Lập trình viên chi 69 triệu USD mua tác phẩm kỹ thuật số
Lập trình viên gốc Ấn Sundaresan tiết lộ mình là người chi khoản tiền kỷ lục 69,3 triệu USD mua một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số.
Vignesh Sundaresan, sống tại Singaporre, ngày 18/3 viết trên blog rằng ông mua tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số đắt nhất thế giới để “người Ấn Độ và người da màu biết họ có thể đỡ đầu” cho nghệ thuật.
Khoảng 22 triệu người theo dõi những phút cuối của buổi đấu giá do Christie’s tổ chức và chứng kiến Sundaresan, với biệt danh Metakovan, giành quyền sở hữu tác phẩm “Everydays: The First 5000 Days” của nghệ sĩ Beeple với giá 69,3 triệu USD.
Lập trình viên gốc Ấn Vignesh Sundaresan. Ảnh: vigneshsundaresan.com .
Tác phẩm gồm 5.000 hình ảnh được cắt ghép và “đảm bảo” bằng công nghệ mã thông báo không thể thay thế (NFT) có mức giá khởi điểm 100 USD, song trị giá của nó tăng chóng mặt sau đó. NFT sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) tương tự tiền ảo để biến các nội dung số như tác phẩm nghệ thuật hay thẻ giao dịch thể thao thành món đồ sưu tập không thể bị sao chép.
NFT gần đây “gây bão” khi nhiều nghệ sĩ coi đây là cơ hội để kiếm tiền từ các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số thuộc mọi loại hình. Các chuỗi mã ảo cho phép những nhà sưu tập có thể khoe quyền sở hữu tác phẩm, ngay cả khi chúng được chia sẻ và xem trực tuyến liên tục. Các nhà đầu tư coi nghệ thuật kỹ thuật số là một loại hàng hóa mới trong giao dịch.
Tác phẩm Everydays: The First 5000 Days của nghệ sĩ Beeple. Ảnh: Christie’s .
“Khi nghĩ đến những vật phẩm NFT giá trị cao, tác phẩm này khó có thể bị vượt qua”, Sundaresan cho biết khi thắng phiên đấu giá của Christie’s. Trong bài viết trên blog, Sundaresan cho biết ông từ một sinh viên kỹ thuật “không có tiền” trở thành một triệu phú nhờ khám phá ra tiền ảo vào năm 2013.
“Đây là viên ngọc quý trên vương miện, một tác phẩm nghệ thuật có giá trị nhất trong thế hệ này”, Sundaresan viết trên blog. Everydays: The First 5000 Days đứng thứ ba trong số các tác phẩm nghệ thuật có giá trị nhất được một nghệ sĩ còn sống bán ra, sau tác phẩm của Jeff Koons và David Hockney.
Nghệ thuật xăm cổ xưa của Nhật hút hồn phương Tây 47 Đệ nhất phu nhân Mỹ – Nhật tham quan bảo tàng nghệ thuật kỹ thuật số Áp lực sau những hộp cơm trưa nghệ thuật của trẻ em Nhật Bản Bộ sưu tập nghệ thuật triệu đô của Ivanka – Jared Sưu tầm tác phẩm nghệ thuật – ‘vũ khí’ từng cứu nhà tài phiệt Jakarta
Đức 'đắp chiếu' UAV 800 triệu USD chưa từng tác chiến
Quân đội Đức phải loại biên trinh sát cơ RQ-4E trị giá gần 800 triệu USD vì vướng rào cản pháp lý, dù chưa sử dụng lần nào.
Trang tin quân sự Augen geradeaus của Đức cho biết quân đội nước này chuẩn bị đưa máy bay không người lái (UAV) RQ-4E và đài điều khiển mặt đất vào bảo tàng lịch sử quân sự ở sân bay Berlin-Gatow, bắt đầu trưng bày từ năm 2022. Quyết định được đưa ra sau khi thỏa thuận bán chiếc RQ-4E cho Canada sụp đổ.
Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận toàn bộ phụ tùng, thiết bị kỹ thuật và kiểm tra mặt đất, cùng nhiều công cụ đặc biệt của chiếc UAV này sẽ được Đức chuyển cho Cơ quan Mua sắm và Hậu cần NATO. Chúng sẽ được dùng để bảo đảm hoạt động cho phi đội 5 trinh sát cơ RQ-4D, nhưng không rõ giá trị thỏa thuận giữa Đức và NATO.
Chương trình UAV RQ-4E được Berlin khởi động cuối những năm 2000 nhằm thay thế phi đội máy bay trinh sát điện tử Dassault-Breguet Atlantique đã già cỗi của không quân hải quân.
Máy bay RQ-4E bay thử nghiệm tại Mỹ hồi năm 2010. Video: Northrop Grumman .
Quân đội Đức đặt mua mẫu UAV được phát triển từ dòng RQ-4B Block 20 và dự kiến trang bị hệ thống tình báo tín hiệu (SIGINT) do Airbus sản xuất. Nó được gọi là Euro Hawk, đặt theo tên Global Hawk của dòng RQ-4, xuất xưởng ngày 8/10/2009 và bay thử chuyến đầu ngày 29/6/2010.
Chiếc RQ-4E trải qua nhiều tháng bay thử tại Mỹ, trước khi đáp xuống căn cứ Manching tại Đức ngày 21/7/2011 để lắp hệ thống SIGINT. Không quân Đức tiến hành bay thử và đào tạo phi công đến hết nửa đầu năm 2012.
Tuy nhiên, toàn bộ dự án RQ-4E bị coi là thảm họa khi liên tục chậm tiến độ, đội chi phí và không đáp ứng các yêu cầu cấp phép bay tại châu Âu. Hàng loạt vấn đề với hệ thống kiểm soát bay được phát hiện trong giai đoạn thử nghiệm, quá trình cấp phép tại Đức cũng bị đình trệ do nhà sản xuất Northrop Grumman không chia sẻ dữ liệu kỹ thuật với giới chức Đức.
Truyền thông Đức năm 2013 cho biết chiếc Euro Hawk không được cấp giấy phép bay theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) vì không có hệ thống cảnh báo va chạm trên không, khiến nó không được hoạt động trên không phận châu Âu hoặc các nước thành viên ICAO.
Chi phí cấp phép có thể khiến Đức mất thêm 780 triệu USD, trong khi quy định pháp lý của ICAO và Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) khiến chiếc RQ-4E không thể cất cánh khỏi căn cứ để huấn luyện hoặc làm nhiệm vụ tác chiến.
Chính phủ Đức thông báo đình chỉ toàn bộ dự án RQ-4E ngày 15/5/2013 với lý do trở ngại trong cấp phép bay sau khi đã đầu tư 793,5 triệu USD. Máy bay RQ-4E bị tháo bỏ toàn bộ hệ thống tác chiến và được niêm cất ở căn cứ Manching, trong khi Đức tìm cách đàm phán bán nó lại cho Canada.
Tuy nhiên, thương vụ tiềm năng với Canada sau đó cũng bị hủy bỏ, dường như do chiếc RQ-4E thiếu những hệ thống quan trọng, khiến nó không thể trở lại hoạt động. Với thất bại của dự án Euro Hawk và yêu cầu liên tục thay đổi về nền tảng SIGINT, quân đội Đức đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp thay thế.
Indonesia và Thái Lan sắp ký kết xuất nhập khẩu 1 triệu tấn gạo/năm Theo truyền thông Indonesia ngày 15/3, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, Jurin Laksanawisit thông báo Indonesia và Thái Lan đã sẵn sàng cho việc ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) xuất nhập khẩu một triệu tấn gạo mỗi năm. Gạo chuẩn bị được đưa đi xuất khẩu tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN Thời gian chính thức ký kết MoU này...