Lấp lánh Bắc Hoa
Không riêng gì tôi mà chắc hẳn rất nhiều người đã một lần đến bản Bắc Hoa đều cảm mến mảnh đất này ngay từ khi đặt bước chân đầu tiên.
Ấn tượng từ tên bản, hay những thửa ruộng bậc thang uốn lượn ôm vòng quanh, nét bình dị, mộc mạc đầy chất nguyên sơ của phong cảnh, vườn bãi cho đến những ngôi nhà trình tường đơn sơ óng màu thời gian…
Cũng khó quên điệu hát Soong hao giao duyên trong phiên chợ tình Thác Lười đậm chất của người Nùng bản địa.
Những ngôi nhà đất nâu óng quần tụ trên một ngọn đồi ở Bắc Hoa. Ảnh: Dương Tiến Dũng.
Lưu luyến bản vùng cao
Sáng thu, tiết trời heo may thật biết chiều lòng người. Bởi thế, chuyến đi hơn 100km từ TP Bắc Giang đến bản Bắc Hoa xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) của chúng tôi càng thêm hứng khởi. Đường dài, rừng núi hoang vu nhưng cảm giác được hòa quyện cùng thiên nhiên, thác nước, hồ Cấm Sơn và cả hương lúa đồng dìu dịu ngan ngát cộng thêm một chút se lạnh… như xua đi bao mệt mỏi. Một cảm xúc thật kỳ lạ khi lần nữa được cùng ăn, cùng ở với đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa nơi đây.
Đọng lại nhiều cảm xúc nhất với tôi là được ở trong ngôi nhà trình đất rất đặc trưng, từ nhà ở, bếp, công trình phụ, tường rào, chuồng trại chăn nuôi… tất cả đều trình bằng đất. Có lẽ đây là bản làng hiếm hoi ở Bắc Giang còn giữ được rất nhiều những ngôi nhà đất lợp ngói âm dương. Dẫu rằng cuộc sống luôn có sự vận động, phát triển nhưng theo thời gian, kiến trúc tường đất ở Bắc Hoa chưa bị mất đi nhiều và điểm đến mới mẻ này dường như vẫn là một ẩn số chờ đợi bước chân khám phá của nhiều du khách.
Theo Bí thư Chi bộ thôn Hoàng Ngọc Phiên: Bắc Hoa hiện nay có khoảng 160 gia đình với hơn 700 người (100% dân tộc Nùng), trong đó có gần 100 ngôi nhà trình đất nằm trên một khu đồi, trước mặt là cánh đồng ruộng bậc thang tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo. Nhiều ngôi nhà đất trong bản có niên đại bằng mấy đời người.
Người dân tộc địa phương đi chợ Thác Lười.
Xã Tân Sơn nằm tiếp giáp với huyện Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn, mấy năm trước để đến được trung tâm xã đã khó, vào được bản Bắc Hoa còn nhọc nhằn gấp bội nhưng nay đường bê tông rộng thênh thang, phẳng lỳ đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông, đời sống của người dân như bừng sáng. Theo lãnh đạo xã thì đây là hiệu quả từ sự hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh Bắc Giang về việc hỗ trợ xi măng cho cơ sở xây dựng đường giao thông.
Đến Bắc Hoa, du khách ngoài chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên còn được xem người dân dệt khăn, áo chàm thủ công truyền thống và thưởng thức món ngon đặc sản. Cách đây 2 năm, tôi đã đến Bắc Hoa vào mùa xuân, khi ấy mảnh đất này nổi bật hơn trong sắc hoa mận, hoa mơ đang thời nở rộ. Lắng nghe tiếng tiếng sáo, tiếng hát Soong hao gọi bạn tình của các tràng trai, cô gái người Nùng từ các ngả núi vang lên tha thiết, đã tự nhủ lòng mình nhất định có ngày sẽ trở lại nơi đây và nay đã thành hiện thực.
Video đang HOT
Tôi cũng biết tháng 3, Bắc Hoa lại tràn ngập sắc đỏ rực rỡ từ những hàng cây gạo cổ thụ mọc bên đường, những vườn đồi cây ăn quả lúp xúp mâm xôi là thành quả bao công tưới trồng, một nắng hai sương của những người nông dân hay lam hay làm. Mùa hè, người dân thu hoạch trái cây vải thiều, cam, nhãn… khắp nơi đều là quả ngọt. Vào mùa thu, không gì sánh được bởi bạt ngàn những ruộng hoa cải cúc đủ sắc màu. May mắn hơn nếu đến đây vào đúng dịp chợ phiên Thác Lười để thấy được những bản sắc dân tộc đậm đà, phong phú. Có nhiều hàng hóa tại chợ, những cụ già bán hương nở nụ cười tươi tắn, cô hàng xén đon đả mời chào khách và cả những tiếng lợn con kêu eng éc…
Mỗi tháng chợ Tân Sơn họp 5 phiên, các ngày 2, 7, 12, 17, 22 âm lịch, tâm lý mọi người, nhất là lũ trẻ cứ háo hức ngóng đợi để được tíu tít theo mẹ đến chợ. Đa phần bà con bán những sản phẩm “của nhà làm ra” như con gà, mớ rau, bó củi, quả trứng… để mua về những vật dụng thiết yếu. Đi chợ với đồng bào không chỉ để mua bán, trao đổi mà còn là cơ hội để gặp gỡ, tâm tình, khoe tài khoe sắc và nhất là hát giao duyên. Phía góc kia, lũ trẻ con quây quần bên bếp lửa hồng rực, nồi nước dùng sôi ùng ục, bốc hơi béo ngậy. Các chảo mỡ rán bánh kêu xèo xèo trước ánh mắt thòm thèm của các cô bé, cậu bé vùng cao. Tất cả đều chứa đựng hồn quê mộc mạc, giản dị và sự chấc phát thật thà mà các chợ miền xuôi ít còn lưu giữ.
Dịp Quốc khánh 2-9, trước cửa mỗi gia đình ở bản Bắc Hoa đều treo lá cờ Tổ quốc trên cây nêu cao chót vót, đó cũng là cách thể hiện tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc của người dân rẻo cao.
Chúng tôi tá túc nhờ một đêm trong ngôi nhà đất 3 gian lợp ngói âm dương của gia đình ông Vi Văn Sắt (58 tuổi). Ngôi nhà gần 40 tuổi nằm chênh vênh trên sườn núi. Trước mắt tôi, từng bức tường đất đơn sơ phủ đầy rong rêu, đâu đó có vết nứt chưa được duy tu. Ngôi nhà không chỉ là tài sản của vợ chồng ông Sắt mà còn là kỷ niệm gắn bó qua tháng năm mưa nắng.
Chẳng thế mà giờ đây ông bà đã có cháu nội, cháu ngoại nhưng ngôi nhà vẫn vững chắc và là chốn đi về đầm ấm của người thân trong gia đình mỗi dịp lễ tết. Trời vừa tắt nắng là màn đêm ập xuống rất nhanh, bếp nhà ai bên đồi ngút lên từng cột khói. Tiếng chó sủa, lợn kêu vang vọng giữa không gian nhá nhem. Cái lạnh ngọt nhạt của mùa thu cũng bắt đầu lan tỏa, đã rất lâu rồi tôi mới lại cảm nhận được cái “mùi” của khí núi, hương rừng mà trước đây đã thoáng gặp đâu đó khi đến miền núi cao.
Cụ già dân tộc Nùng mang vải tràm tự làm thủ công ra phơi nắng.
Tình người qua những ngôi nhà
Cũng như bao hộ dân khác trên địa bàn, gian giữa được xem là vị trí quan trọng nhất trong ngôi nhà của người Nùng và được chọn làm nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Tùy theo thiết kế có nhà làm buồng riêng hoặc vách ngăn nhưng thông thường ở Bắc Hoa nhà không có vách ngăn mà chỉ được phân chia bằng một tấm mành bằng vải.
Kết cấu được xem là có giá trị nhất của ngôi nhà nằm ở bộ khung với các cột gỗ lim, vì kèo dựng bên trong khá vững chãi. Đồ đạc trong nhà ông Sắt không có gì đáng kể ngoài 1 bàn uống nước, 2 chiếc giường và chiếc ti vi đã cũ. Bữa tối được bày ra trong căn nhà nhỏ thật ấm cúng, chủ nhà rót chén rượu men lá dậy mùi thơm nồng.
Vừa cạn chén, ông Sắt kể: Người Nùng trong bản sống quây quần gần nhau, nhà nọ sang nhà kia chỉ ngăn bằng một hàng cây hay rãnh nước. Cũng có một vài hộ trẻ mới ra ở riêng, họ định cư tách xa hẳn trên một quả đồi rộng phía sâu trong núi. Bà con sống đoàn kết và rất biết đùm bọc, san sẻ khó khăn với nhau.
Năm 18 tuổi, chàng thanh niên Sắt xây dựng gia đình với cô gái dân tộc Nùng đẹp người đẹp nết nhất vùng đất vải. Ông xin phép bố mẹ cho ra ở riêng và tạo dựng cuộc sống mới. Rồi người đàn ông ấy cũng hăm hở tự mình đi tìm một khoảnh đất trên đồi cao cho vừa mắt để cắm đất dựng nhà. Như nhiều dân tộc khác, sau khi mùa màng thu hoạch xong, lúa, ngô chất đầy nhà, ông Sắt chọn ngày đẹp và nhờ thầy cúng làm lễ động thổ cất nhà mới. Thời điểm làm nhà trình tường thường diễn ra từ tháng 8 đến hết tháng 12, vì khi đó thời tiết hanh khô, ít mưa và cũng là lúc nông nhàn, mùa màng thu hoạch xong, mọi người có thể dễ dàng hỗ trợ nhau.
Ở bản Bắc Hoa, hễ gia đình nào làm nhà thì anh em, họ hàng, láng giềng xúm vào giúp đỡ. Mỗi người một chân một tay, đàn ông thì đào đất, trình tường, dựng cột, lợp mái, còn phụ nữ thì lo chuyện cơm nước, dọn dẹp vòng ngoài. Việc giúp đỡ này hoàn toàn là tình nghĩa theo kiểu “chị trước em sau”, tất cả đều có đi có lại và gia chủ không phải trả tiền công.
Hàng thổ cẩm ở chợ.
Nói về kiến trúc trình tường, ông Sắt bảo: Từ xưa đến nay cuộc sống bà con bản địa còn khó khăn lắm, ít nhà có điều kiện xây cất những ngôi nhà lớn hiện đại, hơn nữa đồng bào cũng quen ở nhà trình đất. Nhà tường trình có ưu điểm ấm về mùa đông, mát mẻ về mùa hè nhưng nhược điểm là trời mưa nhiều thì ẩm thấp. Vì thế, đồng bào nơi đây thường chọn nơi cao ráo để xây dựng, gian bếp được thiết kế ngay hông nhà để giảm bớt độ ẩm khi thời tiết mưa nhiều.
Làm nhà tường đất cũng không quá cầu kỳ, tốn kém, nhà nào khá giả thì dựng thêm bộ khung bằng gỗ lim, gỗ táu còn không thì dùng gỗ tạp cũng có thể bền vững. Vật liệu làm nhà có tại chỗ, chỉ cần đào những chỗ đất thịt có pha chút sỏi cơm, cho thêm ít nước tạo ẩm để tạo độ kết dính cao. Đồng bào đổ đất vào khuôn gỗ rồi sử dụng chày gỗ lèn thật chặt sao cho nhựa đất kết chặt vào nhau, tháo khuôn ra sẽ tạo thành bức tường khỏe và chắc chắn.
Thường thì tường nhà dày khoảng 40cm, cũng có nhà dày 50cm, cao 2-3m. Mỗi ngôi nhà có từ 2 đến 4 ô cửa nhỏ để thông gió và lấy ánh sáng. Thời gian để hoàn thành mỗi công trình kéo dài từ 2 đến 3 tháng với sự góp sức tích cực của cả cộng đồng.
Sau bữa tối bên những ly rượu men lá mềm môi, cũng là lúc trời đã vào khuya, chúng tôi ngả lưng xuống chiếc giường đã cũ trong căn nhà đất. Tuy có hơi “lạ nhà” nhưng mọi người nhanh chóng vào sâu giấc. Mới tờ mờ sáng, ngoài trời còn u ám hơi sương, tôi bị đánh thức bởi tiếng vó ngựa đạp cộc cộc xuống nền đất. Chủ nhà cũng đã tỉnh giác từ hồi nào để chuẩn bị bữa sáng.
Chúng tôi chia tay Bắc Hoa khi mặt trời đã lên cao, vợ chồng ông Vi Văn Sắt tiễn khách với nụ cười và những cái bắt tay thật chặt. Trong tôi bỗng gợn lên một suy nghĩ chưa thể lý giải nổi, phải chăng vì đã quen hay tại nghèo khó mà đồng bào vẫn ở nhà trình tường suốt bao năm qua. Biết đâu, một ngày nào đó, khi cuộc sống khấm khá hơn, họ sẽ phá bỏ nhà đất để xây nhà bê tông?
Thực lòng thì tôi vẫn mong rằng, bằng cách nào đó, bà con nơi đây có thể bảo tồn những kiến trúc độc đáo ấy làm kỷ niệm cho mai sau. Và tôi cũng nhận ra trong đôi mắt ông Sắt ánh lên một niềm tin về một tương lai tươi sáng khi du lịch cộng đồng Bắc Hoa phát triển và khi ấy gia đình ông sẽ tiên phong đi đầu.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, Chu Văn Then: Mấy năm gần đây, đời sống người dân bản địa khấm khá hơn nhiều, để cải thiện cuộc sống, nơi ở một số hộ cũng đã cải tạo, xây mới nhà ở và nếu không có giải pháp bảo tồn có lẽ chẳng bao lâu những ngôi nhà đất một thời gắn bó với người Nùng sẽ chỉ còn trong hoài niệm. Nhiều đoàn khách du lịch tự phát từ vài người đến vài chục người đã đến khám phá vẻ đẹp văn hóa, thiên nhiên tại Bắc Hoa.
Hy vọng một ngày không xa, Bắc Hoa sẽ có tên trong bản đồ du lịch của Việt Nam, nhất là du lịch cộng đồng, sinh thái. Và chắc chắn một điều, tiềm năng, thế mạnh du lịch ở Bắc Hoa là rất lớn, bởi Tân Sơn không chỉ có Bắc Hoa mà có hồ Cấm Sơn đang chờ đánh thức và khơi dậy.
Phát triển cây chè gắn với du lịch
Phát triển cây chè gắn với du lịch nhằm nâng cao đời sống người dân các vùng trồng chè, đồng thời quảng bá sản phẩm chè Phú Thọ đến với du khách đang được các địa phương nỗ lực triển khai.
Phú Thọ phát triển cây chè gắn với du lịch. Ảnh minh họa: Vũ Sinh - TTXVN
Nhờ quá trình sản xuất, phát triển cây chè, nhiều đồi chè trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã tạo nên cảnh quan tự nhiên, xanh mát và trở thành điểm đến hấp dẫn của khách trong và ngoài nước. Phát triển cây chè gắn với du lịch nhằm nâng cao đời sống người dân các vùng trồng chè, đồng thời quảng bá sản phẩm chè Phú Thọ đến với du khách đang được các địa phương nỗ lực triển khai.
Với nét đẹp độc đáo, ấn tượng, đồi chè Long Cốc huyện Tân Sơn, Phú Thọ được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Với hàng trăm quả đồi lớn nhỏ, nằm liền kề nhau như những ốc đảo, đồi chè Long Cốc được ví như là "vịnh Hạ Long vùng Trung du". Từ trên đồi chè nhìn xuống, bản làng người Mường thuộc xã Long Cốc nằm gọn trong thung lũng, lúc ẩn, lúc hiện trong sương mây.
Vào thời điểm giao mùa cuối thu đầu đông, vùng đồi chè Long Cốc được bao phủ sương mù huyền ảo. Vẻ đẹp này đã thu hút đông đảo du khách khắp trong và ngoài nước đến tham quan, chụp hình. Du khách đến đây không chỉ tham quan, chụp hình mà còn được trải nghiệm tự tay hái những búp chè tươi xanh nhờ sự chỉ dẫn của những công nhân, người trồng chè nơi đây.
Anh Cao Xuân Tùng hiện đang sinh sống tại Hà Nội chia sẻ, qua những bức ảnh đồi chè Long Cốc trên báo chí, mạng xã hội, cùng với đam mê chụp ảnh tôi đã quyết định cùng đồng nghiệp về "săn ảnh sương mây " tại đồi chè Long Cốc. Khoảnh khắc hoàng hôn và bình minh trên đồi chè thực sự gây ấn tượng. Hoàng hôn dần buông trên những đồi chè lúp xúp, giữa thoang thoảng hương chè non, không gian núi rừng mát mẻ, thanh sạch, thực sự là một điểm đến thú vị với những trải nghiệm hấp dẫn.
Anh Hà Văn Luận, chủ homestay Tony Luận, dân tộc Mường, khu Bông 1 xã Long Cốc cho biết, những ngày cuối thu, đầu đông như hiện nay, đồi chè Long Cốc đón rất nhiều du khách đến tham quan chụp ảnh. Nắm bắt được nhu cầu của du khách nên anh và một số hộ đã mở homestay để đáp ứng nhu cầu này.
Không chỉ làm dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi với quy mô khoảng hai chục khách, anh Hà Văn Luận còn tìm hiểu về nhiếp ảnh, những thời điểm, góc chụp đẹp để làm "hướng dẫn viên" cho những người lần đầu đến Long Cốc. Anh Luận chia sẻ, với những món ăn đặc trưng, khu nghỉ ngơi mang đậm nét văn hóa dân tộc và nhiều hoạt động khác như liên kết với các hộ sản xuất chè để du khách có thêm các hoạt động trải nghiệm, dần dần homestay Tony Luận do anh làm chủ đã thu hút được nhiều khách đến nghỉ dưỡng vào dịp cuối tuần.
Theo lãnh đạo xã Long Cốc, toàn xã có 692 ha chè; trong đó 657 ha chè đang cho thu hoạch với năng suất 14,25 tấn/ha. Long Cốc là một trong những xã có diện tích trồng chè nhiều nhất của huyện miền núi Tân Sơn, mỗi năm cho sản lượng trên 3.000 tấn chè búp tươi. Với nguồn nguyên liệu này, Long Cốc cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn chè khô/năm, đem lại nguồn thu không nhỏ cho địa phương. Toàn bộ diện tích chè Long Cốc được trồng và chăm sóc theo quy trình sản xuất chè an toàn VietGAP.
Mỗi sản phẩm chè trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường đều được đóng gói theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có tem nhãn hàng và tem điện tử truy xuất nguồn gốc. Cây chè giờ đây đã mang lại đời sống tốt hơn cho người dân vùng núi Long Cốc, người lao động khi sản xuất và chế biến chè mỗi tháng có thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã là 201/830 hộ, chiếm 24,21%, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 8,22%.
Theo ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ, ngoài đồi chè xã Long Cốc (huyện Tân Sơn) được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam, hiện trên địa bàn tỉnh còn có nhiều đồi chè khác có vẻ đẹp độc đáo, ấn tượng như đồi chè xã Địch Quả (huyện Thanh Sơn), đồi chè tại huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê và Đoan Hùng...
Để khai thác tốt thương hiệu chè phục vụ cho du lịch, sở đang cùng các địa phương kiểm soát chất lượng sản phẩm đảm bảo để cung cấp cho thị trường; trong đó có thị trường du lịch. Tỉnh vận động các doanh nghiệp kinh doanh chè đầu tư xây dựng các điểm tham quan chuỗi liên kết hoạt động trồng chè, nhà máy sản xuất, phòng trưng bày, thưởng thức và mua sản phẩm; mở rộng hệ thống bán, giới thiệu sản phẩm uy tín ở các khu du lịch như Thanh Thủy, Việt Trì... nhằm đáp ứng, kích thích nhu cầu đối với du khách.
Tỉnh Phú Thọ cũng đang tập trung xây dựng thương hiệu "Chè Phú Thọ" để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của ngành chè; đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm, xây dựng các kênh tiêu thụ và tổ chức quảng bá xúc tiến thương mại; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người trồng chè, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè.
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết, để đưa cây chè Phú Thọ phát triển gắn với du lịch, ngành đang tập trung thực hiện hai mục tiêu đó là tăng cường quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm chè đến với người dân và khách du lịch; đồng thời đầu tư cơ sở dịch vụ, du lịch gắn với chè.
Cùng với đó ngành du lịch tỉnh cũng đã khảo sát và giới thiệu các tour, tuyến du lịch gắn với vùng chè để phục vụ khách thăm quan. Các đồi chè xã Long Cốc, Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn), Địch Quả (huyện Thanh Sơn) sẽ là điểm dừng chân thăm quan trong tour du lịch liên kết với Vườn Quốc gia Xuân Sơn (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn).
Thông qua các hội chợ triển lãm khu vực, ngành du lịch tỉnh sẽ tăng cường quảng bá rộng rãi sản phẩm chè Phú Thọ. Hiện tại ngành du lịch tỉnh đang giới thiệu khách tham quan khám phá vẻ đẹp tự nhiên, nguyên sơ, để kích thích thị trường du lịch, mời gọi đầu tư, tiến tới xây dựng các công trình du lịch nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ, hướng tới mục đích lâu dài./.
3 homestay cho chuyến săn tam giác mạch Hà Giang Để tiếp thêm năng lượng cho hành trình khám phá Hà Giang và trải nghiệm cuộc sống đậm đà bản sắc nơi núi cao, bạn có thể chọn nghỉ tại các điểm dừng chân này. Tháng 10 đến tháng 12, hoa tam giác mạch nở rộ với sắc tím hồng trải dài khắp các cung đường, Hà Giang đón những đoàn khách phương...