Lạp xưởng ăn tết
Lạp xưởng tuy được bày bán quanh năm, nhưng vẫn là món không thể thiếu khi tết đến. ơ miên tây nam bô, Có nhiều vùng làm lạp xưởng ngon nổi tiếng như Sóc Trăng, Cần Giuộc (long an)… với những hương vị độc đáo khó quên.
Lạp xưởng heo Sóc Trăng
Lạp xưởng có nguồn gốc từ người Hoa, nhưng từ lâu đã trở thành đặc sản quen thuộc của Sóc Trăng. Làng nghề làm lạp xưởng tập trung ở Vũng Thơm (xã Phú Tân, huyện Mỹ Tú) với rất nhiều cơ sở sản xuất lâu đời như Quãng Trân, Công Lập Thành, Tân Hưng…
Tuy nguyên liệu để làm lạp xưởng chỉ có thịt và mỡ heo, nhưng muốn ngon thi phải pha trộn sao cho thật hài hòa. Nếu ít mỡ, lạp xưởng sẽ khô, ăn mất ngon, nhưng nhiều mỡ quá lạp xưởng bị nhão, ăn ngán. Nguyên liệu thịt phải chọn nạc mông hay nạc vai còn nóng ấm, mỡ phải chọn loại mỏng và khô.
Thịt băm trộn với mỡ cắt hạt lựu ướp với gia vị, dồn vào ruột heo đã làm sạch rồi thắt thành từng đốt, sau đó đem sấy khô. Người làm thủ công để ăn thì chuộng cách phơi khô tự nhiên. Hương vị của lạp xưởng tùy theo gia vị được tẩm ướp, đó cũng là bí quyết riêng của mỗi lò sản xuất, nhưng thường không thể thiếu rượu mai quế lộ, để tạo mùi thơm quyến rũ, đồng thời giúp lạp xưởng bảo quản được lâu.
Lạp xưởng có thể đươc luộc, hấp, nướng hoặc chiên. Theo nhiều người, nướng là cách ăn ngon nhất, đặc biệt khi nướng trên rượu, món ăn sẽ tỏa mùi thơm nức mũi, vừa ngửi bụng đã “đánh trống” liên hồi. Thường để nhanh hơn, người ta đem chiên, có thể chiên bằng dầu nhưng ngon hơn là chiên bằng nước. Lạp xưởng cho vào chảo với ít nước, đến khi nước cạn lăn thêm vài lần, mỡ tươm, lạp vàng là thưởng thức.
Lạp xưởng tôm Cần Giuộc
Lạp xưởng làm từ tôm là một biến tấu của lạp xưởng thịt heo, dành cho người thích ăn lạp xưởng nhưng ngại tăng cholesterol. Lạp xưởng tôm không hiếm, ở Sóc Trăng hay vài nơi khác đều có, nhưng lạp xưởng tôm Cần Giuộc (Long An) nổi tiếng ngọt ngon, có lẽ nhờ đặc sản tôm đất và cách chế biến tươi ở đây.
Làm lạp xưởng tôm khó hơn lạp xưởng heo, nguyên liệu tôm phải thật tươi, quết thật kỹ thì lạp xưởng mới dai và có mùi thơm đặc trưng. Gia vị không thể thiếu để tạo nên hương vị đậm đà cho lạp xưởng tôm là tiêu sọ, vừa để khử mùi tanh của tôm, vừa dậy mùi thơm khi nướng.
Video đang HOT
Người Cần Giuộc có cách bảo quản lạp xưởng tôm khá độc đáo: dùng nước dừa tươi để luộc lạp xưởng với lửa liu riu, khi nước dừa rút hết vào trong lạp xưởng thì cất vào tủ lạnh để dành ăn đến ba – bốn tháng.
Nét độc đáo của lạp xưởng Cần Giuộc là làm bằng ruột heo tươi nên không ngậy mùi dầu như ruột heo khô, đặc biệt khi để bên ngoài chừng vài ngày, lạp xưởng lên men, có vị chua ngọt là món khoái khẩu của nhiều người.
Lạp xưởng bò An Giang
Một đặc sản của người Chăm ở An Giang là lạp xưởng bò, gọi theo tiếng Chăm là “tung lò mò”, do người Chăm không ăn thịt heo nên dùng thịt bò thay thế. Cách chế biến “tung lò mò” theo đúng gốc của người Chăm là tận dụng phần thịt còn sót lại trên xương, mỡ và ruột bò, sau khi loại bỏ hết gân và bầy nhầy thì cắt nhuyễn trộn với mỡ rồi ướp gia vị để thấm rồi dồn vào ruột bò, đem phơi chừng ba nắng là ăn được.
“Tung lò mò” để càng lâu ăn càng ngon. Hương vị độc đáo của món này đến từ những gia vị bí truyền của người Chăm và… cơm nguội, đem đến vị chua đặc trưng khó lẫn.
Từ “tung lò mò”, người dân Tri Tôn (An Giang) đã cải biên thành lạp xưởng bò cho hợp khẩu vị người Việt. Thịt bò được dồn trong ruột heo, mỏng hơn ruột bò nên… dễ nhai hơn. Tuy thiếu cơm nguội hay gia vị Chăm, nhưng lạp xưởng bò vẫn cuốn hút người ăn nhờ vị thơm dịu ngọt của ngũ vị hương.
Thường thì món này được ăn tươi, nướng trên lửa than hồng như xúc xích. Hiện nay cũng đã có vài nơi sản xuất lạp xưởng bò theo dây chuyền công nghiệp, đóng gói và bảo quản được lâu.
Theo PNO
Muối dưa ăn tết
Bữa cơm ngày Tết không thể thiếu những món dưa. Vị chua chua ngọt ngọt của dưa muối không những giúp bữa ăn đầy thịt thà đỡ ngán mà còn làm tăng khẩu vị.
Dưa muối thập cẩm
Chuẩn bị nguyên liệu "thập cẩm" gồm bông cải xanh, dưa leo, cà rốt, bắp cải tím, ớt chuông đỏ và vàng. Bông cải bỏ cùi cắt miếng vừa. Cà rốt gọt vỏ cắt miếng vuông, ớt chuông đỏ và vàng cũng cắt miếng vuông vừa ăn. Dưa leo để nguyên vỏ, bỏ đầu đuôi, cắt khoanh tròn dày. Bắp cải tím cắt miếng lớn. Tất cả đều rửa thật sạch, để ráo, trộn đều với ít ớt bột.
Keo thủy tinh tráng sơ qua nước sôi, xếp rau củ vào. Cho nước vào nồi cùng với đường, giấm và muối sao cho có vị chua ngọt thật đậm, để khi cho rau củ vào, nước nhạt xuống là vừa. Đun sôi hỗn hợp nước rồi đổ vào keo, đậy nắp, để khoảng hai-ba ngày là ăn được.
Dưa cải thảo
Cải thảo tách từng lá, đem rửa sạch, ngâm qua nước muối loãng khoảng 30 phút, vớt ra để ráo, cắt thành từng miếng hơi lớn. Cà rốt gọt vỏ cắt sợi. Gừng gọt vỏ cắt lát mỏng. Hành lá cắt khúc. Băm nhuyễn tỏi, ớt và chút gừng. Chuẩn bị thêm ít ớt bột màu để nhin cho đẹp mắt.
Cho hết nguyên liệu vào thau lớn trộn đều với muối, đường và ớt bột, nêm thêm chút nước mắm tùy thích, để khoảng vài giờ cho ra nước xăm xắp mặt, xếp vào lọ đậy kín nắp, để nơi thoáng mát chừng một-hai ngày cải lên men thì cho vào tủ lạnh ăn dần.
Dưa kim chi củ sen
Củ sen bào vỏ, cắt khoanh mỏng vừa, ngâm nước chanh để sen không bị đen, sau đó ngâm vào thau nước đá lạnh khoảng 10 phút để sen giòn, rửa sạch để ráo, cho vào tô ngâm giấm đường khoảng hai ngày cho chua, vắt bỏ giấm. Cho ít đường vào xóc đều rồi chắt bỏ nước.
Cà rốt cắt khoanh dày, cho ít muối vào xóc, chờ ra nước rửa sạch lại rồi vắt ráo. Dưa leo đã ngâm chua, xóc thêm đường cho ra nước rồi đổ bỏ nước. Gừng một phần cắt sợi, một phần băm nhuyễn, vắt lấy nước.
Cho tất cả vào thau trộn đều với muối, đường, bột ngọt, nước mắm, tỏi băm và ớt bột, nêm vừa khẩu vị. Cho dưa vào lọ, để hôm sau là ăn được.
Dưa cải muối
Cải sậy lựa cây to, bắp tròn, mua về cắt miếng vừa ăn, đem phơi nắng cho cải hơi héo (đừng phơi cải quá héo, dưa dễ bị dai). Hành lá và hành củ lột vỏ rửa sạch, hành lá cắt khúc, hành củ cắt miếng mỏng, phơi hơi héo. Nấu nước sôi, để nguội bớt tới khi nước còn hơi ấm, pha theo tỷ lệ một lít nước, ba muỗng muối hột và một muỗng đường, dùng đũa khuấy đều cho tan hết đường và muối.
Xếp cải vào lọ sành hoặc thủy tinh, cọng cải ở dưới, lá bên trên, tiếp theo đến hành củ và trên cùng là hành lá. Đổ nước vào ngập mặt dưa, dùng vỉ tre chặn không cho nguyên liệu nổi lên, để chừng hai-ba ngày, khi dưa trở màu vàng ươm là ăn được.
Dưa góp
Nguyên liệu cho món này gồm cà rốt, su hào, dưa leo. Cà rốt và su hào gọt vỏ cắt thanh dài. Cho cà rốt và su hào vào tô lớn, rắc ít muối rồi xóc đều, chờ nước tiết ra thì chắt bỏ. Dưa leo ngâm nước muối pha loãng một lát, vớt ra để ráo nước, không cần gọt vỏ, cắt bỏ đầu và ruột, cắt thanh như su hào. Tỏi xắt lát.
Cho tất cả nguyên liệu vào lọ. Nấu sôi hỗn hợp nước, giấm, đường và nước mắm với lượng bằng nhau, rồi nhấc xuống để thật nguội. Nước nguội đổ vào lọ xăm xắp mặt. Để khoảng một ngày là có thể dùng.
Dưa đu đủ ngâm chua
Đu đủ xanh gọt vỏ, bỏ hạt và bào sợi, vắt bớt nước, để riêng. Cà rốt gọt vỏ. Ớt chuông đỏ bỏ hạt. Gừng gọt vỏ, tất cả đều cắt sợi. Tỏi và hành tím cắt miếng.
Cho đường, muối, tiêu, gừng, tỏi vào hòa cùng với giấm, bắc lên bếp nấu sôi cho tan hết đường, thả các nguyên liệu vào (trừ đu đủ) rồi tắt bếp. Chờ hỗn hợp còn hơi ấm, cho đu đủ vào trộn chung. Khoảng 30 phút trộn đều lại một lần, để khoảng hai giờ cho thấm rồi bỏ vào lọ đậy chặt nắp, bảo quản trong tủ lạnh ít nhất 12 giờ trước khi dùng.
THeo PNO
Phượt Hà Giang nếm đặc sản cao nguyên đá Nếu một lần đến Hà Giang, hãy ghé lại nơi đây và thưởng thức những món ăn giản dị mà hấp dẫn của mảnh đất cao nguyên đá này nhé! Hà Giang đang là điểm đến "hot" đối với dân thích "xê dịch". Vùng đất Tây Bắc mê hoặc lòng người bằng những vạt hoa tam giác mạch đầy nên thơ và cũng...