiện được tổ chức nào như thế này. Được liên kết với tổ chức cá độ ở nước ngoài, hàng ngày Cường nhận lệnh đánh ở khắp các nơi ở mọi tỉnh chủ yếu là ở miền Bắc.
Trên mọi giải đấu, Cường đều tổ chức nhận lệnh đánh, số lượng tiền cũng chẳng hạn chế, các con bạc có thể thoải mái đặt tiền. Số lệnh đánh này sẽ được Cường chuyển thẳng sang nhà cái bên nước ngoài và được trả một phần trăm hoa hồng rất hậu hĩnh. Nếu chỉ tính riêng tiền “cắt phế” với nhà cái, số tiền hàng ngày Cường kiếm được, nếu con bạc đánh lớn có khi lên tới cả trăm triệu đồng.
Để đường dây cá độ được hoạt động một cách trơn tru và kín kẽ, Cường thiết lập một hệ thống chân rết ở khắp các tỉnh thành lớn như Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Nội. Lực lượng này có trách nhiệm nhận lệnh đánh của các con bạc sau đó chuyển về cho Cường. Chính cách bố trí người như thế này mà lượng người tham gia cá độ trong đường dây của Cường rất đông đúc.
Với việc mọi hoạt động đánh bạc, cá độ đều thực hiện trên máy tính, có thể khẳng định, hành vi phạm tội của Cường là rất kín đáo và khó phát hiện. Tuy nhiên, để xóa sạch dấu vết, Cường hệ thống thiết bị trong đường dây được thiết kế nếu trong trường hợp cần thiết, chỉ cần gập máy lại thì mọi dữ liệu sẽ bị xóa sạch.
Tuy nhiên, nếu chỉ là một ông chủ của đường dây cá độ thì có lẽ Cường sẽ chẳng thể nào vươn lên được hàng “đại gia” giàu có bậc nhất đất Từ Sơn. Để tận thu mọi nguồn lợi có thể tạo ra, Cường bắt chẹt các con bạc ở rất nhiều mặt để kiếm tiền cho mình. Cách tính tiền quy đổi ra ngoại tệ của Cường cũng mang một tỉ lệ vô cùng “cắt máu”. Khi con bạc nộp tiền Việt Nam vào để chơi thì tỉ lệ có thể lên tới 50, thậm chí là 70 nghìn/1 USD, khi thua thì không nói làm gì nhưng khi thắng thì chỉ được tính 20 nghìn/1 USD. Cách tính tiền có thể nói là “vô lý” này đã giúp Cường thu lợi rất lớn ngay trên số tiền của các con bạc.
Ngoài việc nhận lệnh chơi cá độ, Cường còn tổ chức cho vay nặng lãi. Các con bạc khi tới chơi, chỉ cần thế chấp vật gì đó là ngay lập tức Cường sẽ cho vay. Bất kể số tiền đó là bao nhiêu, miễn là con bạc cảm thấy cần thì Cường sẽ đáp ứng. Số lãi tính theo ngày trên mỗi triệu nên chỉ cần con bạc vay khoảng 100 triệu thì chỉ sau một tháng, số tiền này đã lên cao ngất ngưởng.
Tuy nhiên, ở đường dây cá độ của Cường, chẳng mấy khi có những người vay “ít” như vậy. Đã nói đến vay thì đều ở giá trị tiền tỉ, chính điều này đã tạo ra một khoản thu vô cùng lớn nữa cho Cường.
Tổ chức cá độ, cho vay nặng lãi, điều dĩ nhiên Cường phải bố trí một lực lượng đàn em thật sự đông đảo để làm tay sai cho mình. Dưới tay Cường luôn thường trực một đội ngũ đao búa nhiều “số má” luôn sẵn sàng thực hiện mọi mệnh lệnh mà đại ca giao phó. Số “nhân viên” này được Cường trả lương theo tháng, hàng ngày cứ rong nhan đi chơi nhưng hễ có lệnh thì ngay lập tức phải có mặt.
Băng nhóm Cường “tỉnh” cùng vũ khí.
Có nhiều đàn em, Cường thỏa sức chèn ép người khác, đặc biệt là những con bạc mắc nợ gã. Hễ những ai không có tiền trả cho Cường thì ngay lập tức phải gán nhà, gán xe. Mà cũng chẳng có ai chống lại được uy danh của gã giang hồ này vì chỉ cần có biểu hiển “bất thường” sẽ ngay lập tức bị đám đệ tử cho nhận đủ.
Video đang HOT
Sau một thời gian tổ chức cá độ, cho vay nặng lãi, tài sản của Cường ngày một nhiều lên. Nhà đất, xe cộ nhiều vô kể, người dân Từ Sơn đồn đại nhau rằng, cứ ở những vị trí đẹp nhất nơi này thì kiểu gì cũng có một mảnh đất của Cường. Nhưng sự thật thì gần như tất cả những khối lượng bất động sản đó đều là do Cường cưỡng ép được từ các con bạc.
Là một người có tiền, dưới tay lại nhiều đàn em nên cách sống của Cường cũng vô cùng hống hách. Có những người vì một mâu thuẫn nào đó bị Cường đánh tới mức phải nhập viện nhưng cũng chẳng dám trình báo cơ quan chức năng vì sợ cái uy danh của “ông vua con ở đất Từ Sơn”.
Những hoạt động cá độ, tín dụng đen, cách sống hung đồ chèn ép người khác của Cường đã gây ra sự phẫn nộ gay gắt trong đời sống người dân. Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài vẫn chưa có ai dám “động” đến gã giang hồ này.
Nắm bắt được tình hình thực tế thông qua công tác trinh sát nội tuyến, lực lượng Cục C45, Bộ Công an đã quyết định thiết lập chuyên án điều tra, bóc gỡ băng nhóm tội phạm do Cường “tỉnh” cầm đầu. Để tránh những sơ suất có thể xảy ra, tất cả các chiến sĩ tham gia điều tra vụ án này đều được Cục C45 đặc cử và danh sách được đảm bảo tuyệt mật. Chọn thời điểm mùa bóng Euro 2012 khởi tranh, Bộ Công an nhận định đây là thời điểm thích hợp để lật tẩy toàn bộ ổ nhóm của Cường vì chắc chắn, đường dây cá độ sẽ hoạt động một cách mạnh mẽ trong khi giải đấu diễn ra.
Sau một quá trình trinh sát, điều tra thu thập thông tin, những bằng chứng chứng minh tội trạng của Cường và đồng bọn đã nằm trong tay ban chuyên án. Kế hoạch bắt giữ được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để đảm bảo việc chắc chắn sẽ bắt được Cường. Để tránh những tình huống có thể xảy ra, ban chuyên án đã chọn lúc Cường chỉ có một mình để bắt giữ vì qua công tác điều tra, các trinh sát đã nắm được thông tin, Cường có rất nhiều vũ khí nóng và luôn mang theo mình.
Với một lực lượng đủ mạnh, ban chuyên án của Cục C45 đã bắt giữ được Cường khi đối tượng này đang di chuyển từ nhà ra ngõ. Lực lượng trinh sát sau đó cũng nhanh chóng đột kích để khám xét nhà Cường. Đúng như dự đoán, trong ngôi nhà của ông trùm giang hồ này có chứa rất nhiều loại vũ khí như súng đạn, dao kiếm, bình xịt hơi cay… quan trọng hơn, ban chuyên án cũng thu được nhiều bằng chứng về việc tổ chức cá độ, đây có thể coi là một yếu tố then chốt để kết tội được Cường.
Đánh sập ổ nhóm cờ bạc liên tỉnh
Trong giới đỏ đen, bấy lâu nay vẫn truyền miệng nhau về sới bạc ở khu vực chùa Dận (Từ Sơn – Bắc Ninh) là có quy mô vào loại lớn nhất nhì miền Bắc. Nắm bắt được tình hình này, trong quý 4 của năm 2012, Cục C45 đã quyết định thành lập chuyên án bóc gỡ ổ nhóm đánh bạc này.
Thực ra sau chuyên án bắt giữ Cường “tỉnh” thông qua một số nguồn thông tin, các trinh sát cũng đã nắm được phần nào thông tin về những sới bạc “khủng” ở Từ Sơn. Tuy nhiên, do cách thức tổ chức của những sới bạc này rất kín đáo, thường xuyên thay đổi địa điểm nên việc bắt giữ là rất khó khăn.
Trước sự nhức nhối mà các sới bạc đã gây ra, lãnh đạo Cục C45 đã quyết định mở chuyên án để đánh sập các sới bạc này. Qua một quá trình điều tra, ban chuyên án đã nắm được thông tin về một đối tượng có tên là Đức “vẩu” (tên đầy đủ là Dương Anh Đức, nhà ở Từ Sơn – Bắc Ninh), đây được coi là kẻ đã đứng ra tổ chức sới bạc lớn nhất khu vực chùa Dận.
Đức “vẩu” vốn là đối tượng từng có tiền án về tội đánh bạc. Trong năm 2007, Đức cũng đã từng bị Cục C45 bắt giữ trong một lần tổ chức đánh bạc ở khu vực Thạch Thất-Hà Nội. Ở vụ án này, Đức “vẩu” chỉ đóng vai trò đồng phạm nên nhận án tù vài năm là trở về.
Sau khi được trả tự do, thay vì từ bỏ con đường tổ chức đánh bạc thì Đức lại đi sâu hơn. Thay vì cùng những đối tượng khác kết hợp để thành lập sới, lần này Đức tự đứng ra tổ chức ngay tại khu vực mình ở để thu lời. Vốn là ông chủ của một nhà nghỉ khá lớn ở Từ Sơn, thực ra việc kiếm tiền đối với Đức cũng chẳng đến nỗi khó khăn. Tuy nhiên, do những khoản lợi nhuận siêu lớn từ việc tổ chức đánh bạc mà đối tượng này đã không thể từ bỏ được con đường cũ.
Có được kinh nghiệm sau những lần tổ chức đánh bạc ở khắp nơi, khi trở về Từ Sơn, Đức đã tổ chức sới bạc của mình một cách hết sức kín đáo và tinh vi. Địa điểm đánh bạc luôn được thay đổi theo ngày. Tất cả các con bạc khi tới chơi đều phải tập kết xe ở khu vực đền Đô cách khu vực chơi chừng 2km.
Khi tới địa điểm này, các con bạc sẽ gọi cho người của Đức “vẩu” ra đón để đưa đến những khu vực đã được chỉ định từ trước sẽ là tổ chức sới bạc. Bên cạnh đó, dưới tay Đức “vẩu” còn có một đội ngũ chim lợn vô cùng đông đảo được bố trí ở khắp các nơi xung quanh khu vực đánh bạc, chỉ cần có những bất thường xảy ra thì sẽ ngay lập tức thông báo về để sới bạc kịp thời giải tán.
Không giống như Cường “tỉnh” tổ chức đỏ đen trên mạng, Đức “vẩu” tổ chức đánh bạc truyền thống với hình thức là xóc đĩa. Khi các con bạc vào chơi sẽ thỏa sức đặt cửa với nhau, Đức đơn thuần chỉ là người thu vé vào cửa và phục vụ những nhu cầu bên ngoài.
Để được chơi trong sới bạc của Đức, mỗi con bạc phải bỏ ra số tiền là 1 triệu đồng coi như vé vào cửa. Ngoài ra, Đức cũng bố trí sẵn một lực lượng phục vụ đông đảo để đáp ứng mọi nhu cầu của con bạc từ việc ăn uống, ngủ nghỉ cho đến cả gái mại dâm nếu như con bạc nào muốn “giải đen”.
Tuy nhiên, để tận thu số tiền kiếm được từ các con bạc, Đức còn mở cửa cho đám người hoạt động “tín dụng đen” được vào sới. Người nào muốn vào được sới bạc của Đức để cho vay tiền thì phải nộp 500 nghìn tiền lệ phí. Mỗi ngày Đức tổ chức 2 ca đánh bạc trong khoảng thời gian vài tiếng. Kết thúc mỗi ca đánh, dù thắng hay thua các con bạc cũng đều phải đứng dậy.
Số lượng các con bạc tìm đến sới bạc của Đức lên tới cả trăm người, chính vì vậy chỉ tính riêng tiền thu phí vào cửa, mỗi ngày đối tượng này cũng kiếm được cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, để những hoạt động đỏ đen của mình được giữ bí mật tuyệt đối, Đức thường xuyên thay đổi địa điểm, các con bạc trước khi đến chơi không thể biết được rằng mình sẽ chơi ở đâu mà chỉ đến khi được người dẫn đi mới biết.
Ở Từ Sơn, Đức “vẩu” cũng là một kẻ vô cùng tiếng tăm. Tuy nhiên, thay vì gây tiếng xấu như Cường “tỉnh”, Đức “vẩu” lại rất được lòng những người xung quanh. Là một người sống kín tiếng, ít va chạm nhưng tiếng tăm trong giới giang hồ đất Từ Sơn của Đức cũng chẳng phải thuộc dạng bé nếu như không muốn nói là “đại ca mâm trên”.
Chính nhờ uy danh này mà việc Cường tổ chức sới bạc ở đâu, muốn nhờ vả ai là chuyện chẳng có gì là khó khăn cả. Theo giới giang hồ đồn đại thì không chỉ ở Từ Sơn mà Đức còn tổ chức đánh bạc ở một số tỉnh, thành như Bắc Giang, Hưng Yên, thành phố Bắc Ninh ở bất kỳ nơi nào sới bạc cũng vô cùng lớn.
Sau khi đã nắm được những thông tin chắc chắn về sới bạc của Đức, ngày 29/11/2012, lãnh đạo Cục C45 đã quyết định huy động lực lượng đột kích vào nơi các con bạc đang sát phạt. Theo thông tin thu thập được từ trước, trong ngày 29, Đức tổ chức đánh bạc ngay tại nhà nghỉ Tuấn Sơn của mình. Đây có thể coi là thời cơ hiếm có vì nó là bằng chứng vô cùng xác thực để chứng minh tội trạng của Đức.
Với sự kết hợp của nhiều lực lượng như Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự, các Cục nghiệp vụ khác thuộc Bộ Công an, đúng đầu giờ chiều 29/11, tất cả các mũi truy kích bắt đầu đột đánh trực diện vào sới bạc của Đức “vẩu”. Tuy nhiên, trước đó, để vô hiệu hóa hoàn toàn lực lượng chim lợn do Đức bố trí, lực lượng cảnh sát đã phải dùng 2 xe ôtô cỡ lớn được ngụy trang như xe đám cưới để hành quân. Chính nhờ sự khéo léo này mà các đối tượng do thám đã không thể nào phát hiện được lực lượng điều tra.
Cuộc đột kích của lực lượng Cảnh sát diễn ra đúng như kế hoạch đã dự định từ trước. Có tới gần trăm con bạc đã bị bắt giữ ngay tại chỗ. Số tiền thu được tại chiếu bạc lên tới hơn 6 tỷ đồng cùng nhiều loại vật dụng có giá trị. Lực lượng đột kích cũng thu được số tiền hơn 70 triệu đồng ngay tại bàn của Đức “vẩu”, đây được nhận định là số tiền thu được từ tiền vào cửa của các con bạc.
Với việc bị bắt quả tang như vậy, Đức “vẩu” đã chẳng còn cơ hội để mà chối tội. Lại một lần nữa, ông trùm trong giới tổ chức đánh bạc này lại bị bắt giữ. Tuy nhiên, lần này với vai trò là kẻ chủ chốt đứng ra tổ chức đánh bạc, Đức “vẩu” sẽ khó tránh khỏi một bản án nghiêm khắc của pháp luật.
Trùm bảo kê Sông Lô phải xộ khám
Cũng trong những chuyên án lớn mà Cục C45 đã thực hiện trong năm 2012, một băng nhóm tội phạm cộm cán chuyên bảo kê các thuyền, xà lan khai thác cát dọc sông Lộ khu vực các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc cũng đã bị bóc gỡ.
Sau chuyên án này, hai đối tượng được coi là giang hồ cộm cán cũng đã lộ diện. Điều nhận thấy rõ nét nhất là sau khi ổ nhóm này bị bắt giữ, tình hình an ninh trật tự trên tuyến đường sông này đã được thiết lập ổn định trở lại tạo ra cuộc sống thật sự thoải mái cho người dân.
Trong một thời gian khá dài trước đây, trên dọc tuyến sông Lô, tình hình khai thác khoáng sản diễn ra hết sức phức tạp. Điều đáng nói là trong số những xà lan khai thác cát có rất nhiều chiếc là khai thác trái phép. Tuy nhiên, điều nổi cộm lại nằm ở chỗ, một số chiếc dù không được cấp phép nhưng vẫn ung dung khai thác một cách ngang nhiên. Theo lời đồn đại của những người tham gia hoạt động này thì những thuyền bè, xà lan khai thác trái phép kia là do được một nhóm giang hồ bảo kê nên chẳng ai dám động tới.
Ngoài việc khai thác trái phép, nhóm giang hồ bảo kê cùng với những thuyền bè khai thác trái phép đã khiến cho tình hình an ninh trật tự ở những nơi chúng hoạt động vô cùng rối ren. Đã có không ít vụ bắn giết, đánh nhau diễn ra mà cơ quan chức năng vẫn chưa thể giải quyết được.
Nhận thấy tình hình quá bức bối này, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục C45 vào cuộc điều tra làm rõ vấn đề. Nhiệm vụ mà Cục C45 phải thực hiện chính là việc phải làm rõ được các đối tượng trong băng nhóm bảo kê, thiết lập lại tình hình an ninh trật tự tại các địa bàn dọc tuyến khai thác cát trên sông Lô.
Sau một thời gian điều tra, ban chuyên án của Cục C45 bắt giữ được 2 đối tượng là Nguyễn Tuấn Minh (29z tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Trịnh Xuân Giang (29 tuổi, ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Khám xét hai đối tượng này, lực lượng chức năng cũng thu được số lượng vũ khí khá lớn bao gồm: 1 súng bắn đạn hoa cải, 1 súng bút máy, 1 súng kiểu Rulo.
Theo nhận định, Giang và Minh là hai đối tượng chính trong băng nhóm bảo kê các xà lan khai thác cát. Chúng là những kẻ đã trực tiếp đứng ra chỉ đạo cho những xà lan không có giấy phép hoạt động được khai thác một cách công khai.
Sau chuyên án này, tình hình an ninh trật tự trên dọc tuyến sông Lô phần nào đã được thiết lập trở lại. Các thuyền bè, xa lan khai thác cát ở đây đã được đưa vào hoạt động một cách quy củ, có tổ chức. Tuy nhiên, sau chuyên án này của Cục C45, một số vấn đề nổi cộm đã hiện rõ lý giải tại sao một băng nhóm bảo kê lại có thể tồn tại trong một thời gian khá lâu như vậy?
Trong một cuộc họp tại trụ sở Bộ Công an giữa lãnh đạo Bộ và Cục C45, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo rất cụ thể: Nhiệm vụ của lực lượng Công an là phải làm rõ tình hình khai thác cát trái phép, gây mất an ninh trật tự trong thời gian dài ở Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Phú Thọ có “bảo kê” hay không? Nếu có cần làm rõ ai là người đứng ra “bảo kê” cho giới giang hồ sông nước lộng hành…
Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an cùng sự quyết tâm của các lực lượng trong ngành, trong thời gian tới, cụ thể là năm 2013 chắc chắn sẽ có không ít đối tượng cộm cán lộ diện và những băng nhóm tội phạm từ đó cũng bị đánh sập.
Theo 24h
Theo dấu tội phạm "ngoại" ở Việt Nam
Trong số những chuyên án đấu tranh chống tội phạm có yếu tố nước ngoài, tôi không thể quên được những ngày tháng cùng đồng đội điều tra khám phá đường dây tội phạm xuyên quốc gia, chuyên hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức sử dụng thẻ tín dụng giả tại Việt Nam.
Cách đây hơn một năm, chúng tôi phát hiện tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xảy ra một số vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản do các đối tượng người nước ngoài thực hiện bằng thủ đoạn sử dụng thẻ tín dụng giả. Đánh giá đây là loại tội phạm mới, mang tính quốc tế, với phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản, uy tín đối với các doanh nghiệp, ngân hàng trong nước, chúng tôi đã báo cáo Đại tá Nguyễn Đức Chung (khi đó là Phó Giám đốc - Thủ trưởng cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội) xin xác lập chuyên án để tập trung áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tổ chức điều tra. Nghe chúng tôi báo cáo, Đại tá Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Phòng CSHS - CATP Hà Nội phối hợp ngay với CATP Hồ Chí Minh và Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an điều tra truy xét, làm rõ hoạt động của đường dây tội phạm này.
Theo chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ hồ sơ từng vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản mà đối tượng là người nước ngoài và tập trung vào vụ một nhóm đối tượng người nước ngoài sử dụng thẻ tín dụng giả lừa đảo, chiếm đoạt hơn 230 triệu đồng của chủ hiệu vàng ở phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm. Trong quá trình điều tra, chúng tôi phát hiện vụ án này có liên quan đến một nữ hướng dẫn viên du lịch tên là Hiên, quê ở tỉnh Cao Bằng. Sau nhiều ngày xác minh, tìm kiếm, chúng tôi mới triệu tập được Hiên từ Cao Bằng về Hà Nội để đấu tranh. Từ kết quả khai thác Hiên, cơ quan điều tra đã phát hiện và làm rõ các đối tượng Lin Cheng, SN 1965, quốc tịch Trung Quốc và Ng Yan Hai, SN 1958, quốc tịch Malaysia.
Tiến hành bắt giữ Ng Yan Hai và tổ chức đấu tranh khai thác, chúng tôi được biết đối tượng này nằm trong một tổ chức tội phạm người Malaysia, được chia thành nhiều nhóm từ 3 đến 5 người, xâm nhập Việt Nam để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của chúng là dùng thẻ tín dụng giả mua hàng hóa có giá trị cao, sau đó mang về Malaysia tiêu thụ. Ng Yan Hai còn khai tổ chức tội phạm của chúng không chỉ hoạt động tại Việt Nam, mà đã từng gây án ở nhiều nước trên thế giới. Trong tổ chức tội phạm quốc tế này có đối tượng đang trốn truy nã của Interpol, hoạt động phạm tội rất liều lĩnh, manh động.
Với những tài liệu, chứng cứ thu thập được, chúng tôi đã họp Ban chuyên án và nhận được sự chỉ đạo của cấp trên phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an và lực lượng An ninh Hàng không của 2 sân bay Quốc tế lớn là Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), nhằm chủ động giám sát các đối tượng trong tổ chức tội phạm quốc tế ngay khi chúng tới Việt Nam qua đường hàng không. Chúng tôi đã chủ động làm việc với các khách sạn và một số nơi tụ tập vui chơi giải trí có sự xuất hiện của nhiều người nước ngoài, cùng với lái xe taxi ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... để nắm vững những di biến động của các đối tượng trong ổ nhóm tội phạm người nước ngoài, chủ động đón lõng và áp dụng các đối sách thích hợp ngay khi chúng đặt chân đến Hà Nội gây án. Sau nhiều tháng áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi đã phát hiện và bắt quả tang 3 nhóm tội phạm gồm 7 đối tượng, trong đó có 1 đối tượng có lệnh truy nã của Cảnh sát Malaysia, ngay khi chúng đến Hà Nội.
Nhóm thứ nhất bị chúng tôi thực hiện các biện pháp trinh sát từ sân bay quốc tế Nội Bài về một cửa hàng chuyên mua bán đồ điện tử gia dụng ở phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm. Chúng gồm các đối tượng Hoh Swee Tat, SN 1970 và Yee Chin Huat, SN 1977, đều mang quốc tịch Malaysia, nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường du lịch. Sau khi đến TP Hồ Chí Minh, chúng tiếp tục bay ra Hà Nội và sử dụng thẻ tín dụng giả để mua lô hàng điện tử trị giá 45 triệu đồng với nhiều máy tính bảng Ipad tại cửa hàng bán đồ điện tử ở phố Bà Triệu. Nhóm thứ hai gồm Koon Wen Long, SN 1978 và Wong Kim Fatt, SN 1979, đều mang quốc tịch Malaysia, cũng bị chúng tôi phát hiện, bắt quả tang khi đang mua Iphone và máy tính bảng bằng thẻ tín dụng giả trị giá gần 70 triệu đồng tại cửa hàng bán đồ điện tử ở phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Ngay sau khi bắt giữ 2 nhóm tội phạm nêu trên, chúng tôi đã phổ biến phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này đến các ngân hàng, cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đồ điện tử trên địa bàn thành phố, nhằm chủ động đón lõng và bắt giữ đồng bọn của chúng. Từ thông tin của một cửa hàng bán đồ điện tử ở phố Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng cung cấp, chúng tôi tiếp tục phát hiện, bắt quả tang Soon Kok Loon, SN 1978; Saw Wei Loon, SN 1992, đều mang quốc tịch Malaysia và Yan Qian, SN 1973, quốc tịch Trung Quốc, đã có hành vi sử dụng thẻ tín dụng giả để mua một số lượng lớn Iphone và Ipad tại cửa hàng này. Cùng với việc bắt giữ các đối tượng, chúng tôi đã khám xét nơi ở trọ của chúng tại Hà Nội và phát hiện, thu giữ 3 máy sản xuất thẻ tín dụng giả mang tên các ngân hàng quốc tế; 464 thẻ tín dụng giả; 7 máy tính xách tay sử dụng vào việc chế tác thẻ tín dụng giả; 8 máy tính bảng; 7 điện thoại di động; 11 hộ chiếu và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án.
Trong quá trình khai thác ban đầu, 3 nhóm đối tượng trên tỏ ra lì lợm, không chịu khai báo. Nhằm tháo gỡ bế tắc, làm rõ hành vi phạm tội của bọn tội phạm này, Đại tá Nguyễn Đức Chung đã nhiều đêm thức cùng các thành viên trong Ban chuyên án đấu tranh với các đối tượng ngoan cố. Trước những lập luận sắc bén và chiến thuật hỏi cung sắc sảo của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội, các đối tượng phạm tội đã phải khai nhận chúng thuộc tổ chức tội phạm do các đối tượng người Trung Quốc và Malaysia cầm đầu. Nhiệm vụ của chúng là mang thẻ tín dụng giả sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam để mua hàng hóa có giá trị kinh tế cao, rồi mang về giao lại cho "ông trùm" và được chia lợi nhuận từ việc bán số hàng hóa do phạm tội mà có. Các nhóm tội phạm này đã nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam để gây án tại các thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Chúng tôi đã khởi tố bị can, tạm giam toàn bộ số đối tượng nằm trong đường dây tội phạm quốc tế nêu trên, tiếp tục mở rộng chuyên án để bắt giữ các đối tượng khác khi chúng đến Việt Nam gây án.
( Ghi theo lời kể của Đại tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng CSHS - CATP Hà Nội)
Theo Hồng Tuấn
ANTĐ
Bắt băng chuyên dàn cảnh đụng xe để cướp tài sản Tối 29.1, thượng tá Trần Văn De, Phó trưởng Công an Q.Phú Nhuận (TP.HCM) cho biết cơ quan điều tra đang tạm giữ Nguyễn Nhật Tùng (31 tuổi, ngụ Q.4), Bùi Văn Hồng Dương (ngụ Q.8), Huỳnh Nguyễn Hữu Vinh (ngụ Q.4), Lê Trung Vũ (ngụ Q.1, cả ba đều 23 tuổi) và Xiu Cẩm Lý (34 tuổi, quê Đồng Nai) để điều...