Lập Hội thích uống bia, uống rượu thì không phải đăng ký
Những người thành lập Hội đồng hương, Hội đồng ngũ, Hội cựu học sinh, Hội thích uống bia – uống rượu… không phải đăng ký theo quy định của luật nhưng có thể phải thông báo bằng văn bản tới UBND cấp xã, nơi có địa chỉ liên lạc về việc thành lập hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định (Ảnh: Quochoi.vn).
Sáng nay 22/9, báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật về hội tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết: “Hội do công dân Việt Nam thành lập nhằm mục đích gặp gỡ, giao lưu không phải đăng ký theo quy định của luật này”.
Qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị luật cần quy định rõ về loại hội không đăng ký để vừa bảo đảm tôn trọng và cụ thể hóa quyền lập hội của công dân, vừa bảo đảm quản lý nhà nước đối với loại hội này. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật về hội đã chỉnh lý có một chương riêng quy định về hội không đăng ký.
Theo đó, các hội này phải thông báo bằng văn bản với UBND cấp xã nơi có địa chỉ liên lạc về việc thành lập hội, người đại diện theo ủy quyền của các hội viên và khi có sự thay đổi người đại diện hoặc trước khi chấm dứt hoạt động; báo cáo hoạt động hội khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu.
Ông Nguyễn Khắc Định lấy ví dụ về các Hội đồng hương, Hội đồng ngũ, Hội cựu học sinh, Hội yêu hoa, Hội thích uống bia, thích uống rượu,… đang hoạt động trên khắp cả nước và nhiều khi thành viên của hội chỉ có 3-5 người.
“Thực tế hiện nay chúng ta cũng là thành viên của nhiều hội như thế này, không hạn chế được. Đó là quyền của mỗi công dân”- ông Định nói.
Đối với hội phải đăng ký, dự thảo luật quy định hội được thành lập khi có đủ các điều kiện như: Tên của hội theo quy định; tôn chỉ, mục đích của hội phù hợp với quy định của pháp luật; phạm vi, lĩnh vực hoạt động của hội được xác định rõ theo ngành, nghề, lĩnh vực quản lý nhà nước; có trụ sở đặt tại Việt Nam và có từ 3 sáng lập viên trở lên…
Video đang HOT
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội hoạt động trong phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh. Chủ tịch UBND cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội hoạt động trong phạm vi địa phương. Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thể ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội hoạt động trong phạm vi địa phương.
Ngoài ra, dự thảo luật đề nghị không áp dụng đối với: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam.
Ủng hộ những lập luận, giải trình về dự thảo luật nhưng bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp băn khoăn về việc định nghĩa hội đăng ký, hội không đăng ký. “Hội không đăng ký là gì? Hội đăng ký là gì?. Điều này cần cân nhắc, có thể tập trung hội có đăng ký thì quản lý, còn hội không đăng ký thì cân nhắc, chứ còn hi vọng quản hết và quy định vào trong này thì sẽ khó”- bà Nga nói.
Chung quan điểm, bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Hiến pháp quy định công dân có quyền lập hội theo quy định của pháp luật. Luật này quy định về quyền lập hội của công dân, khi lập thì được công nhận, nếu không theo quy định của luật thì không được công nhận. “Nếu quy định hội không đăng ký thì phải giải mã dứt khoát hội nào phải đăng ký, hội nào không đăng ký, có ràng buộc rõ ràng vào dự thảo luật”- bà Thúy Anh bày tỏ.
Giải thích thêm, ông Nguyễn Khắc Định cho rằng ban đầu dự thảo luật không đưa nhóm hội không phải đăng ký vào, tuy nhiên sau đó có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội nói rằng đây là hình thức hội tự nguyện, nếu không điều chỉnh trong luật này thì không ổn.
“Phải đưa loại hội không đăng ký này vào, ghi vào luật để họ tuân theo nguyên tắc tự chủ, tự trang trải, tự chịu trách nhiệm và có hình thức thông báo với cấp xã khi ra đời; nếu vi phạm pháp luật thì cả hệ thống pháp luật xử lý”- ông Định nói.
Cứ mỗi Thứ trưởng về hưu lại thành lập một hội
Ông Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo luật cấm cán bộ công chức tham gia điều hành lãnh đạo hội có đăng ký và chỉ được thực hiện quyền này khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân công.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: “Nhiều đồng chí chuẩn bị nghỉ hưu thì xin thành lập Ban vận động thành lập Hội. Chuyện này rất nhiều nên trong dự thảo Luật về hội, chúng tôi đề nghị đối với cán bộ công chức lãnh đạo từ cấp vụ trở lên, sau 5 năm nghỉ hưu mới được tham gia thành lập, sáng lập, ban lãnh đạo của hội”.
Theo ông Tuấn, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua cũng có nhiều ý kiến đề nghị làm rõ việc cán bộ công chức tham gia quyền lập hội để tránh “vừa đá bóng vừa thổi còi”, lợi dụng ảnh hưởng trong lĩnh vực mình tham gia phụ trách để mang lại lợi ích cá nhân, vụ lợi và khắc phục thực trạng cứ chuẩn bị nghỉ hưu thì làm chủ tịch các hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu thực tế: “Có nhiều ông Thứ trưởng cứ về hưu là thành một hội, rồi xin nhà, xin xe, xin ngân sách, thậm chí xin biên chế nữa. Vừa rồi biết sắp ra đời Luật về hội này, có một số Bộ trưởng gặp tôi, nói lo lắm bởi ở bộ của họ đã có một số Hội rồi, mà Hội nào cũng ra đời chính đáng, cứ đeo bám xin tiền, xin chỗ làm việc, xin xe thì rất là mệt. Tôi nói cứ yên tâm, ra đời luật thì phải có nguyên tắc hoạt động rất rõ ràng”.
Bà Ngân nói mình từng làm Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nên biết rất rõ chuyện “cứ mỗi Thứ trưởng về hưu là có một Hội ra đời”. “Thực ra các hội này hoạt động rất tốt, huy động nguồn lực xã hội hoạt động tốt, nhưng quá nhiều thành ra việc đi vận động doanh nghiệp, vận động tài trợ cũng khiến doanh nghiệp than vãn. Ra đời luật này để quy định nguyên tắc, chính sách, quyền nghĩa vụ, điều cấm để chúng ta quản lý nhà nước”- bà Ngân nêu rõ và đề nghị không nên trì hoãn việc trình ra Quốc hội luật này.
Thế Kha
Theo Dantri
Cộp dấu "mật" vào báo cáo là hạn chế quyền của dân
"Hoạt động truy tố, xét xử tội phạm thực hiện công khai, sao báo cáo về việc này lại đóng dấu mật? Việc đóng dấu mật là hạn chế quyền tiếp cận của người dân để có thể đánh giá tiền nhà nước đầu tư cho hoạt động tư pháp có xứng đáng" - Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nói.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, báo cáo có 10 nội dung, 9 nội dung không "mật", chỉ vì 1 nội dung chưa thể công khai mà công khai cộp dấu mật toàn bộ báo cáo là không hợp lý.
Sáng 21/9, tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội, nghe báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, công tác thi hành án và vi phạm pháp luật và công tác phòng chống tham nhũng xong, trước khi trực tiếp trình bày báo cáo thẩm tra của mình, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga dành thời gian nói về việc các báo cáo này, theo thông lệ, vẫn được cộp... dấu mật.
Trừ báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng, theo người chủ trì thẩm tra, vì các báo cáo trình được dán nhãn "mật" nên các báo cáo thẩm tra cũng không thể không đóng dấu mật.
Chủ nhiệm UB Tư pháp cho biết, đã nhiều kỳ họp Quốc hội, các đại biểu có ý kiến và cử tri chất vấn tại sao truy tố, xét xử thi hành án... diễn ra công khai nhưng các báo cáo tổng kết về hoạt động công khai này lại đóng dấu mật?
"Việc đóng dấu mật là hạn chế quyền tiếp cận của người dân về hoạt động này, một hoạt động liên quan rất nhiều đến quyền công dân và đỉnh cao là quyền sống của con người, từ đó, người dân rất khó đánh giá tiền nhà nước đầu tư cho hoạt động tư pháp có xứng đáng không" - bà Nga góp ý.
Trước UB Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UB Tư pháp chính thức đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp tách các nội dung, số liệu chưa thể thông tin ra khỏi báo cáo chung lĩnh vực công tác, để "giải mật cho những nội dung không cần thiết phải... cộp dấu mật".
"Không thể để trong 10 nội dung, có 9 nội dung không mật mà nhiều năm liền cứ công khai đóng dấu mật cả báo cáo" - bà Nga nhấn mạnh.
Trước đó, báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm, công tác thi hành án và vi phạm pháp luật do đại diện Bộ Công an trình bày khái quát, hầu hết các loại tội phạm đều giảm trong năm qua. Trong đó tội phạm xã hội giảm trên 3%, tội phạm kinh tế và tham nhũng giảm tới gần 20%, tội phạm môi trường cũng giảm cả về số vụ và số đối tượng.
Dù vậy, trong mỗi lĩnh vực đều ghi nhận hiện tượng diễn biến phức tạp. Tội phạm có tổ chức, hoạt động xã hội đen, đâm thuê chém mướn có dấu hiệu phức tạp trở lại, nhiều vụ án vị thành niên, thanh niên giết người chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội. An toàn, an ninh mạng bị xâm phạm nghiêm trọng.
Tội phạm môi trường thì chỉ một vụ việc xả thải không qua xử lý cũng gây sóng gió, ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Báo cáo nhắc lại sự cố ô nhiễm biển miền Trung do do Cty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra...
P.Thảo
Theo Dantri
Bộ trưởng không dám hứa giải quyết hết việc bồi thường người oan sai Dẫn lại một loạt những vụ án oan "dậy sóng" dư luận thời gian qua như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Trần Ngọc Thêm... Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga bức xúc: "Người dân bị tù mấy chục năm, làm sao chứng minh thiệt hại để đòi bồi thường!"... Sáng 20/9, UB Thường vụ Quốc hội...