Lập phòng khám từ xa để tư vấn, điều trị người mắc COVID-19 tại nhà
Bộ Y tế vừa có văn bản số 7323/BYT-KCB gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế về việc cho phép các bệnh viện lập phòng khám từ xa để tư vấn và điều trị người mắc COVID-19 tại nhà.
Thăm khám và điều trị cho F0 trên địa bàn Phường 6, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN
Theo Bộ Y tế, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, số người nhập viện điều trị tăng cao, gây quá tải cho các bệnh viện, đồng thời số người bệnh F0 đang điều trị tại nhà rất lớn.
Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh tại các địa phương đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp thành lập phòng khám từ xa để tư vấn và điều trị cho người bệnh tại nhà qua sử dụng Telehealth trong điều trị COVID-19.
Để triển khai hoạt động này, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện xây dựng kế hoạch cụ thể của phòng khám về tổ chức nhân sự, trang thiết bị, cơ sở vật chất, quy chế hoạt động trình giám đốc các bệnh viện phê duyệt trước khi tổ chức thực hiện.
Bệnh viện phải bố trí nhân sự có chứng chỉ hành nghề phù hợp với công việc tư vấn khám và hướng dẫn điều trị cho người bệnh, có lịch phân công trực thường xuyên 24/24h tại phòng khám.
Các bác sĩ cần sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin hiện có như Zalo, Zoom, Viber, Messenger, ứng dụng sổ quản lý sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử… để hỗ trợ hiệu quả nhất cho người bệnh.
Đồng thời, các bệnh viện phải có số điện thoại được công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân tiện liên hệ khi cần trợ giúp.
Theo Bộ Y tế, các bệnh viện có thể cho phép các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề được phép kê đơn điện tử đúng chuyên khoa mình được cấp chứng chỉ hành nghề cho người bệnh mắc COVID-19 trong trường hợp khẩn cấp.
Bộ Y tế cũng nêu rõ, các bệnh viện tuyến tỉnh có thể đề nghị Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy và các bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ về chuyên môn, kinh nghiệm tổ chức thực hiện phòng khám từ xa tư vấn và điều trị cho các ca F0 tại nhà trong quá trình hoạt động.
Trước đó, ngày 5/8, Bộ Y tế cũng đã có công văn về việc tăng cường sử dụng Telehealth trong điều trị COVID-19.
Video đang HOT
Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện điều trị COVID-19 thuộc phạm vi quản lý thực hiện nhiệm vụ được giao trong Đề án, ưu tiên triển khai ngay kết nối Telehealth giữa các khoa/phòng trong bệnh viện và giữa bệnh viện với bệnh viện.
Các bệnh viện được giao nhiệm vụ trung tâm hồi sức tích cực quốc gia và vùng khẩn trương thiết lập mạng lưới tư vấn, hội chẩn từ xa với các bệnh viện thu dung, điều trị COVID-19 theo phạm vi phụ trách bằng các phương tiện thông tin thuận lợi nhất (mạng Viettel, VNPT, Zoom, Zalo, Viber, điện thoại…) để hướng dẫn phân loại tình trạng người bệnh, tư vấn cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị, chuyển viện phù hợp, kịp thời.
Các bệnh viện thu dung, điều trị COVID-19 tuyến dưới cần bố trí nhân lực, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền… và cử đầu mối liên hệ, kết nối ngay với các bệnh viện phụ trách vùng, quốc gia để được hướng dẫn, hội chẩn từ xa theo định kỳ và đột xuất.
Vượt qua nhiễm SARS-CoV-2, bác sĩ lăn xả giành sự sống bệnh nhân Covid-19
Xung phong chi viện cho tuyến đầu khốc liệt, 2 tháng qua, các y bác sĩ gần như quên ăn, quên ngủ. Có những người dù mắc Covid-19 nhưng khi bình phục vẫn tiếp tục giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Khi số lượng ca mắc Covid-19 ở TPHCM tăng cao cũng là lúc các bệnh viện quá tải, hàng trăm nhân viên y tế tại Thanh Hóa đã tình nguyện lên đường chi viện cho TPHCM.
Sau gần 2 tháng chiến đấu trên "mặt trận không tiếng súng" ấy, một số y bác sĩ đợt 1 chuẩn bị rời tâm dịch trở về, ai nấy đều không thể quên những ca cấp cứu xuyên đêm, những bệnh nhân ra đi trên tay của mình hay những niềm hạnh phúc vô bờ khi bệnh nhân hồi phục kỳ diệu...
"Vắt kiệt sức" mỗi ngày
Ròng rã gần 2 tháng qua, bác sĩ Đinh Hoàng Anh (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) được chi viện tới Khoa ICU 2B - Bệnh viện hồi sức Covid-19 (thành phố Thủ Đức, TPHCM). Đây là nơi đón và điều trị những bệnh nhân nặng và nguy kịch từ các bệnh viện xung quanh chuyển đến, hầu hết bệnh nhân phải hỗ trợ hô hấp như thở oxy lưu lượng cao, thở máy...
Bác sĩ Đinh Hoàng Anh làm việc tại Khoa ICU 2B, Bệnh viện hồi sức Covid-19.
Theo bác sĩ Hoàng Anh, Khoa ICU 2B luôn trong tình trạng quá tải, nhiệm vụ mà kíp của anh được phân công là điều trị 40 bệnh nhân nhưng lúc nào cũng trên 50-52 bệnh nhân, trong khi đó chỉ có 6-8 bác sĩ cho một kíp phụ trách điều trị.
Vì là ở khoa tiếp nhận bệnh nhân nặng nhất nên đội ngũ y tế ở đây luôn phải cẩn thận theo dõi từng thông số trên máy thở, chỉnh từng bình truyền, bơm từng lọ thuốc cho bệnh nhân. Trong "trận chiến" này, mọi nỗ lực đều được tính bằng phút, bằng giây, bởi lằn ranh giữa sự sống và cái chết của bệnh nhân rất mong manh.
"Lúc lên đường cũng đã tính trước những khó khăn sẽ gặp phải. Đội ngũ y bác sĩ chỉ cần sơ sẩy là bệnh nhân tử vong. Do thiếu trầm trọng nhân viên y tế nên bác sĩ phải làm luôn công việc của các điều dưỡng, điều dưỡng làm cả việc của hộ lý...", bác sĩ Hoàng Anh chia sẻ.
Điều dưỡng Mai Tuyên Huấn (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) cũng được điều động làm việc tại Bệnh viện hồi sức Covid-19, cho biết: "Bình thường mỗi ngày sẽ chia 3 ca 4 kíp, hai ca sáng - chiều 8 tiếng, ca đêm dài hơn chút là 10 tiếng.
Đội ngũ y bác sĩ chuẩn bị vào ca làm tại Bệnh viện hồi sức Covid-19.
Tuy nhiên, có lúc bệnh nhân đông, nguy cấp thì việc một ngày ngủ 2-3 tiếng hay xuyên đêm cấp cứu bệnh nhân cũng thường xuyên. Bữa ăn trưa của chúng tôi sẽ vào lúc 16h, còn bữa tối là 23h. Sau khi rời khỏi ca trực, ai cũng gần như vắt kiệt sức lực, thế nhưng nghỉ ngơi xong lại tiếp tục lao vào công việc như một cái máy".
Điều dưỡng Mai Tuyên Huấn vẫn ám ảnh mỗi khi có những người bệnh trở nặng, diễn biến rất nhanh và tử vong xung quanh chẳng có người thân, bản thân đội ngũ y bác sĩ cũng phải lo sắp xếp giải quyết hậu sự.
Cũng làm việc tại đây, điều dưỡng Lại Thị Phương Thảo (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) qua gần 2 tháng trực chiến, hằng ngày đối diện với gần 100 bệnh nhân đang nằm thoi thóp, dù cố gắng đến đâu thì cũng không thể cứu chữa được tất cả. Đã không ít lần điều dưỡng Thảo chứng kiến bệnh nhân xấu số ra đi ngay trước mắt mà không khỏi xót xa.
Bình phục sau mắc Covid-19, lại tiếp tục "chiến đấu"
Theo bác sĩ Hoàng Anh, do nồng độ virus trong không khí cao nên nguy cơ lây nhiễm rất lớn, nhân viên y tế có thể bị phơi nhiễm bất cứ lúc nào.
Bình phục sau khi mắc Covid-19, bác sĩ Hoàng Anh (phải) lại tiếp tục "chiến đấu" cùng đồng nghiệp.
Bác sĩ Hoàng Anh cũng không tránh khỏi, anh bị phơi nhiễm sau 14 ngày làm tại ICU. Sợ gia đình lo lắng nên bác sĩ Hoàng Anh không dám gọi điện về nhà.
"2 tháng qua đúng là quãng thời gian không thể quên trong cuộc đời bác sĩ của mình. Vào tâm dịch được gặp gỡ anh em từ khắp mọi miền đất nước, từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 115, Bệnh viện K, Bệnh viện E... và gặp cả những người anh, người thầy mình kính trọng... Tất cả đều chung một mục đích cùng nhau cố gắng giành giật sự sống cho bệnh nhân; cùng nhau trải qua khó khăn vất vả; động viên nhau cùng cố gắng....", bác sĩ Hoàng Anh tâm sự.
"Khi biết mình phơi nhiễm, lúc đầu cũng lo nhưng rồi nghĩ mình tiêm vắc xin rồi, bản thân lại là bác sĩ nên mình cũng yên tâm phần nào. Mình phơi nhiễm khi công việc đang vô cùng quá tải, kíp của mình lúc đó còn có 5 bác sĩ. Thương anh em vô cùng, như người lính ra trận bị thương chỉ mong nhanh chóng hồi phục để không làm gánh nặng cho mọi người", bác sĩ Hoàng Anh tâm sự.
Sau 8 ngày điều trị, cho kết quả âm tính, bác sĩ Hoàng Anh lại tiếp tục lăn xả vào "cuộc chiến" cùng đồng nghiệp.
Giống như bác sĩ Hoàng Anh, điều dưỡng Mai Tuyên Huấn cũng mắc Covid-19 sau gần nửa tháng vào tâm dịch. Lúc ra viện, anh Huấn vẫn còn dương tính với SARS-CoV-2 nhưng tải lượng virus thấp, khả năng lây nhiễm không còn. Nhận thấy lực lượng y tế chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại đây đang bị thiếu hụt, anh Huấn tiếp tục quay trở lại công việc.
Đội ngũ nhân viên y tế Thanh Hóa chia tay Bệnh viện hồi sức Covid-19 sau 2 tháng làm nhiệm vụ tại đây.
"Có những bệnh nhân sau khi được chữa khỏi, họ xin tình nguyện ở lại phục vụ chăm sóc những người bệnh khác dù không thân thích họ hàng. Vì thế, bản thân mình không có lý do gì mà không chiến đấu hết mình cùng anh em đồng nghiệp khi bệnh tình đã ổn định", điều dưỡng Mai Tuyên Huấn bộc bạch.
Với đội ngũ y bác sĩ, mọi gian nan, hiểm nguy sẽ được đổi bằng niềm hạnh phúc mỗi khi cứu sống được bệnh nhân nặng từ cõi chết trở về. Niềm vui ấy đã xua tan mọi mệt nhọc, niềm tin và hy vọng chiến thắng dịch Covid-19 càng mạnh mẽ hơn.
Bình Dương dự chi 13 tỉ đồng trả lương cho các F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch Tỉnh Bình Dương dự tính tổng số tiền chi hỗ trợ cho 1.200 người F0 khỏi bệnh tình nguyện tham gia chống dịch trong 30 ngày hết khoảng 13 tỉ đồng. UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương chi hỗ trợ cho các trường hợp F0 khỏi bệnh tình nguyện tham gia phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tỉnh dự...