Lập hạm đội dân quân – chiêu mới của Trung Quốc ở Biển Đông
Trung Quốc đang xây dựng hạm đội tàu cá mới trên Biển Đông nhằm phục vụ cho lực lượng dân quân biển, động thái có thể đẩy căng thẳng khu vực leo thang.
Hàng chục nghìn tàu cá Trung Quốc ra Biển Đông hôm 1/8, sau khi lệnh cấm đánh bắt nước này đơn phương đưa ra hết hiệu lực. Ảnh: Hinews
Lực lượng dân quân biển – một trong những ẩn số về sức mạnh trên đại dương của Trung Quốc – thực tế sử dụng tàu cá dân sự trong nhiều nhiệm vụ như giải cứu các tàu mắc cạn hay thậm chí hỗ trợ đổ bộ lên các vùng đảo tranh chấp. Dù nhiều ý kiến trong nội bộ Trung Quốc từ lâu yêu cầu đưa dân quân biển vào hoạt động chính thức, nhưng đây là lần đầu tiên lực lượng này có một hạm đội tàu cá riêng, tăng cường sức mạnh đáng kể cho nhà sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ cá lớn nhất thế giới.
Video đang HOT
Trong cuộc hội thảo về sức mạnh hải quân Trung Quốc, Zhang Hongzhou, nghiên cứu viên của trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, Singapore trình bày “dường như Trung Quốc đang xây dựng hạm đội tàu đánh cá quốc doanh nhằm phục vụ lực lượng dân quân trên Biển Đông”.
Vai trò quan trọng của dân quân biển Trung Quốc trong hoạt động đánh bắt cá không quá mới. Từ năm 2013, trong một chuyến thăm làng chài ở tỉnh Hải Nam, Chủ tịch Tập Cận Bình nói với dân quân ở đây rằng họ không nên chỉ dẫn đầu việc đánh cá mà còn cần thu tập thông tin và hỗ trợ xây dựng các đảo, rạn san hô vì lợi ích của Trung Quốc trên biển Đông. Bài phát biểu của Tập Cập Bình đã tạo đà cho sự phát triển lực lượng dân quân biển, nhiều thành phố ven biển thành lập những đơn vị dân quân mới, kêu gọi nguồn lực, tài nguyên cung cấp cho hoạt động đào tạo người đánh cá và xây dựng tàu mới.
Tuy nhiên động thái xây dựng hạm đội tàu cá quốc doanh cho dân quân trên biển Đông là “một hiện tượng mới”, Zhang nói. Khi có hạm đội riêng, họ sẽ hoạt động mà không phải phụ thuộc vào việc thuê tàu cá của ngư dân hay các công ty khác.
Theo quan điểm của Zhang, sự thay đổi này của chính phủ Trung Quốc phản ánh sự bất lực của Bắc Kinh trong công tác quản lý ngư dân. Sau một loạt vấn đề gồm khiếu nại về mức chi trả thấp khi thực thi chính sách của chính phủ, chính quyền trung ương quyết định tăng cường kiểm soát và định hướng lại hoạt động của họ. “Họ không thể quản lý ngư dân”, Zhang nói.
Ông cũng không hề hoài nghi việc Trung Quốc sử dụng hạm đội tàu cá mới này để củng cố vị trí của mình ở Trường Sa. Theo nghiên cứu, có hơn 1,8 triệu tấn tài nguyên hải sản trong vùng biển gần quần đảo với số lượng khai thác hàng năm có thể có thể lên đến 500.000 đến 600.000 tấn.
“Hạm đội tàu cá tất nhiên sẽ được triển khai ở Trường Sa”, ông phân tích.
Tuy nhiên Zhang cũng cảnh báo việc tăng cường sử dụng lực lượng dân quân biển có thể gây leo thang tranh chấp trong khu vực và làm phá hoại quyền lợi của chính Trung Quốc. Zhang cho rằng dân quân biển có thể lợi dụng “vỏ bọc” lòng yêu nước để tiến hành các hành động bất hợp pháp gồm khai thác trộm san hô, rùa biển và các loài quý hiếm khác, điều này có thể ảnh hưởng đến hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế. Họ cũng có thể hoạt động trên vùng biển tranh chấp, làm leo thang căng thẳng với các quốc gia láng giềng.
“Điều này thực tế có thể gây ảnh hướng đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc và phá hoại mối quan hệ với các nước láng giềng”, Zhang kết luận.
Việc Trung Quốc sẽ giải quyết những rủi trước mắt này như thế nào vẫn còn là ẩn số, khi chi tiết về số lượng và thời gian phát triển của hạm đội mới này vẫn chưa rõ ràng. Tỉnh Hải Nam đã ra lệnh xây dựng với 84 tàu dân quân biển cho cái gọi là “thành phố Tam Sa”. 10 tàu cá sẽ được giao trong năm 2015. Hiện tại, hạm đội chỉ có 4 tàu. Ông Zhang cho rằng sẽ phải mất vài năm để hoàn thiện cả hạm đội.
Tuấn Vũ
Theo The Diplomat