Larry Page và Sergey Brin ra đi, “văn hóa mở” của Google liệu có còn tồn tại?
Phong thái tự do nổi tiếng của gã khổng lồ tìm kiếm đã dần xói mòn trong thời gian qua, khi Google ngày càng phát triển và mở rộng mạnh mẽ.
Khi 200 nhân viên Google và các đồng minh của họ tổ chức tuần hành tại San Francisco vào tháng trước, mục đích họ đưa ra là nhằm phản kháng việc lãnh đạo công ty trả thù các nhân viên lên tiếng phản đối Google. Nhưng một trong số những người tham gia biểu tình đã trưng ra một biểu ngữ với 4 từ diễn tả ngắn gọn mục đích sâu xa hơn: “Save our open culture” – Hãy giải cứu văn hóa mở của chúng ta!
Phong thái tự do nổi tiếng của gã khổng lồ tìm kiếm đã dần xói mòn trong thời gian qua, khi Google ngày càng phát triển và mở rộng mạnh mẽ. Hôm thứ 3, tương lai của hãng bị đặt trước một câu hỏi lớn hơn nhiều sau khi bộ đôi đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin công bố một quyết định trọng đại: họ sẽ rời khỏi vị trí lãnh đọa của Alphabet – công ty mẹ của Google, nhường chỗ cho CEO Google hiện tại là Sundar Pichai.
Các nhà sáng lập luôn là những người song hành với văn hóa của công ty. Steve Jobs đưa chủ nghĩa hoàn hảo của Apple lên một tầm cao mới. Jeff Bezos đặt ra sứ mệnh lấy khách hàng là trọng tâm cho Amazon. Tại Google, Page và Brin là đại diện bằng xương bằng thịt cho – và là mối liên hệ trực tiếp đến – một nền văn hóa mở đầy lãng mạn, thúc đẩy sự sáng tạo, kể cả khi văn hóa này không ngay lập tức mang lại lợi ích cho công ty.
Page và Brin đặt Google trên một nền móng đề cao minh bạch nội bộ, mặc cho nếu nhìn từ bên ngoài, đôi lúc nền móng này cũng mập mờ hệt như thuật toán tìm kiếm của công ty vậy. Các nhân viên Google được khuyến khích kiểm tra các dự án mà đồng nghiệp họ đang phát triển, một điều chưa từng có tại thung lũng Silicon. Theo thước đo của Mỹ, môi trường làm việc tại Google gần giống như tình trạng vô chính phủ – các nhân viên có thể dành ra đến 20% thời gian làm việc của họ cho các dự án ngoài lề với hi vọng chúng có thể trở thành sản phẩm lớn tiếp theo của công ty.
Các nhà đồng sáng lập – những người bạn thân thiết từ đại học Stanford, từng chung tay xây dựng công ty trong một garage – vẫn sẽ giữ ghế của họ trong ban quản trị và vẫn nắm quyền kiểm soát bỏ phiếu liên quan cơ cấu công ty. Nhưng một số nhân viên đã bắt đầu lo lắng rằng, việc Page và Brin chính thước không còn trông nom hoạt động thường ngày nữa sẽ khiến Google như mất đi sự lèo lái cần thiết trong một thời kỳ có thể được xem là đang rối như tơ vò. Họ tự hỏi rằng, Page và Brin đi rồi, ai sẽ bảo vệ cho văn hóa của Google?
“ Một vài nhân viên đã thực sự kỳ vọng Sergey và Larry sẽ ra tay khắc phục mọi thứ tại Google” – các nhà tổ chức nhân sự tại công ty nói. “ Thay vì lái con thuyền đang chìm đi đúng hướng, họ lại nhảy thuyền.”
Sergey Brin và Larry Page
Video đang HOT
Google đang phải đối mặt với những thách thức to lớn nhất đối với văn hóa của công ty trong lịch sử 21 năm hình thành và phát triển. Căng thẳng tiếp tục leo thang giữa cấp quản lý Google và các nhân viên cấp dưới. Các nhà hoạt động ngay bên trong nội bộ gã khổng lồ tìm kiếm liên tục biểu tình phản đối các quyết định của các nhà lãnh đạo, bao gồm việc ký kết một hợp đồng trí tuệ nhân tạo với Lầu Năm góc, cũng như các hoạt động của công ty tại Trung Quốc. Đáng chú ý nhất, 20.000 nhân viên Google từng rời bỏ văn phòng hồi tháng 11 năm ngoái để biểu tình phản đối cách xử lý những cáo buộc tấn công tình ái của lãnh đạo công ty.
Như thể nhằm minh chứng cho những xung đột về vấn đề văn hóa mở của Google, bốn cựu nhân viên công ty từng cho biết họ dự định đâm đơn kiện công ty cũ của mình vì những hành vi bất công lao động ngay trong ngày mà Brin và Page công bố sẽ ra đi. Các cựu nhân viên đã bị sa thải hồi tháng 11 này cáo buộc Google sa thải họ vì đã “ tham gia vào hoạt động tổ chức bảo vệ người lao động”. Phía Google cho biết các nhân viên này bị sa thải vì vi phạm các chính sách bảo mật dữ liệu, không phải vì tổ chức hội nhóm.
Tại cuộc tuần hành vào tháng trước, hai trong số các nhân viên bị sa thải, Rebecca Rivers và Laurence Berland, đã có những bài phát biểu lên án lãnh đạo tìm cách kiểm soát văn hóa công ty. Cả hai đều đã bị công ty cho nghỉ trước đó vì truy cập vào các tài liệu và thông tin lịch biểu nằm ngoài phạm vi công việc của họ – theo lời Google.
Dù vậy, những phản ứng trong nội bộ Google đối với các trường hợp bị sa thải này cho thấy công ty không còn tuân thủ chặt chẽ những cam kết của họ liên quan văn hóa làm việc như trước nữa. “ Đây không phải là cách nền văn hóa mở của Google hoạt động hay từng được kỳ vọng sẽ hoạt động” – nhóm bảo mật của Google nói với các nhân viên trong một bản thông tin về các nhân viên bị sa thải.
“ Ben và Jerry”
Theo nhiều cách, những thay đổi trong vai trò lãnh đạo tại Google lần này diễn ra vừa đáng chú ý, lại vừa âm thầm. Page và Brin từ lâu đã không xuất hiện trong công ty – theo lời các nhân viên và cựu nhân viên. Bộ đôi này trước đây thường hiện diện trong các buổi gặp gỡ TGIF (Thank God It’s Friday) của Google, nơi cả công ty tụ họp lại hàng tuần và là một trong những truyền thống lâu đời nhất tại Google.
Tuy nhiên, Page và Brin mới chỉ lui về hậu trường chưa lâu sau vụ tuần hành tại Google tháng 11 năm ngoái. Họ đã bỏ qua mọi buổi TGIF trong năm nay, trừ một lần vào cuối tháng 5. Đối với những nhân viên lâu năm tại Google, những người luôn nhớ về những ngày đầu của công ty, thấy Page và Brin trên sân khấu khiến họ bùng lên những khát khao. “ Người ta vẫn yêu thích họ như ngày xưa. Họ như Ben và Jerry vậy” – một người trong buổi gặp mặt đó nói.
Với nhiều người tại Google, hồi chuông báo tử cho văn hóa mở của Google đến vào tháng trước, khi Pichai nói rằng Google sẽ chỉ tổ chức TGIF một lần mỗi tháng, thay vì hàng tuần hoặc hai tuần một lần. Pichai cho biết ông tổ chức các buổi gặp gỡ ít hơn bởi có một vài người cố tình tung những bình luận được phát biểu tại các buổi gặp nội bộ này ra ngoài. Thay vì duy trì một diễn đàn mở để thảo luận, giải trí, các buổi TGIF nay sẽ tập trung hơn vào các sản phẩm.
“ TGIF không hoàn hảo. Nhưng ít nhất chúng tôi còn có cơ hội để đặt ra các câu hỏi” – Berland, một trong các nhân viên bị sa thải nói trong cuộc tuần hành tháng trước.
Một nhân viên nữ tham gia tuần hành tại Google vào tháng 11 năm ngoái
Sắp tới, Pichai có thể đưa ra nhiều thay đổi hơn nữa. “ Mọi CEO đều muốn để lại dấu ấn của mình trong quá trình lãnh đạo, do đó đây là nơi cần chú ý khi ông ấy chuyển đổi vai trò của mình” – Tim Bajarin, chủ tịch Creative Strategies, cho biết. Tim nói thêm rằng ông không cho rằng sẽ có những thay đổi lớn về văn hóa công ty trong thời gian ngắn tiếp theo.
Trước khi Page và Brin công bố rời Google hôm thứ ba vừa qua, một số nhân viên đã hi vọng bộ đôi đồng sáng lập này sẽ sớm nắm giữ vai trò tích cực trở lại. Khi các nhân viên Google tổ chức tụ tập hồi tháng 5 để biểu tình phản đối “ một nền văn hóa trả thù” mà lãnh đạo công ty đang tạo ra nhằm chống lại những nhân viên nói lên suy nghĩ của họ về công ty, họ đã kêu gọi Page – chứ không phải Pichai – đứng lên giải quyết. Họ kêu gọi ông hãy “ ngay lập tức và công khai giải quyết những yêu cầu đưa ra trong buổi tuần hành, và tái cam kết Google sẽ đáp ứng những yêu cầu đó”.
Sự thay đổi trong bộ máy lãnh đạo đồng nghĩa Page và Brin sẽ tiếp tục vắng mặt trong các hoạt động thường ngày tại công ty.
“ Có vẻ như điều đó đã diễn ra từ lâu rồi. Chỉ khác là bây giờ họ chính thức thông báo mà thôi” – một nhân viên Google nói.
Theo ITC News
Larry Page: Người của những ý tưởng điên rồ và hành trình trên con đường mang tên Google
Larry Page được biết đến là người của những ý tưởng điên rồ với niềm tin trong tương lai máy tính sẽ tự lập trình lịch đi chơi, điều khiển xe, đoán biết suy nghĩ của chủ nhân và điều đó đang dần thành sự thực qua những dự án mà Google theo đuổi.
Đầu tiên chúng ta phải kể đến dự án xe không người lái. Page tin đây là tương lai của giao thông. Trong khi nhiều người nghĩ ý tưởng này ngớ ngẩn, nguy hiểm và chẳng có gì thú vị, Page lại đón nhận những ý kiến đó một cách bình thản. Ông cho rằng dự án của mình khi hoàn thiện sẽ mang đến sự an toàn cho con người. Khi được lập trình điều khiển, xe sẽ lưu thông theo trật tự cũng như biết tính toán đường đi hơn so với con người, nhờ đó tiết kiệm năng lượng và chi phí.
Từ khi thành lập công ty năm 1998, ông đã cùng Sergey Brin lên kế hoạch lâu dài cho các dự án táo bạo và ông cũng là người đưa ra các ý tưởng điên rồ nhất. Một vài trong số đó đã thành hiện thực, như việc quét mọi cuốn sách in để tạo ra thư viện số lớn nhất thế giới, hay chụp từng mét những con đường để tạo ra "phiên bản ảo" của thế giới thực (dự án bản đồ số), hay xây dựng công cụ có thể dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.
Có thể thấy được những ý tưởng lạ lùng và lối quản lý thực dụng của ông khi thôi thúc đội ngũ kỹ sư và điều hành theo đuổi những giấc mơ lớn và tạo ra một công ty đạt doanh thu 38 tỷ USD (năm 2011) với 53.000 nhân viên tài năng.
Khi Page tiếp quản chức CEO vào tháng 4/2011, cỗ máy tìm kiếm đột phá của họ bắt đầu có dấu hiệu "già cỗi" và tư tưởng quan liêu cũng bắt đầu hình thành. Page nhanh chóng cải tổ công ty, khiến ban lãnh đạo gánh thêm nhiều tránh nhiệm và hướng Google tập trung vào một số mảng sản phẩm trọng điểm. Ông sẵn sàng khai tử cả chục dự án không cần thiết hoặc không thành công như Google Health. Quyết định sáp nhập Android đã là một chiến thắng, nhưng quan trọng hơn, dưới sự lãnh đạo của Page, Android và YouTube đã thăng hoa, làm câm lặng mọi chỉ trích và nghi ngờ trước đó.
Page từ lâu vẫn nói mối đe dọa lớn nhất mà Google phải đối mặt chính là Google và từ khi trở thành Tổng giám đốc, ông đã cố gắng đầy lùi sự quan liêu hay bất cứ thứ gì làm chậm sự đổi mới. Ông cũng tính toán và đưa ra các quyết định rất nhanh chóng. Trên một chuyến bay, ông gọi quản lý Nikesh Arora ra gần cửa sổ. Họ đang bay qua Nevada và Page chỉ tay xuống sa mạc nơi lễ hội Burning Man diễn ra hàng năm, nói rằng Google cần cải tiến hình ảnh bản đồ bằng cách triển khai các máy bay tầm thấp ở Mỹ. Vừa nói, ông vừa nhẩm tính các chi phí đầu tư. Hiện Google Earth đã có bản đồ 3D ở nhiều thành phố nhờ ảnh chụp từ trực thăng và máy bay. "Ông ấy luôn hướng mọi người tới những cách nghĩ khác biệt", Arora cho hay.
Thực sự, Page đã có suy nghĩ khác biệt từ khi còn trẻ. Terry Winograd, cố vấn học thuật của Page, kể lại. "Làm sao có thể tin một sinh viên lại thực hiện được điều đó". Và Page đã làm điều như thế khi cùng với Brin xây dựng Google. Với các nhà đầu tư và cả thế giới, ông vẫn là một bí ẩn "Thật khó nhận xét chính xác về ông bởi chúng tôi chẳng có cách nào tiếp cận được".
Đương nhiên, các nhà đầu tư có quyền lo lắng bởi Page vẫn không mấy khi đưa ra lý do thuyết phục rằng một số dự án của ông là hợp lý. Chẳng hạn, Page nói Google rất thành công, nhưng các nhà phân tích lại chỉ thấy đây là mảnh đất hoang. Hay nhiều người vẫn đang cố lý giải Motorola Mobility sẽ giúp ích gì cho hệ sinh thái Android.
Page trở thành CEO của Alphabet vào năm 2015, khi Google được tái cấu trúc để thành lập công ty mẹ mới nhằm giám sát Other Bets - có hoạt động ngoài công cụ tìm kiếm và mảng kinh doanh quảng cáo kỹ thuật số.
Và mới đây, CEO của Alphabet - Larry Page, cho biết ông sẽ từ chức. Theo đó, CEO của Google Sundar Pichai sẽ thay thế vị trí trên, đảm nhận song song với chức vụ hiện tại
Nhìn lại cả hành trình sự nghiệp của Page, ông đã dành tâm huyết và nỗ lực đáng kinh ngạc để gây dựng lên một Google đỉnh cao và thành công ngoaì sức mong đợi. Và Page vẫn luôn là một ẩn số. Và hẳn khi bước ra khỏi con đường mang tên Google, ông sẽ còn tiếp tục khiến mọi người ngạc nhiên và ngưỡng mộ.
Theo GenK
Cuộc đời và sự nghiệp đầy thành công của Sergey Brin đồng sáng lập Google vừa từ chức Hai đồng sáng lập của Google vừa từ chức, bỏ lại các vị trí điều hành của họ tại công ty mẹ của gã khổng lồ tìm kiếm, Alphabet , vào hôm thứ Ba vừa rồi. Hơn 20 năm trước, Serge Brin và Larry Page lần đầu tiên ra mắt Google từ một căn phòng tại ký túc xá gần Đại học Stanford....